Vay tiền tiết kiệm của mẹ, cô gái 32 tuổi xây dựng công ty thời trang trị giá hàng triệu USD

Rachel Lim – đồng sáng lập và CEO Love, Bonito từng được vinh danh trong Top 30 under 30 năm 2016 của Forbes châu Á. Khi quyết định nghỉ học để xây dựng công ty, Lim ở trong tình cảnh không một xu dính túi và phải vay tiền tiết kiệm của mẹ.

Bắt tay vào xây dựng một doanh nghiệp là một hành trình đầy rủi ro đối với rất nhiều người. Nhưng khi Rachel Lim bắt đầu quá trình khởi nghiệp của mình, cô dường như không còn gì để mất. Lý do đơn giản là tương lai tất cả số tiền dành dụm cả đời của mẹ cô phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ thành công của doanh nghiệp mà cô đang sở hữu.

Lim, khi mới 21 tuổi, phải đối mặt với một khoản nợ lên tới hơn 10.000 USD sau khi cô quyết định gác lại việc học để theo đuổi ước mơ của mình. Hai bàn tay trắng, cô buộc phải tìm đến người duy nhất mà cô tin tưởng.

“Tôi đi học theo chương trình hỗ trợ học phí từ chính phủ, do dó, tôi phải hoàn trả khoản tiền học cho họ khi quyết định dừng việc học để bắt đầu xây dựng công ty”, cô chia sẻ với CNBC Make it.

“Tôi lúc đó chẳng có một xu dính túi. Tôi không còn có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến sự trợ giúp từ mẹ của mình, hỏi xem bà ấy có thể cho tôi vay một khoản được không?”.

Gia đình của Lim cũng không mấy khá giả. Mẹ của cô phải làm cùng một lúc 2 công việc để kiếm tiền trợ giúp gia đình, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 1997 đã “nhấn chìm” công ty của cha cô. Tuy nhiên, Lim cho biết đó là áp lực cần thiết để cô luôn phấn đấu hết mình nhằm đảm bảo công ty phải thành công.

“Đó là một trong những lý do tại sao tôi luôn ý thức được rằng mình không được phép thất bại. Tôi không muốn làm bà thất vọng”, Lim cho biết.

Rachel Lim và mẹ cô ở Singapore. Ảnh: Love, Bonito)

Lim là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Love, Bonito, một thương hiệu thời trang nữ được thiết kế đặc biệt cho các khách hàng châu Á. Các sản phẩm của công ty ngày nay đã giúp làm đẹp cho rất nhiều phụ nữ và xuất hiện trong những cửa hàng tại Hong Kong (Trung Quốc), Australia và Mỹ.

Nhưng khi cô bắt đầu khởi nghiệp với 2 người bạn của mình - Viola và Velda Tan, thành công như thời điểm hiện tại là điều họ chưa từng “mơ” tới.

“Những người bạn của tôi và tôi - lúc đó vẫn đang học trung học - nghĩ rằng mình phải là cách nào đó để kiếm thêm thu nhập”, Lim nhớ lại.

“Chúng tôi nghĩ rằng: Tại sao chúng ta không mang những bộ quần áo cũ của mình bán trên mạng? Những bộ đồ mà chúng tôi chỉ mặc một đến hai lần xong bỏ đó”, cô cho biết.

Năm 2005, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến bắt đầu nhen nhóm tại khu vực Đông Nam Á, nhưng tốc độ phát triển của lĩnh vực này rất ấn tượng khi người dân có thể dễ dàng tiếp cận được với các thành tựu công nghệ hơn.

“Người dân từ Malaysia, Indonesia, Hong Kong có thể biết đến chúng tôi vì họ có thể tình cờ nhìn thấy blog hoặc website của chúng tôi. Đó cũng là thời điểm mà chúng tôi nhận ra rằng mình có thể tiếp cận với nhiều người hơn, chỉ thông qua một cái click chuột”, Lim nói.

Khi những cô gái trẻ bán hết số quần áo không dùng đến của mình, họ đã quyết định chơi một ván bài lớn: Sử dụng hết 300 USD tiền tiết kiệm để ra nước ngoài nhập thêm nhiều quần áo.

Hành động đó chính là những bước chân đầu tiên trong quá trình biến một trang blog chuyên bán quần áo cũ trở thành một trang web bán hàng thời trang chuyên nghiệp.

Nhưng đối với Lim, cô vẫn có gì đó chưa được bằng lòng.

“Khi chúng tôi nhập quần áo để bán, luôn có một điều gì đó mà tôi muốn thay đổi”, cô cho biết. “Nhiều thương hiệu quốc tế chú trọng phục vụ khách hàng từ châu Âu, châu Mỹ, những người có thể trạng cơ thể, màu da, sở thích, và thậm chí là sống ở những vùng khí hậu khác nhau”.

Rachel Lim, Viola Tan và Velda Tan (trái sang phải). Ảnh: Love, Bonito)

Băn khoăn đó chính là khởi nguồn cho ý tưởng của những nhà sáng lập trẻ: Tạo ra một dòng thời trang chuyên phục vụ các khách hàng châu Á, với kích cỡ nhỏ hơn và những đường cắt cũng ít táo bạo hơn.

Do đó, họ đã thay đổi diện mạo thương hiệu của mình thông qua việc đổi tên công ty thành Love, Bonito và sáng tạo ra các thiết kế riêng hướng tới sự phù hợp với vóc người phụ nữ châu Á.

Để có thể hiện thực hóa được tham vọng của mình, những doanh nhân nữ trẻ tuổi hoàn toàn ý thức được những thứ mà bản thân phải chấp nhận đánh đổi.

Vào năm 2009, khi chỉ còn 8 tháng nữa là Lim sẽ kết thúc chương trình đại học, cô đã quyết định  bỏ học để tập trung phát triển công ty. Cô nhận được sự giúp sức từ Viola, trong khi Velda gia nhập công ty sau khi cô kết thúc chương trình học của mình.

“Tôi bị mắc kẹt giữa công việc và chuyện học hành, và tôi không thể làm tốt được cả hai. Tôi nhận ra rằng mình chỉ có thể tập trung cho một việc mà thôi”, Lim cho biết.

“Mẹ tôi đã rất lo lắng vì hình thức bán hàng trực tuyến chỉ mới nhen nhóm tại thời điểm đó. Bà cũng e ngại rằng hình thức bán hàng này là vi phạm pháp luật và các cơ quan chức năng sẽ “sờ gáy” chúng tôi”, cô nhớ lại.

“Nhưng cuối cùng thì bà quyết định đặt hoàn toàn niềm tin vào tôi”.

Đó là một “canh bạc” đánh dấu sự khởi đầu của Love, Bonito, và cũng là khởi nguồn cho thành công của công ty như ngày hôm nay.

Trong những năm sau đó, Lim và các cộng sự của mình rất quyết tâm theo đuổi tham vọng xây dựng ra một thương hiệu thời trang mà các khách hàng châu Á có thể dễ dàng tiếp cận.

Điều đó bao gồm việc công ty phải thuê một đội ngũ thiết kế riêng để có thể đảm nhiệm 100% quá trình sáng tạo sản phẩm, từ tìm kiếm, chọn vải sau đó phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm đó vào sản xuất đại trà.

Năm 2013, Velda đã nói lời chia tay với Love, Bonito, nhưng Viola vẫn gắn bó với công ty cho đến tận ngày hôm nay với tư cách là một thành viên trong ban quản trị.

Lim cũng đã nhanh chóng trở thành người đại diện cho thương hiệu mình nắm giữ và lọt vào danh sách những doanh nhân nữ tiêu biểu nhất tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2016, khi cô 28 tuổi, cô đã được xướng tên trong danh sách 30 nhân vật dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng nhất châu Á. Tháng 1/2020, cô vinh dự được gặp mặt thủ tướng Lý Hiển Long để thảo luận về làn sóng khởi nghiệp tại quốc đảo này.

Gail Wong, một nhà đầu tư, đã chia sẻ với CNBC Make It rằng Lim chính là tấm gương truyền cảm hứng cho rất nhiều doanh nhân nữ khác.

“Rachel khởi nghiệp khi cô ấy còn rất trẻ. Cô ấy thậm chí còn không có bằng đại học thuộc Ivy League, nhưng cô ấy đã làm được”, Wong cho biết.

“Đó là một điểm thú vị mà tôi nhìn thấy được từ một vài nhà sáng lập nữ. Có thứ gì đó lớn hơn cả tham vọng cá nhân của họ”.

Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận được trên 10 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó bao gồm nhà bán lẻ trực tuyến Nhật bản Kakaku.com, nhằm mục đích mở rộng hệ thống cửa hàng của mình.

Nhưng Lim cho biết thành công lớn nhất của mình là việc cô đã chứng minh cho mẹ thấy rằng “canh bạc” của bà đã hoàn toàn thắng lợi.

“Tôi trả tiền cho bà ấy mỗi khi tôi kiếm được chút đỉnh. Ưu tiên số một của tôi là mẹ tôi không phải làm 2, 3 công việc cùng một lúc, hoặc không phải vất vả làm việc trong nhiều giờ liền”, cô chia sẻ.

Theo NDH

 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vay-tien-tiet-kiem-cua-me-co-gai-32-tuoi-xay-dung-cong-ty-thoi-trang-tri-gia-hang-trieu-usd-a129047.html