Covid-19 có thể lây lan diện rộng theo cấp số nhân: từ một người lây cho ba người, thành chín người, rồi thành 81 người và tăng lên nhanh chóng để trở thành một dịch bệnh khó kiểm soát như tại Hàn Quốc. Tại một đất nước mà tổng sản phẩm nội địa là 1.531 nghìn tỷ đôla, từ một cá nhân thiếu trách nhiệm được biết đến là "bệnh nhân 31", số người nhiễm bệnh từ 28 người vào ngày 13/2, tăng nhanh chóng thành 7.041 vào ngày 8/3. Trong 24 ngày, số người nhiễm bệnh tăng gần 300 lần và vẫn đang tiếp tục tăng ở một đất nước với nền kinh tế hùng mạnh.
Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng như thế nào ở một đất nước kém phát triển hơn như Việt Nam? Chủ tịch tổ chức Y tế Thế giới WHO, ông Tedros Adhanom, trong bài phát biểu vào ngày 5/3 đã nhận định sự đáng lo ngại cho các đất nước có tài nguyên y tế còn yếu kém.
Một cá nhân khi chưa có biểu hiện bệnh có thể truyền nhiễm cho đến 15% những người đã tiếp xúc. Lấy ví dụ chuyến bay VN0054, trong 197 hành khách, ba người có thể đã nhiễm bệnh. Từ chỉ một cá nhân, để kiểm soát bệnh dịch, chính phủ sẽ phải liên lạc đến gần 80% những người đã có tiếp xúc để có thể bảo đảm kiểm soát 90% bệnh dịch. Hy vọng 10% càng trở nên xa vời và khó khăn với một đất nước nhỏ khi một bệnh nhân trở thành hai hay ba bệnh nhân đã được xác nhận trong ngày hôm nay.
Liệu "bệnh nhân 17" của Việt Nam có biết đến những thông tin và nghiên cứu có sẵn (hoàn toàn miễn phí và dễ dàng tìm kiếm) khi quyết định không khai báo y tế cho các cơ quan chức năng? Liệu sự giáo dục của nước Anh có nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội? Mặc dù chức trách Việt Nam đã có những hành động kịp thời, khả năng lây nhiễm cao của Covid-19 vẫn là không thể phủ nhận. Mặc dù biện pháp phòng tránh bệnh dịch hiệu quả nhất chỉ là rửa tay và tỷ lệ tử vong của bệnh dịch được ước tính là 3,4%, sự vô trách nhiệm của cá nhân sẽ khiến mọi nỗ lực kiểm soát bệnh dịch của các bác sĩ và nhân viên y tế ở tiền tuyến, lực lượng công an quân đội và cán bộ Nhà nước trở nên vô nghĩa.
Sự bất tiện của một số người sẽ trả giá bằng sự bất an của toàn xã hội. Theo điều 8 Luật phòng chống truyền nhiềm được ban hành năm 2007, hành vi che giấu hoặc không khai báo kịp thời theo quy định pháp luật, trong trường hợp này là quyết định 173/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp của "bệnh nhân 17" có thể bị xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng liệu mức phạt 500 nghìn đến một triệu đồng theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quá khập khiễng với con số 400 tỷ đồng mà Hà Nội đã phải chi cho cơ sở vật chất, trang thiết bị... phòng chống dịch Covid-19?
400 tỷ đồng này và bất kỳ chi phí liên quan đến kiểm soát bệnh dịch không chỉ là trách nhiệm bắt buộc của cá nhân nữ "bệnh nhân 17" mà còn là bài học cho những người vì sự ích kỷ của bản thân mà coi thường an toàn và mạng sống của xã hội.