Lê Thị Dịu Minh - người phụ nữ giàu thứ 31 trên sàn chứng khoán: Thế hệ F2 kín tiếng của 'vua tôm' Minh Phú

Với số cổ phiếu mà Lê Thị Dịu Minh đang nắm tại Minh Phú, cô gái này cũng đứng ở vị trí thứ 31 phụ nữ giàu trên sàn chứng khoán đến thời điểm hiện tại.

Với số cổ phiếu mà Lê Thị Dịu Minh đang nắm tại Minh Phú, cô gái này cũng đứng ở vị trí thứ 31 phụ nữ giàu trên sàn chứng khoán đến thời điểm hiện tại.

Trên thương trường, có không ít doanh nhân thuộc thế hệ F2 “tuổi trẻ tài cao” được khá nhiều người biết đến như bà Trần Uyên Phương (con gái của ông Trần Quí Thanh), ông Đỗ Quang Vinh (con trai của ông Đỗ Quang Hiển), Chủ tịch ACB Trần Huy Hùng (con trai của ông Trần Mộng Hùng).

Đó là những trường hợp tên tuổi và hình ảnh của họ phủ sóng trên các phương tiện truyền thông, riêng trường hợp con gái của “vua tôm” Lê Văn Quang - quý cô Lê Thị Dịu Minh - mọi thông tin cá nhân và hình ảnh khá hạn chế.

Kín tiếng, bí ẩn nhưng có năng lực và đỡ đần cha quản Công ty

Lê Thị Dịu Minh, cô con gái cả sinh năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Minh Phú - ông Lê Văn Quang là người tham gia tích cực nhất vào hoạt động của Công ty.

Tròn 20 tuổi, Dịu Minh được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng quản trị Minh Phú và lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản khoảng 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trái ngược với những cậu ấm, cô chiêu khác, trong thời điểm đó Dịu Minh lại mạnh tay bán ra MPC khi cổ phiếu này tăng giá mạnh. Nhưng với số cổ phần nắm giữ tại Minh Phú cũng đủ để ái nữ của ông Lê Văn Quang dẫn đầu top 5 triệu phú có tài sản gia tăng nhanh nhất trong năm 2014.

Trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2014, Dịu Minh cũng đứng ở vị trí thứ 38.

Tuy nhiên, quyền lực của ái nữ 8X này còn lớn hơn bởi ngoài việc sở hữu số lượng MPC rất lớn, làm Phó Tổng giám đốc Minh Phú. Dịu Minh còn đang làm Tổng giám đốc của CTCP Đầu tư Long Phụng. Công ty này sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu MPC, tương ứng 5,97% vốn Minh Phú.

Hình ảnh hiếm hoi của quý cô Lê Thị Dịu Minh.

Tháng 3/2015, cả Minh Phú và Lê Thị Dịu Minh tiếp tục gây được sự chú ý lần nữa khi Dịu Minh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nghiên cứu Phát triển, kiêm Giám đốc Bộ phận chiến lược Nghiên cứu và Phát triển của Công ty.

Là người đóng góp nhiều nhất cho công ty Minh Phú nhưng tên tuổi của Lê Thị Dịu Minh lại kín hơn so với những người em. Nếu như Tập đoàn Minh Phú được đặt theo tên cô con gái thứ hai của ông bà: Lê Thị Minh Phú. Một công ty con khác của Minh Phú là Minh Quí - tương ứng với tên con gái thứ 3 của ông Quang.

Theo nhận xét của một số lãnh đạo Minh Phú, Dịu Minh có năng lực, ham học hỏi, giúp được không ít việc cho cha cô cũng như cả Tập đoàn.

Tuy nhiên, Dịu Minh có tiếp quản công việc của cha cô hay không, hiện khó có thể trả lời, bởi cô đã lập gia đình. Nhà chồng bà Minh cũng có công ty rất lớn, hoạt động trong lĩnh vực khác ngành thủy sản.

Trước đó, chia sẻ với báo giới về việc tìm người kế nghiệp cho công ty gia đình này, ông Quang cho hay: “Tôi chỉ chọn người có năng lực và đủ tin cậy để chuyển giao, không nhất thiết phải là người trong gia đình. Tôi vẫn đang lựa chọn người kế thừa”.

Con gái “vua tôm” mất 85 tỷ đồng trong 1 năm do lùm xùm thuế của Công ty

Dù hình ảnh không được phủ sóng và ít ai thấy được dung nhan của cô con gái cả của ông Quang nhưng Dịu Minh lại nổi danh trên thị trường chứng khoán khi nhiều năm góp mặt vào danh sách phụ nữ giàu có trên sàn.

Theo số liệu tính đến hết ngày 28/2, bà Lê Thị Dịu Minh đứng thứ 31 trong top 50 phụ nữ giàu có trên sàn chứng khoán Việt Nam. Với gần 6,5 triệu cổ phiếu MPC của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, bà Minh ghi nhận khối tài sản hơn 153 tỷ đồng.

Cổ phiếu MPC đổ đèo khi dính tới lùm xùm về thuế.

Xét trong thời gian 1 năm qua, cổ phiếu MPC của Minh Phú đã bốc hơi 45%, đồng nghĩa với khối tài sản của Dịu Minh bay đi gần 85 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu MPC giảm trong năm qua do Minh Phú dính vào cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ trong quý 2/2019.

Đầu tháng 6, nghị sỹ Mỹ Darin LaHood gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ tiến hành điều tra Minh Phú về cáo buộc "vua tôm" Việt Nam nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang Mỹ với xuất xứ tôm Việt Nam.

Minh Phú sau đó cho biết chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ các cơ quan của Chính phủ Mỹ liên quan đến cáo buộc trên. Hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của Công ty vẫn diễn ra bình thường.

Về nội dung cáo buộc, Minh Phú không phủ nhận việc nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỷ trọng nhỏ để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 10% tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú.

"Không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản mà trong nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào", phía Minh Phú cho hay.

Chỉ trong vòng 1 tháng dính đến cáo buộc về thuế, cổ phiếu MPC giảm gần 20% giá trị, tương ứng vốn hóa bốc hơi hơn 1.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Minh Phú cả năm 2019 cũng rất đáng buồn. Công ty báo đạt 16.935 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ so năm 2018 nhưng giá vốn tăng 4% lên 15.257 tỷ đồng kéo theo lãi gộp giảm mạnh 24% về mức 1.677 tỷ đồng. Lãi ròng cả năm giảm đến 38%, chỉ đạt 439 tỷ đồng từ mức 708 tỷ đồng của năm 2018.

Mới đây, Hội đồng quản trị Thủy sản Minh Phú thông qua việc chia thêm cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt. Tỷ lệ chia cổ tức là 20%, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối của Công ty.

Với gần 6,5 triệu cổ phiếu nắm giữ, ước tính Dịu Minh sẽ nhận về 13 tỷ đồng tiền mặt trong đợt chia cổ tức bổ sung lần này.

Anh Nhi

Theo Vietnamdaily

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/le-thi-diu-minh-nguoi-phu-nu-giau-thu-31-tren-san-chung-khoan-the-he-f2-kin-tieng-cua-vua-tom-minh-phu-a129467.html