Cuộc chơi sân bay của “vua hàng hiệu“

Bên cạnh kinh doanh các sản phẩm hàng hiệu, ăn uống, tập đoàn IPPG của ông Jonathan Hạnh Nguyễn còn các khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực dịch vụ và hạ tầng hàng không.

Đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn được ví như "vua hàng hiệu" của Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn được ví như "vua hàng hiệu" của Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của vị doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn từ lâu đã được biết tới là vua hàng hiệu ở Việt Nam.

Theo giới thiệu trên website, sau nhiều năm phát triển, IPPG đã phát triển hệ sinh thái lên tới 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Đáng chú ý, IPP Group cho biết chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp & trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng.

Lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, thời trang được IPPG thực hiện qua các công ty là DAFC, ACFC và CMFC. Trong đó, DAFC phân phối loạt thương hiệu cao cấp như Versace, Rolex, Bvlagri, Burberry,… Các công ty ACFC và CMFC phân phối sản phẩm của các thương hiệu Levi’s, Nike, Mango.

Cuộc chơi sân bay của “vua hàng hiệu“ - ảnh 1
Các vị trí lãnh đạo cấp cao của IPPG (Nguồn: ippgroup.vn)

Không chỉ nổi danh trong lĩnh vực hàng hiệu, tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn có những thương vụ đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực dịch vụ và hạ tầng hàng không, điển hình là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã CK: SAS) - nhà cung cấp dịch vụ phi hàng không dẫn đầu tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

"Cuộc chơi" sân bay

Sasco được thành lập từ năm 1994, có “gốc” là một doanh nghiệp nhà nước, thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Đến cuối năm 2014, công ty thực hiện cổ phần hóa, quy mô vốn điều lệ là 1.315 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của VietTimes, IPPG đã sớm sở hữu lượng lớn cổ phần của Sasco, khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa, thông qua 3 công ty thành viên là: Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC). Với vai trò là nhà đầu tư chiến lược, nhóm cổ đông IPPG sở hữu 23,6% vốn điều lệ của Sasco.

Trong năm 2016, IPP và ACFC đã thâu tóm thêm cổ phần của Sasco từ CTCP Hoàn Lộc Việt, qua đó, nhóm cổ đông IPP Group nâng tỷ lệ sở hữu lên 43,65%.

Cuộc chơi sân bay của “vua hàng hiệu“ - ảnh 2
Nhóm IPPG thâu tóm lượng lớn cổ phần Sasco

Tuy nhiên, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khi đó vẫn nắm quyền chi phối Sasco với tỷ lệ sở hữu 51% vốn. Trong khi đó, nhóm IPPG có 2 đại diện trong HĐQT Sasco là ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Nguyễn Hạnh) và phu nhân là bà Lê Hồng Thủy Tiên tham gia với vai trò là Thành viên không điều hành.

Tháng 1/2018, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có thông báo số 27 về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV, trong đó chỉ rõ những vi phạm của Sasco trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

TTCP cho biết Sasco đã thiếu kiểm tra, giám sát để CTCP Thông tin và Thẩm định giá miền Nam đánh giá lại một số tài sản sai quy định, dẫn đến làm giảm vốn Nhà nước khi cổ phần hóa số tiền gần 13 tỷ đồng.

Bước ngoặt trong quá trình thâu tóm Sasco của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn đến vào năm 2017, khi doanh nghiệp này tăng vốn lên 1.334,81 tỷ đồng, còn cổ đông ACV giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 49,07% vốn điều lệ.

Tháng 4/2017, ông Johnathan Hạnh Nguyễn trở thành Chủ tịch HĐQT của Sasco như là một minh chứng cho thấy tiếng nói chủ đạo của nhóm IPPG tại doanh nghiệp này đã tăng lên đáng kể.

Bên cạnh thương vụ đầu tư vào Sasco, IPP cũng góp tới 55% vốn tại CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) - đơn vị đầu tư và vận hành nhà ga quốc tế Cam Ranh.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, lượng lớn cổ phần mà IPPG nắm giữ tại Sasco và CRTC được thế chấp tại ngân hàng Vietcombank.

Tính tới tháng 8/2017, quy mô vốn điều lệ của IPP là 3.000 tỷ đồng. Trong đó, bà Lê Hồng Thủy Tiên góp 1.770 tỷ đồng, sở hữu 59% vốn điều lệ.

Ngoài ra, tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn nhận nhượng quyền một số thương hiệu đồ ăn nhanh như Domino’s Pizza, Burger King, gà rán Popeyes cùng một số thương hiệu nhà hàng kinh doanh tại sân bay.

IPPG đang khai thác thương mại Tràng Tiền Plaza (rộng 18.000m2) tại Hà Nội và đầu tư 4 triệu USD vào khu mua sắm cao cấp Rex Arcade tại tầng trệt khách sạn Rex (Tp. HCM).

Ngày 9/3, bà Nguyễn Thảo Tiên (con gái của vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên) bất ngờ đăng tải thông tin cho biết trở về nước sau thời gian tự cách ly tại Anh vì tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 lúc tham dự các tuần lễ thời trang ở châu Âu.

Chi phí cho việc thuê máy bay riêng, theo khảo sát của truyền thông trong nước, có thể lên đến 10 tỷ đồng.

Sau khi về nước, Thảo Tiên được cách ly tập trung, xét nghiệm và cho ra kết quả dương tính với virus Covid -19. Được biết, việc đưa con gái về nước của ông vua hàng hiệu là do tin tưởng vào hệ thống y tế chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Việc Thảo Tiên tham dự các tuần lễ thời trang sang trọng tại châu Âu không có gì là bất ngờ khi cô là Phó Tổng Giám đốc Phát triển thời trang cao cấp của IPPG./.

Theo Nguyễn Ánh/Viettimes

link gốc: https://viettimes.vn/cuoc-choi-san-bay-cua-vua-hang-hieu-383149.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuoc-choi-san-bay-cua-vua-hang-hieu-a130155.html