Tập đoàn Vingroup mới đây đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ) sang các công ty con là Vinhomes và Công ty Phát triển Thành phố Xanh. Trong đó, Vinhomes đã trở thành công ty mẹ của Vinhomes IZ.
Được biết, Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes tiền thân là Vingroup Ventures được thành lập tháng 12/2018, với vốn điều lệ 70 tỷ đồng do Vingroup giữ 70% vốn.
Đến đầu tháng 2/2020, chức danh tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này được thay đổi sang bà Mai Hương Nội, Phó tổng giám đốc Vingroup. Ngày 27/2/2020, Vingroup Ventures đổi tên thành Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes.
Theo Vinhomes, chiến lược phát triển bất động sản khu công nghiệp được định hướng trên nền tảng kinh tế vĩ mô, cùng xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những năm gần đây. Chiến lược mới được xác định sẽ trở thành một trong ba trụ cột, bên cạnh hai lĩnh vực từ trước là bất động sản nhà ở và văn phòng.
Phát triển bất động sản khu công nghiệp, theo Vinhomes, cũng góp phần tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp thiết bị phụ trợ phát triển cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái dây chuyền sản xuất ôtô nội địa, phù hợp với chiến lược tổng thể để đẩy mạnh phát triển mảng công nghiệp.
Bình luận với Nhadautu.vn liên quan đến việc Tập đoàn Vingroup chuyển hướng sang phát triển bất động sản công nghiệp, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là một quyết định rất đúng của Tập đoàn Vingroup vì bất động sản công nghiệp đang là một xu thế trong những năm tới đây.
“Hiện nay có thể thấy phân khúc bất động sản công nghiệp không bị tác động của COVID–19 như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hay những sản phẩm bất động sản khác...”, ông Võ nói.
Tuy nhiên, ông Võ cho biết, Tập đoàn Vingroup chuyển hướng phát triển bất động sản công nghiệp vì theo Nghị quyết của Bộ Chính trị đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành đất nước công nghiệp. Vì vậy, phát triển các khu công nghiệp theo cơ chế thị trường sẽ tính chất thị trường hơn là điều cần làm. “Như vậy Tập đoàn Vingoup đã tìm thấy một trọng tâm mới để đầu tư phát triển”, ông Võ nói.
Trong khi đó, theo nhận định của ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, 2019 là một năm đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Năm 2019, các chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô đầy ấn tượng đã hỗ trợ cho hiệu suất của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp, với tổng lượng đầu tư đạt 24,56 tỷ USD, chiếm hơn 64,6% tổng vốn đầu tư.
Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn hầu như đều tích cực, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP thực tế sẽ duy trì ở mức 6,5% vào năm 2020 và 2021.
Ông John Campbell cho biết, năm 2019 đánh dấu 10 năm tăng liên tiếp của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, đến cuối năm, ngành sản xuất và chế biến đã thu hút đầu tư cao nhất. Năm 2020 cũng có những khởi đầu tích cực. Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 1, Việt Nam đã thu hút được 5,3 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với mức tăng 179,5% cùng kỳ năm ngoái-theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MOPI).
Trong số 5,3 tỷ USD này, 4,5 tỷ USD đã được đổ trực tiếp vào các dự án FDI mới. Hầu hết các dòng vốn dành cho ngành sản xuất điện, nước và khí đốt, ngành sản xuất và chế biến ở vị trí thứ hai, thu hút được 85,33 triệu USD, tương đương 16% tổng số dòng vốn trong tháng Một đầu năm.
Bên cạnh đó, ông John Campbell phân tích, các hiệp định Thương mại tự do (FTA) và mạng lưới thương mại tòan cầu gần đây sẽ tiếp tục thúc đẩy Việt Nam trở thành đích đến chính của FDI, mặc dù điều này cũng sẽ làm nền kinh tế dễ bị tổn thương khi có sự sụt giảm về nguồn cầu trên phạm vi toàn cầu.
EVFTA sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ việc xuất khẩu các sản phẩm giá trị thấp, chuyển sang hàng hóa có giá trị cao hơn như các thiết bị công nghệ cao, điện tử, xe cộ và y tế. Các mạng thương mại toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với nhiều đối tác khác nhau, cho phép nhập khẩu đầu vào hoặc hàng hóa trung gian rẻ hơn, từ đó sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Ngoài ra, thông qua việc gia tăng mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể gặt hái những lợi ích của việc chuyển giao kiến thức và công nghệ đi kèm với các khoản đầu tư như vậy.
Lam Giang/Nhà đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-sao-vingroup-chuyen-huong-phat-trien-bat-dong-san-cong-nghiep-a130191.html