Cuộc đời đôi khi rất trớ trêu, “mài sắt” suốt 30 năm, rồi chợt nhận ra cái mình cần không phải kim, mà là máy khâu.
Linh và Tuấn là sinh viên cùng trường, điều kiện gia đình tương đương nhau, sau khi tốt nghiệp cả hai người đều vào làm việc tại một công ty lớn. Sau 5 năm, trong khi Linh đã trở thành một nhân viên hàng đầu, không ai không biết đến, thì Tuấn vẫn chỉ là một nhân viên nho nhỏ, đang kiên trì nỗ lực.
Khi cả hai 30 tuổi, vì người nhà mong anh có một công việc ổn định, Linh rời công ty, trở về nhà làm cho doanh nghiệp nhỏ ở gần nhà. Hàng ngày sau khi tan làm, anh có dư dả thời gian hẹn hò cùng người yêu. Đến các kỳ nghỉ lễ thì du lịch đó đây hoặc ở nhà tụ tập bạn bè. Mọi người đều nói cuộc sống của anh thật thoải mái.
Thế nhưng hai năm sau, Linh vẫn còn đam mê công việc cũ, vì thế anh quyết định xin vào một công ty liên doanh nước ngoài gần chỗ ở, bắt đầu lại từ đầu.
Lương một tháng không đến 10 triệu, cả năm chỉ tầm 120 triệu.
Ở một nơi khác, sau khi rời khỏi chỗ làm cũ, Tuấn đổi sang làm cho một công ty khác. Nhờ vào những kinh nghiệm trước đó, cuối cùng anh cũng có một chút thành tựu, sau hai năm thì được thăng lên làm quản lý. Mặc dù vẫn có thể dành thời gian đi chơi cùng người yêu, về thăm gia đình, nhưng phần lớn là công việc bù đầu. Cuối cùng, khi cảm thấy đã đến lúc, Tuấn xin vào một công ty nước ngoài.
Giờ anh là quản lý của công ty này, lương một năm hơn 300 triệu.
Đây là một ví dụ có thật, rõ ràng trong suốt chục năm đó, cả hai đều đổi công ty, đều rất nỗ lực cố gắng hoàn thành công việc của mình, nhưng đến 30 tuổi, mức lương lại khác nhau một trời một vực, mọi người nghĩ sự chênh lệch giữa hai người Linh và Tuấn là do đâu?
Thực ra mức lương của họ so với mặt bằng chung thì không quá thấp, cũng chẳng phải quá cao, nhưng qua câu chuyện của họ, chúng ta có thể rút ra một sự thật: Lựa chọn quan trong hơn nỗ lực.
1. Có thể nói, khi không được tự do lựa chọn, nỗ lực thật sự rất quan trọng.
Lựa chọn và nỗ lực là luôn là hai yếu tố quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Lựa chọn là khi bạn mở bản đồ quyết định lộ trình, còn nỗ lực là quá trình hoàn thành con đường mình đã chọn.
Trước mỗi chuyến đi dài, người tài xế sẽ luôn tính toán và lựa chọn con đường thuận lợi nhất để đi. Trên đường đi, họ còn phải chú ý quan sát tình huống xung quanh, tránh "ổ voi", "ổ gà", tránh hố tránh vũng, và tránh cả những chiếc xe cùng đường.
Nếu chỉ chăm chăm nhấn ga mà không để ý xung quanh thì sẽ rất dễ gây ra tai nạn. Lỡ chẳng may đi nhầm vào phần đường không cho phép, hoặc chỗ đường quá trơn, hay tệ hơn là xô xát với xe khác, đâm chết người... thì hối không kịp.
2. Chứng khủng hoảng lựa chọn
Khi tôi còn nhỏ, TV là một thứ gì quý hiếm vô cùng, chỉ cần được xem TV một lần là đã đủ sung sướng mấy ngày. Bởi hồi đó, TV, dẫu màn hình nhỏ xíu và màu sắc nhợt nhạt, là phương tiện duy nhất mang cuộc sống muôn màu đến với chúng tôi.
Giờ thì nhà nhà đều có TV, hơn nữa TV hiện nay còn có đủ các chức năng hiện đại, âm thanh hình ảnh đều được trau chuốt... Nhưng bạn có thường xem TV nhà bạn không? Hay cả tuần may ra mới được một hai lần?
Ngày nay, TV không còn là cánh cửa duy nhất mở ra thế giới nữa, chúng ta đã có điện thoại thông minh, máy tính bảng... Những món đồ ấy vừa nhỏ gọn, tiện lợi lại còn tiết kiệm thời gian. Việc làm quen với tốc độ truyền tải thông tin của chúng khiến bạn chẳng còn đủ kiên nhẫn mà cầm điều khiển bấm đổi kênh nữa.
Thế nhưng một vấn đề mới lại nhanh chóng xuất hiện. Trước đây chúng ta có quá ít cơ hội lựa chọn, bây giờ lại có quá nhiều. Đối mặt với muôn vàn hướng đi, rất nhiều người không kịp thích nghi, bắt đầu cảm thấy hoang mang rối loạn, không biết nên lựa chọn như thế nào, cũng không dám lựa chọn. Người ta gọi đó là chứng sợ lựa chọn.
Tôi không rõ nguyên nhân của chứng bệnh này là gì, cũng không biết nó đáng sợ đến mức nào. Tôi chỉ biết rằng, một người có mục tiêu rõ ràng thì nhất định sẽ dứt khoát.
Lựa chọn là thử thách bạn phải đối mặt nhiều nhất trong đời, nếu không biết tính toán, hoặc không dám lựa chọn thì mọi cố gắng của bạn đều sẽ trở thành công cốc. Có lẽ nguyên nhân của cái được gọi là chứng sợ lựa chọn, chính là vì thiếu đi mục tiêu.
3. Càng có nhiều lựa chọn, bạn sẽ càng thấy rõ tầm quan trọng của lựa chọn.
Lựa chọn và nỗ lực chưa bao giờ đối lập với nhau, mà ngược lại, chúng sẽ hỗ trợ cho nhau. Lựa chọn là trách nhiệm với mục tiêu, còn nỗ lực là trách nhiệm với quá trình. Trong cuộc đời này, chúng ta phải theo đuổi thành quả, đồng thời cũng phải xem trọng quá trình.
Tuy là hỗ trợ nhau, nhưng cũng vẫn có chính có phụ. Trong thời đại tự do lựa chọn như hiện nay, lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực, có khả năng tác động đến thành bại mạnh hơn nỗ lực.
Nếu lực chọn đúng, nỗ lực không đủ, thời gian hoàn thành mục tiêu có thể chậm một chút, người khác vài năm là thành, bạn cần tới hơn chục năm, nhưng vẫn là thành.
Nếu lựa chọn sai, cho dù có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng sẽ chỉ như trái bóng cố sút vào lưới đội nhà, mãi mãi không có cơ may thành công. Thậm chí sẽ có ngày khiến bạn lâm vào cảnh hoang mang lạc lỗi.
Vì vậy có thể nói, thay vì dành toàn bộ thời gian nỗ lực hoàn thiện bản thân, bạn hãy dành chút thời gian suy nghĩ xem cái đích mình muốn hướng đến là như thế nào. Đời người hữu hạn, có mục tiêu rõ ràng, mới có thể có lựa chọn đúng đắn.
Dù là trong công việc hay trong cuộc sống, dù bạn đi làm thuê hay đứng trên bục lãnh đạo, cũng xin nhớ kỹ điều này: Thận trọng trước mọi lựa chọn, nhiều khi một quyết định được đưa ra trong hai giây lại có khả năng quyết định thành bại của cuộc đời bạn, hơn cả nhiều năm cố gắng.
Sandy/Tri Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/lua-chon-quan-trong-hon-no-luc-cung-30-tuoi-tai-sao-luong-ban-be-lai-khac-nhau-mot-troi-mot-vuc-a13128.html