Ngày 25/3, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc và nghe Công ty TNHH Silverland Bến Thành (Silverland Bến Thành) báo cáo ý tưởng thiết kế Dự án Khu nghỉ dưỡng và sinh thái tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc. Dự án có quy mô 18,9 ha và tổng mức đầu tư dự kiến 3.280 tỷ đồng.
Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều năm nay là thị trường du lịch đặc biệt hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn trên cả nước. Việc lãnh đạo UBND địa phương này trực tiếp làm việc với Silverland Bến Thành phần nào cho thấy "tầm vóc" của doanh nghiệp này.
Với đông đảo giới đầu tư địa ốc Sài Thành, cặp vợ chồng doanh nhân gốc Hải Phòng được biết đến nhiều trong lĩnh vực lưu trú với Tập đoàn khách sạn tư nhân Silverland.
Được biết, Tập đoàn khách sạn tư nhân Silverland (trước đây là tập đoàn khách sạn tư nhân Tân Hải Long) mở cửa khách sạn đầu tiên ngay trung tâm Sài Gòn sầm uất vào năm 1996. Với kỳ vọng xây dựng một chuỗi khách sạn tư nhân tầm trung mang tiêu chuẩn quốc tế, Tập đoàn khách sạn tư nhân Tân Hải Long đã đổi tên thành Tập đoàn khách sạn tư nhân Silverland như hiện tại.
Trải qua hơn 18 năm kinh doanh, Tập đoàn đã phát triển mạnh mẽ và nổi danh với hệ thống 9 khách sạn và spa mang thương hiệu Silverland tại trung tâm quận 1, TP. HCM.
Dù vậy, quy mô của Tập đoàn Silverland nhiều khả năng chưa dừng lại ở những dự án trên.
Dữ liệu của Nhadautu.vn, hộ khẩu thường trú của bà Nguyễn Thị Phúc (trên đường Phạm Hồng Thái, phường Bến Thành, quận 1) cũng là trụ sở chính của Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ khách sạn Hoàng Hải Long Một – đơn vị sở hữu Khách sạn Alagon City (Người đại diện theo pháp luật/Giám đốc công ty là bà Nguyễn Thị Chi).
Đáng chú ý, đây cũng là hộ khẩu thường trú của ông Nguyễn Văn Quang, cá nhân đứng tên một số công ty sở hữu các khách sạn như: Khách sạn Alagon D Antique (301-301B-303 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM), Khách sạn Alagon (289-291 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM),…
Được biết, những khách sạn này đều thuộc sở hữu bởi Tập đoàn Khách sạn Hoàng Hải Long. Trên trang chủ, doanh nghiệp giới thiệu được sáng lập và điều hành bởi một gia đình trong hơn 10 năm.
Ngoài TP.HCM, Silverland còn hoạt động tại địa bàn Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phúc đang đứng tên tại Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn The Myst Hội An. Doanh nghiệp mới thành lập vào ngày 10/4/2019, đóng trụ sở tại số 3 Nguyễn Hiền, phường Tân An, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tính đến tháng 5/2019, công ty có vốn điều lệ đạt 300 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: ông Vũ Hồng Nam (50%) và bà Nguyễn Thị Phúc (50%).
Silverland và các thương vụ đáng chú ý
Một trong những thương vụ đình đám của Tập đoàn Silverland là cùng CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành góp vốn vào Công ty TNHH Khách sạn Bến Thành Đồng Khởi Boutique – chủ đầu tư dự án khách sạn 4 sao Silverland Bến Thành tại đường Hồ Huấn Nghiệp, quận 1, TP.HCM.
Ngoài ra, Silver Bến Thành vào tháng 4/2020 đã góp 34% vốn thành lập Công ty TNHH Thương mại Kho vận Miền Nam - doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, hoạt động ở lĩnh vực kho bãi và lưu giữ hàng hóa.
Cùng với Silver Bến Thành, cổ đông Kho vận Miền Nam còn có ông Nguyễn Văn Quang (33%) – cá nhân được đề cập trong phần đầu bài viết, CTCP Dịch vụ Cảng Hải Phòng (13%) và ông Đào Văn Biên - cổ đông sáng lập Cảng Hải Phòng (20%).
Đặc biệt, trước đó vào tháng 3/2018, Silverland Bến Thành cùng với Công ty TNHH MTV Khách sạn Hoàng Hải Long, Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Hoàng Huy, CTCP Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Paragon Sài Gòn sáng lập CTCP Đầu tư Sài Gòn Safari.
Thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu chia đều 20% cho 5 cổ đông. Được biết, CTCP Đầu tư Sài Gòn Safari cũng có trụ sở tại Khách sạn Silverland Central Hotel số 14-16 Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1.
Trong danh sách các cổ đông, nổi bật nhất là cái tên CTCP Thiên Minh Đức – doanh nghiệp vốn điều lệ 855 tỷ đồng thuộc sở hữu của gia đình đại gia Nghệ An Chu Đăng Khoa, do ông Khoa trực tiếp nắm 39,285% và mẹ ông - bà Chu Thị Thành sở hữu 60%.
Hữu Bật/Nhà đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tham-vong-cua-ong-lon-khach-san-silverland-nhin-tu-du-an-3-300-ty-o-vung-tau-a131403.html