Thủ tướng: Gói tài khóa sẽ nâng từ 30.000 tỷ lên 150.000 tỷ, thậm chí cao hơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng gói hỗ trợ tín dụng 250 tỷ đồng là chưa đủ mà cần cao hơn nữa; gói tài khóa 30.000 tỷ đồng cũng cần nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí cao hơn.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng gói hỗ trợ tín dụng 250 tỷ đồng là chưa đủ mà cần cao hơn nữa; gói tài khóa 30.000 tỷ đồng cũng cần nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí cao hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 (tổ chức chiều 1/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các nước hiện triển khai 3 chính sách chủ yếu, đó là nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ.

Việc này cũng đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện thông qua ban hành Chỉ thị 11 (với gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên Thủ tướng cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng không chỉ dừng lại ở con số 250.000 tỷ đồng mà cần cao hơn nữa.

Tương tự là gói tài khóa không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này.

Thủ tướng nêu rõ gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ phải đúng thẩm quyền, xác định rõ lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nào cần xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông nhấn mạnh không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch Covid-19.

Đề cập tới việc hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nói việc hỗ trợ này cần thực hiện với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng.

“Nếu dịch tiếp tục thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế. Tôi đã nói chúng ta hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cho nên, về vấn đề kinh tế, muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khoẻ của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cho biết hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sẽ tổ chức vào thời điểm phù hợp.

Định hướng một số nhiệm vụ tới, Thủ tướng nêu rõ nhất quán tinh thần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, Chính phủ chú trọng giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi, sớm có kịch bản điều hành không để bị động; bảo đảm thanh khoản, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp;

Kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá các dịch vụ thiết yếu; đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu, miễn giảm chi phí hành chính để chia sẻ khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19.

Về nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ trong thời gian dịch bệnh, vấn đề an ninh lương thực, bảo đảm lương thực hằng ngày phục vụ cho người dân cần đặt lên hàng đầu.

Việc xuất khẩu lương thực phải có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm trong nước không thiếu lương thực, đồng thời giải quyết vấn đề giá cả cho người nông dân.

Về công nghiệp và xây dựng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án công nghiệp quy mô lớn; phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ"; xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm.

Nói về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.

Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc hỗ trợ: hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực.

Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Về nội dung hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng với các mức nêu trong dự thảo nghị quyết chặt chẽ hơn nhưng phải đúng nguyên tắc hỗ trợ nêu trên.

Nêu rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề cập đến việc giảm giá điện, nước, dịch vụ internet, viễn thông và hạn chế thấp nhất việc thải hồi người lao động.

Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỷ đồng.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về các giải pháp phát triển nhà ở xã hội, dự thảo nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.

Lê Nguyễn

Theo VietnamFinance

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thu-tuong-goi-tai-khoa-se-nang-tu-30-000-ty-len-150-000-ty-tham-chi-cao-hon-a131804.html