Tương lai phục hồi hoàn toàn của kinh tế Trung Quốc vẫn mờ mịt

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã dần hoạt động trở lại sau 2 tháng gần như tê liệt vì dịch bệnh. Tuy nhiên, khả năng nền kinh tế trở lại như trước vẫn còn xa vời.

Theo CNBC, sang quý II, bức tranh kinh tế Trung Quốc đã dần sáng sủa. Các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trở lại ngày càng tăng cao sau 2 tháng ngưng trệ vì dịch bệnh.

Kể từ ngày 29/3, tỷ lệ hoạt động trở lại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc đã tăng từ 60% trong 2 tuần trước đó lên 76,8%. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định con số đó có thể lên đến 100% hay không.

Nút thắt cổ chai

“Việc nối lại hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vướng phải nút thắt cổ chai khi nhiều công ty có thể đã phá sản. Tỷ lệ nối lại hoạt động sẽ không tăng nhiều”, CNBC dẫn lời ông Bruce Pang, người đứng đầu về nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance, nhận định.

Tính từ đầu năm nay đến hôm 30/3, hơn 429.000 doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động, theo Qichacha.

Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ Trung Quốc có nhiều doanh nghiệp giải thể nhất, chiếm tỷ lệ 38%. Ngành dịch vụ và cho thuê đứng thứ hai (15%), tiếp theo là sản xuất (8%). Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đóng cửa chỉ chiếm 1% trên tổng số 126 triệu công ty vẫn đang hoạt động.

Tuong lai phuc hoi hoan toan cua kinh te Trung Quoc van mo mit hinh anh 1 106458410_1585055203922gettyimages_1208074563.jpg
Đa số doanh nghiệp tại Trung Quốc đã nối lại hoạt động. Ảnh: STR/AFP.

Tính đến ngày 28/3, các công ty lớn nhất tại Trung Quốc đã nối lại 98,6% hoạt động với 89,9% người lao động trở lại làm việc. Những doanh nghiệp này có doanh thu hàng năm từ 20 triệu nhân dân tệ trở lên.

Một số khu vực cũng báo cáo tỷ lệ nối lại hoạt động 100%. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Đông cho biết 77 công ty niêm yết công khai đã hoạt động trở lại 100% tính đến cuối tháng 3.

Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra những con số này không hoàn toàn thể hiện khả năng sản xuất và đóng góp vào tăng trưởng của Trung Quốc. China Renaissance ước tính tỷ lệ tận dụng kinh tế của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp lớn là tối thiểu 75%.

Áp lực tài chính

Ông Pang cũng nhấn mạnh rằng dịch bệnh lây lan toàn cầu sẽ gây ra sự gián đoạn về nhu cầu nước ngoài, cùng với đó là nhu cầu trong nước sụt giảm vì tâm lý bất an và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Trong khi đó, dù đóng góp phần lớn vào tăng trưởng và việc làm nội địa, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc vẫn lép vế so với các doanh nghiệp quốc doanh, nhất là trong việc vay tiền ngân hàng.

Trước tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ là đối tượng chính của các biện pháp hỗ trợ từ phía Bắc Kinh. Những biện pháp mới được công bố hôm 31/3 bao gồm khoản hỗ trợ 1.000 tỷ nhân dân tệ (140,8 tỷ USD) nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ vay với lãi suất đặc biệt và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại ngân hàng.

Tuong lai phuc hoi hoan toan cua kinh te Trung Quoc van mo mit hinh anh 2 27life_smallbiz_1_mediumSquareAt3X.jpg
Các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu áp lực tài chính lớn trước dịch bệnh. Ảnh: Getty Images.

Áp lực tài chính gia tăng khi các doanh nghiệp Trung Quốc chịu ảnh hưởng vì tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Hôm 30/3, Fitch Ratings báo cáo “sự gia tăng đáng kể về số doanh nghiệp vỡ nợ tại Trung Quốc trong 2 năm qua”, bao gồm cả những doanh nghiệp quốc doanh, khu vực có sự hỗ trợ từ chính phủ nước này. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân vỡ nợ trái phiếu vẫn lớn hơn nhiều.

“Nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một môi trường khắc nghiệt hơn và khả năng nhận hỗ trợ từ những công ty mẹ cũng ít đi”, Jenny Huang, Giám đốc Nghiên cứu Doanh nghiệp Trung Quốc tại Fitch Ratings, bình luận.

Thách thức toàn cầu

Không chỉ Trung Quốc, đại dịch Covid-19 gây ra thách thức tài chính trên phạm vi toàn cầu. Các nhà phân tích của Moody dự đoán tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp sẽ tăng vọt trên toàn thế giới. Nếu tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh trong một thời gian ngắn, tỷ lệ phá sản dự kiến khoảng 6,8%. Nếu tình hình tương tự cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, con số này sẽ lên đến 16,1%.

“Trong tháng 2 và tháng 3, chỉ riêng lĩnh vực bán lẻ ở Đông Nam Á đã chứng kiến lượng truy cập sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Suresh Dalai, Giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn Alvarez & Marsal, cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng một nhà bán lẻ có nguồn vốn dồi dào thường đủ tiền mặt để duy trì hoạt động trong 3 đến 6 tháng và có quyền tiếp cận tín dụng xoay vòng. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà bán lẻ không có nguồn vốn đầy đủ hoặc thiếu vốn.

Tuong lai phuc hoi hoan toan cua kinh te Trung Quoc van mo mit hinh anh 3 45d950cc_6f4a_11ea_b0ed_5e14cf8eb9e1_image_hires_191609.jpg
Đảm bảo việc làm cho người lao động là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ. Ảnh: AP.

Ngay cả khi các nhà lãnh đạo G-20 cam kết hỗ trợ 5.000 tỷ USD cùng với hàng loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế từ nhiều chính phủ, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Trung Quốc và thế giới vẫn bị cắt giảm. Ông Lu tại Nomura dự đoán kinh tế Trung Quốc trong quý II sẽ tăng trưởng âm 0,5%, sau khi giảm 9% ở quý I.

Cuối cùng, mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ là đảm bảo việc làm cho người dân. “Cứu các doanh nghiệp là phải đảm bảo chuỗi cung ứng nội địa. Liên kết vốn của doanh nghiệp cần được ổn định để tránh số lượng lớn vụ phá sản dẫn đến cắt giảm việc làm”, Liu Shangxi, Chủ tịch của Viện Khoa học tài chính Trung Quốc, khẳng định.

Theo Zing

Nguồn: https://zingnews.vn/tuong-lai-phuc-hoi-hoan-toan-cua-kinh-te-trung-quoc-van-mo-mit-post1067779.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tuong-lai-phuc-hoi-hoan-toan-cua-kinh-te-trung-quoc-van-mo-mit-a132253.html