Gần đây, thông tin bán lỗ, bán tháo, giải chấp bất động sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến thị trường bán tín bán nghi. Nhưng khảo sát thực tế, giá nhà đất vẫn cao ngất ngưởng.
Rao ảo, ép thật
Chỉ cần nhấp chuột vào các trang mua bán nhà đất, ngay lập tức hàng loạt thông tin rao bán nhà đất “cắt lỗ” vì Covid-19 xuất hiện. Như thông tin “bán 2 căn nhà chính chủ ở dự án Sunshine City vì cần tiền”. Hay “Cần tiền bán căn 57 m2 thiết kế 2 phòng ngủ sáng tạo, giá rẻ nhất thị trường, cắt lỗ liên hệ chính chủ”... Có người lại rao “Nhà không còn mới nên chỉ bán đất, tặng nhà luôn”, “Gấp gấp, kẹt tiền cần bán gấp nhà hẻm…”; “Tôi cần bán nhà 1 trệt 2 lầu 3 phòng ngủ nhà mới đẹp, kiên cố giá cực rẻ 1 tỉ đồng. Nhà hẻm ô tô đường Hà Huy Giáp Q.12 ngay ngã tư ga, gần chợ, gần trường học cấp 1, 2, 3 giao thông thuận tiện.
Thích hợp gia đình có thể dọn vào ở luôn”; “Bán nhà 2 mặt tiền hẻm Bùi Viện, Q.1, giá 8,7 tỉ, hiện nợ bank 5 tỉ, đang hợp tác cho thuê 60 triệu đồng/tháng, tạm ngưng hết tháng 4.2020 vì dịch Covid-19”…
Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ vào số điện thoại rao bán thì rất nhiều thông tin sai lệch, các nhà giá rẻ hầu hết có sổ đỏ “3 chung” (3 nhà chung 1 sổ đỏ - PV). Đáng nói, đa số mức giá mà người rao bán nhà đưa ra chỉ là giá ảo để “câu” khách, thực tế giá cao hơn nhiều. Rao chỗ quận này nhưng nhà ở quận khác "kế ngay bên" - là lời giải thích thường gặp.
Ngược lại, cũng có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để ép giá người bán do gặp khó khăn. Như trường hợp anh Nguyễn Sang, nhà ở Nhà Bè, TP.HCM, mới đây rao bán một miếng đất 7 x 25 m trong khu dân cư Lập Phúc (H.Nhà Bè), với mức giá 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhiều khách hàng chỉ trả giá rất thấp vì biết anh đang kẹt tiền. “Tôi không bán mà cố gắng xoay dòng tiền để cầm cự qua mùa dịch rồi tính tiếp. Trước đó tôi cũng bán một căn nhà ở Q.Thủ Đức, bên mua đã chốt giá căn nhà hơn 109 m2 giá 3,9 tỉ đồng, nhưng ngay sau đó thấy dịch bệnh phức tạp, phía mua đã lật kèo ép tôi xuống giá tiếp mới chịu mua nhưng tôi không chịu. Thế là giao dịch đổ bể”, anh Nguyễn Sang cho hay.
Cắt lời chứ không phải cắt lỗ
Ông Đinh Ngọc Tuân, Giám đốc Công ty bất động sản Tài Tuân, một công ty chuyên môi giới nhà đất khu vực nam Sài Gòn, cho rằng rất ít trường hợp bán nhà đất cắt lỗ, giảm giá “khủng” vì dịch bệnh cũng mới có hơn 2 tháng. Những rao bán chỉ từ một số nhà đầu tư muốn đẩy hàng đi sớm, “cắt” lời chứ không phải cắt lỗ.
Bên bán ít, trái lại người mua cũng không nhiều vì khó khăn chung, không nhiều người sẵn tiền mặt để mua nhà đất lúc này. “Nếu như năm trước các nhà đầu tư mua vào kỳ vọng sẽ lời 10 - 20% thì nay họ bán chỉ thu về lợi nhuận khoảng 5 - 10%, thậm chí bán hòa vốn chứ không có chuyện lỗ. Thị trường hiện nay không giống như tình trạng thị trường đóng băng, giá giảm mạnh, người người đua nhau cắt lỗ trong khi vẫn còn nhiều khách hàng ở những lĩnh vực khác có tiền bắt đáy. Dịch bệnh hiện nay ảnh hưởng chung đến tất cả các lĩnh vực nên người bán khó thì người mua cũng kẹt”, ông Tuân nói.
Báo cáo của Công ty JLL mới đây cũng cho thấy, trong quý 1/2020, giá bán căn hộ trung bình đạt 2.452 USD/m2, giảm 15% theo quý nhưng giá bán nhà liền thổ sơ cấp tăng lên 5.017 USD/m2 đất, tăng 37,7% so với năm 2029 và tăng 8,4% so với quý 1/2019.
Ngay trong cùng dự án, giá vẫn ổn định hoặc tăng nhẹ, tăng khoảng 4% so với quý trước đó. Việc tăng giá chủ yếu là do các dự án có giá thấp hơn mức trung bình đều đã bán hết khiến nguồn cung khan hiếm, giá tăng.
Theo một lãnh đạo Công ty JLL, tác động của Covid-19 lên giá có thể chưa được cảm nhận rõ ràng trong quý này vì ảnh hưởng từ sự thiếu hụt nguồn cung vẫn còn và dịch bệnh mới xảy ra. Hơn nữa, những nhà đầu tư vẫn cố gắng giữ mức giá mà họ đã lập ra từ trước khi dịch bùng phát nên giá đất liền thổ vẫn tăng. Nhưng nếu dịch kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn thị trường và khi đó “phong trào” bán tháo có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Việt Nam, cũng nói rằng ở thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán hàng ra - NV) do không có nhiều nguồn hàng nên mức giá đang rao bán sau tết vẫn tương đương như quý 4/2019. Thị trường thứ cấp có xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ nhưng chỉ xuất hiện ở phân khúc căn hộ, còn nhà phố, đất nền rất ít. Tuy nhiên không có người mua vì ai cũng có tâm lý chờ qua dịch, kể cả người có tiền cũng thận trọng. “Chỉ một số người kẹt tiền mới rao bán như vậy nên nó không phải là xu hướng, không đại diện cho toàn thị trường. Nhưng có một thực tế là thị trường đang đứng lại, gần như không có giao dịch”, ông Nguyễn Hoàng cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - ông Lê Hoàng Châu, nhận định: “Hiện bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, người dân có niềm tin dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, khống chế và nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi, tăng trưởng trở lại nên bán tháo lúc này là rất khó”.