Tưởng rảnh rỗi hơn trong mùa dịch Covid-19, song nhiều giám đốc công ty du lịch, lữ hành còn bận rộn hơn ngày thường. Ngoài lo tái cơ cấu công ty, họ còn tranh thủ làm những việc mình yêu thích mà trước đây chưa thể thực hiện.
Đau đáu nỗi lo lương tiền
Thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19 gây ra phải kể đến ngành du lịch. Hầu hết các công ty trong ngành đều ngừng hoạt động, tạm “ngủ đông” hay chuyển hướng hoạt động. Bi đát hơn thì thua lỗ, phá sản. Trong bối cảnh ấy, CEO du lịch là những người đau đáu nhất. Họ vừa phải lo làm sao có tiền trả cho người lao động, ít nhất là lương cơ bản, để nhân viên không phải nghỉ việc; vừa phải lên kế hoạch chuẩn bị các kịch bản để khôi phục hoạt động khi hết dịch; vừa tranh thủ cơ hội tái cơ cấu lại hoạt động của công ty.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty HanoiRedtours, cho hay, từ ngày 16/3, toàn bộ công ty đã chuyển sang làm việc từ xa, làm online. “Chúng tôi trả lương tương đối đủ cho lao động đến hết tháng 3, còn từ tháng 4 trở đi cố gắng trả đủ lương cơ bản. Đến nay, công ty chưa có nhân viên phải nghỉ việc, trừ những lao động hết hợp đồng”, ông Hoan nói.
Chuyển sang làm online, ông Hoan nhận xét mọi việc vẫn vận hành trơn tru. Đây có thể coi là giai đoạn tập dượt để đến khi hết dịch cũng áp dụng mô hình làm việc theo công nghệ 4.0 này. Hiện, lãnh đạo DN vẫn lu bu họp bàn, trao đổi với đối tác xây dựng các kịch bản để kích cầu du lịch, kể cả kịch bản dịch Covid-19 hết vào tuần tới cũng có. Đồng thời, công ty cũng thiết lập lại hoạt động của các chi nhánh cũng như trụ sở để tiếp cận khách hàng một cách tốt nhất. Khu nghỉ dưỡng của tập đoàn ở Cát Bà (Hải Phòng) được đẩy nhanh hoàn thiện để hết dịch có thể vận hành ngay,... Còn nhân viên cong ty tập trung chăm sóc, động viên khách hàng cùng nhau qua vượt qua dịch bệnh.
“Sợ nhất là không có việc làm. Mọi người trong công ty không kỳ vọng có thu nhập cao, nhưng sẵn sàng làm việc. Chúng tôi khuyến khích nhân viên 7h sáng theo lịch làm việc cũ vẫn báo cáo công việc để tránh ngủ nướng, trì trệ, dành thời gian làm việc khác. Quan trọng là mọi người cần lên kế hoạch cụ thể cho mình”, ông Hoan tâm sự.
Tuy nhiên, đối với nhiều DN du lịch khác, khi phải tạm ngừng hoạt động, các sếp cũng đau đầu tìm mọi cách xoay sở lo việc làm, thu nhập cho nhân viên còn trụ lại.
Chẳng hạn, tại Du lịch Việt, Tổng Giám đốc Trần Văn Long tâm sự 80-90% lao động tại công ty đã nghỉ việc. Giờ công ty đứng ra phân phối dung dịch diệt khuẩn vi sinh học, không độc hại, giá hợp lý chỉ mấy ngàn đồng một lít. Ông Long cho hay vốn là DN làm dịch vụ, nay chuyển sang công việc mới là sản xuất, mặc dù chỉ nhận khâu phân phối, ai nấy đều vất vả nhưng vẫn cố gắng làm việc, động viên nhau vượt qua khó khăn.
Còn với Du lịch Transviet, ngoài những người phải tạm nghỉ việc, ban lãnh đạo công ty đã động viên và cùng một số anh chị em tham gia sản xuất, phân phối sản phẩm thực phẩm sạch tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Từ những nhân viên vốn chỉ ngồi bàn giấy với máy lạnh văn phòng, chưa quen với nghề nông, nhưng họ vẫn xung phong lên mảnh đất cao nguyên, chấp nhận mệt mỏi, hoa mắt vì nắng nóng,... để cùng làm ra những sản phẩm sạch, chất lượng và quan trọng là có thêm thu nhập.
Công ty du lịch AZA Travel của ông Nguyễn Tiến Đạt mới thành lập được vài ba tháng đã đối mặt ngay với thảm họa Covid-19. Trong thời gian này, vị CEO tranh thủ áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động của công ty, như xây dựng hệ thống quản lý bán hàng, marketing, làm SEO,... Ngoài ra, ông còn cùng nhóm bạn phân phối bia tươi organic cao cấp của châu Âu, bán online và ship đến tận nhà khách hàng.
Có thời gian nấu ăn, đọc sách, thi chống đẩy
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng không nên để thời gian rảnh rỗi vô ích. Thay vì cả ngày xem tivi, lướt FB, mọi người có thể làm những công việc yêu thích mà trước đây mình chưa có cơ hội thực hiện.
Có nhiều thời gian riêng cho mình nên ông Đạt lên mạng online nhiều hơn, tương tác trò chuyện với mọi người, viết bài, lập fanpage sưu tầm các bài viết, hình ảnh hài hước về virus SARS-nCovy để lan tỏa nụ cười đến mọi người. Rảnh thì ông đọc sách kinh doanh, sách tâm linh nhẹ nhàng,… những cuốn sách chất đầy trên giá mà lâu rồi ông ngó tới. Ông còn tự tay vào bếp chế biến những món tủ của mình để đãi cả nhà, như patê, thịt kho tộ, bò sốt vang,...
Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc công ty du lịch Tictours Nha Trang, thì cuối tháng 3 trở về mảnh vườn cách thành phố 20km của mình “ở ẩn”. Dậy từ 5h sáng, sau khi tập thể dục, ăn sáng với khoai lang luộc và uống càfe chồn tự chế, ông bắt tay vào chăm sóc vườn cây với đủ loại mít, cà phê, xoài, sầu riêng, chăm sóc đàn gà, dê, lợn, ngỗng, hươu, chồn... Như một nông dân miệt vườn thực thụ, ông ăn uống bằng thực phẩm tự cung tự cấp, ngủ cùng dế, muỗi, ếch nhái,...
Đặc biệt, cuối tuần qua nhân dịp sinh nhật, không hoa, không bánh kem, không tiệc tùng, ông tự tay vào bếp làm bánh xèo,... bữa tiệc ấm áp và vui vẻ bên gia đình. Mới đây ông quyết định xây tường rào quây mảnh vườn của mình lại, trồng thêm cây, đào ao thả cá.
“Dịch bệnh tôi cho nhân viên nghỉ hai tháng, từ tháng 4-5. Công ty cố gắng trả lương anh em 2 triệu/tháng, thêm phần Chính phủ hỗ trợ đảm bảo mọi người nhận được lương cơ bản”, ông Thắng nói.
Còn ông Nguyễn Công Hoan tâm sự, đợt cách ly này cũng là dịp để ông nghiên cứu, tính toán lại những kế hoạch cho cá nhân trong tương lai, lịch công việc cũng chủ động hơn, không bị động vì bận rộn như trước.
Thời gian rảnh, ông xem phim, đọc sách, tham gia các group cộng đồng anh em lữ hành, vì thế tuy làm ở nhà nhưng ông không thấy bí bách. Không chỉ trao đổi chuyện nghề, nhóm của ông còn rủ nhau thi tập chống đẩy 30 cái, plank trong 3 phút, chị em tập yoga. “Có khi hết dịch chúng tôi còn khỏe hơn, body gọn hơn so với trước khi có dịch ấy”, ông Hoan khoe.
Theo Ngọc Hà
VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sep-tong-o-an-lam-nong-di-ban-bia-va-thi-chong-day-a132545.html