Dù đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ, song thị trường BĐS liệu có đang thực sự ghi nhận làn sóng “bán tháo”, “cắt lỗ” rẻ chưa từng có?
Vừa trải qua một năm 2019 nhiều khó khăn, thử thách, thị trường BĐS năm 2020 được kỳ vọng sẽ tạo được bứt phá với nhiều khởi sắc mới. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên tất cả các lĩnh vực kinh tế, trong đó có BĐS. Thị trường ảm đảm, với lượng dự án bán ra ít ỏi, tần suất giao dịch, hoạt động kinh doanh đều ngưng trệ.
50% số sàn giao dịch buộc phải đóng cửa, nhiều nhân viên môi giới bất động sản thất nghiệp, phải đổ xô đi tìm việc mới.
Dù được xem là đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ, song thị trường BĐS liệu có đang thực sự ghi nhận làn sóng “bán tháo”, “cắt lỗ” rẻ chưa từng có như nhiều môi giới, cò đất tung ra để “thu hút” nhà đầu tư?
Thị trường BĐS liệu có đang thực sự ghi nhận làn sóng “bán tháo”, “cắt lỗ” rẻ chưa từng có trong mùa dịch? Ảnh: V.D
Nhà đất ồ ạt đua nhau cắt lỗ, giảm giá mùa dịch Covid-19
“Giá nhà rẻ chưa từng có”, “Cần tiền bán gấp mùa Covid-19”, “Cắt lỗ bán nhà sâu vì thua lỗ mùa dịch”… là những lời chào mới hấp dẫn trên nhiều trang mua bán nhà đất hiện nay.
Trên một trang rao bán nhà đất có hàng trăm ngàn thành viên tham gia ở khu vực Hà Nội, một người tên N.T.L gây “sốc” khi chào bán nhà phố 5 tầng khu vực Mỹ Đình với diện tích 60m2, giá chỉ hơn 4 tỷ đồng. L. quảng cáo chấp nhận “cắt lỗ” hơn 1 tỷ đồng do cần tiền bán gấp vì làm ăn thua lỗ trong mùa dịch.
“Nhà nằm sát sân vận động Mỹ Đình, ngõ ô tô đi thoải mái, kinh doanh bán hàng thuận lợi lại gần trường học, bệnh viện. Nếu không ở, một tháng cho thuê rẻ cũng được 20 triệu. Em cần tiền bán gấp chứ bình thường không bao giờ có giá dưới 5 tỷ đồng”, L. chào mời.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho tất cả các phân khúc BĐS đều trầm lắng rơi vào tình trạng "ngủ đông". Ảnh minh họa
Tương tự, một người tên K.M cũng cho biết đang phải bán gấp căn nhà ở khu vực Hoàng Mai, diện tích 40m2, nhà xây 2 tầng với giá 1,7 tỷ đồng để lo tiền trả nợ do làm ăn thua lỗ mùa dịch.
“Nhà mới xây đẹp và thoáng, ngõ 2 xe máy tránh nhau được. Giá rẻ như cho, các bác xem nhà cần mang theo tiền luôn để đặt cọc vì nhà đẹp mê mẩn, không chê đâu được. Không mua nhanh là hết cơ hội”, K.M quảng cáo.
Để tạo lòng tin với các nhà đầu tư, điểm chung của tất cả các lời chào bán nhà đất “cắt lỗ” mùa dịch đều khẳng định “nhà chính chủ”, “nhà của anh/ chị em ruột”, “miễn trung gian”, trong đó nguyên nhân bán gấp đều do... “cần tiền vì làm ăn thua lỗ”.
Tuy nhiên, khi Pv Dân trí liên hệ tìm hiểu thì thực chất những người đăng tải thông tin trên đều là những môi giới và các căn nhà giá rẻ đều đang gặp phải những vấn đề như: chưa hoàn thiện sổ đỏ, làm nhà trên đất tranh chấp, hoặc khu đất đang sắp có dự án giải tỏa… chứ không có chuyện “rẻ do làm ăn thua lỗ trong mùa dịch” như quảng cáo.
Cụ thể, chủ căn nhà cấp 4 diện tích 60m2, mới xây ở khu vực Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) có giá 1,9 tỷ đồng được quảng cáo là “nhà đẹp miễn chê, đầy đủ pháp lý”. Nhưng khi liên hệ hỏi thông tin thì người này mới tiết lộ “sổ đỏ đang hoàn thiện, trước sau gì cũng có vì cả ngõ đều thế”!
Ngoài ra, không hiếm người chào mời quảng cáo 1 nẻo, nhưng khi liên hệ thì thông tin căn nhà, giá bán lại khác xa hoàn toàn. Hoặc nhiều căn nhà có diện tích, hoặc nằm ở vị trí không đẹp và trung tâm như quảng cáo đăng tải.
Cẩn thận "mắc bẫy" môi giới mùa dịch
Thừa nhận thị trường BĐS bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng theo các chuyên gia, hiện nay chưa thể xảy ra hiện tượng bán tháo, cắt lỗ với giá giảm sâu như quảng cáo.
Theo nhiều chuyên gia, giá nhà được dự báo là sẽ giảm nhưng giảm sâu, cắt lỗ lên tới hàng trăm triệu thậm chí cả tỷ thì phải cẩn thận chiêu trò của môi giới
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, giám đốc của một sàn giao dịch BĐS nhận định nếu thị trường đang duy trì tính ổn định trước đó, các khu vực không xảy ra tình trạng “sốt” đất như nội thành Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì mức giảm dao động chỉ từ 5-10%.
Còn nhiều dự án nhà ở đăng tải thông tin “cắt lỗ” tới vài chục phần trăm với mức giảm lên tới hàng trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng thì đây chắc chắn là chiêu trò của bên môi giới.
Theo ông Tuấn, nhu cầu mua sắm nhà ở đang giảm trong giai đoạn dịch bệnh, vì vậy, nhiều đơn vị môi giới phải kích cầu bằng cách “ăn theo trend” dịch Covid-19.
“Thị trường BĐS trầm lắng, giá nhà được dự báo sẽ giảm do nhiều nhà đầu tư cần tiền nên muốn bán. Tuy nhiên, giảm mạnh nhất sẽ là phân khúc căn hộ, còn nhà phố, đất nền sẽ giữ ổn định hơn. Thực tế nói là giảm giá, cắt lỗ song thực tế chỉ là cắt phần lời, đưa giá nhà về giá trị thực so với thị trường chứ CĐT ít khi chấp nhận lỗ”, ông Tuấn khẳng định.
Không khó để tìm được những thông tin rao bán cắt lỗ gây sốc mùa dịch Covid-19
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, dù giá nhà giảm 5 - 10% trong thời điểm này thì CĐT vẫn có thể tạo ra lợi nhuận.
“Nói là giảm giá, “cắt lỗ” do dịch bệnh chưa chắc đã chính xác. Bởi vì, trước đây giá nhà tăng quá cao, nên trong thời điểm này dù có giảm nhưng đó lại là giá trị thật của sản phẩm”, ông Đính nói.
Bên cạnh đó, ông Đính nhận định trước tình hình dịch bệnh kéo dài khiến thanh khoản giảm mạnh, kết hợp với nhu cầu thấp thời gian tới sẽ khiến giá nhà giảm và nhiều người có cơ hội tiếp cận mua nhà giá rẻ.
Ngoài ra, nhà đầu tư mới có năng lực tài chính nên tận dụng cơ hội này để “bắt đáy” thị trường
“Hiện nay, rất nhiều chủ đầu tư đuối năng lực do không bán được hàng, bên cạnh đó, ngân hàng lại đang siết lại tín dụng nên xảy ra tình trạng thiếu nguồn vốn. Như vậy, việc nhiều căn hộ, chung cư giảm giá là điều có thể dự báo từ trước”, ông Đính nói thêm.
Tuy nhiên, ông Đính khuyến cáo, để tránh rơi vào “bẫy” của môi giới, người dân có nhu cầu mua nhà ở nên so sánh giá trước và sau khi xảy ra dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên tham khảo xung quanh để tìm kiếm giá trị thật của mảnh đất hay ngôi nhà đặc biệt là tính pháp lý.
Hiệp Nguyễn - Việt Vũ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ban-thao-cat-lo-soc-1-ty-dong-mua-dich-can-than-sap-bay-co-moi-gioi-a132884.html