Nghỉ việc ư? Thế mày không sợ chết đói à? Đời còn dài, mày đừng vì một phút bốc đồng mà làm hỏng việc. Thời buổi này muốn sống cũng không dễ dàng đâu!
Thưa, tôi đã ý thức mình phải sống như thế nào rồi. Chết thì dễ, chứ sống mới khó. Tôi không sợ sống!
Tao chúc mày thành công, tìm được đường đi.
Vâng, đường đi ở dưới chân tôi, tôi đã nhìn thấy. Tôi sẽ đi bằng đôi chân của tôi.
Cuộc đối thoại xin nghỉ việc chớp nhoáng của Bạch Thái Bưởi với ông chủ hãng thầu công chánh người Pháp được xem là điểm khởi đầu cho sự nghiệp lừng lẫy của "Chúa sông Bắc kỳ", "Vua tàu thủy Việt Nam", "Vua mỏ nước Việt" Bạch Thái Bưởi.
Bạch Thái Bưởi, ông là ai?
Vào cuối thế kỷ 20, khi nhắc đến những người giàu có nhất của đất Việt, người dân thường truyền miệng nhau câu nói "Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xương, Tứ Bưởi". Nhân vật thứ tư được nhắc đến trong câu nói này là Bạch Thái Bưởi.
Bạch Thái Bưởi, nguyên gốc họ Đỗ, quê ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Yên Phúc, phương Phúc La, quận Hà Đông). Bạch Thái Bưởi sinh ngày 8/7/1875 - Ất Hợi, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng có học. Cha mất sớm, ông ở với mẹ.
Xuất thân là một thư ký cho viên công sứ Pháp Bonnet, đến năm 20 tuổi, Bạch Thái Bưởi bắt đầu quan tâm đến việc kinh doanh. Nhờ tư chất thông minh, năm 21 tuổi, Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ cử ông sang Pháp dự hội chợ Bordeaux.
Trong những ngày ở Pháp, không như những người khác dành thời gian du hí đây đó, Bạch Thái Bưởi nỗ lực tìm hiểu, học hỏi cung cách buôn bán, cách tổ chức và quản lý sản xuất, nghệ thuật khuếch trương thương nghiệp... Ông đi đâu, đến chỗ nào, cũng hí hoáy ghi chép.
Trên chuyến tàu trở về nước, trong đầu Bạch Thái Bưởi đã định hình rõ con đường phía trước mà ông sẽ đi. Đó là con đường kinh doanh.
Và quyết định nghỉ việc tại hãng thầu công chánh được xem là điểm khởi đầu cho sự nghiệp của Bạch Thái Bưởi.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng với nhiều người, đây được xem là quyết định điên rồ của Bạch Thái Bưởi. Bởi ông đã từ bỏ một công việc với mức lương cao, một cuộc sống an nhàn "sáng vác ô đi, tối vác ô về" để dấn thân vào một con đường đầy bất trắc.
Bạch Thái Bưởi cũng phải vượt qua quan niệm cũ kỹ coi rẻ nghề buôn đã ăn sâu vào nhiều thế hệ khi đó với tư duy: "Nhất nông, vi bản", "Trọng nông, ức thương" hay "Sĩ, nông, công, thương"…
Khởi đầu
Khi mà việc làm ăn với người Pháp chẳng bao giờ nằm trong suy nghĩ của những nhà buôn đất Hà Thành, Bạch Thái Bưởi đã cho thấy con mắt nhìn xa trông rộng của mình.
Cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay) là điểm khởi đầu cho sự nghiệp lừng lẫy của Bạch Thái Bưởi.
Ông nhìn ra cơ hội kiếm tiền bằng cách trở thành đối tác chính cung cấp tà vẹt cho dự án xây dựng đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ là đường sắt xuyên Việt Bắc – Trung – Nam và chiếc cầu bắc qua sông Cái (sông Hồng) là cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay).
Bạch Thái Bưởi đã dồn tất cả vốn liếng, trong suốt 3 năm, ông lặn lội khắp núi rừng tìm gỗ tốt làm tà-vẹt bán cho Sở Hỏa xa Đông Dương. Năm 1902, cầu Doumer được khánh thành, thiên hạ khắp nơi đổ về xem cầu như đi trẩy hội. Khi ấy, Bạch Thái Bưởi đã trở nên rất giàu có.
Nắm trong tay một số tiền lớn, nhưng Bạch Thái Bưởi không để đồng tiền ngủ yên. Với ông tiền phải đẻ ra tiền.
Một ý tưởng táo bạo đang được nung nấu trong đầu Bạch Thái Bưởi!
"Vua tàu thủy Việt Nam", "Chúa sông Bắc Kỳ"
Không để đồng tiền trong túi mình ngủ yên, khoảng năm 1908 - 1909, Bạch Thái Bưởi đã quyết định chuyển hướng sang kinh doanh vận tải đường thủy, nơi mà những thương nhân Hoa Kiều gần như đang độc quyền chiếm lĩnh.
Và quyết định này là khởi nguồn cho danh hiệu "Vua tàu thủy Việt Nam" và "Chúa sông Bắc Kỳ" của Bạch Thái Bưởi sau này.
Ông lập công ty Hàng hải Bạch Thái Bưởi, thuê lại 3 chiếc Phenix, Dragron và Fai Tsi Long. Ông đổi tên chúng thành: Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long để kinh doanh vận tải đường thủy trên hai tuyến Nam Định – Bến Thủy (Nghệ An) và Nam Định – Hà Nội.
Dù vấp phải sự cạnh tranh không khoan nhượng đến từ các đối thủ là các công ty người Pháp và người Hoa, nhưng với ý chí quật cường, sự tài trí kết hợp khôn khéo, khách đi tàu của Bạch Thái Bưởi mỗi ngày một đông hơn. Đội tàu của ông ngày càng mạnh, các tuyến đường khai thác ngày càng vươn tới nhiều miền đất mới.
Không dừng lại, Bạch Thái Bưởi còn mua hẳn một xưởng sửa chữa để phục vụ cho việc đóng mới và sửa đội tàu của mình.
Từ chỗ chỉ có 3 chiếc tàu đi thuê, khai thác trên 2 tuyến, đến năm 1919, Bạch Thái Bưởi đã có cho mình 25 chiếc tàu cỡ lớn nhỏ. Tàu lớn nhất, dài nhất tới 40,25m; tàu ngắn nhất 18,28m. Đủ các chủng loại: Tàu sắt, tàu kẽm, tàu phụ, xà lan… Đội tàu của ông khai thác trên 17 chuyến đường thủy, chạy khắp các sông Đào, sống Cái, ở Bắc Hà từ phía Bắc đến Tuyên Quang, phía Nam tới Bên Thủy, Vinh. Đông từ Móng Cái đến tây là chợ Bờ (Bắc Cạn cũ). Thậm chí những con tầu của ông đã vươn ra các tuyến đường duyên hải, đến cả một số bến cảng của Hong Kong, Singapore…
Ước tính trung bình mỗi năm, công ty của Bạch Thái Bưởi chuyên chở tới 5.000 chuyến, trên dưới 1,5 triệu hành khách, hơn 15 vạn tấn hàng.
Con tàu Bình Chuẩn là đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi. Đây là còn tàu dài 42m, trọng tải 600 tấn, động cơ 400 mã lực hoàn toàn do người Việt thiết kế và thi công.
Được hạ thủy vào 7/9/1919 tại Cửa Cấm (Hải Phòng), Bình Chuẩn nhổ neo vào ngày 20/8/1920 và cập cảng Sài Gòn vào 17/9/1920.
Sự kiện này đã làm nức lòng giới kinh doanh Nam Kỳ, họ cho đúc bảng đồng tặng tàu Bình Chuẩn với dòng chữ chói lọi: "Tặng tàu Bình Chuẩn, chiếc tàu Việt Nam đầu tiên tại Cảng Sài Gòn".
Những điều này đã khiến những danh hiệu đầy tự hào "Vua tàu thủy Việt Nam", "Chúa sông Bắc Kỳ" gắn liền với tên tuổi Bạch Thái Bưởi trong suốt cả cuộc đời ông, cũng như cho đến ngày hôm nay.
Không chỉ đường thủy, Bạch Thái Bưởi giống "như vua Midas" vậy, khi mà kinh doanh ở đâu, ông cũng thắng lớn ở đó, từ mở hàng ăn, lập nhà in, hay khai thác mỏ…
Chữ tín, dụng nhân và tinh thần dân tộc
"Tiền mất đi còn có thể tìm lại được, chứ chữ tín mất đi là hỏng việc lớn sau này"
Khởi nghiệp bằng việc cung cấp tà vẹt cho Sở Hỏa xa Đông Dương, một ngày nọ đến đợt giao hàng khi kiểm tra, Bạch Thái Bưởi thấy thành phẩm không đạt yêu cầu. Ông cương quyết bỏ toàn bộ để làm lại. Điều này khiến Bạch Thái Bưởi không thể giao hàng đúng hẹn và chịu một khoản tiền phạt không nhỏ. Nhưng với Bạch Thái Bưởi, chữ tín là điều quan trọng nhất.
Chữ "Tín" theo suốt cả cuộc đời cũng như sự nghiệp kinh doanh của Bạch Thái Bưởi.
Tâm niệm này là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của Bạch Thái Bưởi.
"Dụng nhân như dụng mộc"
Cùng với chữ tín, tài dùng người là yếu tố then chốt giúp Bạch Thái Bưởi tạo được sự nghiệp vẻ vang trên thương trường. Với ông khi đã tin tưởng giao việc, ông đặt niềm tin tuyệt đối vào người đó.
Theo Bạch Thái Bưởi: Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ tín. Vì chữ tín, họ sẵn sàng hy sinh tất cả chỉ vì lợi ích chung. Giao kèo đôi bên nào có gì? Một mảnh giấy lộn lận lưng cũng không! Một chữ ký cũng không! Thế mà họ dám đưa ra mấy vạn bạc để buôn chung. Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin người thì người mới tin ta.
"Tinh thần dân tộc"
Bạch Thái Bưởi từ bỏ một cuộc sống an nhàn để dấn thân vào con đường kinh doanh, ngoài mục tiêu tạo ra của cải, còn để khẳng định vị thế của người Việt trên thương trường, không thua kém bất cứ quốc gia nào khác.
Trong các công việc, ông sử dụng hầu hết người Việt để chứng minh dân tộc ta không kém cạnh bất cứ ai. Tinh thần dân tộc của Bạch Thái Bưởi cũng được thể hiện rõ nét khi ông lấy những địa danh của đất nước hay những niệm tự hào trong lịch sử dân tộc như Đinh Tiên Hoàng, Bạch Đằng… để đặt tên cho các con tàu của mình.
Bạch Thái Bưởi được xem là doanh nhân đầu tiên của Việt Nam áp dụng tinh thần dân tộc "Người Việt ủng hộ người Việt" trong kinh doanh.
Và cũng chính tinh thần dân tộc đã nhiều lần giải cứu Bạch Thái Bưởi những lúc nguy nan trong kinh doanh. Ông được xem là doanh nhân đầu tiên áp dụng tinh thần dân tộc "Người Việt ủng hộ người Việt" trong kinh doanh.
Tại cuộc cạnh tranh vận tải đường thủy, khi mà Bạch Thái Bưởi đang đối diện với nguy cơ phá sản trong cuộc cạnh tranh về giá với các thương nhân người Hoa. Bạch Thái Bưởi đã vận dụng tinh thần dân tộc khuyến khích người Việt đi tàu của người Việt. Qua đó có thể vượt qua "cửa tử", và trở thành "Vua tàu thủy Việt Nam" sau này.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Cô kia má đỏ hồng hồng
Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan
Đường đi hiểm trở gian nan
Tàu "Bạch Thái Bưởi" dọn đàng rước dâu
Dù cho nước lũ sông sâu
Ai về Nam Định rủ nhau cùng về...
Đây là những vần thơ được gieo để thu hút người đi tàu của Bạch Thái Bưởi. Nó đã trở nên kinh điển và vẫn có giá trị cho đến tận ngày nay.
Bạch Thái Bưởi mất vào năm 1932. Nay sau gần 100 năm, những bài học mà Bạch Thái Bưởi để lại về sự nhạy bén trong kinh doanh, ý chí vượt khó, tự tin giong buồm ra biển lớn vẫn còn nguyên giá trị.
Ông xứng đáng là ngọn cờ đầu trong ngành thương nghiệp nước nhà để các hậu bối noi theo.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bach-thai-buoi-tu-2-ban-tay-trang-den-huyen-thoai-doanh-nhan-viet-a133149.html