Ngoài trữ tiền mặt, bạn cần làm gì ngay để đủ tài chính vượt qua mùa dịch?

Kinh tế thế giới và trong nước liên tục chao đảo do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Không chỉ công ty đang tìm mọi cách sống sót qua dịch, mà các cá nhân cũng phải gấp rút tìm cách duy trì tài chính. Trước tình hình này, Vietcetera tổng hợp những cách sau, giúp bạn vượt qua thời gian khó khăn này.

1. Thường xuyên theo dõi các bản tin kinh tế

Đây là cách bạn dự đoán trước những biến động về kinh tế, tài chính để kịp thời có sự dự phòng.

theo dõi tin kinh tế
Theo dõi tin kinh tế, đặc biệt là chứng khoán là cách bạn dự đoán sức khỏe nền kinh tế.

Nếu theo dõi thường xuyên, bạn có thể biết nên đầu tư vào loại tài sản nào, dự báo sự thua lỗ, mất mát khi dấu hiệu khủng hoảng chớm nở và tránh những sự hoang mang không cần thiết. Thậm chí, giảm bớt áp lực cạnh tranh đầu tư, tích trữ từ những người “đến sau”.

Vào những giai đoạn khủng hoảng, tốc độ cập nhật và khối lượng thông tin về kinh tế có thể là yếu tố quyết định giúp bạn tìm ra lối thoát tài chính.

2. Lập quỹ dự phòng khẩn cấp

Nếu lo lắng trước tình hình biến động của kinh tế, tốt nhất hãy đảm bảo bạn có quỹ dự phòng đủ cho 3-6 tháng sinh hoạt. Hơn nữa, hãy dự tính đến những trường hợp bạn hoàn toàn không thể lao động hoặc rơi vào tai nạn bất ngờ.

Tìm thêm việc để có tiền bỏ vào quỹ dự phòng. Ngoài việc tiết kiệm tiền lương những tháng trước, hãy vào Vietnamworks, LinkedIn hay Facebook để tìm tin tuyển dụng. Thậm chí Google cũng đã lập ra một trang khẩn cấp về COVID-19, cung cấp cả thông tin việc làm bên cạnh tình hình về dịch. Những công việc online như copywriter, phiên dịch, cộng tác viên viết bài,… là lựa chọn hợp lý trong 15 ngày cách ly toàn xã hội.

Thời gian này, một số trang mua sắm trực tuyến có mức tăng trưởng lên đến 150% so với ngày thường, với trung bình 3.000 đơn hàng/ngày. Chắc chắn lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thông tin hay chuyển phát sẽ là mảnh đất màu mỡ giúp bạn có thêm thu nhập cho thời điểm hiện tại.

lập quỹ dự phòng
Lập quỹ dự phòng là một trong những hành động tiên quyết khi kinh tế khó khăn.

Bán đi những món đồ không cần thiết. Dù nhiều hay ít, việc bán đi đồ cũ sẽ giúp quỹ của bạn tăng lên đáng kể. Đây cũng là xu hướng đang lên, đặc biệt ở Hongkong trong tình hình hiện tại.

Đầu tư vào thời điểm này cũng là một bước đi được nhiều chuyên gia khuyến khích. Chứng khoán toàn thế giới đang trong đà rớt điểm nhiều nhất lịch sử. Đây là mối nguy nhưng cũng là cơ hội đầu tư cho những người mạnh dạn. Sau các đợt khủng hoảng, chứng khoán sẽ luôn phục hồi và giá trị cổ phiếu bạn mua có thể tăng vọt.

Nhờ đó, dù tình hình kinh tế bản thân sau dịch đang đóng băng, bạn vẫn có một khoản để duy trì sinh hoạt cho đến khi tìm được nguồn thu nhập khác. Tuy nhiên, hãy thường xuyên theo dõi các bản tin kinh tế cùng phân tích của chuyên gia để biết nên đầu tư thế nào cho hợp lý.

3. Cân đối lại chi tiêu

Lược ngay những khoản chi tiêu không cần thiết. Việc thắt lưng buộc bụng là giải pháp tiên quyết cho tình hình hiện tại.

Bạn phải trả tiền thuê nhà, bảo hiểm xe, phải ăn để sống. Chi tiêu cho những món hàng thiết yếu là các khoản không thể thiếu. Nhưng ăn hàng, du lịch hay bất cứ thứ gì được xem là phí “sang chảnh” hay “lifestyle” thì cần liệt vào chi tiêu tự do.

Theo Lauren Anastasio, CFP, cố vấn tài sản của SoFi.

Đừng chi quá 30% thu nhập sau thuế cho những khoản chi tiêu tự do. Đó là lời khuyên của các chuyên gia kinh tế lúc này.

So sánh giá cả để giảm chi phí. Nếu muốn đầu tư một tài khoản xem phim, hãy so sánh để biết nên đầu tư một tài khoản Netflix, Amazon hay truyền hình cáp. Tương tự với các dịch vụ và nhu cầu khác. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể lên các trang so sánh giá như websosanh.vn hay sosanhgia.com để tham khảo.

Để ý những ưu đãi hay giảm giá. Ví dụ nếu đang phải ở khu cách ly, bạn có thể xem xét gói ưu đãi dịch vụ viễn thông của Viettel có thời hạn sử dụng 14 ngày gồm 3GB data tốc độ cao và miễn phí mọi cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút. Bạn cũng có thể săn mã giảm giá trên Lazada hay tận dụng ưu đãi freeship trên Shopee trong tháng 4 này.

cân đối chi tiêu
Lược bớt những chi tiêu không cần thiết giúp bạn cầm cự qua cơn khủng hoảng tài chính tốt hơn.

Chia sẻ chi phí bằng cách rủ thêm người ở cùng để san sẻ gánh nặng tiền nhà, internet, điện, nước… Hoặc cùng dùng chung tài khoản dịch vụ, khóa học, ứng dụng… với bạn bè để giảm bớt chi phí. Nếu có thể, thì mua hàng chung với người khác cũng là cách để giảm bớt giá vận chuyển…

4. Tìm cách trả nợ hiệu quả

Hãy tưởng tượng trong mùa dịch này, có thể nhà hàng bạn làm phải đóng cửa, bạn phải nghỉ ở nhà không lương… Tài chính của bạn bị gián đoạn trong khi còn rất nhiều khoản phí phải chi trả. Lúc đó, thứ bạn chắc chắn không muốn thấy là những khoản nợ theo lãi suất cứ tăng hàng ngày, trong khi tiền trong ví tiếp tục vơi.

Hãy thường xuyên theo dõi gói hỗ trợ của các ngân hàng. Theo thông tư của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã ra các chính sách mới cho người đi vay. Cụ thể, VietinBank cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. BIDV cũng miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới đối với phương án/dự án sản xuất kinh doanh khả thi…

trả nợ hiệu quả
Chủ động liên lạc với các bạn cho vay, cho thuê để đàm phán lại mức giá hay phương án trả nợ hợp lý hơn.

Chủ động xin chủ nợ giúp đỡ như giãn thời gian trả nợ, giảm hoặc miễn nợ. Giữa tình hình khó khăn hiện tại, nhiều chủ nhà, chủ đất có tầm nhìn dài hạn sẽ muốn giữ chân người thuê. Do đó, khá nhiều cá nhân cùng doanh nghiệp đã đạt được những thỏa thuận trả nợ ưu đãi hơn trong thực tế.

5. Giữ chắc công việc hiện tại

Nếu hiện bạn vẫn còn việc làm thì đó là một điều may mắn. Đừng đánh giá thấp nguồn thu nhập từ công việc hiện tại. Bạn sẽ vượt qua thời kì suy thoái dễ dàng hơn nếu giữ được việc.

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), gần 30% doanh nghiệp trong nước sẽ mất 20-50% doanh thu sau đại dịch. Khi doanh nghiệp mất doanh thu, điều tất yếu họ sẽ phải để nhân viên ra đi.

Trong thời gian này, việc quan trọng là “chứng minh giá trị của bạn” và thể hiện bạn là một thành viên có giá trị trong công ty bằng bất kể giá nào. Nói cách khác hãy biến mình thành một phần không thể thay thế, là một tài sản của công ty, và rồi điều đó sẽ giúp bạn vượt qua đại dịch.

– Theo Harvard Business School Online.

Hãy làm việc chăm chỉ, hãy tích cực đóng góp cho công ty. Vì hơn bất cứ lúc nào, bạn cần công việc hiện tại.

giữ chắc công việc hiện tại
Làm việc chăm chỉ gấp đôi càng cần thiết để giữ lại công việc trong thời điểm này.

6. Chuẩn bị cho trường hợp thất nghiệp hoặc phá sản

Cũng theo khảo sát của ban IV, 74% doanh nghiệp sẽ phá sản sau 6 tháng đại dịch. Sẽ thế nào nếu doanh nghiệp bạn nằm trong số ấy?

Hãy bắt đầu tìm việc mới khi bạn thấy bản thân có nguy cơ mất việc, như doanh thu công ty giảm mạnh hay công ty có chính sách cắt giảm nhân viên…

Hãy nhớ rằng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn tìm việc mới khi vẫn còn đang đi làm.

– Theo chia sẻ của Patrick Mullane, giám đốc điều hành của Harvard Business School Online.

Ngoài ra hãy tìm hiểu chính sách hỗ trợ kinh tế cho người lao động trong thời gian này. Ví dụ hãy làm đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp để được nhận hỗ trợ hàng tháng hay tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí.

chuẩn bị cho thất nghiệp
Những văn phòng sáng đèn có lẽ không còn thường xuyên trước tình hình suy sụp của nền kinh tế hiện tại.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã đưa ra phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Trong đó có các phương án hỗ trợ tài chính cho người lao động hay tạm dừng đóng quỹ hưu và tử tuất cho doanh nghiệp. Ngoài ra, gói đề xuất nâng chuẩn trợ cấp xã hội từ 270 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/người/tháng cũng đang được Chính phủ xem xét.

Dù các phương án hỗ trợ này đang dừng ở dự thảo và đề xuất, nhưng việc thường xuyên cập nhật sẽ có lúc giúp bạn cải thiện tình hình tài chính.

7. Dung nạp kiến thức mới

Dù muốn duy trì công việc hiện có hay đi tìm công việc mới, bạn cũng cần kiến thức. Có thêm nhiều bằng cấp từ các công việc bên ngoài hay chương trình học thêm, bạn sẽ tiến thêm trong thị trường lao động.

Do đại dịch COVID-19, các khóa học online trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các trường đại học đa số cũng chuyển sang giảng dạy online.

học online
Đây là cơ hội tốt để bạn trau dồi kiến thức và tăng khả năng cạnh tranh trong nghề nghiệp từ các khóa học online miễn phí.

Dưới đây là một số trang học online miễn phí bạn có thể tham gia trong thời gian cách ly toàn xã hội này:

Ngoài ra trong thời gian này, nhiều thư viện cũng cho phép bạn truy cập sách miễn phí như:

Hãy để ý đến việc phát triển kiến thức. Dù gì bạn cũng phải dành phần lớn thời gian ở nhà, việc tranh thủ học hỏi lúc này sẽ tạo một điểm nhấn trong hồ sơ xin việc hoặc giúp bạn gây ấn tượng với sếp.

Kết

Khó để có thể dự đoán sau đại dịch COVID-19 này, cuộc sống bạn sẽ bị đảo lộn bao nhiêu. Nhưng chắc chắn để sống sót qua đại dịch, bạn không chỉ cần một sức khỏe tốt, mà còn cần một nguồn tài chính vững vàng và kiến thức mới cho bản thân.

Bài viết được thực hiện bởi Hang Nguyen/ Theo Vietcetera

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ngoai-tru-tien-mat-ban-can-lam-gi-ngay-de-du-tai-chinh-vuot-qua-mua-dich-a133392.html