Trong bài viết này, tác giả chỉ ghi chép lại những thông tin về bầu Kiên trực tiếp và gián tiếp trong quá trình tác nghiệp của một nhà báo chuyên theo mảng tài chính ngân hàng.
Thật khó viết về chân dung một con người vốn từng làm tốn nhiều giấy mực của các phương tiện truyền thông như ông Nguyễn Đức Kiên (thường được nhắc đến bằng cái tên “bầu Kiên”) trong một vài trang báo. Tội trạng của ông đến đâu, đúng sai thế nào là việc điều tra, xét xử của các cơ quan luật pháp.
Bầu Kiên nói gì trước giờ bị bắt?
Hoàn toàn tình cờ, cuộc phỏng vấn của phóng viên với bầu Kiên kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, kết thúc lúc gần 17h30 chiều tại cà phê tầng trệt của khách sạn Hilton (Hà Nội) ngày 20/8/2012, diễn ra ngay trước thời điểm ông bị bắt tạm giam. Trước đó vài tiếng ông gặp gỡ một số phóng viên thể thao vì hình như hôm ấy có một số trận bóng đá gay cấn.
Cuộc nói chuyện liên tục bị cắt ngang bởi tiếng chuông từ hai chiếc điện thoại di động. Ông không nghe hai, ba cuộc, rồi cằn nhằn: “Sao hôm nay nhiều điện thoại thế nhỉ?”. Có một cuộc ông trả lời ngắn gọn, đại khái về khoản tiền thưởng cho một đội bóng nào đó. Ông nói tiền thưởng vẫn như năm ngoái, 500 triệu đồng và cúp máy.
Ba câu trả lời của ông khiến người nghe chú ý. Thứ nhất, ông đề xuất giảm lãi suất vì doanh nghiệp quá khó khăn. Tiếp theo, chấn chỉnh thị trường liên ngân hàng. Những khoản nợ đọng trên thị trường này thời điểm ấy khá lớn và ACB đang có dư nợ cho vay hơn 1.000 tỷ đồng cho một tổ chức tín dụng đã quá hạn chưa đòi được. (Mãi gần đây khoản nợ liên ngân hàng này của ACB mới được giải quyết bao gồm gốc và lãi thu được 9%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất thỏa thuận cho vay ban đầu - NV).
Điều thứ ba được ông nhấn mạnh là cho phép các ngân hàng được trích lập dự phòng rủi ro tối đa. Dường như có điều gì hơi bất thường trong sự nhấn mạnh vì rõ ràng cơ quan quản lý không hề giới hạn mức trích lập dự phòng, thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các ngân hàng tăng trích lập để xử lý nợ xấu.
Ông ngần ngừ và không trả lời câu hỏi liệu việc trích lập dự phòng có liên quan đến kinh doanh vàng. Một câu hỏi khác ông cũng ngập ngừng là giá cổ phiếu Eximbank. Hai tuần liền thị giá Eximbank leo dốc và ngày hôm ấy nó vượt qua mốc 20.000 đồng/cổ phiếu. Trên thị trường có tin đồn một số cổ đông lớn, trong đó có ông đang mua vào. Ông xác nhận một nhóm cổ đông đang nắm giữ hơn 20% cổ phần Eximbank và phủ nhận khả năng Eximbank sẽ hợp nhất với ACB.
Đề cập đến Sacombank ông nói một thành viên hội đồng quản trị của nhóm cổ đông mới phát biểu với báo chí sẽ không có ngân hàng nào sáp nhập vào Sacombank là không chính xác. “Phải nói là không sáp nhập trong tương lai gần”, ông bảo.
Khi rời bàn đứng lên, không thấy ông kêu tính tiền. Có lẽ ông là khách quen ở đây? Ông đi ra cửa sau, nơi có chiếc Rolls Royce đứng đợi. Tầm 20-21h hôm đó tin ông bị bắt lan trong cánh báo chí.
Lần “ra mắt” đầu tiên
ACB thành lập đầu những năm 1990. Lúc đầu trong danh sách các cổ đông sáng lập không có tên bầu Kiên. Thời gian sau, khi đăng ký lại giấy phép kinh doanh, thấy không đủ người, các cổ đông sáng lập đồng ý đưa tên ông Kiên vào. Từ đó ông Kiên trở thành một trong những cổ đông sáng lập ngân hàng.
Cả chục năm, khi ACB họp báo hay tiếp xúc với báo giới TPHCM, không bao giờ thấy có mặt bầu Kiên. Nhiều nhà báo theo mảng ngân hàng không biết ACB có một phó chủ tịch hội đồng quản trị tên Nguyễn Đức Kiên. Khi “ngày thứ ba đen tối” trong tháng 10/2003 xảy ra, ACB bị rút tiền bởi tin đồn thất thiệt tổng giám đốc bỏ trốn, bầu Kiên lần đầu “ra mắt” báo chí.
Vàng là cơn ác mộng của bầu Kiên.
Tối hôm ấy ở quầy giao dịch hội sở chính trên đường Nguyễn Thị Minh Khai của ACB, người ta thấy một người đàn ông tóc đen, hơi thấp, xăng xái đi lại, chỉ tay chỗ này chỗ kia. Khi thấy tình hình rút tiền không có dấu hiệu thuyên giảm, ông ta và một số lãnh đạo ACB tiến gần đến chỗ các quan chức Ngân hàng Nhà nước, đề nghị gì đó. Sau đấy nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy đứng lên cái bàn giữa phòng giao dịch, tuyên bố cam kết đảm bảo tiền gửi của bà con an toàn và kêu gọi mọi người yên tâm về nhà.
Gần 23h đêm ACB họp báo. Đó là cuộc họp báo có một không hai, nhưng cánh phóng viên, kể cả phóng viên ảnh đến khá nhiều. Người gửi tiền vẫn tiếp tục xếp hàng rút tiền. Bên ngoài trời mưa. Trong đêm, những người đã rút được tiền không dám về, họ ôm tiền, ngồi ngay ở ngân hàng. Bên ngoài bảo vệ đóng cửa. Những người không vào được chen nhau đẩy cánh cổng. Đứng từ trên lầu một nhìn xuống, thấy cánh cổng chắc bật đến nơi, ông Kiên kêu anh em bảo vệ mở cho họ vào.
Đêm không ngủ ấy tóc ông Kiên không đổi màu. Mấy năm sau tóc ông mới bạc trắng.
Kẻ thua cuộc
Những người thường xuyên tiếp xúc với ông Kiên nhận xét ông tham vọng. Một số người thân cận trong giới ngân hàng nói ông tham lam. Họ kể câu chuyện nửa đùa nửa thật. Một bữa ông Kiên ngồi trong nhà, thấy có con bò đi qua cửa, liền tìm cách dắt nó vào nhà nhưng không được. Thế là ông nói: “Tôi mất một con bò”!
Sau khi gọi vốn nước ngoài, những năm 2005-2006 ACB và một số ngân hàng cổ phần “lớn” rất nhanh. Một phần do cơ hội Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO mang lại, phần khác tăng trưởng kinh tế những năm đó thuận lợi. Khi ấy ACB đã dẫn đầu khối cổ phần và thể hiện tham vọng cạnh tranh với bốn ngân hàng quốc doanh. Bước cạnh tranh đầu tiên là về tổng tài sản và lợi nhuận.
Năm 2006 lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 687 tỷ đồng. Năm sau con số lợi nhuận tăng gấp ba lần, nhảy lên 2.127 tỷ đồng. Cùng thời gian, tổng tài sản của ACB bắt đầu leo thang. Một trong những yếu tố tạo đà nhảy cho tổng tài sản của ACB là huy động vàng. Không có ngân hàng nào huy động được nhiều vàng trong dân như ACB. Vào lúc đỉnh điểm, ACB đã huy động được một lượng vàng khổng lồ, hơn 33 tấn.
Quy định cho phép huy động vốn bằng vàng và chuyển 30% vàng huy động thành tiền để cho vay là một chủ trương thức thời. Tuy nhiên việc điều hành, quản lý và kiểm soát phải bám sát thực tế, đơn giản vì vàng là ngoại tệ, là thứ tài sản tích lũy mang tính truyền thống của người Việt Nam. Tiếc thay quản lý vàng suốt nhiều năm đã bị buông lỏng, làm ảnh hưởng đến tỷ giá, tạo ra những “lỗ hổng” và những cơn sốt có thời điểm làm chao đảo nền kinh tế.
Bầu Kiên đã sảy chân với vàng, sa cơ lỡ vận vì vàng và với vàng ông là “kẻ thua cuộc”. Vàng đã đẩy ông đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Và khi sai lầm tích lũy, nó đã tiếp tay, dẫn ông đến những hành động vi phạm pháp luật.
Giới ngân hàng cho biết bầu Kiên bắt đầu kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2008. Ông sử dụng pháp nhân của sáu công ty không có chức năng kinh doanh vàng để tham gia vào thị trường vàng quốc tế. (Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết luận ông phạm tội kinh doanh trái phép).
Ông bán vàng trong nước, mua vàng tài khoản nước ngoài để bù đắp trạng thái. Điều này chẳng khác nào nghiệp vụ bán khống, mà một trong những quy tắc của bán khống là cover (mua lại) càng nhanh càng tốt. Bầu Kiên đã không làm như vậy. Có những đợt phải mấy tháng sau ông mới mua lại vàng đã bán. Chưa kể người ta bán khống trong thị trường giá xuống, còn ông bán khống trong thị trường giá lên.
Tổng giám đốc một ngân hàng kể: “Năm 2009-2010 đi đâu cũng thấy ông Kiên kè kè một cái điện thoại và 5-10 phút lại nhìn vào đó để xem sự biến động giá vàng thế giới. Một lần tôi nói các tổ chức quốc tế đều dự báo giá vàng sẽ qua mốc 1.300 đô la Mỹ/ounce, ông gạt phắt làm gì có”.
Cuối năm 2009, đầu năm 2010 bầu Kiên đã có những quyết định “chết người” với vàng. Ông vay vàng trong nước (vàng huy động của các ngân hàng), và bán. Có ngày ông bán 20.000 lượng vàng ở mức giá 26 triệu đồng/lượng. Vay vàng lãi suất thấp, bán và lấy tiền đồng gửi lại ngân hàng hoặc cho vay lãi suất cao, tính ra chênh lệch tới ba lần/năm.
Tuy nhiên người tính không bằng trời tính. Không ai có thể ngờ giá vàng đã tăng với tốc độ chóng mặt. Khi giá tăng, ngân hàng yêu cầu người vay nộp thêm tài sản, hoặc tất toán trạng thái, chấp nhận lỗ. Vàng đã biến tài sản của bầu Kiên thành con số âm! Những đêm không ngủ theo dõi thị trường vàng thế giới (do múi giờ của châu Âu, Mỹ lệch với Việt Nam) là thủ phạm gây bạc tóc. Kể từ đó “ông đầu bạc” trở thành biệt danh của bầu Kiên.
Cái “chết” vì vàng của bầu Kiên có thể sẽ không tạo ra nhiều hậu quả đến thế cho bản thân ông và ACB nếu ACB và một số ngân hàng kiên quyết ép buộc ông đóng trạng thái khi đến điểm phải cắt lỗ. Đằng này họ đã cho ông nợ trạng thái với hy vọng giá vàng thế giới quay đầu đi xuống. Trên thị trường đầu cơ, không có cái gì lên mãi và cái gì xuống mãi. Đúng là giá vàng quốc tế đã giảm sau 12 năm thăng hoa, nhưng nó giảm ở thời điểm quá xa so với ngày bầu Kiên bán khống.
Vòng lao lý
Để bù đắp cho sự mất mát do vàng gây nên, bầu Kiên lao vào kiếm tiền bằng kinh doanh chứng khoán, kinh doanh ngân hàng, bằng “tư vấn” cho một số thương vụ thâu tóm từ nguồn tiền ảo. Một trong những thứ tài sản ông sở hữu là cổ phiếu ngân hàng. Một lãnh đạo ngân hàng có thâm niên phân tích: “Ông Kiên đã dùng tiền của ACB để mua cổ phiếu ACB, kể cả mua bán “kỹ thuật” tay phải qua tay trái, nhằm đỡ giá cổ phiếu. ACB là blue-chips, có ảnh hưởng đến mặt bằng cổ phiếu ngân hàng nói chung. Ai cũng nhìn thấy sự rơi tự do của cổ phiếu ngân hàng trong những năm qua khắc nghiệt như thế nào. Nếu đà rơi không bị chặn lại, không ít các ông chủ ngân hàng sẽ gặp “nạn”, vì tỷ lệ đòn bẩy để có tiền góp vào các đợt tăng vốn của tổ chức tín dụng rất lớn”.
Bầu Kiên dính vào vòng lao lý đã kéo theo phần lớn dàn lãnh đạo ACB liên lụy. Từ lâu ACB đã tập trung vào các nghiệp vụ đòi hỏi nhiều “chất xám” như kinh doanh trái phiếu; kinh doanh liên ngân hàng; vàng, ngoại tệ; cho vay với khách hàng có thu nhập tầm trung trở lên ở các đô thị và ngân hàng đầu tư. ACB không cho vay với nông thôn, nông dân. Rất ít khi tỷ lệ cho vay trên huy động của ACB đến 80%. Ít ai biết rằng ACB đã từng “thắng” lớn khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ của một số quốc gia bị định giá tín nhiệm rủi ro với lãi suất bằng ngoại tệ tới 8%/năm.
Như đã viết ở đầu bài, khó có thể đưa vào hết chi tiết ngóc ngách về bầu Kiên trong khuôn khổ một bài báo. Xét cho cùng, vì sao một số ngân hàng cho bầu Kiên vay vàng nhiều đến thế để bán? Vì sao chấp nhận cho ông nợ? Bằng cách nào ông trở thành cổ đông lớn và thể hiện vai trò chi phối ở một số tổ chức tín dụng? Cách thức ông khống chế các thành viên hội đồng quản trị và nhất là vì sao người ta lại nhắc đến tên ông mỗi khi đề cập đến vụ thâu tóm thù địch ở Sacombank dù ông không sở hữu một cổ phiếu nào ở đó? Câu chuyện còn dài và có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ tiếp tục ghi lại hầu bạn đọc.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-cau-chuyen-doc-ve-bau-kien-vang-va-acb-a133863.html