Sáng nay (22/4), tại hội nghị về xuất khẩu gạo, có DN phản ánh sự bất thường khi có những tờ khai xuất khẩu gạo thành công trên hệ thống điện tử của hải quan nhưng sau đó bị mất hết thông tin dữ liệu.
Tại Hội nghị bàn các giải pháp điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương chủ trì sáng 22/4 tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự bức xúc tột độ trước việc giải quyết “ì ạch” của nhiều cơ quan chức năng trong việc xuất khẩu gạo.
Đại diện một doanh nghiệp tại tỉnh An Giang cho biết, doanh nghiệp này có một chuyện rất oan ức và kêu cứu rất nhiều lần nhưng không được giải quyết. Đó là gạo của doanh nghiệp này kéo đến cảng Mỹ Thới (An Giang) trước ngày 24/3.
Hai tàu chở gạo của doanh nghiệp gồm một tàu 5.000 tấn và một tàu 4.700 tấn và doanh nghiệp cũng đã mở tờ khai trên hệ thống hải quan lúc 13 giờ 51 phút ngày 11/4, tức là sau khi Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu gạo với hạn ngạch 400.000 tấn.
Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp chất hàng lên tàu thì toàn bộ dữ liệu khai báo của doanh nghiệp trên hệ thống của hải quan “biến mất”.
“Chúng tôi khẩn cấp báo cáo sự việc lên Hải quan An Giang và Hải quan An Giang cũng bức xúc báo cáo lên Tổng cục Hải quan. Thế nhưng, đến nay, vụ việc vẫn không được giải quyết. Trong khi đó, gạo của chúng tôi vẫn nằm ở cảng. Mỗi ngày thiệt hại 200 triệu đồng, gần một tháng qua mất gần 6 tỷ đồng, chưa kể việc gạo có nguy cơ hư hỏng, đối tác đòi trả lại hàng”, đại diện doanh nghiệp nói.
Theo đại diện doanh nghiệp này, phía hải quan luôn ca ngợi máy móc hiện đại. Vậy khi những máy móc của hải quan gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì hải quan tính sao? Lô hàng của doanh nghiệp trị giá 100 tỷ đồng, nếu thiệt hại quá nặng thì doanh nghiệp chỉ có “chết”.
Ông Dương Vũ, đại diện một doanh nghiệp khác tại khu vực Tây Nam Bộ chia sẻ, mỗi ngày, doanh nghiệp của ông cũng phải đền bù thiệt hại cho hãng tàu vận chuyển là 350 triệu đồng vì gạo không xuất khẩu được. Doanh nghiệp này đang mong từng giây, từng phút để gạo được làm thủ tục xuất khẩu.
Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị Tổng cục Hải quan xử lý ngay cho các doanh nghiệp nói trên. Và đích thân Thứ trưởng Trần Quốc Khánh sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này. Việc giải quyết gấp rút nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp chờ đợi thêm.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua cũng có rất nhiều doanh nghiệp bức xúc và “trút giận” lên ngành hải quan.
“Từ trước đến nay, chúng tôi luôn là những người người đầu tiên bị doanh nghiệp trút cơn thịnh nộ lên và chúng tôi cũng không phàn nàn gì. Về việc doanh nghiệp khai tờ khai trên hệ thống hải quan nhưng bị mất không rõ lý do thì ngành hải quan cũng đã tiếp nhận ý kiến, yêu cầu của doanh nghiệp. Hải quan sẽ khẩn trương xử lý”, ông Thành nói.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương kết luận, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến của các bên để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, những lô hàng đang tồn đọng tại cảng từ trước ngày 24/3 sẽ được ưu tiên làm thủ tục xuất khẩu đầu tiên.
Tiếp theo là ưu tiên cho những lô hàng đã mở tờ khai nhưng bị thất lạc tờ khai trên hệ thống hải quan. Việc này, Bộ Công Thương đã bàn bạc với Tổng cục Hải quan và Tổng cục Hải quan cũng đã giao cho Cục Công nghệ thông tin xem xét, xử lý.
Sau khi giải quyết hàng hóa tồn đọng tại cảng, các bộ, ngành, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục giải quyết hàng hóa đang nằm trong kho của các doanh nghiệp.
“Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ tổng hợp những thông tin này để xây dựng báo cáo. Đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì vẫn tiếp tục ở lại TPHCM trong hai ngày 22 và 23/4 để tiếp thu, lắng nghe ý kiến”.
“Ngoài ra, đoàn công tác cũng sẽ đi thực tế tại các cảng lớn như cảng Cát Lái cũng như các cảng cạn – nơi tập trung nhiều gạo của doanh nghiệp để nắm tình hình. Việc này vừa phục vụ cho câu chuyện dài hạn, vừa phục vụ cho cơ chế điều hành xuất khẩu gạo sau tháng 4”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc quan trọng nhất lúc này là phải thiết kế cho được một cơ chế phân bổ chỉ tiêu vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất là 100.00 tấn sao cho công bằng, công khai và minh bạch, giúp cho các doanh nghiệp giải tỏa hàng hóa đang tồn tại cảng.
Còn đối với gạo nằm ở các cảng cạn, các cơ quan chức năng sẽ tìm cách phân bổ hạn ngạch 100.00 tấn cho các doanh nghiệp theo nguyên tắc hàng vào cảng trước 24/3 sẽ được ưu tiên trước và tuần tự như vậy “hàng vào trước làm thủ tục trước”.
Trước đó, trong cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tạm ứng hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang có gạo nằm tại cảng nhưng chưa có tờ khai hải quan.
Trong hội nghị, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đề xuất cho xuất khẩu gạo tiếp tục và nâng hạn mức xuất khẩu lên thêm 200.000 tấn thay vì 100.000 tấn như hiện nay.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổng số gạo tồn kho tại các doanh nghiệp tính đến ngày 18/4 là 1,9 triệu tấn, số hợp đồng ký trước đó là 1,7 triệu tấn, giao hàng đến tháng 6. Nếu xuất khẩu xong những hợp đồng này thì lượng gạo tồn kho là 200.000 tấn, chưa tính lượng hàng sắp thu hoạch vào tháng 6 và lượng gạo của các doanh nghiệp ngoài hiệp hội.
Chính vì vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho xuất khẩu gạo với hạn mức cao hơn.
Đại Việt
Theo Dân Trí
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/qua-bat-thuong-to-khai-xk-gao-thanh-cong-nhung-mat-het-du-lieu-luc-nua-dem-a134199.html