Từ ‘anh’ sản xuất kẹo cao su thành ông trùm đế chế Lotte

Chẳng ai ngờ rằng, một chàng trai Hàn Quốc mơ trở thành nhà văn lại có thể làm nên đế chế Lotte từ nơi đất khách quê người.

Năm 1941, trong Thế chiến II, một chàng trai trẻ người Hàn Quốc giàu tham vọng quyết định phải làm thứ gì đó hơn là quản lý trang trại lợn của gia đình. Sau khi học xong trung học, Shin Kyuk-ho đã lên một con tàu từ thành phố cảng Busan của Hàn Quốc đến Nhật Bản với ước mơ trở thành một tiểu thuyết gia. Nhưng chẳng ai ngờ rằng, ông sẽ xây dựng một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, đế chế Lotte, và nổi danh là “ông trùm kẹo cao su” châu Á.

Tu anh ban keo cao su den ong trum de che LotteLotte World Tower là tòa nhà cao thứ 6 ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Visit Seoul

Ngày nay, Lotte có một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, khách sạn và công viên giải trí toàn cầu. Tổng hành dinh 123 tầng ở Seoul là tòa nhà cao thứ sáu trên thế giới. Nhưng trong khi Lotte là biểu tượng đáng tự hào của sự phát triển Hàn Quốc, thì câu chuyện thương hiệu lại rất phức tạp và liên quan đến lịch sử đầy rắc rối giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tất cả bắt đầu từ… kẹo cao su.

Người phát ngôn của Lotte Confectionery đã nói với SCMP: “Kẹo cao su là một trong những sản phẩm đinh của Lotte Confectionery. Trong đó, kẹo cao su Xylitol của Lotte là có ảnh hưởng lớn nhất. Nó thậm chí còn được gọi là “kẹo cao su quốc dân” của người Hàn Quốc”.

Ngày nay, thứ kẹo cao su thường có màu xanh trắng này đã xuất hiện trên hầu hết các cửa hàng tiện lợi khắp thế giới.

Lập nghiệp nơi đất khách quê người chỉ với 80 yen

Shin Kyuk-ho là con út trong gia đình 10 người con ở Ulsan, sau này phát triển thành thị trấn cảng nhỏ của Hàn Quốc. Sau khi đến Nhật Bản năm 1941 chỉ với 80 yen trong túi, chàng trai trẻ nhận giao báo và sữa trong khi theo học một trường cao đẳng kỹ thuật. Anh lấy một cái tên Nhật Bản, Shigemitsu, để có thể hòa nhập vào cộng đồng sinh viên và sau đó là cộng đồng doanh nghiệp.

Tu anh ban keo cao su den ong trum de che LotteShin Kyuk-ho, ông trùm đế chế Lotte. Ảnh: Munhwa

Giống như nhiều người ở Nhật Bản sau chiến tranh, Shin say mê với tất cả những thứ gì của người Mỹ. Khi thấy lính Mỹ thổi bong bóng cho trẻ em, ông hào hứng với ý tưởng thành lập công ty riêng ở Tokyo để làm kẹo cao su cho thị trường Nhật Bản. Một thành phố Nhật Bản vốn không phải là nơi lý tưởng để một người Hàn Quốc lập nghiệp, càng không nói là xây dựng đế chế kinh doanh, khi đến năm 1945, Hàn Quốc vẫn còn chịu sự thống trị của Nhật Bản.

Shin khai trương công ty vào năm 1948, sản xuất kẹo cao su dưới những cái tên như Cowboy và Mable Gum. Nhưng ước mơ trở thành tiểu thuyết gia ngày nào lại đưa đến cho ông cái tên chúng ta vẫn biết ngày nay: Lotte. Đó là tên ông lấy từ Charlotte, nữ anh hùng trong cuốn tiểu thuyết thế kỷ 18 “The Sorrows of Young Werther” của đại văn hào Wolfgang von Goethe. Ông rất tự hào về cái tên này, nói rằng đó là sự lựa chọn vĩ đại nhất của cuộc đời mình.

Tu anh ban keo cao su den ong trum de che LotteMột công nhân trong nhà máy sản xuất kẹo cao su đầu tiên của Lotte. Ảnh: Zing

Ban đầu, nhiều người tỏ ra hoài nghi sự thành công của kẹo cao su. Bởi sự thù địch của người Nhật Bản với các sản phẩm phương Tây khi ấy còn rất cao. Đặc biệt phần lớn dân số còn không có tiền chi cho thực phẩm chứ đừng nói là đồ ngọt. Nhưng rồi, kẹo cao su bong bóng của Lotte đã gây tiếng vang với khách hàng, đặc biệt là trẻ em – luôn xếp hàng để chờ có được thứ kẹo thổi vui mắt. Bí mật đằng sau nó là một quả bóng trong mỗi gói. Lotte cũng tổ chức bốc thăm may mắn với bao bì chính là những tấm vé quay thưởng.

Shin nhanh chóng mở rộng sản xuất sang các sản phẩm khác như bánh kẹo, chocolate, bao gồm cả dòng chocolate Shana vẫn còn phổ biến trong các thanh chocolate sữa ngày nay. Công ty ông tài trợ cho các chương trình và đôi bóng chày Nhật Bản, Lotte Orions.

Năm 1965, Lotte nhận được món quà mà Shin đã chờ đợi từ lâu: Nhật Bản và Hàn Quốc cuối cùng đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Điều này cho phép Lotte mở rộng về quê mẹ năm 1967. Khi ấy, Hàn Quốc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng không giống như bất cứ điều gì thế giới từng thấy. Sản phẩm đầu tiên của Lotte ở Hàn Quốc cũng là kẹo cao su, nhưng giờ đây, theo sau nó là một đoàn quân hùng hậu các thực phẩm khác.

Trở thành đế chế Hàn Quốc

Lotte nhanh chóng trở thành chaebol (chỉ các tập đoàn gia đình lớn mạnh phát triển nhanh chóng sau thế chiến) lớn thứ năm Hàn Quốc. Các chaebol đã giúp biến Hàn Quốc từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một cường quốc xuất khẩu và nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới.

Một trong những cửa hàng đầu tiên của Lotte ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Zing

Nhưng trong khi các chaebol như Lotte được hưởng lợi từ mối bang giao, thì mối quan hệ ấy lại rất đỗi mong manh. Khi ấy, Hàn Quốc đang trong đỉnh điểm chiến tranh lạnh với Triều Tiên. Háo hức xây dựng sức mạnh quân sự, chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị các tập đoàn trợ giúp sản xuất vật tư quân sự. Dĩ nhiên, đế chế Lotte của Shin là một trong những cái tên nằm đầu danh sách.

Shin từ chối, và thế là, mối quan hệ phức tạp giữa Lotte và quân đội hình thành, kéo dài suốt nhiều năm. Mối quan hệ ấy cuối cùng dẫn đến tranh cãi THAAD năm 2017, khi Lotte khiến Bắc Kinh tức giận vì đã cho phép hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ triển khai trên một trong những sân golf của mình.

Chính phủ Hàn Quốc đã khiến Lotte không có nhiều lựa chọn, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho công ty. Hàng trăm cửa hàng Lotte ở Trung Quốc gần như không thể hoạt động với lý do nguy cơ hỏa hoạn. Mối quan hệ tế nhị ấy kéo dài suốt hàng thập kỷ.

Tu anh ban keo cao su den ong trum de che LotteLotte kỷ niệm 10 năm thành lập ở Hàn Quốc. Ảnh: Zing

Thập niên 70-80 chứng kiến đế chế Lotte mở rộng ra bên ngoài, xây dựng nhà máy ở bang Michigan của Mỹ, mở văn phòng bán hàng ở Chicago nhằm thúc đẩy bán kẹo cao sư và cookies ở thị trường Mỹ. Sau đó, Lotte bành trướng ra khắp châu Á với việc ra mắt công ty con tại Thái Lan năm 1988 và Indonesia năm 1993. Vài năm sau, Lotte trở lại Trung Quốc, rồi triển khai hoạt động ở Philippines và Việt Nam.

Tu anh ban keo cao su den ong trum de che LotteBùng nổ kinh tế đã khiến người Hàn Quốc rủng rỉnh chi tiêu cho đồ ăn vặt. Ảnh: Booking

Ở quê nhà, bùng nổ kinh tế đã giúp cho người Hàn Quốc thoải mái hơn trong việc chi tiêu vào các món ăn nhẹ, dẫn đến việc tạo ra các sản phẩm như Pepero, thanh cookie nhúng chocolate. Năm 1996, thương hiệu Pocky của Nhật Bản tố cáo Lotte sao chép ý tưởng của mình. Nhưng Pocky kiện tụng bất thành vì khi ấy, Pepero chỉ được bán ở Hàn Quốc.

Với Pepero, Lotte đã có được chiến thắng marketing đầu tiên mà hầu hết các thương hiệu chỉ có thể mơ ước: cả ngày chỉ ăn nhẹ với Lotte. Pepero Day (11/11) trở thành một ngày lễ ở Hàn Quốc như ngày Valentine vậy.

Nguồn gốc của ngày này không biết do ai khởi xướng. Có người cho rằng 11/11 là vì hình dáng giống cây gậy của Pepero. Dù sao thì chiến thắng lớn nhất vẫn là Lotte. Chỉ doanh số trong ngày hôm đó đã chiếm tới một nửa tổng doanh số Pepero cả năm.

Vẫn là kẹo cao su

Nhưng thành công lớn nhất của đế chế Lotte vẫn là kẹo cao su. Shin có một bức ảnh được đóng khung của Lotte Green Gum tại văn phòng của mình trên tầng 34 của chi nhánh chính của Lotte Hotel ở trung tâm Seoul, như một lời nhắc nhở về niềm đam mê và nỗ lực thuở ban đầu.

Tu anh ban keo cao su den ong trum de che LotteNhóm Lotte Angels tuyên truyền mọi người dọn rác trong một sự kiện ngoài trời quảng bá cho Lotte. Lotte Angels vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ảnh: Zing

Xylitol vốn là một thứ thường được dùng để thay thế đường ở Phần Lan vì lợi ích về nha khoa. Khi được phép dùng làm phụ gia thực phẩm năm 1977, Lotte đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ để tạo ra một loại kẹo cao su ngọt. Shin Kyuk-ho chính là người đầu tiên ở Nhật Bản làm điều này.

Người phát ngôn của Lotte tự tin tuyên bố, kẹo cao su Hàn Quốc sẽ trở thành cơn bão khi xu hướng sống “healthy” phát triển và Xylitol là lựa chọn lành mạnh hơn so với kẹo cao su thông thường. “Nếu bạn xếp những miếng kẹo cao su chúng tôi đã bán ra đến nay, nó sẽ dài tới 269.561km, tương đương với 6,7 vòng quanh Trái đất”.

Tu anh ban keo cao su den ong trum de che LotteQuảng cáo cho các sản phẩm của Lotte là những idol hàng đầu Hàn Quốc. Ảnh: Pinterest

Đế chế Lotte giờ đã vượt xa rất nhiều cái danh công ty sản xuất kẹo cao su thuở trước. Và vẫn đang tiếp tục phát triển. Nhưng người sáng lập yêu văn thơ đã không còn nắm quyền.

Đế chế hùng mạnh không làm nên một gia đình yên ấm

Khi qua đời năm 2020 ở tuổi 98, Shin Kyuk-ho là người cuối cùng trong số những ông trùm khai sáng ra sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc ngày nay sau chiến tranh. Ông sống đủ lâu để bản thân trở thành kẻ bị truy tố, và chứng kiến hai người con trai “đánh nhau” không từ thủ đoạn để giành giật đế chế Lotte chứa đựng bao tâm sức.

Tu anh ban keo cao su den ong trum de che LotteThành công về mặt sự nghiệp, nhưng Shin Kyuk-ho lại không thể ngăn cản hai con trai trở mặt thành thù. Ảnh: Bloomberg

Shin dường như miễn cưỡng từ bỏ quyền kiểm soát Lotte, và không thể thực sự lựa chọn được người thừa kế. Người con trai cả Shin Dong-joo dường như là “thái tử”, nhưng ông này không được trao quyền kiểm soát đế chế Lotte cho đến phút cuối cùng. Vào năm 2013, khi bệnh Alzheimer của Shin Kyuk-ho trở nên tồi tệ hơn, hai con trai của ông bắt đầu cuộc chiến giành quyền sở hữu, cuối cùng kết thúc với chiến thắng của Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin. Nhưng mối thù gia đình đã phơi bày sự phức tạp đằng sau ánh hào quang trong Lotte và trở thành một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử công ty.

Xuất hiện tại tòa với cáo buộc trốn thuế năm 2017, một Shin Kyuk-ho già nua ốm yếu xuất hiện, ném gậy chống xuống sàn và yêu cầu được biết ai đã truy tố mình. Ông cao giọng nhắc nhở mọi người trong căn phòng phán xử ấy rằng, ông ta sở hữu mọi thứ ở Lotte, trong khi các trợ lý vội vàng kiểm tra huyết áp cho ông.

Tu anh ban keo cao su den ong trum de che LotteDù kết thúc cuộc đời trong vai một tội phạm ngồi xe lăn, tình yêu của Shin Kyuk-ho dành cho Lotte có lẽ cũng như chàng trai trong cuốn tiểu thuyết của đại văn hào Goethe mà ông yêu thích. Thậm chí, ông còn đặt chuyển đến bên ngoài trụ sở của Lotte ở Seoul. Ảnh: Asia Times

Giống như nhân vật rơi vào lưới tình với nàng Charlotte trong tiểu thuyết kinh điển của Goethe, mối quan hệ giữa Shin Kyuk-ho với đế chết Lotte dường như sâu sắc đến đặc biệt, hơn hết thảy mọi nhà sáng lập khác với công ty của họ.

Trên trang web, Lotte vẫn giương cao tuyên bố sứ mệnh săn sóc cho cuộc sống con người bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đỉnh cao. Ngày nay, bằng chứng về sự cống hiến của Lotte cho mục tiêu ấy và cả tham vọng, hay niềm đam mê mãnh liệt, của Shin Kyuk-ho được viết trên các tòa nhà chọc trời và các cửa hàng trên toàn thế giới.

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tu-anh-san-xuat-keo-cao-su-thanh-ong-trum-de-che-lotte-a134432.html