Ông nhắm vào công ty khai mỏ lớn nhất thế giới, gây chiến với Warren Buffett ở công ty phân phối điện lớn nhất bang Texas, hạ bệ hàng loạt CEO của các công ty lớn ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương và gần đây nhất là có dính dáng đến một loạt sự kiện dẫn đến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất.
Kiên trì đeo bám, thích kiện tụng và rất hung hăng. Đó chính là 3 tính từ miêu tả chính xác Paul Singer – người được coi là nhà đầu tư chủ động (activist investor) đáng sợ nhất thế giới. Nắm trong tay 34 tỷ USD tài sản, quỹ Elliott Management của Singer khá “im hơi lặng tiếng” trong 18 tháng vừa qua. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ sớm thay đổi.
Nói thêm về khái niệm nhà đầu tư chủ động, đây là những nhà đầu tư tuy nắm giữ số cổ phần không lớn nhưng lại hoạt động giống như những chính trị gia đi vận động tranh cử. Họ cố gắng giành lấy sự ủng hộ của các cổ đông khác đối với các yêu cầu như có mặt trong hội đồng quản trị của công ty, cắt giảm chi phí, chia nhiều tiền mặt hơn cho cổ đông…
Trong trường hợp của Singer, người đã “chinh chiến” trong ngành quỹ đầu cơ suốt 40 năm nay, người đàn ông 72 tuổi đã nhiều phen khiến người khác phải khốn đốn. Ông nhắm vào công ty khai mỏ lớn nhất thế giới, gây chiến với Warren Buffett ở công ty phân phối điện lớn nhất bang Texas, hạ bệ hàng loạt CEO của các công ty lớn ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương và gần đây nhất là có dính dáng đến một loạt sự kiện dẫn đến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất.
Tầm ảnh hưởng của Paul Singer trên thị trường tài chính quốc tế là không thể chối cãi. Bắt đầu sự nghiệp với 1,3 triệu USD huy động được từ gia đình và bạn bè, ông lập nên Elliott Management Corporation (EMC) vào năm 1977. Kể từ đó đến nay, những khoản đầu tư của EMC vào cả trái phiếu và cổ phiếu đã dẫn đến các vụ mua bán tài sản và mua lại cổ phiếu quỹ tại các doanh nghiệp với tổng giá trị lên tới 93 tỷ USD (theo số liệu của Bloomberg).
Tạp chí Fortune miêu tả ông là một trong những “nhà quản lý quỹ thông minh nhất và cũng ngoan cố nhất” trong giới đầu cơ. Vì những thương vụ có vẻ “tàn ác” với hậu quả thảm khốc dành cho không ít cá nhân và doanh nghiệp đối đầu với ông, thậm chí Paul Singer được không ít người gọi là “một nhà tư bản trục lợi", một “con kền kền” trực chờ cơ hội để xâu xé những doanh nghiệp hoặc quốc gia bên bờ phá sản.
Tuy nhiên, Singer không lo ngại về tiếng xấu của mình. Thậm chí ông coi đó là 1 “lợi điểm” để thu hút các khách hàng đến với quỹ EMC. “Chuyện đó không khiến tôi thấy phiền nữa. Thực tế thì sẽ tốt khi các lãnh đạo doanh nghiệp lắng nghe và hiểu rằng chúng tôi (những nhà đầu tư chủ động) là có thật và cũng có đủ khả năng để hoàn thành mục tiêu”, ông nói trên Bloomberg TV.
Dưới đây là một số thương vụ đình đám của EMC trong mấy năm trở lại đây.
Khiến Samsung khốn đốn
Ngày 5/10/2016, Elliott tung ra 1 lá thư dài 10 trang và bài thuyết trình gồm 31 slide hối thúc Samsung Electronics chia tách thành 2 công ty và bổ sung thêm 3 giám đốc độc lập, bắt đầu chia cổ tức. Đến tháng 4/2017, Samsung từ chối hầu hết các yêu cầu này nhưng cuối cùng đã có quý trả cổ tức lần đầu tiên trong lịch sử.
Và không thể không nhắc đến vụ việc ở Samsung C&T. Năm 2015, sau khi trở thành cổ đông chủ chốt của Samsung C&T, Elliott phản đối việc công ty này bị Cheil Industries thâu tóm vì cho rằng mức giá đưa ra là quá thấp so với giá trị của tập đoàn. Tháng 7 năm đó, tòa án Hàn Quốc bác bỏ yêu cầu ngừng bán cổ phiếu liên quan đến thương vụ này từ phía Elliott, mở đường cho vụ M&A.
Tuy nhiên, 1 năm sau, các thẩm phán bắt đầu quay lại điều tra liệu các khoản chi trả cho những thực thể do bà Choi Soon-Sil (là nhân vật thân tín với cựu Tổng thống Park Geun-hye) kiểm soát đã giúp vụ M&A của Samsung nhận được sự hậu thuẫn.
Kết quả là bà Park bị phế truất vì tội tham nhũng trong khi “thái tử” nhà họ Lee, Jay Y.Lee đang bị tạm giam và có thể nhận án 12 năm tù.
Samsung Electronics có giá trị vốn hóa 273,9 tỷ USD, trong khi Samsung C&T có giá trị vốn hóa 23,5 tỷ USD.
Cuộc chiến ở công ty khai mỏ lớn nhất thế giới
Tháng 4/2017, Singer chính thức tuyên chiến với tập đoàn khai mỏ lớn nhất thế giới BHP Billiton (Australia) khi công bố bức thư dài 10 trang yêu cầu BHP chia tách số tài sản trị giá 22 tỷ USD ở Mỹ. BHP cho rằng chi phí để thực hiện kế hoạch này là quá lớn và sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, tuy nhiên hãng vẫn đang tìm kiếm những kế hoạch thay thế. Elliott cũng yêu cầu thanh kiểm tra lại toàn bộ đội ngũ lãnh đạo của BHP, đề cử ban giám đốc mới.
Tập đoàn BHP có giá trị vốn hóa 103 tỷ USD.
Phế truất CEO
Sự việc xảy ra ở Arconic Inc. (Mỹ) cuối năm 2016. Elliott tăng số cổ phần nắm giữ ở nhà sản xuất các linh kiện nhôm này sau khi khiến tập đoàn nhôm Alcoa phải chia tách hồi tháng 11/2016. Ngay sau đó, Elliott thực hiện chiến dịch lật đổ CEO Klaus Kleinfeld của Arconic, công ty vừa mới ra đời từ kết quả vụ chia tách ở Alcoa. Sở hữu 13,2% cổ phần ở Arconic, Elliott liên tiếp gây sức ép buộc Arconic phải thay thế Kleinfeld với lý do nhân vật này “thiếu năng lực”.
Sau đó Arcnonic cũng phải bổ sung 3 người mà Elliott đề cử vào ban giám đốc.
“Kền kền” tấn công Argentina
Là một chủ nợ của Argetina khi sở hữu số trái phiếu mà nước này phát hành từ năm 2001 do đứng trước nguy cơ vỡ nợ, Elliott đã từ chối lời đề nghị hoán đổi nợ mà Chính phủ Argentina đưa ra. Paul Singer là người dẫn đầu một nhóm các quỹ đầu cơ (được biết đến tên gọi NML) cố gắng thu về 100 cent trên mỗi USD nợ của Argentina trong khi các nhà đầu tư khác chấp nhận mất 70%. Cuộc kiện tụng giữa Singer và Chính phủ Argentina kéo dài tới 15 năm.
Trong cuộc chiến dài đằng đẵng này, Elliott đã thành công trong việc buộc Argentina phải quay trở lại bàn đàm phán bằng cách triệt tiêu khả năng vay mượn trên thị trường quốc tế của nước này, đồng thời tìm cách tịch thu tài sản. Năm 2012, quỹ thu giữ 1 con tàu của Chính phủ Argentina đang neo đậu ở Ghana. Thậm chí Tổng thống Argentina từng phải thuê máy bay thương mại vì sợ các chủ nợ sẽ bắt giữ máy bay chở Tổng thống.
Cuối cùng thì năm ngoái, Chính phủ Argentina đã phải đầu hàng và Elliott nhận được 2,4 tỷ USD – số tiền cao gấp 4 lần so với mệnh giá của số trái phiếu mà nó nắm giữ.
Chiến thuật này cũng được ông áp dụng ở một số quốc gia Mỹ Latinh khác. Năm 1995, ông mua nợ của ngân hàng Peruvian với giá 20 triệu USD và sau đó theo kiện đến cùng, cho tới khi nhận được khoản bồi thường 58 triệu USD. Năm 2002 và 2003, Singer nhận được hơn 100 triệu USD tiền lãi sau khi mua 30 triệu USD nợ của Congo-Brazzaville.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ty-phu-ken-ken-paul-singer-noi-khiep-so-cua-cac-ceo-va-ca-cac-quoc-gia-a134485.html