Trong khi Hà Nội và nhiều địa phương khác mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động với giá 7-8 tỷ thì Quảng Trị vẫn mua với giá chỉ 1,45 tỷ.
Giải thích vì sao Quảng Trị lại mua được máy với giá rẻ hơn nhiều các địa phương khác, ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị nêu 3 lý do.
Thứ nhất, máy Realtime PCR và máy tách chiết mẫu tự động Quảng Trị mua là loại máy có cấu hình thấp hơn nên cho ra ít mẫu xét nghiệm hơn các máy có cấu hình cao nhưng chất lượng xét nghiệm không khác nhau.
Thứ hai, có thể tại thời điểm Quảng Trị mua thị trường máy đã không còn khan hiếm như thời gian đầu, nhờ thế Quảng Trị đã mua được với giá thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, với mẫu máy Realtime PCR mua được với giá 1,45 tỷ thì một số địa phương khác mua với giá 3 tỉ đồng. Hay máy tách chiết mẫu tự động 32 mẫu CDC Quảng Trị mua chỉ với giá 650 triệu đồng trong khi một số nơi khác thì mua với giá hơn 1 tỉ đồng.
Một lý do khác là do ngân sách địa phương cấp cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh rất hạn chế so với nhiều địa phương khác. Vì thế, khi mua sắm các thiết bị máy móc, Sở Y tế phải tính toán cân nhắc rất nhiều.
"Chúng tôi chọn mua loại máy này vì nó vẫn bảo đảm chất lượng xét nghiệm, giá cả hợp lý mà vẫn đáp ứng được yêu cầu, khả năng phòng chống dịch của địa phương.
Cũng giống người có điều kiện khó khăn thì đi xe số, người giàu có hơn thì đi xe ga. Trong câu chuyện mua sắm máy móc xét nghiệm bị đội giá tại các địa phương, tôi cũng hi vọng giống như việc lựa chọn xe máy vậy. Hi họng là do chất lượng máy móc khác nhau mà có giá thành khác nhau", ông Hùng chia sẻ.
Nói thêm về chuyện thị trường máy móc nhập về trong nước đã bị đẩy lên, ông Hùng thừa nhận đây là câu chuyện có thật do địa phương nào cũng thiếu máy, nơi nào cũng muốn mua. Có thể vì thế mà nhiều địa phương đã phải mua máy với giá cao hơn nhiều lần so với giá nhập về.
Tuy nhiên, thị trường bị đẩy lên mức giá nào và mức giá cao hơn bao nhiêu là hợp lý? Mức giá các địa phương mua có chấp nhận được hay không thì lại là vấn đề khác.
Bởi nếu có chuyện các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị đã lợi dụng thời điểm dịch bệnh để đầu cơ, thổi giá thì các địa phương cũng rất khó mua được máy tốt, giá rẻ.
Vì thế, cần phải làm rõ có hay không chuyện đầu cơ, đẩy giá máy xét nghiệm giống như đẩy giá khẩu trang. Nếu có chuyện này thì Bộ Y tế, Cơ quan quản lý thị trường cũng phải có trách nhiệm làm rõ.
Ngược lại, nếu có chuyện lợi dụng việc thị trường máy móc bị đẩy giá, địa phương mua máy lại đẩy giá lên một lần nữa thì phải làm rõ hành vi móc nối, bắt tay để làm sai, để trục lợi.
Theo nhận định của vị Giám đốc Sở, mức giá trung bình khoảng 4,5 tỷ cho một máy xét nghiệm Realtime PCR tự động có cấu hình cao, chất lượng tốt là phù hợp.
"Tôi hi vọng các cơ quan chức năng sớm làm rõ ai đúng, ai sai, sai ở đâu, sai thế nào, sai do ai... để trả lại danh dự cho ngành y.
Chỉ vì một số địa phương mua máy xét nghiệm với giá cao mà nhân dân cả nước đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn về các y, bác sĩ, các trung tâm CDC dù chúng tôi đều là những bác sĩ tuyến đầu đã phải lăn lộn, vất vả, cố gắng hết sức mình từ đầu mùa dịch tới giờ.
Khi nghe câu chuyện này chúng tôi rất đau lòng.
Mọi sự cố gắng, vất vả của chúng tôi từ đầu mùa dịch đã không còn tròn đẹp chỉ vì có những dấu chấm đen như vậy", ông Hùng chia sẻ.
Bác sĩ chỉ nên làm chuyên môn
Là người trong ngành, ông Đỗ Văn Hùng cũng bày tỏ rất nhiều băn khoăn trong cách thức điều hành quản lý hiện nay. Theo ông Hùng, cơ chế quản lý cũng cần thay đổi, bác sĩ chỉ cần tập trung làm chuyên môn là cứu chữa người, không nên tham gia trực tiếp vào các hoạt động mua bán, đầu tư, xây dựng... việc này không phù hợp.
Ông Hùng cho rằng, việc mua sắm các thiết bị y tế là mua sắm công, cần phải có một cơ quan quản lý tài sản công chuyên đứng ra phụ trách việc mua bán này.
Vì nếu giao cho các cơ quan chuyên về lĩnh vực quản lý tài sản công họ sẽ nắm rõ hơn về các quy trình thủ tục, giá cả, hợp đồng như thế khi thực hiện các thỏa thuận mua bán sẽ chặt chẽ, khách quan hơn.
"Bác sĩ là những người cầm dao, kéo thì chỉ có thể tham gia đề xuất, tham mưu những loại máy móc, thiết bị nào phù hợp thôi chứ không thể tham gia cụ thể vào từng chi tiết như: lựa chọn máy móc gì, bao nhiều tiền, rồi lại phải đi khảo sát, đánh giá mức giá trên cao hay thấp, có hợp lý hay không hay lại phải đi tìm các đơn vị khác để so sánh, lựa chọn... rất mất thời gian và không phù hợp.
Nếu giao cho một đơn vị không chuyên đứng ra làm sẽ rất rủi ro và rất dễ dẫn tới vi phạm pháp luật", ông Hùng nói.
Hải Dương tận dụng máy cũ
Tại Hải Dương, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết, dù dịch bệnh phức tạp nhưng Hải Dương không nhập máy xét nghiệm Covid-19 mới mà tận dụng và nâng cấp hệ thống máy xét nghiệm virus cũ.
Hệ thống máy móc Hải Dương tận dụng và nâng cấp là hệ thống máy móc xét nghiệm Realtime PCR nhưng chuyên để phát hiện virus HIV, viêm gan A và B, các loại virus khác đã được trang bị từ trước.
Giám đốc Sở Y tế Hải Dương khẳng định, hệ thống máy móc này đủ khả năng xét nghiệm Covid-19.
Nhờ thế, hiện Hải Dương đang có 4 cơ sở y tế sử dụng hệ thống này và vẫn đang sử dụng cho mục đích xét nghiệm tìm ra Covid-19 rất hiệu quả.
Với hệ thống máy móc trên, từ đầu đợt dịch đến nay, ngành y tế Hải Dương đã thực hiện gần 3.000 mẫu xét nghiệm Covid-19.
Sở Y tế Thái Bình đàm phán giảm giá thành công
Trong khi đó, tại Thái Bình, Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, việc đàm phán giảm giá hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR thành công, vì thế giá trị máy địa phương này mua có giá là 5,2 tỷ đồng.
Đây là mức giá giảm khá nhiều so với kế hoạch Thái Bình dự kiến chi trước đó là 7,3 tỷ đồng để mua máy xét nghiệm.
Việc đàm phán này theo lãnh đạo Sở Y tế thực tế đã diễn ra từ một tháng trước đó.
Theo đó, giá đàm phán được là 5,8 tỷ, tuy nhiên, Thái Bình yêu cầu nhà thầu cung cấp thêm 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng, ngoài ra còn quyền lợi bảo hành, bình thường bảo hành 1 năm, nhưng chúng tôi đã đàm phán được bảo hành 5 năm, mà chi phí bảo hành mỗi năm, theo nhà thầu thông tin, là trị giá 5% hợp đồng.
Tính toán giá trị thực của máy là 5,2 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết khi mua thiết bị, tỉnh cũng có hội đồng thẩm định giá, bên cạnh mức giá mà doanh nghiệp được thuê thẩm định đã cung cấp.
Vị này cũng cho biết hệ thống thiết bị xét nghiệm mà Thái Bình đã mua là "hiện đại nhất" (hệ thống Cobas 4800- PV), có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh, chứ không chỉ xét nghiệm riêng COVID-19.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-sao-quang-tri-mua-may-xet-nghiem-covid-19-chi-145-ty-a134661.html