Từ câu chuyện con gà bé dần tại Singapore đến đại dịch đói mà thế giới đang đương đầu

UN trong tuần này đã cảnh báo rằng thế giới sẽ có thể đương đầu với một đại dịch đói, tác động kinh tế trực tiếp từ sự lây lan của virus cúm corona.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters)

Những con gà mà nông trại Toh Thye San cung cấp vào siêu thị đang nhỏ dần, trước đây mỗi con gà nặng 2kg tuy nhiên giờ đây nó chỉ còn nặng 1,3kg.

Tại sao lại như vậy? Singapore thiếu người chăn nuôi, chính vì vậy họ không thể nuôi được những con gà to hơn. Điều này xảy ra kể từ khi Malaysia đóng cửa để ngăn sự lây lan của virus cúm corona.

Khi mà người lao động không thể đi qua biên giới, các nhà cung cấp đơn giản buộc phải giảm công suất hoạt động khoảng 30%, theo phân tích của trưởng bộ phận quản lý dự án tại nông trại gia đình Toh Thye San, ông Kenny Toh.

Ông Toh nói: “Khi bạn không có đủ người, bạn không thể sản xuất nhiều như trước”.

Câu chuyện về những con gà nhỏ dần ở Singapore là ví dụ đơn giản nhất cho thấy các biện pháp ngăn đại dịch và bảo vệ nguồn cung nội địa đang tác động thế nào đến nguồn cung thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn của con người.

Câu chuyện này không phải chỉ mang tính địa phương mà có tính toàn cầu. Cơ quan Lương thực thuộc Liên hợp quốc (UN) trong tuần này đã cảnh báo rằng thế giới sẽ có thể đương đầu với một đại dịch đói, tác động kinh tế trực tiếp từ sự lây lan của virus cúm corona. Tình trạng này đặc biệt tồi tệ tại Trung Đông và Bắc Phi.

Tại Đông Nam Á, Malaysia đã kéo dài các quy định hạn chế đi lại thêm 14 ngày sang đến ngày thứ Ba tuần sau. Thái Lan cũng kéo dài quy định hạn chế xuất khẩu trứng cho đến cuối tháng này từ khoảng thời gian 7 ngày ban đầu nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa. Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Thái Lan, cũng đã tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo vào ngày 24/3/2020 và vẫn tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo sau khi bỏ đi quy định cấm đó.

Campuchia cũng đã ngừng xuất khẩu gạo trắng. Đã xảy ra hiện tượng mua gom hoảng loạn tại nhiều nơi, thách thức của chuỗi cung ứng khu vực vì vậy cũng ngày một lớn dần.

Chính phủ Singapore, nước nhập khoảng hơn 90% lượng thực phẩm, đã không ngừng trấn an công chúng rằng Singapore có thể vượt qua bất kỳ sự gián đoạn nào nhờ vào nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và dự trữ quốc gia đảm bảo.

Ngay cả như vậy, Bộ trưởng Thương mại Công nghiệp Chan Chun Sing đã cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều sự gián đoạn khi mà tình trạng phong tỏa tại nhiều đất nước vẫn tiếp diễn.

Công ty kiểm toán toàn cầu PwC trong báo cáo gần đây đã cảnh báo rằng khối các nước thuộc ASEAN đang đương đầu với nhiều thách thức về an ninh lương thực vốn đã có từ trước đại dịch do sự đô thị hóa nhanh chóng và tốc độ tăng tiêu dùng lên mạnh.

Đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho những khó khăn trên ngày một tồi tệ hơn, ít nhất trong ngắn hạn. Ngành thực phẩm đóng góp 500 tỷ USD sản lượng kinh tế tức tương đương khoảng 17% tổng GDP của ASEAN.

Trưởng bộ phận quản lý hoạt động khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Richard Skinner, nói: “Các cuộc đối thoại của chúng tôi với các công ty thực phẩm toàn cầu cho thấy rằng các biện pháp hạn chế lao động và nguồn cung là những thách thức chủ chốt mà ngành sản xuất thực phẩm châu Á đang phải đối mặt”.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLive: https://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/tu-cau-chuyen-con-ga-be-dan-tai-singapore-den-dai-dich-doi-ma-the-gioi-dang-duong-dau-3542344.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tu-cau-chuyen-con-ga-be-dan-tai-singapore-den-dai-dich-doi-ma-the-gioi-dang-duong-dau-a134727.html