Tất cả đều bị đề nghị án phạt, từ treo 3 năm cho tới 30 năm tù. Cả một dàn lãnh đạo gần trọn bộ lãnh đạo cao cấp nhất: Chủ tịch, tổng giám đốc cho tới các thành viên HĐQT, ban điều hành... với nhiều thành tích được vinh danh đang chờ phán quyết cuối cùng của tòa. Một 'dàn' đại gia đã 'tàn'?
Bước ngoặt
Sau hơn 1 tuần xét xử, Viện Kiểm sát đã đưa ra các mức án đề nghị cho các bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) với 4 tội danh có hình phạt chung là 30 năm tù. Các bị cáo khác bị buộc tội "cố ý làm trái", với ông Lý Xuân Hải 12-14 năm tù; bị cáo Lê Vũ Kỳ 7-8 năm; Trịnh Kim Quang 6-7 năm; ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn cùng 3 năm tù treo.
Hầu hết các luật sư đều cho cho rằng mức án đề nghị với các bị cáo là nặng. Cho tới thời điểm này, các mức án đưa ra mới chỉ là đề nghị của VKS. Tuy nhiên, những đề nghị này cũng là kết quả của một quá trình điều tra gần 2 năm trời với hàng núi tài liệu được xem xét.
Điều này cho thấy một thực tế là các bị cáo - cả dàn cựu lãnh đạo của Ngân hàng ACB sẽ nhận được những phán quyết tương xứng với những sai lầm họ mắc phải.
Thời gian tạm giam gần 21 tháng đối với ông Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải hay gần 1 tháng đối với các cựu lãnh đạo còn lại cũng là một khoảng thời gian cách ly với cộng đồng và là bước ngoặt trong đời sống doanh nhân của họ.
Đại án Bầu Kiên liên quan đến dàn lãnh đạo ACB |
Đây thực sự là cú sốc với giới doanh nhân bởi trong dàn lãnh đạo nói trên có nhiều người có tài, từng được vinh danh ở nhiều nơi, nổi trội ở nhiều lĩnh vực và từng là đối tượng để nhiều doanh nghiệp lớn trong nước muốn có được để theo đuổi chiến lược phát triển của mình.
Trong giới đầu tư, nhiều người vẫn tỏ sự ngưỡng mộ đối với một số doanh nhân trong vụ án này. Họ ngưỡng mộ về tài năng và trình độ, cũng như đóng góp của họ cho sự phát triển của ACB.
Những phán quyết cuối cùng cũng sắp được đưa ra. Đúng hay sai sẽ được pháp luật phán xét công bằng. Rất có thể những cựu lãnh đạo của một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam sẽ thụ án trong một thời gian dài. Và như thế, sự vấp ngã của cả một đội ngũ lãnh đạo này đã chấm dứt giai đoạn huy hoàng của một lớp đại gia lừng lẫy trong giới kinh doanh.
Vang bóng một thời
Tạo ra sự nuối tiếc đáng kể nhất có lẽ là nguyên Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải. Cuối phiên xét xử ngày 28/5, luật sư Vũ Thị Thiên Ngọc bào chữa cho ông Lý Xuân Hải trình bày một loạt về nhân thân bị cáo này với những bằng cấp sáng giá, danh hiệu, đạo đức... và cho rằng đây là những tình tiết giảm nhẹ và đề nghị HĐXX lưu tâm.
Cả một dàn lãnh đạo với nhiều thành tích được vinh danh đang chờ phán quyết cuối cùng của tòa. |
Thực tế cho thấy, ông Lý Xuân Hải là một lãnh đạo tài năng trong lĩnh vực ngân hàng. Trong nước, giới tài chính cũng đánh giá cao về vị "thuyền trưởng" này, nhất là về độ nhạy bén, quyết đoán và là một diễn ra giỏi. Ông Hải cũng là một người có triết lý sống rõ ràng và biết rằng phải chiến thắng lòng tham và sự sợ hãi... Mặc dù vậy, thực tại nhiều khi phũ phàng, những sai pham đã đẩy ông Hải đối mặt với mức án 12-14 năm tù.
Ông Phạm Trung Cang - nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB cũng dừng bước lãnh đạo một cách khá đáng tiếc. Trước vụ bầu Kiên, ông Cang từng nắm giữ khá nhiều chức vụ tại ACB, từ phó chủ tịch, thành viên Hội đồng sáng lập, thành viên Hội đồng tín dụng cho tới phó chủ tịch Hội đồng đầu tư.
Cũng sau khi bầu Kiên bị bắt, ông Cang cũng từ nhiệm khỏi vai trò Chủ tịch kiêm Người đại diện pháp luật ở Công ty cổ phần Tân Đại Hưng - DN "con đẻ" của ông và Phó chủ tịch Ngân hàng Eximbank.
Nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Lê Vũ Kỳ cũng là một người có trình độ học vấn rất cao - tiến sỹ toán lý tại Nga, là một trong các "trụ cột" ở ACB và là người tạo nền móng về CNTT cũng như hệ thống NH cốt lõi cho cho ngân hàng này.
Ông Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cũng là một lãnh đạo nổi trội. Với gần 20 năm gắn bó với ACB và nhiều năm ở Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), và 10 năm trên bục giảng Đại học Kinh tế TP.HCM, ông Quang được biết đến như một chuyên gia tài chính thực thụ, vừa có lý thuyết vừa thực tế.
Còn với ông Trần Xuân Giá, không chỉ giới đầu tư mà rất nhiều người biết đến ông. Ông là cựu chủ tịch ACB, người đứng đầu ngân hàng này. Trước khi đến với doanh nghiệp, ông Giá là quan chức, nguyên là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và là "cha đẻ" của một trong những bộ luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp.
"Đi làm doanh nghiệp" ở một lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, theo ông là, để có thêm những kinh nghiệm, từ đó có thể đóng góp thêm phần nào đó trong việc hoàn thiện bộ luật mà ông chủ trì soạn thảo.
"Nhân vật chính" trong vụ án là ông Nguyễn Đức Kiên là người có đời sống kinh doanh có lẽ sôi động nhất, ông làm lãnh đạo ở nhiều đơn vị và quản lý hàng chục nghìn tỷ đồng. Dòng tiền và lợi nhuận quá lớn có thể là một phần khiến ông phải đứng trước tòa như hôm nay.
Một phiên tòa liên quan tới rất nhiều người, trong đó có cả một giàn lãnh đạo, một lớp đại gia làm nên ACB.
Người "còn lại" sau cơn giông tố có lẽ chỉ còn ông Trần Mộng Hùng, cựu chủ tịch ACB và ông Đỗ Minh Toàn. Và họ đang gánh trách nhiệm lèo lái con tàu ACB đi tiếp qua giai đoạn sóng gió.
Mạnh Hà