Có hai bi kịch trong cuộc đời này: Một là không đạt được điều mình muốn, hai là đạt được nó!

Chẳng bao lâu, những người này bắt đầu tự chỉ trích quyết định của mình và họ không cảm thấy vui như họ nghĩ. Hóa ra họ không hề thích thứ mà họ từng rất muốn làm.

Đã bao giờ bạn khao khát một thứ gì đó rất nhiều, nhưng đến cuối cùng khi có được nó rồi lại cảm thấy thất vọng không? Có lẽ bạn nghĩ nhảy việc sẽ làm mình hạnh phúc hơn, nhưng không hề. Hoặc bạn nghĩ mình sẽ thích sống ở một thành phố khác, nhưng rồi lại hối hận vì đã đến đây. Tại sao lại có sự sai lệch giữa suy nghĩ và thực tế như vậy?

Sự sai lệch này thường là kết quả của việc nhầm lẫn giữa mong muốn và cảm giác thích thú - một sự pha trộn thường gặp trong quá trình ta đưa ra những lựa chọn đúng đắn và cảm thấy hài lòng.

Sự khác biệt giữa muốn và thích

Dù cho bạn thường dùng hai từ "muốn" và "thích" để thay thế cho nhau, nhưng trong tâm lý học nhận thức, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt.

Muốn đơn giản là dự đoán việc ta sẽ thích thứ gì đó khi sở hữu hoặc trải nghiệm nó.

Thích là cảm giác vui vẻ, niềm vui và sự thỏa mãn, ta có được khi làm hoặc sở hữu thứ gì đó.

Muốn dựa trên những phỏng đoán. Thích dựa trên trải nghiệm ban đầu.

"Tôi muốn dành nhiều thời gian ở bên ngoài" hoàn toàn khác với "Tôi thích dành nhiều thời gian ở bên ngoài."

Tuy nhiên, thích và muốn không phải lúc nào cũng phù hợp với nhau. Ta thường muốn những thứ mà ta không thật sự thích. Đây được gọi là hiện tượng ngộ nhận ước muốn.

Điều gì gây ra sự ngộ nhận này?

Tại sao ta lại muốn thứ mình không thích? Chẳng lẽ vì ta không chịu hiểu bản thân ta.

Trong một bài viết "Miswanting: Some Problems in the Forecasting of Future Affective States", nhà tâm lý học Daniel Gilbert đã làm sáng tỏ nhiều nguyên nhân khiến việc muốn và thích bị xáo trộn:

1. Sử dụng những dự đoán sai

Đôi khi những gì ta tưởng tượng khi bắt đầu có khao khát mạnh mẽ về thứ gì đó không khớp với những gì ta thực sự trải nghiệm. Dự đoán của ta không hề chính xác.

Ví dụ khi bạn quyết định sắp xếp một chuyến đi đến Italia. Bạn tưởng tượng hình ảnh kẻ tự do lang thang qua địa điểm đẹp đẽ mình thấy trên mạng. Tuy vậy, thực tế thì chuyến đi lại chủ yếu xếp hàng chờ đợi và sự mệt mỏi vì quá đông người. Bạn nhận ra mình muốn đi xem các địa danh lớn, nhưng không hề thích phải đi nghỉ ở những nơi đông đúc.

Ta cũng thường lẫn lộn giữa muốn và thích với những quyết định lớn hơn. Một số người có ý tưởng trong đầu về một công việc mơ ước. Họ nghĩ nó sẽ làm họ hạnh phúc và thỏa mãn hơn công việc hiện tại. Họ thoát khỏi công việc cũ và bắt đầu dấn thân vào niềm đam mê của mình. Ban đầu, mọi thứ thật hoàn hảo. Sự hào hứng tự nhiên ùa đến làm họ cảm thấy như mình đã đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Nhưng chỉ sau một vài tuần, họ bắt đầu nhận thấy những điều khó chịu mà họ đã không tưởng tượng ra trước khi theo đuổi đam mê. Họ không lường trước được những đêm thức trắng, phải lo lắng về sổ sách hay những khách hàng khó chịu, đòi hỏi cao mà họ phải làm việc cùng. Chẳng bao lâu, những người này bắt đầu tự chỉ trích quyết định của mình và họ không cảm thấy vui như họ nghĩ. Hóa ra họ không hề thích thứ mà họ từng rất muốn làm.

2. Nhận định không đúng về bản thân

Giờ thì hãy cứ cho rằng bạn hoàn toàn hiểu rõ về những gì bạn muốn. Liệu sự sai lệch giữa tưởng tượng và thực tế bên trên có còn tồn tại?

Đáng tiếc là có.

Dù ta có biết chính xác điều mình muốn, đôi lúc ta vẫn có những nhận định không đúng về mức độ thích thú của ta dành cho nó.

Thực tế này đã được chứng minh qua một nghiên cứu đơn giản về các món ăn vặt. Các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia lên thực đơn các món họ sẽ ăn vào ba ngày thứ Hai liên tiếp. Những người này biết chính xác món họ sẽ ăn; nhưng khi đến ngày diễn ra thí nghiệm, họ vẫn cảm thấy thất vọng.

Vấn đề là người tham gia có xu hướng nghĩ rằng việc lựa chọn đa dạng các món ăn sẽ làm họ thỏa mãn nhất. Vì thế, thay vì yêu cầu một món mà họ thích nhất cho cả 3 ngày, họ quyết định chọn mỗi ngày một món. Một người thích bánh quy mặn nhất, anh ta lại chỉ yêu cầu ăn món đó ngày đầu tiên, các ngày tiếp sau anh ta yêu cầu kẹo thanh bơ đậu phộng và khoai tây chiên. Tuy hai món này được anh ta đặt trước, anh ta vẫn cảm thấy thất vọng. Anh ta thật sự mong nó sẽ lại là bánh quy mặn. Những người tham gia thường xuyên bị ngộ nhận ước muốn vì họ đưa ra quyết định dựa trên nhận định sai lầm về bản thân.

3. Sự lây lan cảm xúc

Cho dù ta biết chính xác thứ mình muốn, và chắc chắn mình thích nó, thì ta vẫn dễ bị ngộ nhận ước muốn. Bởi vì cảm xúc từ việc thích một thứ có thể "lan sang" việc ta muốn một thứ khác.

Ví dụ, bạn đang đi nghỉ ở một nơi xa lạ, và bạn cảm thấy cực kỳ thư giãn và vui vẻ. Bạn tự nhủ mình thích nơi này, mình phải chuyển đến đây ở luôn. Nghe có vẻ nơi đó làm bạn cảm thấy hạnh phúc, nhưng đó có thể chỉ đơn giản vì bạn đang trong kỳ nghỉ và không phải làm việc. Hầu hết chúng ta đều hạnh phúc hơn trong kỳ nghỉ dù ta đang ở đâu.

Lây lan cảm xúc cũng thường xảy ra với các mối quan hệ. Bạn hẹn hò với ai đó, và ban đầu bạn nghĩ cô ấy thật tuyệt; song cảm xúc này có thể chỉ là vì bạn phấn khích khi đang ở trong một mối quan hệ mà thôi. Hoặc bạn vui vì mình đã chấm dứt quãng thời gian cô đơn, hoặc vì có một cô gái thích mình, chứ không phải vì bạn thích cô ấy.

Lây lan cảm xúc cũng có thể xảy ra với những cảm giác tiêu cực. Ví dụ, bạn cảm thấy thất vọng vì không được thăng chức. Bạn bè gọi đến và hỏi bạn có muốn đi chơi bóng rổ không. Bạn thích chơi bóng rổ, nhưng cảm xúc tiêu cực bạn trải qua lúc đó đã ảnh hưởng đến lựa chọn của bạn. Bạn cảm thấy bóng rổ không còn thú vị nữa vì bạn thất vọng về một ngày tồi tệ ở nơi làm việc.

Có hai bi kịch trong cuộc đời này: Một là không đạt được điều mình muốn, hai là đạt được nó! - Ảnh 1.

Vậy làm sao có thể chắc chắn ta đang theo đuổi thứ mình thực sự thích?

1. Đừng ngại chọn thứ bạn thực sự thích, cho dù nó đi ngược lại kỳ vọng của gia đình, xã hội

Đừng lựa chọn những con đường bị người khác tô vẽ, mà hãy chọn con đường bạn thật sự thích đi.

2. Hãy thử trước

Cứ cho rằng bạn muốn một công việc mới. Bạn ghét công việc hiện tại và cảm thấy không thỏa mãn. Thay vì từ bỏ ngay công việc hiện tại và tìm một công việc mới mà đến cuối cùng vẫn khiến bạn bất mãn, hãy thử làm nó trước đã.

Nếu bạn thuộc bộ phận tài chính của một công ty, nhưng bạn lại có khao khát làm kinh doanh, hãy hỏi cấp trên xem bạn có thể tham gia vào một dự án kinh doanh hay không. Một cách khác để thử làm công việc khác với lĩnh vực hiện tại là làm ngoài giờ, coi nó như một nghề tay trái.

3. Viết nhật ký

Viết nhật ký có thể giúp bạn có một cái nhìn rõ hơn về cái bạn thật sự thích, đối lập với cái mà bạn nghĩ là mình thích.

4. Nhờ người thân và bạn bè tư vấn

Bạn bè và người thân có thể là một nguồn hỗ trợ tuyệt vời giúp bạn tránh bị ngộ nhận ước muốn. Ban đầu bạn có thể hỏi ý kiến của họ về thứ mà bạn muốn.

5. Hiểu rằng cuối cùng bạn có thể sẽ thích thứ mà bạn không nghĩ là mình muốn

Đôi khi ta không chỉ ghét những thứ mà ta tưởng mình muốn, ngược lại, ta còn thích những thứ mà ta không biết là mình muốn nó. Bạn nghĩ mình không thích một món ăn nào đó cho đến khi nếm thử nó; bạn thề sẽ mãi độc thân cho đến khi rơi vào lưới tình. Hãy luôn cởi mở và đừng ngại thử những điều mới, bạn không bao giờ biết khi nào mình sẽ thích một thứ mà mình chưa từng muốn!

Mai Lâm/NSKT

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/co-hai-bi-kich-trong-cuoc-doi-nay-mot-la-khong-dat-duoc-dieu-minh-muon-hai-la-dat-duoc-no-2-a13496.html