Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, quý đầu tiên doanh nghiệp không còn ghi nhận doanh thu từ bán lẻ, nông nghiệp, sau khi chuyển giao hai mảng này cho Masan.
Theo báo cáo, 3 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn này giảm 29%, còn 15.470 tỷ đồng (giảm 6.400 tỷ đồng). Mức lợi nhuận sau thuế giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước và mức thấp nhất mà doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận trong 5 năm gần nhất.
Vingroup lý giải doanh số giảm mạnh nói trên chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ (chuyển giao VinMart, VinMart+ sang cho Masan).
Nếu loại trừ lĩnh vực bán lẻ, doanh thu quý vừa qua của tập đoàn này vẫn tăng gần 4% so với cùng kỳ. Trong quý I/2019 trước đó, mảng bán lẻ mang về cho Vingroup hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu cùng 1.000 tỷ đồng lãi gộp, và là mảng kinh doanh quan trọng thứ 2 của tập đoàn sau bất động sản.
Ba tháng đầu năm nay là quý đầu tiên Vingroup hoạt động mà không còn ghi nhận doanh thu từ mảng bán lẻ (chủ yếu từ VinMart và VinMart+). Ảnh: Nikkei. |
Khi không còn doanh thu từ bán lẻ, sản xuất trở thành mảng có doanh thu lớn thứ 2 sau bất động sản tại Vingroup với 3.259 tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu bán ôtô VinFast bắt đầu được ghi nhận từ tháng 6/2019).
Cũng trong quý I, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động kinh doanh của Vingroup ghi nhận đà suy giảm. Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản quý I giảm 18%, đạt 6.883 tỷ đồng. Doanh thu từ du lịch, vui chơi giải trí đạt 1.806 tỷ đồng, giảm 7%. Doanh thu mảng giáo dục và y tế cũng giảm lần lượt 29% và 13%... Ngược lại, doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan tăng 6%, đóng góp 1.797 tỷ đồng.
Đà suy giảm ở nhiều lĩnh vực kinh doanh này cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vingroup giảm tới 58% trong quý vừa qua, đạt 1.986 tỷ đồng.
Do không còn phát sinh chi phí bán lẻ nên chi phí bán hàng quý I của doanh nghiệp này giảm gần một nửa. Còn lại các chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao hơn lợi nhuận gộp.
Nhờ có doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến 160% (đạt trên 8.900 tỷ đồng) Vingroup mới không phải báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính. Đây chính là tiền lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con trong kỳ của Vingroup.
Kết quả, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu về 3.428 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khoản thuế mà doanh nghiệp phải nộp lên tới 2.670 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước. Điều này được lý giải là phần lớn lợi nhuận đến từ bất động sản và các hoạt động có chi phí thuế cao.
Do đó, Vingroup chỉ thu về 505 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương đương 1/2 số thu cùng kỳ.
Lãnh đạo tập đoàn này thừa nhận, trong 3 tháng đầu năm này, Vingroup và các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn khi toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tập đoàn này cũng đã phải chuẩn bị những phương án kinh doanh để thích nghi trong hoàn cảnh mới.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của tập đoàn này đạt trên 413.600 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, đà tăng chủ yếu nằm ở mục tài sản dài hạn gồm tài sản cố định hữu hình và tài sản xây dựng dở dang.
Cân đối với đà tăng tài sản này, nợ ngắn hạn cũng tăng tương ứng. Trong đó, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn quý vừa qua của Vingroup đã tăng trên 9.000 tỷ đồng, khiến chi phí lãi vay của tập đoàn này tăng 87%.
Theo Zing
Nguồn: https://zingnews.vn/vingroup-giam-doanh-thu-trong-quy-dau-tien-khong-con-vinmart-post1079006.html