Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với số lỗ hàng nghìn tỷ đã được doanh nghiệp nhắc đến trước đó.
Ba tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vietnam Airlines và các công ty con là 18.800 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ 2019. Do giá vốn vượt doanh thu, Vietnam Airlines lỗ gộp 630 tỷ đồng. Quý I năm trước, hãng hàng không quốc gia có lãi gộp 4.000 tỷ.
Doanh thu hoạt động tài chính của Vietnam Airlines không thay đổi nhiều so với cùng kỳ, đạt 240 tỷ nhưng chi phí tài chính tăng vọt 44% lên 1.100 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh lên gần 800 tỷ.
Dù đã tiết giảm 40% tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Vietnam Airlines vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 2.700 tỷ đồng.
Nhờ khoản thu nhập khác mà chủ yếu là thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, lỗ sau thuế của Vietnam Airlines còn 2.600 tỷ đồng.
Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỷ của cả năm 2019. Những năm trước, quý I luôn là thời điểm hãng hàng không quốc gia lãi lớn do tần suất khai thác chuyến bay tăng mạnh trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Với mức lỗ lớn, dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines âm 3.800 tỷ khi doanh nghiệp phải tăng chi tiền mặt cho các khoản phải trả. Quý I/2019, chỉ tiêu này trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp là 3.000 tỷ đồng.
Dù đã bổ sung dòng tiền tài chính từ đi vay, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của doanh nghiệp vẫn âm 500 tỷ. Tiền và tương đương tiền cuối tháng 3 của Vietnam Airlines còn lại 2.500 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước là 7.500 tỷ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn 3.300 tỷ đồng đang gửi có kỳ hạn ở ngân hàng.
Trong văn bản giải trình, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết trước tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh thu bình quân của khách nội địa giảm 29%, khách quốc tế giảm 34%, doanh thu thuê chuyến giảm 49%.
Không riêng hãng bay, toàn bộ ngành hàng không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh khiến lợi nhuận của nhiều công ty con kinh doanh dịch vụ hàng không thuộc Vietnam Airlines như VIAGS, Skypec, VACS cũng giảm mạnh.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hồi đầu tháng 4, Vietnam Airlines có lượng tiền mặt dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt. Hiện doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Đến cuối quý I, Vietnam Airlines đang vay ngắn hạn 5.600 tỷ đồng, dư nợ tăng hơn 4.300 tỷ đồng sau 3 tháng.
Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế 15.000 tỷ đồng trong năm 2020. Trước những áp lực về tài chính, báo cáo cho biết nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho Vietnam Airlines và các công ty con vay.
Ngoài số vay ngắn hạn, Vietnam Airlines mong muốn được Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, giải ngân từ tháng 4 để đảm bảo khả năng thanh khoản.