Một số người nói rằng "hôn nhân có thể thay đổi số phận của một người”, có người lại nói "đằng sau mỗi người đàn ông thành công là bóng dáng người phụ nữ tốt". Hôn nhân mang lại hạnh phúc trọn đời, hay nỗi đau triền miên, sợ rằng không ai có thể nói rõ ràng.
"Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng", đối với nhiều người mà nói, kết hôn quả thực là hành trình không thể thiếu trên đường đời.
Từ năm 20 tuổi, chủ đề tình yêu và hôn nhân có thể luôn vây quanh bạn.
Hôn nhân đã trở thành một chủ đề thiết yếu giữa hai thế hệ mỗi lần giao tiếp.
Mỗi lần năm hết Tết đến, có lẽ dân FA luôn cảm thấy mệt mỏi với 3 câu hỏi liên tiếp này: Có người yêu chưa? Sắp cưới chưa? Sắp có cháu bế chưa?
Một số người mong muốn kết hôn sớm, bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, trong khi những người khác cảm thấy rằng họ vẫn còn trẻ và còn muốn tận hưởng. Trên thực tế, hôn nhân cũng có "giai đoạn thích hợp nhất".
Nói cho bạn biết độ tuổi nào là tốt nhất cho hôn nhân, bạn có thể muốn kiểm tra lại chính mình.
Tỷ lệ kết hôn của "thế hệ mới" ở Hoa Kỳ thấp bất ngờ
Theo Viện nghiên cứu đô thị Hoa Kỳ 2014, so với bất kỳ thế hệ nào trong lịch sử, thì thế hệ mới (sinh năm 1984-1995) có tỷ lệ kết hôn trước 40 tuổi thấp nhất, chỉ khoảng 26%.
Nhà kinh tế học Neil Howe chia sẻ rằng thái độ của mọi người đối với hôn nhân đã thay đổi. Các thế hệ trong quá khứ có xu hướng kết hôn sớm và sau đó cùng nhau xây dựng tương lai. Còn ngày nay, mọi người lại cảm thấy rằng trước hết họ cần phải thiết lập một nền tảng ổn định rồi mới nghĩ tới chuyện lập gia đình.
Hàn Quốc và xu hướng "tiêu dùng độc thân"
Quan điểm về hôn nhân và tình yêu của người Hàn Quốc đã trải qua những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2014, số thanh niên ở Hàn Quốc có ý tưởng về việc phải kết hôn đã giảm gần 12% so với năm 2008, tỷ lệ ly hôn đã tăng lên sau 5 năm, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Ngay cả các doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy xu hướng này và thậm chí còn phát triển xu hướng "tiêu dùng độc thân". Ở Hàn Quốc, tủ lạnh, máy giặt… đã cho ra mắt các sản phẩm có công suất nhỏ, các nhà hàng cũng có những "suất ăn một người", các rạp chiếu phim cũng có ghế dành cho người độc thân.
Nhật Bản là một "xã hội siêu độc thân"
Nhật Bản không chỉ là một xã hội già cỗi, mà còn là một xã hội siêu độc thân, nhiều nam giới thích độc thân, nữ giới lại từ bỏ hôn nhân vì công việc, điều này đã gây ra những lo ngại cho xã hội.
Theo dữ liệu do Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã hội Nhật Bản công bố, năm 2015, số người không kết hôn cho tới tuổi 50 đạt mức cao nhất, cứ bốn người đàn ông thì có một người không kết hôn và cứ 7 phụ nữ thì có một người độc thân.
"Kết hôn muộn" không có nghĩa là "không kết hôn". Xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh chóng và áp lực nhiều khiến nhiều người trẻ chỉ có thể lùi và lùi thời gian cưới xin của mình.
Tư duy kinh tế độc lập hơn
Hôn nhân có nghĩa là sự chuyển đổi từ một gia đình mà mình đang được bao bọc sang một gia đình mà mình phải là người đi bao bọc người khác. Nếu cặp vợ chồng trẻ có khả năng kinh tế độc lập, họ có thể chủ động hơn trong việc xây dựng tổ ấm mới thay vì bị cha mẹ hạn chế.
Nếu cả hai cùng có một sự nghiệp ổn định, có thể giảm một loạt các vấn đề gây ra bởi các yếu tố không chắc chắn, chẳng hạn như yêu xa, hay lựa chọn nơi để phát triển sự nghiệp…
Ý thức trách nhiệm mạnh mẽ hơn
Những người trẻ đương đại trên con đường trưởng thành vì được người thân "nuông chiều" hơn nên họ hiếm khi chủ động nghĩ đến cảm xúc của người khác, còn hôn nhân lại cần sự thấu hiểu, bao dung và tha thứ. Càng lớn tuổi, nội tâm của bạn càng trưởng thành hơn, khả năng chịu đựng và nhận trách nhiệm của bạn cũng mạnh mẽ hơn.
Khả năng chịu đựng cao hơn
Sau khi trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, con người ta có thể chịu đựng được những thất bại, và khả năng chịu đựng "ma sát trong hôn nhân" sẽ tăng lên theo, không dễ bốc đồng.
Vì hôn nhân liên quan đến hai gia đình, tuổi càng lớn, kỹ năng xử lý các mối quan hệ giữa các cá nhân càng tốt, có lợi cho việc xử lý các mối quan hệ gia đình sau hôn nhân.
Quan điểm lựa chọn bạn đời ổn định hơn
Kết hôn quá sớm, bạn có thể bị những quan điểm lựa chọn bạn đời chưa ổn định ảnh hưởng, không tìm được một người thực sự phù hợp với mình.
Nhưng hôn nhân không phải là càng muộn thì càng tốt, nó cũng nên được kết hợp với các yếu tố trong độ tuổi sinh sản tốt nhất của phụ nữ.
Tiến sĩ Nicholas H. Wolfinge, giáo sư xã hội học tại Đại học Utah, Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng các cặp vợ chồng kết hôn trong độ tuổi từ 28 đến 32 ít có khả năng ly hôn nhất trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu trong Khảo sát quốc gia về tăng trưởng gia đình Mỹ cho thấy rằng giữa tuổi kết hôn và ly hôn tồn tại một mối quan hệ hình chữ U.
Từ 28 đến 32 tuổi là ở dưới cùng của đường cong hình chữ U này, trước tuổi này hoặc muộn hơn tuổi này, nguy cơ chia tay trong tương lai sẽ tăng dần, sau 32 tuổi, nguy cơ ly hôn sẽ tăng khoảng 5% mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những người trẻ ở độ tuổi này nhận thức rõ hơn về lựa chọn bạn đời của họ, quan điểm sống và giá trị quan của họ trưởng thành hơn và họ cũng có thể giải quyết một cách hợp lý hơn các vấn đề trong hôn nhân.
Trong tương lai, khi phải đối mặt với các câu hỏi "thúc hôn" của các cô dì chú bác hàng xóm, bạn có thể đường đường chính chính nói "Cháu vẫn chưa đến tuổi".
Như Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguoi-ket-hon-som-lo-von-lon-roi-doi-nguoi-co-giai-doan-ket-hon-thich-hop-nhat-a135423.html