Với 9.000 đôi chim bồ câu Pháp, cho anh tổng doanh thu khoảng 15 tỷ đồng, trừ tri phí, anh bỏ túi được khoảng 3 tỷ/năm.
Sau nhiều năm du học ngành công nghệ thông tin ở Cộng hòa Liên bang Nga về thấy thu nhập từ nghề lập trình viên không ổn, chàng thanh niên Nguyễn Văn Phúc (SN 1987, ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã quyết định bỏ về quê nuôi chim bồ câu Pháp. Sau 12 năm nuôi chim, đến nay đàn chim bồ câu Pháp đã mang lại cho anh nguồn thu nhập tốt, mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng.
Thăm mô hình nuôi chim bồ câu pháp của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phúc chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô rộng lớn của trang trại. Với khoảng 4.000m2 đất để không của gia đình, đến nay chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phúc đã biến thành cơ ngơi “khủng” với 9.000 đôi chim bồ câu Pháp cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Phúc cho biết đến với nghề nuôi chim anh phải trải qua rất nhiều áp lực tâm lý. Đó là năm 2008, sau khi du học ở Nga về, anh chọn Hà Nội là nơi để lập nghiệp. Tại đây, anh gắn bó với công việc của một lập trình viên máy tính. Thu nhập 7 triệu/tháng, nhưng cũng chẳng đủ cho anh trang trải cuộc sống ở nơi thành thị đắt đỏ, anh quyết định bỏ nghề về quê Sóc Sơn mở phòng game, đồng thời bảo trì máy móc, máy in cho các cơ quan.
Thấy nghề lập trình viên không đủ sống, anh Phúc đã quyết định bỏ nghề về quê nuôi chim bồ câu |
Cùng lúc này bố mẹ anh có nuôi một đàn bồ câu nhỏ để tăng gia thêm cho gia đình, thời gian rảnh rỗi anh lại giúp bố mẹ chăm sóc đàn chim bồ câu. Sẵn am hiểu về công nghệ thông tin, anh chụp ảnh đưa hình chim bồ câu lên một số website, diễn đàn rao vặt, facebook. Thấy cộng đồng mạng tương tác tốt, tìm hiểu sâu anh được biết nhiều người có của ăn của để nhờ nuôi chim bồ câu, anh đã nảy sinh ý nghĩ gắn bó với nghề nuôi chim.
Nghĩ là làm, anh dùng số tiền mình tích cóp được mua 100 đôi chim bồ câu Pháp, nuôi được vài tháng thì số chim này mai một bị chết dần, chán nản anh đã nghĩ đến việc bỏ nghề.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Phúc cho hay: Năm 2008, tôi bỏ ra 75 triệu đồng để đầu tư chuồng trại nuôi 100 đôi chim bồ câu Pháp. Mới đầu kinh nghiệm chưa có, tôi bắt chim ở nhiều nơi, chim lại chưa cứng cáp, chưa được tiêm phòng nên số lượng chim bị chết gần hết.
"Chán nản đã có lúc tôi nghĩ bỏ nghề nuôi chim bồ câu, bố mẹ khuyên quay lại Hà Nội để tìm cơ hội mới. Nhiều đêm trăn trở, nghĩ thấy số tiền đầu tư vào chuồng trại qúa lớn nên đã quyết tâm làm lại…", anh Phúc cho hay.
Nhờ "yêu nghề", đến nay anh Phúc đã nhân giống đàn bồ câu Pháp lên đến 9.000 đôi, cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm |
Sau thất bại lần đầu tiên, anh Phúc tỏ ra thận trọng hơn, anh không mua ồ ạt mà tìm chọn những con bồ câu khoẻ mạnh, cứng cáp để làm giống. Quá trình nuôi, anh tìm đọc nhiều bài báo, xem nhiều mô hình nuôi chim bồ câu của nước ngoài rồi trau dồi thêm kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, kỹ thuật nuôi chim bồ câu. Hàng ngày, anh dành thời gian chăm sóc chim còn nhiều hơn cho chính bản thân mình. Rồi, trời cũng chẳng phụ lòng người, may mắn thay đàn chim bồ câu Pháp llần nuôi thứ hai lại phát triển ổn định, khoẻ mạnh.
“Lần 2 hết vốn, tôi vay của người thân mỗi người 2- 3 triệu đồng. Góp được khoảng 20 triệu đồng tôi chọn mua 40 đôi chim bồ câu Pháp đã cứng cáp. Nhờ chăm chút chim kỹ lưỡng, nên đàn chim phát triển khoẻ mạnh. Chim bồ câu Pháp đẻ đến đâu tôi lại nhân giống lên đến đó”, anh Phúc nói.
Hiện trang trại nuôi chim bồ câu của chàng trai đất Sóc Sơn, TP Hà Nội đang tạo công ăn việc làm cho 8 lao động, với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng |
Sau khoảng 4 năm liên tục nhân giống, anh Phúc có được 2.000 đôi chim bồ câu. Lúc này mỗi tháng đàn chim đã cho anh thu nhập khoảng 40 triệu/tháng. Đến nay, sau 12 năm anh đã có khoảng 9000 đôi chim bồ câu Pháp, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động, với 8 triệu đồng/tháng.
Con giống, kỹ thuật quyết định thành công
Theo anh Phúc, người nuôi muốn thành công phải đặc biệt chú ý đến khâu lựa chọn con giống. Theo đó, phải chọn con chim giống khoẻ mạnh, không được xù lông, sã cánh; chân, cánh không được dị tật…
Ngoài ra phải chú ý đến các nguy cơ khiến chim bị nhiễm bệnh. Cụ thể, chim bồ câu Pháp hay bị bệnh theo mùa, tháng 1, 2 chim hay bị bệnh đậu, bệnh newcastle; mùa đông chim hay bị bệnh thở, đường hô hấp, nên quá trình nuôi người dân phải chú ý tiêm phòng cho chim. Bởi, nếu không tiêm tỉ lệ hao hụt đàn rất lớn.
Ngoài ra, người nuôi phải chú ý chuồng trại cho chim phải sạch sẽ. Thức ăn nước uống phải được vệ sinh hàng ngày.
Hàng ngày anh Phúc luôn dành thời gian kiểm tra tình hình sức khoẻ cho đàn chim |
“Tuỳ theo độ tuổi của chim, thời tiết không mưa gió, nắng ráo vừa phải thì mình tiến hành tiêm cho chim. 1 năm chim được tiêm vắc xin 2 lần. Những năm đầu do chim không được tiêm phòng nên tỉ lệ hao hụt rất nhiều…”, anh Phúc cho hay.
Với quy mô lớn, mô hình nuôi chim của anh Phúc đang sử dụng máy ấp trứng. Nói về ưu điểm, anh cho hay: Sử dụng máy ấp trứng hiệu quả cao hơn, tỷ lệ trứng ấp nở gần như 95%. Khi lấy trứng ra máy ấp, thì phải cho trứng giả vào cho chim ấp. Bởi, nếu không cho trứng giả vào sau này chim sẽ không nuôi con. Ấp trong máy thì nhiệt độ ổn định, chim nở đạt tỷ lệ cao hơn. Trường hợp ấp tự nhiên trứng nở đạt 70- 80%.
Dọn dẹp chuồng chim cũng là công việc thường ngày của ông chủ "vườn chim" tiền tỷ này. |
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, anh Phúc đã có mối tiêu thụ ổn định. Hiện giá chim bồ câu Pháp bán thịt bán dao động từ 65.000- 70.000 đồng/con, chim bồ câu Pháp bán giống giá 200.000 đồng/con; loại bồ câu Pháp mua về đẻ luôn có giá 450.000 đồng/con. Với 9.000 đôi chim bồ câu Pháp, cho anh tổng doanh thu khoảng 15 tỷ đồng, trừ tri phí, anh bỏ túi được khoảng 3 tỷ/năm.
(Theo Dân Việt)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bo-nghe-lap-trinh-trai-ha-noi-ve-nuoi-chim-thu-15-ty-lai-3-ty-nam-a135845.html