Như Nhadautu.vn đã đưa tin, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) trung tuần tháng 4/2020 vừa công bố thay đổi đăng ký doanh nghiệp, điều chỉnh vốn điều lệ từ 4.050 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn thị trường hàng không cả trong lẫn ngoài nước đang rất khó khăn, thua lỗ nặng nề, thì động thái tăng vốn của Bamboo Airways đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.
Sự quan tâm này còn đến trong bối cảnh, FLC Group - công ty mẹ của Bamboo Airways báo lỗ kỷ lục 1.900 tỷ đồng trong quý I/2020, cùng nhiều dấu hiệu rõ nét về tình cảnh ngày càng khó khăn của cả hệ sinh thái tập đoàn này.
Bởi vậy, việc FLC Group hay vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục đầu tư lớn vào Bamboo Airways là một kịch bản khó xảy ra, đồng nghĩa với những đồn đoán về việc một tên tuổi mới sẽ xuất hiện tại hãng bay này.
Tất nhiên, đây chỉ là một giả thiết, mà tính xác thực chỉ có người trong cuộc mới tường minh. Song biết rằng những tin đồn về việc ông Quyết bán Bamboo Airways đã xuất hiện từ khá lâu, với tần suất tăng dần trong một năm đổ lại. Đỉnh điểm là ngay trước thời điểm tăng vốn vừa qua, Bamboo Airways đã phải trực tiếp đăng đàn khẳng định không có chuyện bán 49% cổ phần cho Trung Quốc như lan truyền trên mạng xã hội.
Trở lại với đợt tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, nếu không phải ông Trịnh Văn Quyết, thì ai đủ nguồn lực và tham vọng để tham gia vào lĩnh vực hàng không ở Việt Nam? Lưu ý rằng không chỉ là phần vốn gần 3.000 tỷ góp vào, mà còn là nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư vào Bamboo Airways, và không loại trừ là mua lại luôn cổ phần các các cổ đông sáng lập.
Xét trong khối các đại gia ở Việt Nam được đánh giá cao ở mức độ "sẵn tiền", có thể kể tới các ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group), Hồ Hùng Anh (Techcombank), Ngô Chí Dũng (VPBank), Dương Công Minh (Him Lam), Vũ Văn Tiền (Geleximco), Đỗ Minh Phú (DOJI), Nguyễn Thị Nga (BRG), Trần Anh Tuấn (TNR), Phương Hữu Việt (Việt Phương), Đỗ Quang Hiển (T&T), Bùi Thành Nhơn (Novaland)...
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, một vài trong số những tên tuổi lớn trên đây từng bày tỏ hứng thú với Bamboo Airways, song cũng mới chỉ dừng ở mức "tìm hiểu", còn chưa tới giai đoạn "đặt vấn đề".
Làm hàng không ở Việt Nam rất khắc nghiệt, mà sự rút lui của anh cả Vingroup với dự án Vinpearl Air là minh chứng lớn hơn cả. Ngay cả nhóm chủ Techcombank với nguồn lực khổng lồ từng tham gia sâu vào dự án hàng không VASCO cách đây chừng 5 năm song cũng đã phải rút lui.
Các đại gia Việt còn lại, nhìn vào đó có thể thấy khó lòng đổ nhiều trăm triệu USD vào một lĩnh vực mà tính rủi ro cao, cạnh tranh lại rất lớn. Vậy thì, còn "miếng ghép" nào phù hợp với Bamboo Airways? Phải chăng là nhà đầu tư ngoại?
Một diễn biến ít người để ý là Nghị định 89/2019 thay thế Nghị định 92/2016 đã bỏ quy định hạn chế thời gian chuyển nhượng cổ phần trong lĩnh vực hàng không (2 năm). Nếu tính theo Nghị định 92/2016 và căn cứ ngày được cấp phép (12/11/2018), thì phải nửa năm nữa, Bamboo Airways mới có thể bán cổ phần cho nước ngoài. Tuy nhiên, Nghị định 89/2019 có hiệu lực từ 1/1/2020 đã mở toang cánh cửa cho ông Trịnh Văn Quyết, dĩ nhiên trong trường hợp doanh nhân này có ý định bán Bamboo Airways cho nhà đầu tư ngoại.
Dù vậy, phải nhấn mạnh rằng bán cổ phần hàng không cho nước ngoài là việc rất nhạy cảm. Bản thân Nghị định 89 dù đã cởi mở hơn, song vẫn ràng buộc tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ được tối đa 34%, hay cổ đông lớn nhất phải là cá nhân hay pháp nhân Việt Nam, nếu là pháp nhân thì không được có quá 49% vốn ngoại. Mà trong bối cảnh thị trường hàng không toàn cầu đang khủng hoảng như hiện nay, chắc hẳn không nhiều nhà đầu tư ngoại bị hấp dẫn bởi một hãng bay còn non trẻ ở Việt Nam.
Bởi thế, nên trong trường hợp ông chủ FLC Group muốn bán Bamboo Airways, không loại trừ bên mua là một tên tuổi lớn trong nước, tuy nhiên không phải khối các đại gia Việt, mà là một nhân vật đủ tầm thu xếp nguồn vốn khủng từ những thị trường đang khao khát muốn "có phần" trên bầu trời Việt Nam.
Nhật Huỳnh - Xuân Tiên/ Nhà Đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dai-gia-nao-do-3-000-ty-vao-bamboo-airways-a135954.html