Năm 2005 – 2006, khi các căn biệt thự, nhà phố tại khu đô thị Việt Hưng chỉ bán được giá 16 – 17 triệu đồng/m2 thì ông Thanh đã bán được giá 42 triệu – 55 triệu đồng/m2.
"Nghề kinh doanh là nghề bán ý tưởng của mình thông qua vật được bán, và họ giữ cho riêng mình ý tưởng bán hàng đó" - Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh, doanh nhân vốn được biết đến là một trong những người gây dựng nên dự án Ecopark chia sẻ tại Hội thảo "Phá băng bất động sản và cơ hội bứt phá" do Apec Group tổ chức, diễn ra vào tối muộn ngày 28/5 tại Hà Nội.
Tư duy ngược của Chủ tịch Vinaconex
"Vì sao vẫn một dự án nhưng sàn A bán được mà sàn B thì ế ẩm? Đó là vì tổng hòa rất nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn sàn A đã kể được một câu chuyện rất hay về dự án. Trong mọi hoàn cảnh, người kinh doanh phải biết đặt ý tưởng tốt đẹp, nhân văn, sáng tạo nhất vào sản phẩm mình bán. Kể cả có dịch Covid-19 thì điều này sẽ luôn tạo ra cơ hội thành công", ông Thanh nói.
Một "chiến tích" trong quá khứ đã được ông Thanh kể lại. Đó là năm 2005 – 2006, khi các căn biệt thự, nhà phố tại khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) chỉ bán được giá 16 – 17 triệu đồng/m2 bao gồm cả chi phí xây dựng nhà ở, thì công ty của ông Thanh đã bán được dự án với giá từ 42 triệu – 55 triệu đồng/m2.
Đó là nhờ cách tư duy ngược. Thay vì xây nhà quay ra mặt đường như thị hiếu thông thường, tất cả các biệt thự của dự án đều quay mặt vào khuôn viên bên trong. Đồng thời, thay vì quy hoạch 100 căn thì dự án này chỉ để 99 căn và làm một nhà câu lạc bộ cho cư dân với tên gọi là 99 Club House. Mặc dù sau đó dự án "bị cắt" chỉ còn 94 căn, nhưng nhà câu lạc bộ vẫn giữ con số 99.
"Tại sao là 99 chứ không phải 94 hay 100? Hãy thử tưởng tượng, khi có người hỏi bạn ở đâu, bạn trả lời rằng bạn ở "khu 99 căn". Nghe như vậy rõ ràng rất "oách" - Ông Thanh nói. Và đó là sự khác biệt của dự án, hay nói "văn vẻ" là một câu chuyện hay để kể về dự án.
Không chỉ vậy, dự án đó được đặt tên là Palm Garden - một sự khác biệt khi ngày đó, hầu hết các dự án nhà ở đều được đặt tên rất đơn giản như CT hay NƠ (có nghĩa là là cao tầng và nhà ở).
"Không có cô hoa hậu nào tên là Nguyễn Thị Tèo, Nguyễn Thị Tí, mà đều là những cái tên rất mỹ miều. Bất động sản cũng vậy. Các khu dự án cũng như những người đẹp, được tô điểm quần áo, trang sức bằng cảnh quan, tiện ích", ông Thanh chia sẻ.
Chủ tịch của Vinaconex cũng lấy dẫn chứng về tên gọi đặc biệt của các dự án tại Việt Nam trong những năm gần đây như Mandala Wyndham Mũi Né hay Charmvit Tower để minh họa cho sự thay đổi về xu thế thiết kế, nhấn mạnh điểm riêng độc đáo, tên gọi đặc biệt. Doanh nhân cho rằng những chi tiết này cũng quan trọng đối với bất động sản theo từng giai đoạn.
"Không phải là không có cơ hội cho BĐS sau dịch Covid-19"
"Doanh thu của sàn sụt giảm 80%, nhân viên bán hàng nghỉ việc đi chạy xe công nghệ, chúng tôi đóng băng hoàn toàn trong dịch Covid", Quyên – Giám đốc sàn bất động sản tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ về những khó khăn của đơn vị tại Hội thảo.
Báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS quý I/2020 do Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đưa con số, đại dịch Covid-19 khiến 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, các doanh nghiệp BĐS chỉ giữ lại khoảng 50% nhân viên để duy trì hoạt động, nhiều cá nhân môi giới BĐS bị thất nghiệp.
Những tổn thương của đại dịch gây ra với nền kinh tế, trong đó có ngành bất động sản là điều dễ thấy. Nhưng cho rằng, mặc dù có sự thay đổi về xu thế "xuống tiền" cho bất động sản, nhưng ở Việt Nam, ngành nghề đặc biệt này còn rất nhiều dư địa phục hồi và cơ hội thành công cho những người biết nắm bắt cơ hội sau dịch Covid-19.
"Dịch Covid-19 ép con người phải thay đổi. Kiếm được 10 đồng thì họ tiêu 5 đồng, số còn lại cũng không dùng để mua nhà nữa.
Tuy nhiên, tỷ lệ m2 trên đầu người của Việt Nam rất thấp, số lượng người ở nhà diện tích chật chội hoặc không có nhà ở còn cao. Trong khi đó, tốc độ xây dựng hiện tại chưa theo kịp tốc độ di dân từ các vùng lên thành phố. Điều quan trọng nhất để phục hồi bất động sản sau dịch Covid-19 là chúng ta có dự án nào hay mà thôi", ông Đào Ngọc Thanh phân tích.
"Tại Việt Nam, chúng ta đang có nhiều chính sách đầu tư công hạ tầng cơ sở. Nó đang cho thấy những hiệu quả tạo cú hích kích động các ngành phát triển và đây là cơ hội cho người làm bất động sản", ông Thanh phân tích.
Nói thêm về xu hướng, ông cho rằng, số lượng người giàu ở Việt Nam tăng trưởng nhanh làm xuất hiện nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ 2. Điều này là yếu tố tạo ra các dự án nghỉ dưỡng, đầu tư kinh doanh và đây là tiềm năng lớn mà những người làm bất động sản cần khai thác.
"Theo quy luật các vật đều rơi từ trên rơi xuống, nhưng cũng có sợi bông bay ngược từ dưới lên. Điều này có trái quy luật không? Không hề, theo khoa học thì điều đó hoàn toàn xảy ra. Do vậy, những người làm bất động sản có thể đang rất bất an về hiện tại, nhưng không phải là không có cơ hội ngược lại trong và sau dịch Covid-19, tôi tin điều đó", ông Thanh khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của chủ tịch Đào Ngọc Thanh, ông Nguyễn Đỗ Lăng – Chủ tịch HĐQT Apec Group cho rằng để "phá băng bất động sản" trong bối cảnh này thì cần sự đổi mới – sáng tạo – thấu hiểu khách hàng để tạo ra sản phẩm hay, đáp ứng nhu cầu.
"Những người kinh doanh thành công đều là những người biết cách kể chuyện, ai kể chuyện hấp dẫn nhất thì người đó thành công. Người làm bất động sản cũng vậy, họ là những người bán ý tưởng, bán cảm xúc và thực hiện giấc mơ cho khách hàng" - ông Lăng khẳng định.
Hoàng Linh
Theo Tổ Quốc