Các đại gia hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam, không chỉ ở lĩnh vực ngân hàng tài chính, BĐS mà cả các ngành quan trọng khác như tiêu dùng nhanh, dược phẩm…
Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 29/5, Công ty SK Investment Vina III, một đơn vị đầu tư trực thuộc tập đoàn SK Group của Hàn Quốc đã nhận chuyển nhượng tổng cộng hơn 12,3 triệu cổ phiếu IMP của CTCP Dược phẩm Imexpharm. Số cổ phiếu này tương đương 24,9% cổ phần của doanh nghiệp này.
VSD không công bố giá trị chuyển nhượng, nhưng tính theo giá trên thị trường, số cổ phần trên có giá trị khoảng 660 tỷ đồng. Phần lớn số cổ phiếu trên được SK Group mua lại từ nhóm quỹ Dragon Capital (khoảng 11,3 triệu cổ phiếu) và nhiều quỹ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…
Dragon Capital đã đầu tư vào Imexpharm từ 12 năm trước và trở thành cổ đông lớn từ trước năm 2010. Dragon Capital bán IMP là để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Dragon Capital đã lựa chọn rất kỹ trước khi chuyển giao SK.
SK Group mua cổ phần Imexpharm. |
Trước đó, SK Group đã có nhiều thương vụ lên tới cả tỷ USD để mua cổ phần của các doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, hàng tiêu dùng nhanh…
Hai thương vụ nổi bật là thương vụ SK chi 1 tỷ USD 6% cổ phần Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và vụ chi 470 triệu USD mua 9,4% cổ phần của Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Không chỉ SK Group, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam từ lâu với các dự án đầu tư trực tiếp và cả đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong nhiều năm qua.
Tập đoàn Hanwha - một tập đoàn kinh tế lớn thứ 7 tại Hàn Quốc hồi cuối 2019 đã có một bước mở rộng tại thị trường Việt Nam. Sau lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư, ông lớn Hàn Quốc tiếp tục nhảy vào lĩnh vực chứng khoán với sự xuất hiện của Pinetree Securities. Đây chính là Công ty Chứng khoán HFT mà Hanwha Investment & Securities đã hoàn tất thâu tóm 90% hồi tháng 5/2019 vừa qua.
Trước đó, một loạt các ông lớn đã nhảy vào lĩnh chứng khoán Việt Nam như KB Financial Group Inc thâu tóm Chứng khoán Maritime (MSI) và sau đổi tên thành Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).
Theo giới quan sát, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng 4 của Hàn Quốc vào Việt Nam với ban đầu là dệt may, sau đó điện tử và tiêu dùng bán lẻ. Giờ đây, làn sóng thứ 4 vào Việt Nam chính là tài chính và fintech.
Vốn ngoại vẫn đổ mạnh vào Việt Nam. |
Mâu thuẫn Mỹ-Trung sau cuộc chiến thương mại 2019 và gần đây là căng thẳng về đại dịch Covid-19 đang rấy lên những dự báo cho rằng sẽ xuất hiện một làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc để phân tán ra nhiều nước khác trên thế giới.
Việt Nam được xem là một điểm đến của tập đoàn lớn trên thế giới cũng như các cheabol Hàn Quốc. Các dòng đầu tư đang tìm cách chuyển hướng, tìm nơi trú ẩn mới. Việt Nam nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn, giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp lớn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), khối ngoại cũng đã giảm bán ròng và đẩy mạnh mua nhiều cổ phiếu như Vinamilk, Vietcombank, Masan…
Sau nhóm tài chính, nhóm dược được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn đến từ Hàn Quốc quan tâm, nhất là sau khi dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp dược có kết quả kinh doanh tốt hơn.
Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dược lớn đã mở room ngoại lên 49% qua đó mở đường cho doanh nghiệp ngoại nắm quyền chi phối như Taisho Pharmaceutical sở hữu 51% cổ phần Dược Hậu Giang, Abbott nắm giữ 51,7% cổ phần Domesco, Stada sở hữu 62% cổ phần Pymepharco…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 1/6, chỉ số VN-Index tăng lên ngưỡng 870 điểm. Hầu hết các cổ phiếu blue-chips tăng nhẹ.
Theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp nối đà tăng trong các phiên giao dịch đầu tuần và hướng về các vùng kháng cự 880 của VN-Index và 833 điểm của chỉ số VN30. Đồng thời, dòng tiền tiếp tục quay trở lại nhóm Midcap và Smallcap cho thấy dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi thị trường mà chủ yếu dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, lưu ý rủi ro ngắn hạn cũng đang có chiều hướng gia tăng cho nên thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc khi tiến vào các vùng kháng cự mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/5, VN-Index tăng 3,08 điểm lên 864,47 điểm; HNX-Index tăng 0,17 điểm lên 109,81 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,5 ngàn tỷ đồng.
V. Hà