Cùng với việc đặt kế hoạch lợi nhuận cao kỷ lục 7.636 tỷ trong năm nay, ACB cũng trình cổ đông thông qua việc chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE ngay trong năm nay.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố tài liệu cổ đông trong đó đề cập tới nhiều kế hoạch kinh doanh quan trọng trong năm 2020.
Cụ thể, lãnh đạo ngân hàng này dự kiến trình cổ đông thông qua việc chuyển sàn niêm yết cổ phiếu từ HNX hiện tại sang HOSE.
Trong đó, kế hoạch chuyển sàn này đi kèm với kỳ vọng rất lớn của các ông chủ ngân hàng về việc cổ phiếu ACB sẽ được đưa vào nhiều rổ chỉ số quan trọng trên thị trường.
Cụ thể, lãnh đạo nhà băng cho biết, xét về vị thế, ACB hiện là tổ chức có quy mô vốn hóa hàng đầu thị trường chứng khoán. Hiện tại, cơ quan quản lý cũng đã có kế hoạch thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Vì vậy, đây là thời điểm cần chủ động chuyển đăng ký niêm yết.
Lãnh đạo ngân hàng cũng kỳ vọng với hiệu ứng chuyển sàn, việc niêm yết trên HOSE sẽ mang lại một số lợi ích cho cổ đông, như cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lọt vào các rổ chỉ số của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%), VNFINLEAD (12%)... từ đó có thể giúp làm tăng giá trị thị trường của cổ phiếu.
Theo quy định hiện hành, quyết định chuyển đăng ký niêm yết thuộc thẩm quyền của cổ đông nên HĐQT nhà băng sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua.
Song song với kế hoạch chuyển sàn niêm yết, ACB dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 30% (mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới).
Ngân hàng dự kiến tăng vốn từ 16.627 tỷ hiện tại lên 21.615 tỷ đồng, tương đương mức tăng thêm gần 5.000 tỷ. Dự kiến kế hoạch hoàn tất trong quý IV năm nay, tỷ lệ chia nói trên cũng đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Cũng tại tài liệu lần này, ACB đã hé lộ chi tiết cơ cấu cổ đông nước ngoài đang nắm giữ vốn tại ngân hàng.
Trong đó, nhà băng này hiện có cổ đông lớn duy nhất nắm 6,92% vốn, đồng thời là cổ đông ngoại - Dragon Financial Holdings Limited.
Ngoài ra, các quỹ ngoại Whistler, Estes, Sather Gate Investments Limited cùng sở hữu 4,99% vốn ngân hàng/quỹ; quỹ First Burns Investments Limited sở hữu 4%; Asia Reach Investments Limited nắm 3,15% và 1 số cổ đông nước ngoài khác nắm 0,96%.
Tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài tại đây đã chạm khung 30%.
Trong năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt khoảng 384.000 tỷ, tăng 16% so với năm 2018. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 14%, đạt 308.000 tỷ; tín dụng tăng 17%, đạt 269.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 0,54%.
Cùng năm, nhà băng này ghi nhận 7.516 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so với năm liền trước.
Đến năm 2020, lãnh đạo ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng khoảng 12%. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 12% và tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa NHNN cho phép là 11,75%.
ACB cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 7.636 tỷ đồng, tuy chỉ tăng 1,6% so với năm 2019 nhưng là con số kỷ lục từ trước đến nay của ngân hàng.
Các kế hoạch này được ngân hàng lên dựa theo hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Trong đó, kịch bản 1 dự kiến GDP năm nay tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 và kịch bản 2 tăng khoảng 3,6-4,4%.
Quang Thắng
Theo Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tham-vong-cua-cac-ong-chu-ngan-hang-acb-a138375.html