Có nằm mơ chắc tôi cũng không thể tưởng tượng ra cuộc đời của một cô tiểu thư sống trong nhung lụa, tiền bạc đủ đầy, con gái của một trong những ông trùm dầu mỏ giàu nhất nước Mỹ lại có những ngày phải gồng mình lên để xin xỏ các chủ nợ.
Tôi là Curry Glassell, vốn là con gái ông trùm dầu mỏ Alfred Glassell Jr.
Bố tôi đã dành những ngày tháng được sống trên đời để gây dựng được sự nghiệp, tiếng vang và một gia tài khổng lồ. Tôi đã được chứng kiến ngày ông bước vào sự nghiệp như thế nào, từng ngày gây dựng tiếng vang ấy ra sao. Và tôi cũng đã được chứng kiến việc ông trở thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ.
Tôi rất cảm phục bố tôi bởi ông thực sự phi thường trong việc kiếm tiền và ông là người cũng rất giỏi trong chuyện tiêu tiền. Bố tôi thích sưu tập những đồ quý hiếm, ông có hẳn 2 tủ quần áo đồ sộ mà nhiều người bình thường luôn mong muốn có được. Đặc biệt, một khi đã thích thứ gì, ông sẽ mua bằng được, nếu không điều đó sẽ làm ông bứt dứt mãi không thôi.
Chính vì thế, được nuôi dạy trong một môi trường khác với mọi người, được tiếp thu và thấm nhuần khái niệm về tiền bạc trong gia đình nên tôi luôn cho rằng: Chồng sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về tài chính, chồng trả mọi hóa đơn, chồng có trách nhiệm phải chăm lo cho vợ con…
Suy ra từ sự khôn ngoan, dư giả của bố tôi nên quan niệm của tôi về giàu có luôn là: Để trở thành một người phụ nữ quyền lực, hãy cưới một người đàn ông giàu có. Chỉ cần tìm được người đàn ông đó, hai người làm đám cưới và anh ta sẽ có trách nhiệm phải chăm sóc cho bạn, đưa tiền cho bạn tiêu, làm mọi cách để khiến bạn vui.
Và quan niệm đó đã khiến cuộc đời tôi đi sai hướng.
Ở tuổi 30, tôi cho rằng mình vẫn có thể bám vào sự khá giả của gia đình dù đã có lúc tôi vô cùng hoảng sợ khi không biết cuộc đời mình sẽ trôi về đâu nếu thiếu tiền. Vậy nên, tôi đã tìm cách để ở lại trường đại học để có thể tiếp tục nhận được trợ cấp từ bố. Tôi dùng tiền bố cho vào những thứ mà tôi luôn cho rằng thiết thực nhất: thuê nhà, mua đồ ăn, sắm xe hơi. Cứ đều đặn, khi hết tiền, tôi lại hỏi xin bố.
Tôi nhớ rằng có một lần xin tiền, bố đã nói với tôi: "Nếu con vẫn tiếp tục sử dụng tiền như vậy thì sẽ có ngày con trở thành một kẻ ăn xin thực thụ." Nhưng ngày ấy, tôi cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều, và tôi cũng không hiểu ý ông lắm vì tôi luôn cho rằng mình dùng tiền có mục đích chính đáng, không lãng phí, không thừa thãi.
Rồi cũng đến ngày tôi gặp được một người đàn ông mà tôi muốn kết hôn. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ là bởi tình yêu mà chúng tôi tìm đến được với nhau. Chồng tôi là một người đặc biệt, anh ấy là một cá thể đối lập với tất cả những người đàn ông mà tôi từng gặp, một con người được sinh ra để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, luôn muốn chia sẻ sự tử tế và tình yêu của mình tới những người khác.
Tôi những tưởng đó sẽ là bến bờ cuối cùng của cuộc đời mình…
Khi chúng tôi trở thành vợ chồng, tôi đã thực hiện theo mọi điều mình đã được dạy. Tôi dành dụm được một khoản nhỏ và tôi đưa cho chồng quản lý hết, tôi để anh ấy trả mọi hóa đơn và không bao giờ hỏi xem những việc anh ấy đã làm. Tất cả tôi đều làm không sai nhưng có một vấn đề là cả hai chúng tôi đã tiêu quá nhiều vào những thứ vô nghĩa. Chúng tôi đi chơi thường xuyên, mua những ngôi nhà lớn và những đồ vật đắt tiền rồi sau đó để rẻ lại cho người khác.
Số tiền mà chúng tôi "vung tay quá trán" tăng lên mỗi ngày, các khoản nợ dần dà ngày càng nhiều và tương lai đã định đoạt bằng chuyện chúng tôi tranh cãi nhau hằng ngày. Đến một ngày, chúng tôi quyết định ra tòa li hôn. Nếu tôi gánh hết các khoản nợ thì tôi sẽ được quyền nuôi các con. Tôi đồng ý dù tôi chưa biết mình phải làm thế nào để trả nợ, nhưng tôi không thể sống thiếu hai đứa con của mình.
Kí đơn li dị xong, tôi là một bà mẹ có hai cậu con trai, một đứa 4 tuổi, một đứa 3 tháng và phải trả khoản nợ 2 triệu USD.
Và một vấn đề nữa là, gia đình tôi không muốn giúp tôi trả nợ. Tôi đau khổ, loay hoay không biết xoay sở ra sao nhưng tôi nhận ra chẳng còn lựa chọn nào cho mình cả nếu tôi không chịu ra tay cứu giúp cuộc đời mình và hai đứa nhỏ.
Tôi đã tìm đến các chủ nợ, gọi cho từng người, từng người và nói chuyện với họ, bàn bạc với họ để đưa ra kế hoạch trả nợ để họ được hoàn tiền nhanh nhất và cũng là để giúp tôi thoát khỏi đống hổ lốn này. Tôi bán mọi thứ có thể, từ du thuyền đến đàn piano, tất cả những thứ có thể giúp tôi kiếm được tiền nhanh nhất, nhiều nhất ngay lúc ấy.
Tôi đã dọn đến một căn nhà nhỏ - nhỏ nhất trong cuộc đời mình.
Khi đã trả được kha khá các khoản nợ, tôi bình tĩnh nhìn lại xem mình cần tiêu tiền cho những việc ưu tiên nào. Và tôi nhận ra rằng tôi cần dùng tiền cho những việc ưu tiên của các con: đóng tiền học, mua quần áo, đồ ăn cho con. Cứ 2 lần 1 năm vào dịp khuyến mại hè thu, tôi lại sắm đủ đồ cho hai con trai mình, còn tôi thì cần phải hạn chế mua sắm.
Đó là 4 năm vô cùng khó khăn của tôi, có nằm mơ chắc tôi cũng không thể tưởng tượng ra cuộc đời của một cô tiểu thư sống trong nhung lụa, tiền bạc đủ đầy, con gái của một trong những ông trùm dầu mỏ giàu nhất nước Mỹ lại có những ngày phải gồng mình lên để xin xỏ các chủ nợ. Thật nực cười!
Nhưng tôi phải thực sự cám ơn những ngày tháng ấy, bởi tôi đã rèn luyện được cho chính mình sự kiên định và dũng cảm. Tôi đã nhìn thấy được sức mạnh bên trong bản thân. Tôi có khả năng đàm phán tốt và tôi bắt đầu học, nghiên cứu, đặt câu hỏi rồi chú tâm tới từng quyết định tài chính đã ảnh hưởng tới cuộc đời mình.
Tôi tham gia một vài khóa học tài chính và cuối cùng tôi cũng đã hiểu bố mình muốn nói gì. Tôi áp dụng triệt để nguyên tắc là luôn tiết kiệm 10% tất cả các khoản thu nhập, dù khi kiếm được 100 hay 1.000 USD hoặc hơn số đó.
Từ những gì đã trải qua, tôi cho rằng bạn không làm chủ được tài chính của mình bởi 3 lí do sau:
- Bạn chưa bao giờ quan tâm tới các món đồ mình đã mua sắm hay đầu tư.
- Bạn không biết mình có bao nhiêu, nợ ngần nào và tiết kiệm được ra sao.
- Bạn thường xuyên trở thành con mồi cho việc mua sắm bốc đồng.
Vậy nên, muốn kiếm nhiều tiền cũng phải học, muốn tiêu tiền giỏi cũng phải học. Bạn quản lí tài chính thế nào thì cuộc đời bạn cũng sẽ được quản lí như thế ấy. Nếu muốn sáng suốt trong việc quản lí tiền bạc, đừng quên 3 bài học sau:
- Học hỏi: Bạn có thể đăng kí các khóa học tài chính, thậm chí có cả những trang mạng miễn phí dành cho tất cả mọi người. Từ những khóa học này, bạn sẽ biết được cách dùng tiền để phục vụ bản thân thay vì chạy theo nó.
- Nói "không": Khi gặp khó khăn, bạn buộc mình phải chấp nhận và đối mặt để từ chối những người, những thứ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến "túi tiền" và tương lai của mình.
- Can đảm: Khi gặp một món đồ muốn mua, hãy hỏi bản thân "Liệu mình có thể sống thiếu món đồ này được không?". Nếu câu trả lời là "có", hãy nhận ra việc mua nó hay không là một lựa chọn. Tiếp theo, lại tự hỏi mình "Đây có phải là thời điểm thích hợp để mua nó không?".Cách này sẽ giúp bạn tự chủ với tiền bạc của mình và tránh mua sắm theo hứng.
Theo Tri Thức Trẻ