'Bẫy nợ' từ các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc - Bài 4: Indonesia và dự án còn dang dở

Chính phủ Indonesia đang xem xét mời Nhật Bản tham gia dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung đang chậm tiến độ và đội vốn do phía Trung Quốc xây dựng.

Dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung. Ảnh: BBC
Dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung. Ảnh: BBC)

Dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung

Dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung sẽ kết nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung. Trước đó, Trung Quốc đã được Chính phủ Indonesia lựa chọn thay vì Nhật Bản để xây dựng tuyến đường sắt tàu cao tốc đầu tiên.

Tuyến đường sắt được bắt đầu xây dựng vào năm 2016 với giá trị 5,5 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Dự án được xây dựng bởi PT Kereta Cepat Indonesia China, một liên doanh được thành lập vào tháng 10/2015 giữa một nhóm doanh nghiệp nhà nước Indonesia (60% cổ phần) và China Railway International (40%).

Các đơn vị trong nước tham gia liên danh gồm Công ty xây dựng Wijaya Karya, Công ty điều hành thu phí đường Jasa Marga và Công ty Đường sắt Quốc gia Indonesia PT KAI.

Trước đó, Trung Quốc đã giành được dự án do sẵn sàng cung cấp các khoản vay không có bảo lãnh, trong khi Nhật Bản yêu cầu Chính phủ Indonesia tài trợ.

Tuyến đường sắt có chiều dài là 142 km, với tốc độ tàu xấp xỉ ước tính là từ 200km/h đến 250km/h. Lưu lượng hành khách hàng ngày trên tuyến đường sắt dự kiến trung bình là 44.000. Thời gian di chuyển giữa hai trung tâm sẽ giảm xuống còn 36 phút so với 3-5 tiếng ban đầu.

Tuyến đường sắt cao tốc sẽ có bốn ga dọc theo tuyến đường. Một trong những nhà ga sẽ ở Gambir, một nhà ga lớn nằm trong khu vực hành pháp gần Monas và dự kiến sẽ đón nhận một lượng hành khách lớn.

Ngoài ra, các vị trí nhà ga còn lại sẽ ở Manggarai, một nhà ga gần sân bay ở Halim và một nhà ga khác sẽ được đặt tại Walini ở Tây Bandung, một trung tâm du lịch mới ở Tây Java.

71,63 km của tuyến đường sắt sẽ ở trên mặt đất, 53,54 km sẽ là trên cao và 15,63 km sẽ ở dưới lòng đất. Thời gian nhượng quyền là 50 năm kể từ cuối tháng 5/2019 và không thể kéo dài, ngoại trừ trong tình huống bất khả kháng.

Dự án sẽ được cấp vốn thông qua một khoản vay của Trung Quốc, mà không cần viện trợ từ ngân sách Nhà nước Indonesia. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đảm bảo khoảng 75% kinh phí và phần còn lại sẽ được sắp xếp bởi các đối tác liên doanh. Khoản vay này sẽ có thời hạn 40 năm, với thời gian ân hạn 10 năm.

Sự chậm trễ liên tục trong việc thu hồi đất cho dự án cũng đã được ghi nhận. Các vấn đề xung quanh việc mua lại đất đai là rất phức tạp bởi thực tế nhà ga chính ở cuối Jakarta đã được lên kế hoạch, vốn ở trên vùng đất bị Không quân Indonesia chiếm đóng tại Sân bay Quốc tế Halim Perdanakusuma.

Cuối tháng 8/2016, có báo cáo cho rằng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc chưa giải ngân tiền cho khoản vay và PT Kereta Cepat Indonesia-China, liên doanh thực hiện dự án, cũng không chắc về thời gian nhận được khoản vay trên.

Vào giữa tháng 2/2020, tiến độ xây dựng đạt 44% và việc mua lại đất đạt 99,96%. Do đại dịch COVID-19, công việc của dự án đã tạm thời bị dừng lại, dẫn đến sự chậm trễ của việc hoàn thành mục tiêu xây dựng và vận hành.

Vào giữa tháng 5 năm 2020, tiến độ xây dựng đạt 48,3% và việc xây dựng đã hoạt động trở lại mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

Chậm tiến độ và đội vốn

Ban đầu, dự án này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019 nhưng do nhiều lần chậm tiến độ nên đã bị đẩy lùi đến năm 2021 do nhiều vướng mắc bao gồm: Chi phí đầu tư bị đội lên, công tác thu hồi đất đai bị trì hoãn và bất ổn chính trị. Do đó, tổng số vốn đầu tư dự án cũng bị đội lên từ 5,5 tỷ USD lên 6,07 tỷ USD.

Hồi tháng 11/2019, Bộ trưởng các doanh nghiệp nhà nước Erick Thohir cho biết ông sẽ thành lập một đội đặc nhiệm kiểm soát dự án để không bỏ lỡ thời hạn hoàn tất năm 2020.

Hiện tại, Indonesia đang thảo luận khả năng mời nhà thầu Nhật Bản tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung đang chậm tiến độ và đội vốn do Trung Quốc xây dựng, với hy vọng thúc đẩy tiến độ của dự án quan trọng.

Đề xuất mới sẽ kết hợp tuyến Jakarta-Bandung với tuyến Jakarta-Surabaya dài 170 km mà Nhật Bản - Indonesia đang nâng cấp. Nhiều thành viên trong chính phủ Indonesia cho rằng một tuyến đường sắt duy nhất chạy từ Jakarta qua Bandung đến Surabaya sẽ hiệu quả hơn so với các tuyến đường riêng từ thủ đô đi về 2 địa điểm trên. Ngoài ra, chi phí vượt mức cho dự án Bandung càng củng cố thêm quan điểm này.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang ủng hộ một số dự án lớn khác bên cạnh đường sắt cao tốc. Một đập thủy điện trị giá 1,6 tỷ USD được hỗ trợ bởi Ngân hàng Trung Quốc đã được đề xuất cho Bắc Sumatra. Trên đảo Borneo, một công ty nhà nước Trung Quốc chuẩn bị xây dựng các nhà máy thủy điện trị giá gần 18 tỷ USD.

Một mặt, mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh và hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính đã giúp Tổng thống Widodo mang lại nhiều việc làm cho Indonesia. Nhưng đồng thời, điều này cũng có nguy cơ thúc đẩy việc Indonesia đang trở nên quá "mắc nợ" Trung Quốc, trở thành một vấn đề nan giải cho ông Widodo trong nhiệm kỳ Tổng thống.

Nguồn Nhà đầu tư: https://nhadautu.vn/bay-no-tu-cac-du-an-co-so-ha-tang-cua-trung-quoc--bai-4-indonesia-va-du-an-con-dang-do-d38580.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bay-no-tu-cac-du-an-co-so-ha-tang-cua-trung-quoc-bai-4-indonesia-va-du-an-con-dang-do-a139462.html