Kỳ 35: Năm Cam đền tội và câu chuyện về phiên tòa nhiều “kỷ lục“

Phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử vụ án Năm Cam là vụ án lớn, số bị can lên tới 155 người, trong đó 107 bị can đã và đang bị giam giữ, 48 bị can tại ngoại, gồm 24 tội danh khác nhau phải ra trước vành móng ngựa cùng với 238 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...

Trùm giang hồ khét tiếng Năm Cam phải cúi đầu đền tội
Trùm giang hồ khét tiếng Năm Cam phải cúi đầu đền tội)

Đền tội

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa luận tội, bản cáo trạng đã kết luận đúng bản chất vụ việc, bị cáo Trương Văn Cam tuy không trực tiếp hành động nhưng thông qua các chứng cứ đã đủ chứng minh y là kẻ chủ mưu. Dẫn giải của công tố viên ít nhiều cũng dựng lên trước mắt mọi người bức tranh rõ nét sự thông đồng giữa Năm Cam và các bị cáo.

Kiểm sát viên trình bày tiếp: “Trong quá trình tham gia xét xử, tôi đã nhiều lần tự đặt ra cho mình câu hỏi, làm sao có thể xảy ra một điều là cùng một lúc có hai án mạng xảy ra chỉ cách nhau thời gian rất ngắn mà kẻ chủ mưu vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Chỉ vì đồng tiền mà một ít người từng là sĩ quan công an cấp cao, có nghĩa vụ điều điều tra xét hỏi tội phạm, từng nắm quyền công tố tại các phiên tòa và nhà báo đã bị biến chất làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm pháp luật. Thật đau lòng khi tôi phải nói điều này, nhưng sự thật buộc lòng tôi phải nói như một lời cảnh báo.

Không ham tiền, không đam mê vật chất, không đổi cái cao cả cuộc đời mình cho tội lỗi thì không có việc chúng ta, những người thực thi luật pháp phải luận tội để xử nhau. Tôi xin kết thúc lời buộc tội của mình, tin rằng, lúc nghị án, hành vi phạm tôi của từng bị cáo sẽ được phán quyết đúng nhất và khách quan nhất”.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (bào chữa cho Năm Cam) phát biểu: “Hành vi tổ chức đánh bạc là sai pháp luật nhưng bị cáo đã thành khẩn nhận tội. Dù còn mập mờ giữa có hay không việc bị cáo chủ mưu giết hại Phan Lê Sơn, Hồ Phước Hưng và Dung Hà, nhưng với quan điểm nhận tội để được hưởng khoan hồng, cuối cùng bị cáo cũng đã nhận tội. Từ hành động này, tôi đề nghị hội đồng xét xử xem xét trên tinh thần nhân đạo của pháp luật”.

Được nói lời sau cùng, Năm Cam như không còn sức phản kháng nữa: “Kính mong tòa xem xét lời bào chữa của luật sư để giảm nhẹ mức án cho bị cáo”. Các thành viên trong hội đồng xét xử nhìn các bị cáo còn lại. Tất cả im lặng. Hội đồng xét xử quay bước vào căn phòng phía trong nghị án. Mọi người có mặt trong phòng xử án ồn ào bàn tán, một số người bỏ về, các luật sư bào chữa ra ngoài. Nỗi hoang mang, hồi hộp xâm chiếm mọi suy nghĩ trong đầu của các bị cáo...

Cuối cùng, giây phút quan trọng nhất trong phiên tòa cũng đến. Mọi người đứng dậy, nín thở nghe Chủ tọa Bùi Hoàng Danh thay mặt HĐXX tuyên án: Các bị cáo Trương Văn Cam, Châu Phát Lai Em, Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh, Hồ Thanh Tùng mức án tử hình. Phạt tù chung thân đối với: Nguyễn Tuấn Hải, Nguyễn Xuân Trường, Bùi Anh Việt, Văn Công Tiến. Các bị cáo còn lại trong vụ án cũng nhận mức án thích đáng theo tội danh đã bị truy tố.

Trong 58 ngày xét xử, dư luận trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt đến phiên tòa. Lý do dễ hiểu vì Năm Cam và đồng bọn được coi là “đại ung nhọt” gây bức bức xúc đối với xã hội, đã nhiều năm khuấy động cuộc sống của người dân, gieo rắc trên bước đường tội lỗi của chúng không biết bao nhiêu nỗi đau, chết chóc, tan nhà nát cửa, suy thoái đạo lý...

Vụ án còn được chú ý bởi quá trình gây án khá dài, địa bàn khá rộng, nhiều tội danh khác nhau và trong nhóm bị can có mặt cả những quan chức cấp cao. Dư luận đồng ý với phát biểu của vị chủ tọa trong cuộc họp báo sau khi phiên tòa kết thúc: “Đây không phải là vụ án xử tội đưa và nhận hối lộ - đưa và nhận hối lộ thực sự chỉ là một khía cạnh của vụ án, trong khi bản chất của nó là vụ trọng án hình sự, tòa truy tố và xét xử một băng nhóm có tổ chức, gần như chuyên nghiệp. Mối nguy hiểm chính là từ chỗ này”. Năm Cam và đồng bọn không phải bỗng nhiên ra tòa, không phải tại tòa mới định hình tội danh. Nói cho cùng, tòa làm công việc xác định mức án cụ thể, chứ tội danh thì đã được bộc lộ từ lâu qua quá trình băng nhóm này gây tội.

Vụ án khép lại trong một phiên tòa sơ thẩm. Giá trị trừng phạt trực tiếp tất nhiên không thể bằng giá trị răn đe, mà nội dung chính là phiên tòa cho thấy luật pháp không nương tay với cái ác. Như đã nói, đứng trước vành móng ngựa lần này có một số quan chức, kể cả vài người giữ cương vị cao trong Đảng và chính quyền, đoàn thể. Tuy nhiên, phiên tòa không xét xử một cách riêng biệt số quan chức phạm tội, mà xét xử một vụ án trong tội danh chung, tức những quan chức này nằm trong danh sách của cả băng nhóm, là thành phần của băng nhóm “Năm Cam và đồng bọn”, họ bị truy tố trong tư cách ấy.

Cuối cùng, bài học cần rút ra lớn hơn bản thân từng tội phạm: sự nhanh nhạy để ứng phó và ứng phó có hiệu quả đối với các băng nhóm tội phạm, sự mua chuộc các quan chức, sự đục ruỗng bộ máy quản lý, trong đó có cả bộ máy thực thi pháp luật... của kẻ xấu. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài mà vụ án dạy cho từ người dân đến người có trách nhiệm lãnh đạo và quản lý rất nhiều điều, trong tình hình còn phức tạp hiện nay.

Phiên tòa xét xử Năm Cam là phiên tòa
Phiên tòa xét xử Năm Cam là phiên tòa "kỷ lục")

Phiên tòa kỷ lục

Phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử vụ án Năm Cam là vụ án lớn, số bị can lên tới 155 người, trong đó 107 bị can đang tạm giam, 48 bị can tại ngoại, gồm 24 tội danh khác nhau phải ra trước vành móng ngựa cùng với 238 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong số 155 bị can có 21 người nguyên là cán bộ công chức nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật, 13 sĩ quan công an công an, 3 cán bộ Viện kiểm sát và 5 cán bộ cơ quan hành chính, 17 đảng viên đã khai trừ khỏi Đảng, 10 đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt Đảng.

Để bảo đảm đủ điều kiện cho công tác xét xử có trên 500 người tham dự, kinh phí tám trăm triệu đồng Việt Nam đã được chi ra nhằm mục đích mở rộng, nâng cấp trang thiết bị cho phòng xử án.

Thẩm phán Bùi Hoàng Danh (Phó Chánh án TAND TP.Hồ Chí Minh) là Chủ tọa phiên tòa. Tham dự phiên tòa còn có 80 luật sư bảo vệ quyền lợi các bị cáo và hai người bị hại là Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng. Tòa án đã quyết định triệu tập thêm 238 người có liên quan tới vụ án. Các ông Lê Thanh Ðạo (nguyên Viện trưởng VKSND Tối cao); Thân Thành Huyện và Võ Văn Măng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh); Nguyễn Văn Bông (nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP.Hồ Chí Minh), cùng một số nhà báo khác là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã được triệu tập.

Phiên khai mạc được các đài truyền hình, phát thanh của Trung ương và địa phương tường thuật trực tiếp; 214 nhà báo thuộc 70 cơ quan báo chí trong nước, 18 cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài. Hàng ngàn bút lục, hàng vạn trang hồ sơ về vụ án này được diễn giải, tuyên đọc tại phiên tòa...

>> Đón đọc chuỗi bài về Năm Cam tại đây: https://thuongtruong24h.vn/tag/nam-cam

Nguồn: https://baophapluat.vn/phap-luat/ky-35-nam-cam-den-toi-va-cau-chuyen-ve-phien-toa-nhieu-ky-luc-218494.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ky-35-nam-cam-den-toi-va-cau-chuyen-ve-phien-toa-nhieu-ky-luc-a140026.html