Bỏ qua những lời bàn tán, phản đối, Nga trở về quê hương thực hiện dự định của mình. Bởi theo cô, sản xuất nông nghiệp chính là một hướng đi bền vững...
Bỏ phố về quê
Sinh ra tại miền quê nghèo ở huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), ngay từ thủa nhỏ, cô bé Võ Thị Minh Nga (SN 1988) đã có ước mơ sau này sẽ trở thành một nữ nhà báo. Cô tin rằng, kiến thức có thể giúp mình không còn phải trải qua những ngày tháng lam lũ bên đồng ruộng, đám rẫy.
Suốt quảng thời gian còn là học sinh, Nga luôn phấn đầu học tập và đạt được những thành tích cao, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ.Tốt nghiệp Trung học Phổ thông vào năm 2006, Nga nộp hồ sơ và thi đỗ vào Khoa Báo chí Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP. Hồ Chí Minh.
Kinh tế gia đình thời điểm đó gặp nhiều khó khăn nên trong thời gian học, Nga đã bắt đầu viết bài cộng tác để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ngày ra trường, Nga được nhận vào làm việc ở Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH) phụ trách mảng văn hóa, văn nghệ.
“Làm ở đó được 2 năm, đến năm 2012 thì em chuyển về làm cho Báo Người lao động và tiếp tục viết về mảng sở trường của mình. Nhìn chung thì công việc phóng viên phụ trách mảng văn hóa văn nghệ không quá vất vả và thu nhập cũng rất tốt.
Không những vậy, thời gian đi làm thì em cũng tiếp xúc được với nhiều người, có những nghệ sĩ nổi tiếng và tạo được rất nhiều mối quen hệ ở TP Hồ Chí Minh. Nói chung là em cũng rất hài lòng với cuộc sống của mình thời điểm đó”, Nga tâm sự.
Tưởng chừng như khi đã hoàn thành ước mơ từ lúc còn nhỏ, Nga sẽ tiếp tục theo đuổi và cống hiến. Vậy nhưng cô phóng viên trẻ lại chuyển sang một ngã rẽ khác khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Đó là thời điểm năm 2016, khi Nga đã ra trường đi làm được 6 năm. Cô chia sẻ rằng, quyết định này của mình chịu sự tác động rất lớn từ nội dung 2 cuốn sách: Trên đường băng và Cà phê cùng Tony của Tony buổi sáng.
“Hai cuốn sách này có nội dung khuyến khích những người trẻ về quê lập nghiệp, xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, mỗi lần về quê em cũng thấy người dân làm ra sản phẩm đã khó khăn rồi đến khi tìm đầu ra tiêu thụ lại càng khó hơn. Thế nên từ năm 2014, em đã có suy nghĩ về quê để giúp đỡ cho bà con.
Mặc dù vậy, vì thời điểm đó chưa phù hợp nên em đã ở lại thêm 2 năm nữa để xây dựng thêm những mối quan hệ đồng thời tìm những hướng đi cho sản phẩm nông nghiệp ở quê ra thành phố”, Nga chia sẻ.
Bỏ qua những lời bàn tán, phản đối, Nga đã trở về quê hương Hiệp Đức để thực hiện dự định của mình. Bởi theo cô gái trẻ này, sản xuất nông nghiệp chính là một hướng đi bền vững, đặc biệt là nông nghiệp sạch.
Ngành nông nghiệp chính là ngành thiết yếu, không những cung cấp những nhu yếu phẩm hàng ngày cho con người mà xu thế trong tương lai, người tiêu dùng sẽ dần chuyển sang tiêu thụ những thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe.
Thành công xuất phát từ tâm
Năm đầu tiên, Nga chưa vội kinh doanh mà đi hoạt động từ thiện ở những vùng đồng bào thiểu số sinh sống. Đây cũng là cách để cô gái trẻ tiếp cận và tìm hiểu được vùng nguyên liệu các mặt hàng nông sản đặc trưng cũng như tập quán, văn hóa của người đồng bào.
Những ngày tháng đó, Nga đã cùng người dân đồng bào Bh.nong ở các huyện Phước Sơn, Hiệp Đức trèo đèo, lội suối, băng qua những cánh rừng để lấy mật ong; giúp đỡ bà con thu hoạch, buôn bán các sản phẩm nông nghiệp mà họ làm ra.
Sự nhiệt tình đó của Nga đã tạo được lòng tin với người dân miền núi vốn dĩ quen với cuộc sống dè dặt, ngại tiếp xúc. “Khi mình tốt với họ thì họ sẽ thương mình lại thôi. Có sản phẩm gì họ cũng để lại cho mình cho dù có người khác mua lại với giá gấp 10 lần họ cũng không bán.
Bởi thế mà nhiều người cảm thấy bất ngờ rằng sao em lại có thể mua được 1 lần số lượng lớn sản phẩm của người đồng bào như vậy”, Nga kể.
Nguồn nguyên liệu đã có, thị trường đầu ra cũng xác định được, năm 2017, Nga bắt tay vào công việc chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông sản của người đồng bào Bh.nong. Trong đó, các sản phẩm chủ yếu là mật ong rừng, trà gừng, trà gạo lứt, tinh bột nghệ và các sản phẩm từ gạo lứt.
Nga cho biết, các sản phẩm của đồng bào mà xưởng sản xuất của mình đang chế biến đều là những sản phẩm sạch từ lúc trồng cho tới lúc thành phẩm, không sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học hay hóa chất gì.
Nga xác định phân khúc thị trường các sản phẩm của mình là khách hàng cao cấp nên vấn đề quan trọng là phải đảm bảo chất lượng. Còn giá cả thì không phải là vấn đề mà thị trường khách hàng cô hướng tới đặt nặng.
“Không phải làm kinh doanh mà mình tìm mọi cách để ép giá nông sản của người dân để tăng lợi nhuận. Ngược lại, em còn thu mua các sản phảm của họ với giá cao hơn. Cũng rất may mắn, trong những ngày tháng làm báo em tạo được cho mình nhiều mối quan hệ với giới nghệ sĩ và bạn bè đồng nghiệp.
Họ cũng hiểu được trong công việc kinh doanh của em cũng có ý nghĩa nhân văn là giúp cho những người nông dân nghèo có thêm thu nhập. Vậy nên, những khách mua hàng không bao giờ phàn nàn về giá cả mà có khi còn cho thêm tiền. Những khoản tiền đó, em đều cho vào quỹ từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”, Nga tâm sự.
Kinh doanh xuất phát từ tâm nên công việc của Nga cứ thế đi trên một đường thẳng, rất suôn sẻ, chưa gặp trở ngại gì lớn. Nga cũng không ngần ngại chia sẻ rằng, hiện nay, với các sản phẩm đặc trưng của người đồng bào Bh.nong mà mình kinh doanh đều bán rất chạy. Mỗi năm cho lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.
Đến năm 2019, Nga quyết định thành lập Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phương Nga đồng thời mở rộng nhà xưởng sản xuất. Hiện nay, công ty của Nga đang tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 – 10 triệu/tháng và hàng chục lao động thời vụ khác.
Các công nhân làm việc trong xưởng của Nga đều là những lao động nghèo tại địa phương trong đó có trường hợp đặc biệt là trường hợp của chị Hồ Thị Hải (trú xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức). Cả hai vợ chồng chị Hải đều bị ung thư.
“Trước đây, hoàn cảnh rất gia đình tôi rất khó khăn, hai vợ chồng sức khỏe yếu nên không biết làm gì để có tiền. Bây giờ cô Nga tạo điều kiện vào làm trong Cty, công việc nhẹ nhàng và với mức lương 6,2 triệu/tháng là điều mà trước đây tôi chưa hề mơ nghĩ tới. Thực sự vợ chồng tôi biết ơn cô Nga rất nhiều”, chị Hải tâm sự.
Qua những tâm sự về dự định của Nga, chúng tôi càng thấy được hoài bão trong con người cô gái nhỏ nhắn đó còn rất lớn. Để đáp ứng được như cầu thị trường ngày càng rộng của các sản phẩm, Nga đã cùng với chính quyền địa phương vận động bà con liên kết sản xuất để cung cấp nguyên liệu cho Cty.
“Vừa qua, em đã liên kết được với 1 HTX ở huyện Tây Giang làm vùng nguyên liệu trồng đậu đen trên diện tích 30ha. Sắp tới sẽ liên kết thêm với 1 HTX khác ở huyện Duy Xuyên. Ngoài việc đảm bảo được nguyên liệu đầu vào cho Cty thì em cũng mong muốn giúp được thêm nhiều bà con tiêu thụ ổn định được sản phẩm nông nghiệp mà mình làm ra”, Nga chia sẻ.
LÊ KHÁNH
Theo Nông Nghiệp
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thanh-cong-hon-nho-re-sang-nong-san-sach-a140400.html