Giấc mơ Mỹ của tỷ phú Việt: 'Hoàn toàn dựa vào bản lĩnh của chính mình, không có cách nào khác'

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương và nhiều doanh nhân Việt đều có tham vọng chinh phục thị trường Mỹ - một chiến trường gian nan nhưng xứng đáng để 'đổ máu'.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương và nhiều doanh nhân Việt đều có tham vọng chinh phục thị trường Mỹ - một chiến trường gian nan nhưng xứng đáng để 'đổ máu'.

Cuối tháng 5/2020, tại đại hội cổ đông của Tập đoàn VinGroup, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT cho biết, chiến lược của VinFast và VinSmart - ngoài Việt Nam - chỉ tập trung vào một thị trường, đó là thị trường Mỹ. Theo quan điểm của vị tỷ phú này, nếu làm được ở thị trường khó nhất là Mỹ, thì câu chuyện vào các thị trường khác sẽ đơn giản, dễ dàng hơn.

Cùng thời gian, lô hàng 36 chiếc sơmi rơmoóc được CTCP ô tô Trường Hải (THACO) xuất khẩu sang Mỹ, mở ra bức tranh mà trong đó các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các vị tỷ phú Việt Nam có chung một giấc mơ Mỹ để khẳng định chất lượng sản phẩm Việt. Nhưng họ sẽ phải đối mặt với những gì?

Liên quan đến "giấc mơ" này, Tiến sỹ Đinh Trường Hinh – chuyên gia kinh tế người Việt tại Mỹ đã có một số chia sẻ.

Tiến sĩ kinh tế Đinh Trường Hinh hiện là Chủ Tịch Công Ty EGAT (www.EGATCO.COM) tại Virginia, Hoa Kỳ. Ông nguyên là Chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014).

Nghiên cứu của ông tập trung vào các lĩnh vực tài chính công, tài chính quốc tế, công nghiệp hóa, và phát triển kinh tế. Hiện sống tạị bang Virginia, Hoa Kỳ, ông đã đăng tải các tác phẩm Công nghiệp Nhẹ Châu Phi (2012), Các Câu Chuyện Kể Từ Mặt Trận Phát Triển Kinh Tế (2013), Phát Triển Công Nghiệp Nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công Việc Làm, Kỹ Nghệ Hóa, và Toàn Cầu Hóa (2017).

Ông Phạm Nhật Vượng - Tỷ phú đô la của Việt Nam có nói lên tham vọng đưa điện thoại Vsmart và ô tô điện VinFast chinh phục thị trường Mỹ vào năm 2021. Là một chuyên gia kinh tế tại Mỹ, thấu hiểu thị trường Mỹ, ông có suy nghĩ gì khi nghe những thông tin này?

TS Đinh Trường Hinh: Cũng như nhiều người Việt Nam ở hải ngoại, tôi thấy mừng cho Việt Nam nói chung và doanh nhân trên nói riêng khi muốn đưa các sản phẩm Việt Nam vào thị trường Mỹ. Dù họ biết rằng lúc đầu là gian lao, khó nhọc, nhưng khi có quyết tâm thì việc gì cũng có thể, vì ‘đường đi chỉ khó vì lòng người ngại núi, e sông.’

Thị trường Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới và có mãi lực lớn nhất. Trong lịch sử kinh tế thế giới 50 năm qua, không có một nước nào trở thành đất nước công nghệ hóa mà không vào trong thị trường Mỹ, sau đó mới bán ra các nước khác trên thế giới. Chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…

Nhưng thị trường Mỹ cũng là thị trường khó ‘chinh phục’ nhất. Đó là vì mặc dù sân chơi rất bình đẳng, sức mua rất dồi dào, nhưng mọi người đều phải cạnh tranh rất khốc liệt và phải hoàn toàn dựa vào bản lĩnh của chính mình chứ không có cách nào lấp liếm hay che giấu khuyết điểm của mình.

Hồi thập niên 1960, Toyota đem xe hơi qua bán ở Mỹ, bị trả lại không biết bao nhiêu lần vì chất lượng yếu kém. Phải đợi tới thập niên 1970 - sau khi sửa tới sửa lui, họ mới có được chút tin tưởng từ người tiêu thụ Mỹ. Rồi từ đó đã tạo được uy tín, và bây giờ thì tràn ngập đường phố.

Vậy Tiến sĩ có gợi ý gì cho những doanh nhân Việt Nam có giấc mơ Mỹ như ông Vượng?

Dân gian ta có câu ‘vạn sự khởi đầu nan,’ cho nên muốn xâm nhập thị trường công nghệ cao ở Mỹ thì phải chuẩn bị tinh thần ‘trường kỳ kháng chiến.’ Nhưng khi đã thành công thì phần thưởng là rất lớn và bền bỉ.

Đem điện thoại và ô tô điện vào Mỹ, ông Vượng sẽ gặp rất nhiều cạnh tranh vì ai cũng muốn bán sản phẩm ở Mỹ. Riêng về điện thoại, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm của Hàn Quốc, của Trung Quốc... Còn về ô tô điện, điều trước mắt là phải cạnh tranh với các hãng đã có chân đứng lâu ở đây.

Hiện tại vào năm 2020, có khoảng 12 hãng ô tô điện đang bán trong thị trường nước Mỹ gồm có Audi, BMW, Chevrolet, Honda, Hyundai, Jaguar, Kia, Mini Cooper, Nissan, Porsche, Tesla và VW. Đặc biệt Tesla là một loại xe điện rất được ưa chuộng ở Mỹ.

Mặc dù xe VinFast sẽ rẻ hơn nhưng về chất lượng thì các hãng khác đã hoạt động từ lâu, nên Việt Nam sẽ gặp nhiều thử thách. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ không thành công, mà chỉ nói lên những thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua để thu phục người mua ở Mỹ, không phải chỉ giá cả, mà còn về chất lượng.

Quan trọng nhất là phải đáp ứng đòi hỏi về tiêu chuẩn an toàn (safety standards) cao ở Mỹ. Điểm này có thể giải quyết bằng cách thuê những kỹ sư Mỹ chuyên môn về tiêu chuẩn để giúp thiết kế và thực hiện quá trình sản xuất ngay từ đầu, chứ đừng để tới sau khi phải thu hồi xe rồi mới chỉnh sửa.

Quan sát của ông đối với những hãng xe Trung Quốc đã "thâm nhập" vào thị trường Mỹ?

Năm ngoái, tập đoàn Qiantu Motor muốn bắt chước mô hình của Toyota và Hyundai (khi hai hãng này bắt đầu vào Mỹ) để xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ cạnh tranh với Tesla. Nhưng kế hoạch đã khựng lại, chưa hoặc không triển khai được.

Hiện tại (tháng 6 năm 2020) chưa có chiếc xe nào có nhãn hiệu Trung Quốc được bán ở Mỹ. Các hãng xe Trung Quốc như Vantas, Lynk&Co., GAC hay Zotye đã có ý định vào thị trường Mỹ năm nay hay năm tới nhưng rồi sau mùa dịch này, người tiêu dùng Mỹ không có cảm tình tốt đối với Trung Quốc, nên chắc là sẽ khó bán được.

Hiện có 2 hãng xe (1 của Mỹ và 1 của Trung Quốc) nhập cảng các xe lắp ráp từ Trung Quốc, nhưng là dưới nhãn hiệu của mình, đó là hãng General Motors (đang nhập xe Buick Envision và Cadillac CT6 Plug-in) và hãng Volvo (đang nhập xe Volvo S90 và S60). Số lượng của những xe này còn rất nhỏ so với thị trường Mỹ.

Sơmi Romooc của Tập đoàn Thaco mới đây đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điều này có mở ra tương lai gì cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam?

Đây cũng là một điều tốt cho ngành công nghiệp kỹ thuật Việt Nam.

Một cách để doanh nghiệp Việt Nam có thể vào thị trường Mỹ dễ hơn, đó là thay vì sản xuất ồ ạt để xuất khẩu thì đi từng bước một vào những lĩnh vực chuyên biệt (niche markets) như THACO làm, rồi từ từ học hỏi và lấy được niềm tin của người tiêu thụ Mỹ trước khi sản xuất quy mô.

Về những vấn đề hiện tại ở Mỹ và cuộc bầu cử Tổng thống mới, có điều gì cần lưu ý cho các DN Việt muốn chinh phục thị trường Mỹ nói chung, và giấc mơ Mỹ của các tỷ phú Việt như ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Bá Dương… nói riêng?

Dù ứng cử viên của đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ thắng thì sau mùa dịch này, Trung Quốc cũng sẽ mất cảm tình của Chính phủ và dân chúng Mỹ. Tuy nhiên hàng hóa Trung Quốc không phải một sớm một chiều có thể ngừng xuất khẩu vào Mỹ vì phải mất một thời gian mới có thể chuyển các chuỗi cung ứng hoàn cầu (global value chains) ra khỏi Trung Quốc.

Việt Nam nên tận dụng cơ hội rất hiếm có này để vào được thị trường Mỹ. Mặt khác, để cán cân mậu dịch khỏi nghiêng về phía Việt Nam quá, có thể khiến cho Mỹ có những biện pháp ngăn cản thương mại, Việt Nam có thể tăng nhập khẩu các máy móc tối tân của Mỹ cũng như nhập các nguyên liệu tốt như vải sợi v.v. dùng trong sản xuất và chế biến. Đây thuộc về vấn đề chính sách kinh tế của Chính phủ.

Một doanh nhân nổi tiếng có chia sẻ rằng: "Một lô hàng xuất sang Mỹ, Úc thì cả làng viết báo trong khi cùng lúc đó, 500 containers xuất khẩu sang Trung Quốc thì không ai nói gì". Tiến sĩ có cho rằng Việt Nam đã quá coi trọng thị trường Mỹ trong khi cách kinh doanh hiệu quả hơn là nên "tấn công" thị trường Trung Quốc? Việc chinh phục thị trường Mỹ của các tỷ phú liệu sẽ phải "đổ máu" nhiều đến mức nào? Và kết quả liệu có xứng đáng hơn, nếu như chọn thị trường mục tiêu là Trung Quốc?

Có một sự hiểu lầm rất lớn khi so sánh thị trường Hoa Kỳ và thị trường Trung Quốc. Nhiều người nghĩ là thị trường Trung Quốc có GDP đứng hàng thứ hai trên thế giới (năm 2018 GDP của Trung Quốc là 13,6 triệu tỷ đô la so với GDP Hoa Kỳ là 20,5 triệu tỷ) cho nên có thể thay thế Hoa Kỳ được trong việc mua bán hàng tiêu dùng.

Điều này là hoàn toàn sai lầm.

Thật ra, Trung Quốc vẫn là một nước còn nghèo. Sở dĩ GDP lớn là vì dân số đông (1,4 tỷ người so với Mỹ khoảng 330 triệu) chứ thật ra GDP bình quân đầu người, tức là mãi lực mua bán thì còn rất thấp: với GDP bình quân đầu người là $9.633 (2018) thì chỉ bằng 30% của Hàn Quốc ($32.046), 38% của Đài Loan ($25.534), và không bằng 16% của Singapore ($61.230).

Mãi lực của người tiêu thụ tùy thuộc vào mức thu nhập của chính họ chứ không phải mức thu nhập của những người (có thể là rất giàu có) chung quanh họ. Chính vì Trung Quốc còn nghèo như vậy và cũng là nước đang lên, cho nên trên thế giới chưa có một nước nào trở nên phát triển nhờ bán hàng vào nội địa Trung Quốc. Mà Trung Quốc cũng không bao giờ để cho hàng nước nào "tấn công" thị trường của mình.

Mặt khác, nếu tôi không lầm thì những hàng hóa bán qua Trung Quốc là những mặt hàng về khai thác nguyên liệu của Việt Nam hay thực phẩm trước khi biến chế. Bán những mặt hàng này thì không có gì mà đáng mừng. Muốn phát triển bền vững thì Việt Nam phải vượt qua những mặt hàng này để tiến đến những mặt hàng làm bằng công nghệ cao hay là có giá trị gia tăng cao.

Một điểm nữa là trên nguyên tắc, không quốc gia nào nên để cho nền kinh tế của mình bị thao túng bởi nước khác, cho nên dư luận không sốt sắng với việc xuất khẩu qua Trung Quốc cũng là đúng thôi.

Mặc dù việc chinh phục thị trường Mỹ vẫn còn rất nhiều gian nan, nhưng một khi làm được rồi thì kết quả lời sẽ vô cùng lớn và vô cùng bền vững. Đó là lý do tất cả các công ty trên thế giới đều muốn vào thị trường này dù có phải "đổ máu' rất nhiều đi chăng nữa.

Cảm ơn Tiến sỹ về những chia sẻ này!

Ngô My

Theo Tổ Quốc

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/giac-mo-my-cua-ty-phu-viet-hoan-toan-dua-vao-ban-linh-cua-chinh-minh-khong-co-cach-nao-khac-a141009.html