Muốn được trả lương bằng USD, hai công nhân Zimbabwe bị chủ Trung Quốc bắn

 Một vụ nổ súng gây xôn xao dư luận ở Zimbabwe khi một người chủ mỏ quốc tịch Trung Quốc đã bắn vào 2 công nhân khi họ bày tỏ muốn được trả lương bằng đồng USD đúng theo thỏa thuận lao động. >>Sự thật lời hứa “xóa nợ cho các quốc gia châu Phi đau khổ” của Trung Quốc >>“Bạn sẽ xóa nợ cho chúng tôi chứ ?”- Câu hỏi hóc búa châu Phi cho Bắc Kinh >>Trung Quốc đơn độc trong việc tài trợ các dự án điện than ở châu Phi

Một vụ nổ súng gây xôn xao dư luận ở Zimbabwe khi một người chủ mỏ quốc tịch Trung Quốc đã bắn vào 2 công nhân khi họ bày tỏ muốn được trả lương bằng đồng USD đúng theo thỏa thuận lao động.

Vụ nổ súng khiến hai người thợ mỏ Zimbabwe bị thương. Ảnh: Construction Manager
Vụ nổ súng khiến hai người thợ mỏ Zimbabwe bị thương. Ảnh: Construction Manager)

Trong bản khai tại tòa án, cảnh sát cho biết chủ mỏ người Trung Quốc Zhang Xuen (41 tuổi) đã bắn một nhân viên 5 lần và làm bị thương một người khác tại khu mỏ mà ông ta quản lý ở tỉnh Gweru, miền trung Zimbabwe, trong khi tranh cãi với công nhân về việc trả lương.

Ông Zhang bị cáo buộc tội giết người, theo phát ngôn viên cảnh sát Zimbabwe - Paul Nyathi cho biết. Theo truyền thông địa phương, ông Zhang sẽ bị giam giữ cho đến ít nhất ngày 7/7.

Vụ nổ súng xảy ra vào sáng 23/6, khi hai công nhân là Wendy Chikwaira và Kennedy Tachiona đề nghị ông Zhang tăng lương bằng USD như đã thoả thuận, nhưng ông ta từ chối nên dẫn đến tranh cãi.

Theo hồ sơ, Tachiona lao về phía Zhang và bị ông này rút súng ra bắn ba phát vào đùi phải và hai phát vào đùi trái. Cảnh sát cho biết, Zhang cũng bắn Chikwaira làm người này bị thương.

Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Zimbabwe

Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Zimbabwe và có lợi ích đáng kể trong lĩnh vực khai thác ở nước này.

Năm ngoái, công ty Tsignchan của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với Bộ Mỏ của Zimbabwe để khai thác crôm, quặng sắt, niken và than, tài nguyên quan trọng cho Trung Quốc.

Theo báo cáo của Viện Brookings 2016, ít nhất 10.000 người Trung Quốc đang ở Zimbabwe, và nhiều người đang làm việc trong các lĩnh vực khai thác, viễn thông và xây dựng của đất nước trên cơ sở hợp đồng.

Trong một tuyên bố mới nhất nhằm trấn an dư luận hôm 27/6, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã nói với người dân địa phương rằng, vụ của Zhang chỉ là một sự cố đơn lẻ và không thể hiện rằng các công dân hay chủ lao động Trung Quốc đều có hành xử như vậy.

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng đây là một sự cố độc lập và bất kể chuyện gì đã xảy ra thì đây không phải là điều chúng tôi muốn thấy” - Tổng thống Mnangagwa nói trong một buổi lễ quyên góp thiết bị phòng chống dịch Covid-19 của Phòng Doanh nghiệp Trung Quốc tại Zimbabwe (CCEZ) có trị giá lên tới 55.000 USD.

“Hành vi của quản lý người Trung Quốc này không đại diện cho quốc gia Trung Quốc hay công dân Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc tại Zimbabwe”, ông nói thêm.

Tổng thống nhấn mạnh, ông Zhang sẽ được xét xử công bằng như mọi công dân khác, không phân biệt đối xử.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe mô tả vụ nổ súng là “sự cố cá biệt” và cho biết sẽ hỗ trợ cuộc điều tra công khai và minh bạch của chính quyền địa phương.

“Bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào và những người vi phạm luật pháp sẽ không được bao che. Trung Quốc và Zimbabwe có một tình bạn và sự hợp tác lâu dài. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan hành động thận trọng”, Đại sứ quán Trung Quốc đăng tải trên Twitter.

Điều kiện làm việc thiếu thốn, nguy hiểm

Trong một tuyên bố hôm 24/6, Hiệp hội Luật môi trường Zimbabwe(ZELA) cho biết, người dân địa phương ở một số mỏ thuộc sở hữu của Trung Quốc phải chịu đựng những điều kiện “nguy hiểm, khắc nghiệt và đe dọa đến tính mạng”, trong khi được trả lương thấp.

“Vụ nổ súng hôm 23/6 là một lý do khác để chính phủ suy nghĩ lại về các cam kết chính trị và kinh tế với Trung Quốc”, Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe cho hay.

Muốn được trả lương bằng USD, hai công nhân Zimbabwe bị chủ Trung Quốc bắn - 2
Các mỏ do Trung Quốc khai thác và cả công ty khai thác mỏ của Zimbabwe bị vướng vào các cáo buộc vi phạm nhân quyền và các biện pháp an toàn tồi tệ cho công nhân.

Vào tháng 2, một nhóm công nhân khai thác ở tỉnh Matabeleland South đã kiện lên tòa án lao động phản đối việc họ bị ông chủ Trung Quốc sa thải.

Tháng 4 năm ngoái, công nhân tại một mỏ khai thác khác của Trung Quốc tại tỉnh này khiếu nại về việc bị trả lương thấp và làm việc mà không có quần áo bảo hộ.

Hương Vũ

Theo Dân Trí

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/muon-duoc-tra-luong-bang-usd-hai-cong-nhan-zimbabwe-bi-chu-trung-quoc-ban-a141024.html