Vũ Hán – được cho là nơi khởi nguồn của dịch Covid - 19, lại tiếp tục rúng động trong ngày hôm nay, khi một trong những công ty nổi tiếng nhất của thành phố là Kingold vướng phải scandal làm giả vàng để vay tiền trong nhiều năm qua.
Kingold Jewelry, Inc. là công ty nằm ở trung tâm thành phố Vũ Hán, một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc, được thành lập năm 2002, là một trong những nhà thiết kế và sản xuất hàng đầu của Trung Quốc về đồ trang sức và sản phẩm vàng 24 carat. Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp cho các nhà bán lẻ, công ty cũng mở rộng thị phần thông qua các nhà phân phối lớn trên khắp Trung Quốc.
Kingold đã nhận được nhiều giải thưởng trong ngành và là thành viên của Sàn giao dịch vàng Thượng Hải từ năm 2003. Từ một công ty chỉ có doanh thu 29 triệu USD vào năm 2006, chỉ 10 năm sau, Kingold đã tăng trưởng thần kỳ, đạt doanh thu 1.4 tỷ USD và được dự báo là tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tiếp theo. Cổ phiếu của công ty đã được niêm yết trên sàn NASDAQ tại Mỹ từ năm 2010.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, để mở rộng kinh doanh, Kingold cũng thực hiện vay mượn từ nhiều ngân hàng khác nhau. Tổng cộng, doanh nghiệp này đã vay mượn khoảng 16 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 2.8 tỷ USD) từ 14 tổ chức tài chính tại Trung Quốc và các khoản này được đảm bảo bằng 83 tấn vàng được sản xuất bởi công ty.
Hơn thế nữa, các khoản vay của Kingold còn được bảo hiểm lên tới 30 tỷ nhân dân tệ bằng các chính sách bảo hiểm tài sản do công ty bảo hiểm nhà nước PICC Property and Casualty Co. Ltd. (PICC P & C) và các công ty bảo hiểm nhỏ khác ban hành. 83 tấn vàng nguyên chất được lưu trữ để đảm bảo cho các khoản vay của công ty tương đương với 22% sản lượng vàng hàng năm của Trung Quốc và 4.2% dự trữ vàng của Trung Quốc vào năm 2019.
Việc vay mượn của Kingold đã bắt đầu từ năm 2013, khi công ty này đạt được thỏa thuận vay 200 triệu nhân dân tệ từ quỹ Chang An và sử dụng khoảng 1,000 kg vàng làm tài sản đảm bảo để tài trợ cho một dự án bất động sản tại Vũ Hán. Khoản vay này được tất toán đúng hạn, giúp uy tín của công ty ngày một tăng cao.
Kể từ năm 2015, Kingold ngày càng tăng sự phụ thuộc vào vay mượn, với các khoản vay được đảm bảo bằng vàng của công ty. Năm 2016, Kingold đã vay tới 11 tỷ nhân dân tệ, cao gấp gần 16 lần so với con số năm trước. Theo báo cáo tài chính của công ty, tỷ lệ nợ trên tài sản của công ty đã tăng lên 87,5% từ 43,4%.
Cũng trong năm đó, Kingold đã cam kết sử dụng 54,7 tấn vàng để đảm bảo cho các khoản vay, cao gấp 7,5 lần so với năm trước. Các khoản vay mượn của Kingold đều được PICC P & C cung cấp các dịch vụ bảo hiểm, giúp hãng này dù chỉ có tài sản ròng trị giá 100 triệu nhân dân tệ trong năm 2016 và 2 tỷ nhân dân tệ trong năm 2017, vẫn có thể vay mượn được những khoản tiền khổng lồ.
Lý do Kingold cần huy động một số lượng vốn vay lớn đến như vậy là vì họ muốn mua lại Tri-ring, một công ty chuyên về sản xuất các loại linh kiện xe ô tô, với mục tiêu mở rộng kinh doanh sang sản xuất các loại pin dùng cho xe điện. Thực tế, Kingold muốn sở hữu doanh nghiệp này vì những miếng đất công nghiệp nằm ở những vị trí thuận lợi có thể chuyển đổi để phát triển thương mại của Tri – ring.
Một tài liệu của quỹ Đông Quan cho thấy, Tri-Ring sở hữu các khối đất ở Vũ Hán và Thâm Quyến với tổng giá trị lên tới gần 40 tỷ nhân dân tệ. Mặc dù có lượng tài sản ròng khá ít ỏi, Kingold đã trả 2,8 tỷ nhân dân tệ cho đợt thanh toán đầu tiên ngay sau khi công bố thỏa thuận về việc mua lại Tri - ring. Phần còn lại trị giá 2,4 tỷ nhân dân tệ đã được thanh toán vài tháng sau đó với số tiền được huy động từ quỹ Đông Quan.
Tuy nhiên, sự lừa dối của Kingold cuối cùng cũng bị lật tẩy. Đầu tiên, sau khi mua lại Tri-ring, vì những vấn đề liên quan tới tham nhũng, các tài sản của công ty này bị đóng băng để phục vụ cho công tác điều tra. Điều này dẫn đến việc dù tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng việc mở rộng kinh doanh cũng như dùng các tài sản của Tri-ring để chuyển đổi mục đích sử dụng đều không thể thực hiện, dẫn đến việc Kingold mất dần khả năng trả nợ.
Đến tháng 2 năm nay, Kingold tuyên bố không thể chi trả được khoản nợ trị giá 1.8 tỷ nhân dân tệ cho quỹ Đông Quan (và một khoản vay khác cũng của quỹ này sẽ đáo hạn vào tháng 7 trị giá 1.6 tỷ nhân dân tệ) dẫn đến việc quỹ này phát mãi tài sản đảm bảo của công ty. Thế nhưng đến lúc này, họ mới phát hiện ra những thỏi vàng này là đồng mạ vàng và có giá trị rất thấp. Tới tháng 5, quỹ Minsheng, một chủ nợ khác của Kingold cũng đem số vàng dùng để đảm bảo cho khoản vay tại quỹ này đi giám định và kết quả cũng không thay đổi. Các chủ nợ khác của Kingold cũng đem tài sản đi giám định và kết luận các tài sản của công ty này đều không phải là vàng nguyên chất như họ tuyên bố. Kingold đối mặt với nguy cơ phá sản, còn công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho họ trong các khoản vay là PICC P & C đối mặt với nhiều vụ kiện.
Như vậy, sau khi Luckin Coffee, một công ty Trung Quốc khác được niêm yết tại Mỹ bị bóc trần vụ gian lận trong khai báo doanh thu, đến lượt Kingold bị đưa ra ánh sáng với vụ việc sử dụng tài sản giả để đảm bảo cho các khoản vay và đối mặt và nguy cơ phá sản. Có thể thấy, việc Mỹ đưa ra dự luật không cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ là hoàn toàn có cơ sở, khi mà những vụ gian lận nêu trên không chỉ gây ảnh hưởng cho công ty mà còn tạo ra những thiệt hại vật chất to lớn cho các nhà đầu tư.
Phạm Tiến Đạt
Theo Tổ Quốc
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cong-ty-trung-quoc-da-lam-gia-83-tan-vang-de-vay-trot-lot-28-ty-usd-nhu-the-nao-a141357.html