Với việc Facebook đầy rẫy nội dung bẩn và những rủi ro thương hiệu, doanh nghiệp Việt đang bắt đầu ý thức rằng đó không phải kênh truyền thông duy nhất để tiếp cận người dùng.
Đầu tháng 7, Facebook đón hàng loạt tin dữ khi các nhãn hàng lớn đồng loạt tắt quảng cáo, tẩy chay mạng xã hội lớn nhất hành tinh bởi các vấn đề nội dung. Các thương hiệu lớn cho rằng Facebook đang thả cửa cho các nội dung kích động bạo lực và ngôn ngữ thù ghét hoành hành.
Điều đó khiến Facebook trở thành môi trường không thân thiện với hình ảnh doanh nghiệp. Việc tiếp tục trả tiền nuôi sống Facebook sẽ khiến hình ảnh doanh nghiệp méo mó trong mắt người tiêu dùng.
"Bày tỏ quan điểm trực diện là văn hóa ở các nước phương Tây. Lên tiếng về vấn đề chính trị, cũng chính là cách thương hiệu 'nói chuyện' với người tiêu dùng của mình trên điểm mà họ quan tâm" ông Lê Huỳnh Khánh, Giám đốc điều hành tại Golden PR, một trong những công ty truyền thông lớn tại Việt Nam, cho biết.
Tại Việt Nam, vấn đề nội dung của Facebook cũng tồn tại và kéo suốt nhiều năm qua. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong nước không có động thái mạnh tay với Facebook như cách họ đã làm với YouTube trước đây. Điều này phản ánh phần nào sự phụ thuộc vào nền tảng Facebook của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nuôi sống Facebook nhưng doanh nghiệp không được bảo vệ
"Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro thương hiệu trên nền tảng Facebook. Có thể kể đến các trang, hội nhóm được tạo ra để nói xấu doanh nghiệp, thao túng thông tin và tấn công thương hiệu", ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Phó giám đốc Công ty truyền thông Isobar, chia sẻ.
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Phó giám đốc công ty truyền thông Isobar.
Tuy vậy, Facebook hoàn toàn bất lực với những nội dung này, các công cụ báo cáo tin giả, bôi nhọ của nền tảng đều không giúp doanh nghiệp tự bảo vệ mình trước những thông tin bịa đặt. Thậm chí, Facebook còn cho phép những trang tấn công cá nhân, doanh nghiệp mua quảng cáo, tiếp cận người xem.
Bên cạnh đó, Facebook còn thể hiện sự "vắt sữa" doanh nghiệp qua tính năng fanpage. Theo thống kê của Công ty Jellyfish, nếu không trả tiền, chỉ 1% người theo của một trang Facebook có khả năng xem được các nội dung được đăng tải trên đó.
Ở giai đoạn đầu, Facebook tìm cách thu hút các hãng bằng cách chỉ ra rằng họ có thể tiếp cận được bao nhiêu khách hàng nếu lập một trang Facebook. Sau này, Facebook đã thay đổi thuật toán để các đăng tải của những công ty không trả tiền quảng cáo có ít người xem hơn. Theo các chuyên gia, đây là chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” phổ biến ở Thung lũng Silicon.
"Đồng ý nếu muốn tiếp cận nhiều người hơn, doanh nghiệp phải trả tiền. Thế nhưng cách làm của Facebook đã phản bội chính người dùng của họ", Phan Thuấn, quản trị viên của nhóm chia sẻ kiến thức Digital Marketing với hơn 200.000 thành viên tại Việt Nam, cho biết.
Theo ông Thuấn, khi người dùng bấm theo dõi fanpage của thương hiệu là lúc họ mong muốn nhận được những tin tức mới một cách chủ động. Việc Facebook bóp lượt hiển thị, ép doanh nghiệp mua quảng cáo là phản bội lại chính người dùng, chuyển họ từ tiếp nhận thông tin chủ động sang bị động. "Như vậy nút theo dõi fanpage sinh ra với tác dụng gì?", ông Thuấn đặt câu hỏi.
Nội dung bẩn trên Facebook Việt tồn tại tinh vi
Bên cạnh những nội dung được tạo ra với chủ đích tấn công doanh nghiệp, Facebook còn tràn lan những nội dung từ cổ súy chất kích thích, khiêu dâm đến vi phạm pháp luật.
Điển hình về nội dung cổ súy chất kích thích trên Facebook là group kín "Tâm sự *** **** phê" với hơn 200.000 thành viên tham gia.
"Hội chỉ nói về chủ đề phê, không mua bán, tổ chức sử dụng các chất ma túy, không khuyến khích sử dụng ma túy mà chỉ chia sẻ nhạc - video giúp bạn văn minh và chìm trong hưởng, chia sẻ về cuộc đời, cuộc chơi, suy nghĩ trong cơn phê của bạn", phần mô tả của group Facebook này viết.
Tuy vậy, những hình ảnh, video đăng tải trên nhóm Facebook này khiến không ít người rợn gáy. Một nam thanh niên cầm hung khí với mô tả: "Khi phê đồ chúng mày làm gì. Tao vác đồ xuống đường chống Mỹ".
Ngoài group trên, nhiều hội nhóm khác như "*** High", "*** *** khay ke"... cũng là những group chia sẻ hình ảnh về chất kích thích và quá trình sử dụng. Đây là môi trường thuận lợi cho những người bán các loại hàng cấm này.
Với nội dung khiêu dâm, nhiều nhóm trong đó có "VSBG ****" không bị Facebook kiểm duyệt mà còn phát triển mạnh mẽ. Theo đó, VSBG chưa đầy một năm thành lập nhưng có đến 1,3 triệu thành viên.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Facebook còn thể hiện thái độ dửng dưng trước tin giả như cách họ làm với bài viết của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 27/1, tài khoản Facebook Thuy Trang **** chia sẻ bài viết với nội dung hướng dẫn tự chữa virus corona tại gia.
Theo đó, tài khoản Thuy Trang nêu dấu hiệu nhận biết bệnh là ho nhiều, đau ngực, nhức đầu và tiêu chảy. Cách chữa trị của Facebooker này là uống thuốc Tylenol, đắp khăn lạnh, tự cách ly người thân, uống nhiều nước lọc và nước cam…
Sau một ngày đăng tải, bài viết nhận được gần 7.000 lượt chia sẻ, 4.000 lượt thích và 500 bình luận. Đáp lại, Facebook Việt Nam vẫn để tin giả trên tồn tại suốt nhiều ngày và không có bất cứ động thái gắn nhãn hay cảnh báo nào.
Quảng cáo trên Facebook ảnh hưởng an toàn thương hiệu
Theo ông Lê Huỳnh Khánh, việc hiển thị quảng cáo bên cạnh nội dung bẩn sẽ lập tức tác động đến hình ảnh thương hiệu.
Theo một nghiên cứu của tổ chức Trustworthy Accountability Group (TAG) vào năm 2019, 80% người Mỹ sẽ tránh hoặc ngừng mua một sản phẩm nếu sản phẩm đó được quảng cáo cạnh một nội dung cực đoan hoặc độc hại trên mạng.
"Về lâu về dài, chắc chắn nó sẽ gây ảnh hưởng đến an toàn thương hiệu. Các doanh nghiệp lớn rất quan tâm đến vấn đề này. Không ai mong muốn, dù chủ động hay bị động để hình ảnh và thông điệp của mình xuất hiện bên cạnh các nội dung không liên quan. Do đó, nội dung bẩn là điều chắc chắn các doanh nghiệp luôn tránh", ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Lê Huỳnh Khánh, Giám đốc điều hành tại Golden PR
Tuy vậy, theo ông Hồng Thành, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang lệ thuộc khá nhiều vào quảng cáo trên Facebook.
"Nền tảng Facebook tạo điều kiện để ai cũng có thể tiếp cận khách hàng theo ngân sách nhỏ. Nếu cân nhắc giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng thì việc tẩy chay quảng cáo Facebook khó diễn ra. Tuy vậy, với các doanh nghiệp càng lớn, trách nhiệm cộng đồng của họ càng cao thì việc ngừng quảng cáo Facebook là điều có thể", ông Thành nói.
Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Khánh cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng cần tiếp cận người dùng trên Facebook.
"Các doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc với Facebook chủ yếu cho các chiến dịch truyền thông của họ trên nền tảng này. Tuy nhiên, hiện tại, Facebook không phải là nền tảng duy nhất mà các doanh nghiệp đầu tư vào", ông Khánh khẳng định.
Bình Minh
Theo Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/facebook-dang-la-noi-com-nhao-cua-gioi-quang-cao-tai-viet-nam-a141504.html