'Khi nhận chuồng bò, người dân xã Nga Mỹ rất vui và đều công nhận công trình còn đẹp, khang trang hơn cả chính ngôi nhà họ đang ở'.
Ngày 23/7/2020, trao đổi với Đất Việt, ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An xác nhận, một số hộ dân ở bản Văng Môn tiếp nhận công trình chuồng bò theo đề án phát triển kinh tế - xã hội người Ơ Đu của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
"Mọi người đều cảm thấy rất vui mừng vì chưa bao giờ nhận được một công trình lớn, khang trang đến thế. Mọi người đều nhận xét, chuồng bò còn lớn, đẹp hơn cả chính ngôi nhà họ đang ở. Còn chuyện kinh phí như thế nào thì chính quyền và người dân địa phương cũng không được rõ vì đây là dự án của tỉnh chi trả" - ông Đậu chia sẻ.
Được biết, mỗi chuồng bò hỗ trợ cho người dân có diện tích 20 m2, đủ nhốt 4 con bò; xây bằng gạch táp-lô, nền bê tông; phía trên lợp mái tôn; phía sau có máng để phân; máng đựng thức ăn, kích thước mỗi chuồng là 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m; trước và sau đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông...
Trong đó có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng/ chuồng, 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, ngoài việc được xây chuồng bò miễn phí, 67 hộ gia đình ở thôn Văng Môn còn được cấp thêm bò để nuôi nhốt. "Theo thiết kế mỗi chuồng bò đủ nuôi 4 con bò. Đây đều là những chuồng bò đạt tiêu chuẩn chăn nuôi. Ngay sau khi nhận chuồng là người dân nhận bò nuôi nhốt luôn. Hiện nay các con bò đều rất khỏe mạnh" - ông Đậu cho hay.
Theo tính toán của nhiều người dân thôn Văng Môn, một căn nhà ở trên địa bàn được làm rất sơ sài, chỉ có giá vào khoảng từ 30 - 50 triệu đồng. Trong khi đó, chuồng bò có cái giá hơn 500 triệu đồng, gấp 10 lần căn nhà đang ở.
Có thông tin cho rằng, vì chuồng bò khang trang, đẹp hơn nhà ở nên một số hộ dân ở thôn Văng Môn chuyển vào ở trong chuồng bò còn bò được cấp chuyển sang nuôi nhốt tại khu vực nhà mình đang ở.
Tuy nhiên, ông Vi Văn Đậu khẳng định không có chuyện này. "Người dân trên địa bàn đều rất vui mừng, nuôi nhốt bò đúng nơi quy định. Về việc chăm sóc bò được cấp, người dân cũng rất chu đáo vì có kinh nghiệm lâu năm.
Ngoài thời gian chăm bò ở trong chuồng, người dân còn thường xuyên thả bò ra cho đi bộ, thức ăn chủ yếu vẫn là rau cỏ ở trên địa bàn chứ cũng không có gì đặc biệt" - ông Đậu cho hay.
Trước dự án xây dựng chuồng bò cấp cho người dân tiêu tốn hàng chục tỷ đồng của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, có nhiều ý kiến cho rằng điều này quá lãng phí và không cần thiết.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí ngày 22/7/2020, ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng Công trình (Sở NN&PTNT Nghệ An, đơn vị thẩm định thiết kế và dự toán) khẳng định:
“Dự án này không lãng phí bởi vì đây là xây dựng mô hình mẫu, mà mô hình mẫu là phải theo tiêu chuẩn định mức của chăn nuôi bò. Đối với chuồng bò đôi (loại 2), Ban Dân tộc sẽ hỗ trợ cho mỗi gia đình 4 con bò, 2 gia đình gần nhau thì gộp lại chuồng đôi. Vì đây là miền núi cộng với đơn giá của Nhà nước nên ra số tiền như vậy”.
Ông Quyền cho biết thêm, việc thẩm định giá theo định mức ban hành của Bộ Xây dựng và liên Sở Tài chính – Xây dựng ban hành. Khi có khối lượng nhân với đơn giá sẽ thành tiền. Ngoài chi phí xây dựng, theo quy định của Nhà nước còn có chi phí thiết kế, chi phí quản lý dự án, chi phí giám sát, thuế.
"Chúng tôi tự tin làm đúng quy định, nếu sai thì hoàn toàn chịu trách nhiệm", ông Quyền nói và cho rằng đến nay "công trình phát huy hiệu quả tốt".
Liên quan tới đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu, một ngày trước Công an Nghệ An khởi tố, bắt tạm giam ông Kim Văn Bốn, 38 tuổi, cán bộ Phòng chính sách (Ban dân tộc tỉnh Nghệ An) về tội tham ô tài sản.
Cơ quan điều tra xác định, ông Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lập khống hồ sơ một số hạng mục để rút hàng trăm triệu đồng của đề án.
"Hành vi của bị can Bốn không liên quan tới hạng mục xây dựng 67 chuồng bò ở bản Văng Môn", cán bộ điều tra nói và cho hay vụ án đang được mở rộng.
Cũng liên quan tới đề án trên, trong quá trình lập hồ sơ, cán bộ Ban dân tộc tỉnh Nghệ An đã đưa 45 hộ với 231 nhân khẩu ở xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) vào đề án.
Đến tháng 9/2019, sự việc được phát hiện, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định loại 231 nhân khẩu này khỏi danh sách hỗ trợ.
Giải thích việc nhầm lẫn, ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban dân tộc Nghệ An, thừa nhận đơn vị đã thiếu sót trong quá trình lập hồ sơ và trình UBND tỉnh phê duyệt, "do đơn vị đã kế thừa số liệu đề án trước đó".
Ngọc Vân
Theo Đất Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuong-bo-510-trieu-dong-o-nghe-an-dep-hon-nha-o-a142859.html