Chi quá nhiều tiền cho đám cưới, ôtô, học phí cho con, mà không mua bảo hiểm hay tiết kiệm tiền về hưu là sai lầm của rất nhiều người.
1. Ưu tiên việc học của con cái hơn là tiết kiệm để về hưu
Hiển nhiên việc học của con bạn là điều quan trọng, nhưng theo Michael Egan - chuyên gia tư vấn tài chính tại Egan, Berger & Weiner, "ưu tiên số một của bạn ở tuổi 30, kể cả khi đã có gia đình, vẫn phải là tiền về hưu". Nếu không dành đủ tiền cho mình, con cái sẽ phải hỗ trợ bạn sau này. Tính dài hạn, số tiền đó có khi còn lớn hơn học phí của con bạn bây giờ.
2. Thờ ơ với việc mua bảo hiểm
Phần lớn mọi người thường trì hoãn việc mua bảo hiểm y tế, nhân thọ, thương tật hay nhà cửa. "Lời khuyên của tôi luôn là hãy mua loại bảo hiểm gì đó. Vì chẳng ai biết được đến năm 40 hay 50 tuổi, chúng ta sẽ gặp phải chuyện gì đâu", Brandon Moss - Phó giám đốc United Capital cho biết.
*Những quy tắc tiết kiệm tiền bảo hiểm
3. Không bàn bạc rõ chuyện tiền bạc trước hôn nhân
Cuộc nói chuyện này chắc chắn không hề dễ chịu, nhưng nó rất cần thiết. Egan cho biết thường thì các cặp vợ chồng làm việc này quá muộn, hoặc thậm chí không làm. "Đến lúc họ ngồi lại được với nhau để nói chuyện này, thì tình cảm đã quá sâu nặng rồi, đến mức họ dễ dàng bỏ qua các khác biệt tài chính lớn", Egan cho biết.
Moss khuyên rằng mọi người nên thực hiện càng sớm càng tốt. Đầu tiên là để hiểu rõ nền tảng tài chính của đối phương, từ đó biết được họ thường ra quyết định tài chính như thế nào. Tiếp theo, hãy bàn về vấn đề nên phân chia hay gộp lương nếu cả hai cùng đang đi làm, và sẽ tiêu số tiền đó ra sao.
4. Tiêu quá nhiều tiền cho đám cưới
Rất nhiều người thích chi cả núi tiền để tổ chức đám cưới hoành tráng. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng chỉ nên làm đám cưới nhỏ, và dành tiền mua nhà. Còn nếu sở thích của bạn là tổ chức to, hãy bắt đầu tiết kiệm càng sớm càng tốt.
5. Chi quá nhiều tiền cho con đầu lòng
Khi có em bé đầu tiên, các bậc cha mẹ có xu hướng chi quá tay cho quần áo, cũi, đồ chơi và nhiều sản phẩm khác. Dĩ nhiên, ai cũng muốn con cái mình lớn lên thoải mái nhất. Nhưng hãy kiểm tra kỹ tài chính của bản thân trước khi rút hết tiền mua những đồ dùng đắt đỏ.
6. Tiêu phóng tay cho ôtô
"Người ta thường chán xe rất nhanh. Họ luôn muốn có cái mới và sau đó lại gặp khó khăn với việc trả nợ. Đừng quên nó là tài sản khấu hao rất nhanh. Anh sẽ không muốn chi cả núi tiền cho một thứ mà chẳng đáng giá là bao sau vài năm", Egan khuyên.
Một chiếc xe hơi nên được sử dụng trong khoảng 10 năm. Sau khi mua cái mới, hãy đảm bảo bạn trả hết tiền vay mua xe trong 5 năm. Như vậy, bạn sẽ có 5 năm còn lại để tiết kiệm. Nếu bảo dưỡng tốt, bạn còn có thể kiếm được khoản kha khá khi bán đi, bù thêm vào số tiền mua xe mới.
Một lựa chọn khác là quên xe mới đi và mua xe cũ. Bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền đấy.
7. Học cao học với lý do không chính đáng
Cao học rất tốn kém, đặc biệt nếu bạn phải trả tiền túi cho việc này. "Nếu bạn không biết mình sẽ làm gì sau khi lấy bằng thạc sĩ, đó không phải là hướng đi đúng. Còn nếu nó giúp bạn có vị trí đảm bảo trong sự nghiệp sau này, đó lại là giải pháp hoàn hảo", Egan nhận xét. Dĩ nhiên, bạn đừng nên cắt giờ làm việc để đi học.
8. Nhận việc chỉ để kiếm tiền trong ngắn hạn
Đến giữa tuổi 30, bạn sẽ chuẩn bị bước vào giai đoạn đỉnh điểm thu nhập. Vì thế, hãy chuẩn bị thật tốt cho thời kỳ này. "Bạn đừng nên nhận việc chỉ vì tiền tại thời điểm này. Thay vào đó, hãy tìm công việc có thể giúp bạn kiếm được nhiều tiền khi gần bước sang tuổi 40", Moss cho biết.
Hà Thu (theo BI)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-sai-lam-tien-bac-pho-bien-nhat-tuoi-30-a1430.html