Từ một 'anh cả' trong ngành chuyển phát nhanh, vì sao GNN Express tuyên bố phá sản?

Tổng Giám đốc của GNN Express cho biết, do hoạt động của công ty gặp khó khăn, lâm vào tình trạng không cân đối được thu chi dẫn tới việc lạm dụng và sử dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động của công ty nên phải phá sản.

Tối 1/9, công ty chuyển phát nhanh GNN (GNN Express) phát đi thông báo trên fanpage chính thức về việc doanh nghiệp này chính thức dừng hoạt động do "không còn đủ khả năng tài chính".

Theo nội dung thông báo, ông Hoàng Ngọc - Tổng giám đốc công ty cho biết, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty đã không cân đối được thu chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động khác. Mức nợ hiện lên đến 5,5 tỷ đồng.

 Vì sao GNN phá sản?

Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh GNN (GNN Express) tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ Gió Nam do ông Hoàng Ngọc cùng 11 cổ đông khác thành lập cuối năm 2006, với vốn điều lệ 100 triệu đồng.

GNN có trụ sở tại phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) và chi nhánh tại 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cùng mạng lưới chuyển phát hàng đến nhiều tỉnh, thành phố khác.

Trong thời kỳ đầu mới xuất hiện trên thị trường, GNN tạo dấu ấn rất tốt khi có mức cước hợp lý, giao hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thương hiệu GNN gần như biến mất khỏi thị trường.

gnn1-15358676267011217323541

Lãnh đạo công ty thừa nhận năng lực quản lý yếu kém của mình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ông cho biết, đã ra tự thú trước cơ quan pháp luật và xin hứa nhận trách nhiệm về toàn bộ sự việc.

Một câu hỏi rất được nhiều người thắc mắc, giữa thời đại bùng nổ ngành logistic (vòng tròn bao gồm các hoạt động: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa) như hiện nay, tại sao một tên tuổi như GNN lại tuyên bố phá sản?.

Trong thông báo, Tổng giám đốc GNN Express Hoàng Ngọc thừa nhận, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do "năng lực quản lý yếu kém". Ông Ngọc cho biết, do hoạt động của công ty gặp khó khăn, công ty đã lâm vào tình trạng không cân đối được thu chi dẫn tới việc lạm dụng và sử dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động của công ty.

Ông Ngọc cho biết, ông đã ra tự thú trước cơ quan pháp luật vì có các quyết định chỉ đạo sử dụng tiền COD của khách hàng cho các hoạt động công ty lên tới 5,5 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Ngọc, năm 2010 vì kinh nghiệm non nớt, ông phải đi vay với lãi suất 15%/tháng để duy trì công ty. Trong đó, có những tháng phải trả 170 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.

Đến cuối năm 2016, ông chuyển nhượng lại vốn cho các cổ đông khác và chỉ còn làm Giám đốc điều hành, dù công ty đang bước vào giai đoạn phát triển nhất.

gnn2 3

Nhiều chủ nợ của GNN bức xúc vì công ty "thu hộ" phá sản. 

Năm 2017, sau khi dừng hợp tác với một đối tác lớn, GNN bắt đầu mất cân đối thu chi, dẫn đến việc phải sống bằng tiền thu hộ từ dịch vụ COD của khách. Ngoài việc lạm dụng 5,5 tỷ đồng tiền COD, công ty này còn nợ ngân hàng khoản vay mua 6 ôtô, vay tín chấp 1,7 tỷ đồng, nợ người thân, bạn bè 3,5 tỷ đồng, nợ đối tác gửi qua hàng không 1 tỷ đồng, nợ lương của người lao động 700 triệu đồng và nợ bảo hiểm xã hội 200 triệu đồng.

Ngày 27/8, ông Ngọc đã tổ chức họp toàn thể công ty để thông báo về tình trạng khó khăn, bàn giải pháp, xin nhân viên chậm lương, đối tác giãn nợ... Tuy nhiên, đến ngày 30/8, ông Ngọc không thể vay được tiền người thân nên thừa nhận không còn cách nào để chống đỡ công ty nữa.

Chủ nợ "đãi cát tìm vàng"

Trên fanpage của CNN Express cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, có khoảng 600 người chưa được GNN thanh toán COD. Trong đó, khách hàng có số tiền nợ ít nhất là vài chục ngàn đồng, nhiều nhất lên đến hơn 250 triệu đồng. Những khách hàng có khoản nợ trên 100 triệu đồng chiếm tỷ lệ khá lớn.

gnn4-1535876291876211268642 4

Trên fanpage của CNN Express cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, có khoảng 600 người chưa được GNN thanh toán COD.

GNN cho biết, khách hàng hãy đối chiếu khoản nợ của mình, nếu chưa trùng khớp hãy gửi lại các giấy tờ liên quan để GNN điều chỉnh thông tin, tránh gây thất thoát, thiệt hại cho khách hàng.

Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, chị N.Yến, một trong số rất nhiều chủ nợ cho biết: "GNN vẫn còn thiếu của tôi 30 triệu đồng tiền COD từ tháng 4/2018 đến nay chưa thanh toán. Mặc dù nhiều lần tôi yêu cầu lãnh đạo thanh toán cho tôi để luân chuyển vòng kinh doanh nhưng không được. Phía công ty liên tục xin khất. Lúc đó, vì nể và vì uy tín đã gửi GNN rất lâu nên tôi đồng ý".

Mặc dù vậy, khi GNN tuyên bố phá sản, chị N.Yến cũng như nhiều người khác đang không biết phải đòi ai, đòi như thế nào và có lấy lại được số tiền của mình không.

Chị Yến dẫn luật, căn cứ vào Điều 54 Luật Phá sản 2014, khi doanh nghiệp được tuyên bố phá sản thì tài sản phải được chia theo thứ tự như: Chi phí phá sản, Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;...

"Trong trường hợp, GNN chi trả hết các chi phí ở trên thì mới đến lượt những chủ nợ. Nếu GNN còn tài sản thì số tiền đó sẽ chia theo tỷ lệ của từng khoản nợ, còn nếu không còn tài sản để chia thì mất trắng rồi", chị Yến nói.

Nguồn: https://vtc.vn/tu-mot-anh-ca-trong-nganh-chuyen-phat-nhanh-vi-sao-gnn-express-tuyen-bo-pha-san-ar424136.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tu-mot-anh-ca-trong-nganh-chuyen-phat-nhanh-vi-sao-gnn-express-tuyen-bo-pha-san-a143263.html