Đừng tưởng rằng khi có được thứ gì đó, chắc ta sẽ hạnh phúc vô cùng. Những thứ ta mơ cũng như bong bóng xà phòng, đẹp lung linh, thoáng qua rồi vỡ tan. Tỉnh dậy đi nhé! Giờ suy nghĩ về những thứ đời thường thế này.
Tối hôm qua, xem các tin nhắn dài và chán nản của một số bạn, tôi nhận thấy các bạn trẻ có một điểm chung, ghét cay ghét đắng chuyện mình đang làm, chán nản về cuộc sống hiện tại, và mơ về một miền hạnh phúc xa, xa lắm.
Hạnh phúc không có sẵn. Chính bạn là người quyết định tạo hay không tạo ra hạnh phúc. Có một nghiên cứu khoa học nói về vấn đề này rằng hạnh phúc là do sự kiện đạt được thứ gì đó, giả sử như trúng số hay được thăng chức chẳng hạn, thoáng qua rồi biến mất. Cho nên, không nên ngồi đó mà mơ về nơi xa lắm.
Đừng tưởng rằng khi có được thứ gì đó, chắc ta sẽ hạnh phúc vô cùng. Những thứ ta mơ cũng như bong bóng xà phòng, đẹp lung linh, thoáng qua rồi vỡ tan. Nó chẳng làm ta hạnh phúc được bao lâu. Nó chỉ làm ta trầm cảm hơn khi đã có rồi lại mất. Tỉnh dậy đi nhé! Giờ suy nghĩ về những thứ đời thường thế này.
1. Chậm lại để hít thở niềm vui cuộc sống
Não người lười lắm, chỉ muốn theo thói quen mà làm và nghĩ, nên mãi cứ thế rồi ta rơi vào trạng thái cứ thế mà làm, như một zombie chính hiệu, chẳng buồn dừng lại nghe, nhìn, hít thở những điều vụn vặt dễ thương trong đời.
Tôi có thói quen hay đi bộ, nhìn ngắm, mỉm cười với một cái hoa dại, một thoáng nắng tươi, vài ánh mắt cười của người bán hàng rong ở bên đường…. Và thấy vui. Bạn đừng có cắm mặt xuống bàn và cắm mắt vào điện thoại nữa.
Hãy ngẩng lên, hãy nhìn xung quanh, hãy cười với thoáng nắng lung linh nơi song cửa, hãy kết nối với cuộc sống và tìm thấy niềm vui trong những điều vụn vặt dễ thương.
2. Ở cùng những người tích cực
Bạn muốn vui, muốn hạnh phúc, mà xung quanh toàn người suốt ngày than phiền, chỉ trích, thất chí thì sao mà vui cho được? Có một thứ gọi là "toxic workplace" - chỗ làm độc hại, là nơi bạn phải đâm đầu vào để kiếm tiền nhưng nó giết dần giết mòn con người bạn.
Biết thế thì tìm môi trường khác mà làm. Ở đâu vẫn kiếm tiền được mà vui hơn thì làm thôi chứ. Còn trong thời gian lên kế hoạch thoát thân thì nên tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội bên ngoài. Tìm những người cùng chí hướng, dễ thương, tích cực mà góp sức, chung tay.
3. Tương tác sâu
Người hạnh phúc không quan tâm đến chuyện phiếm, chuyện bà tám, nói xấu, than phiền. Họ thích những đối thoại sâu, có ý nghĩa, chia sẻ, học hỏi, giúp ích cho người khác.
Bởi vậy, nếu bạn không biết nói tàm xàm cũng chẳng sao. Nhưng nên quan tâm đến người khác, đặt câu hỏi từ những gì họ chia sẻ, tìm hiểu sâu về vấn đề họ đang nói. Có như thế bạn vừa học được, vừa tương tác được.
4. Giúp đỡ người khác
Nghiên cứu khoa học của Havard nói rằng khi bạn giúp đỡ người khác, bạn sẽ vui và hạnh phúc hơn. Khi làm điều tốt, khi giúp đỡ người khác, các chất oxytocin, serotonin, và dopamine tăng vọt lên và tạo ra cảm giác vui vẻ, thoải mái nhưng nói thế không phải là lấy tiền đóng vào quỹ từ thiện là xong.
Giúp đỡ có thể là đồng nghiệp, có thể là dẫn một người qua đường, có thể là nâng đỡ tinh thần cho một ai đó, có thể là tham gia xây dựng thư viện cho trẻ em nghèo. Nếu cứ nghĩ về mình và những vấn nạn của bản thân, bạn chỉ thấy nó càng ngày càng thảm hại. Bạn thử ra xem một đứa trẻ chưa bao giờ được nhìn thấy một cuốn sách mới vùi đầu vào trang sách thế nào đi. Cái thứ gọi là vấn nạn của bạn thật ra nhỏ như hạt cát.
Bây giờ, cảm xúc của bạn ra sao? Ta tự tạo hạnh phúc hay ta lại vùi đầu vào vũng lầy cảm xúc? Hay làm thử 1 trong những cách trên ngày hôm nay?
Hãy nhớ, hạnh phúc không có sẵn. Chính bạn là người quyết định tạo hay không tạo ra hạnh phúc.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Nguyễn Phi Vân/Tri thức trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bot-ao-tuong-bot-doc-triet-ly-di-khong-co-cai-goi-la-hanh-phuc-de-di-tim-dau-a14336.html