Quãng thời gian sinh viên dù có nhiều khó khăn nhưng chắc chắn sẽ để lại trong bạn rất nhiều kỷ niệm đáng yêu, cười ra nước mắt mỗi khi nhớ về.
Hồi còn bé cứ mỗi lần bị bố mẹ la mắng, có lẽ ai nấy đều lóe lên suy nghĩ: làm sao để lớn thật nhanh, rồi nhất định phải thi đỗ Đại học, xa nhà sẽ có thế giới của riêng mình, không còn ai kè kè bên cạnh, cũng chẳng bị quản lý hay áp đặt nữa. Và rất đông trong số chúng ta đã, đang hoặc sắp trải qua cảm giác nghe vô lý nhưng cực kỳ thuyết phục này. Lớn lên rồi, trải nghiệm cuộc sống của một sinh viên xa nhà mới hiểu thứ mình luôn cố gắng thoát khỏi ngày xưa mới thực sự là thiên đường. Ngày ấy chỉ muốn học xa nhà để không phải chịu sự quản lý, trói buộc từ bố mẹ, không ngờ thứ mình gắng hết sức để trốn khỏi lại chính là ấm áp và an toàn.
Vào Đại học, cuộc đời như bước sang trang khác, xa nhà rồi phải tự mình nỗ lực, tự mình chăm lo cho bản thân, buồn bã, cô đơn, ấm ức, thất vọng cũng chẳng có bố mẹ ở bên... Nhớ bố mẹ, ông bà chỉ biết nhớ suông thế thôi, với những kỳ nghỉ chẳng ngắn chẳng dài, sương sương 2-3 ngày cũng không thể về nhà vì đường xá quá xa xôi, ở ngoài dù thiệt thòi cũng cố gắng chịu đựng... Thế mới biết, học xa nhà nhiều cái khó khăn lắm chứ chẳng sung sướng gì!
Nhất là vừa mới chân ướt chân ráo lên thành phố, phải tự lập mọi thứ, học cách sống, cách đối nhân xử thế, tự biết cách cân nhắc tính toán từng đồng trong chi tiêu để cuối tháng không rơi vào cảnh ăn mì tôm, uống trà đá qua bữa...
Một câu hỏi muôn thuở...
Mới đây nhiều trang Fanpage, diễn đàn, hội nhóm có đăng tải câu hỏi: "Sinh viên chi tiêu bao nhiêu trong một tháng là hợp lý?". Nhanh như một cơn gió, dân mạng đã lập tức thi nhau comment những câu trả lời "rắc muối", mặn mà đến mức đọc là buồn cười, đọc là thấy chất ngất.
Bước vào thời sinh viên với một cuộc sống độc lập, không chịu sự quản lý của bố mẹ tuy nhiên nhiều bạn cũng "vỡ mộng" vì phải đối mặt với nhiều vấn đề nhất là chuyện tiền nong, sinh hoạt luôn thiếu trước hụt sau. Hầu hết sinh viên đại học đều có một khoản chi tiêu cố định hàng tháng, nếu không học cách chi tiêu hợp lý bạn sẽ dễ dàng rơi vào những ngày làm bạn với "mì gói", thậm chí là mang trên mình những khoản nợ. Chẳng thế mà hội bạn thân hay kể với nhau vòng luẩn quẩn không hồi kết, đầu tháng bố mẹ gửi tiền, dư giả một chút thì ăn tiêu xả láng, sắm sửa đồ này đồ nọ, giữa tháng hết tiền, mượn tạm bạn bè, sống cầm hơi đến cuối tháng, đợi tiền phụ huynh gửi lên,...
(Ảnh chụp màn hình)
(Ảnh chụp màn hình)
(Ảnh chụp màn hình)
(Ảnh chụp màn hình)
(Ảnh chụp màn hình)
(Ảnh chụp màn hình)
Dân tình đang bàn tán sôi nổi về chủ đề này. (Ảnh chụp màn hình)
Để phục vụ nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt, tiền học phí hàng tháng, rất nhiều bạn sinh viên đã tìm cho mình những công việc làm thêm phù hợp để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên kể cả làm fulltime hay partime thì cũng đủ hiểu kiếm được đồng tiền bằng sức lao động chẳng dễ dàng gì khi thi thoảng lại gặp những tình huống éo le như: đồng nghiệp cạnh tranh, mâu thuẫn với quản lý, đi muộn, trừ lương... Thậm chí có bạn còn nhắc bố mẹ gửi tiền thành 2-3 lần trong tháng để thuận tiện cho việc chi tiêu, tránh hoang phí quá đà.
Chúng ta của hồi cấp 3 còn cắm đầu cắm cổ vào học, cứ vô lo vô nghĩ cho tới khi bước vào Đại học mới thấm hết những nỗi khổ mà chỉ sinh viên mới hiểu: Đi học xa nhà cũng khổ lắm, tủi thân lắm! Loay hoay giữa thành phố lớn, lo tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, sinh hoạt, tiền bố mẹ gửi hoặc đi làm thêm cũng vừa đủ, ai cố gắng lắm thì tiết kiệm được một khoản nho nhỏ. Nhưng khi bạn còn đi học, dù bạn không có tiền tiết kiệm cũng không ai khinh thường bạn, là học sinh, sinh viên thì việc học mới là quan trọng, cơ hội kiếm tiền ở tương lai còn rất nhiều. Hiện tại chỉ cần chi tiêu hợp lý, biết vun vén, tự lập cho cuộc sống của mình đã là thành công rồi!
Diệu Thu
Theo Dân Sinh
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sinh-vien-mot-thang-tieu-bao-nhieu-tien-la-hop-ly-15-trieu-hay-10-trieu-a144019.html