Người trẻ ngày nay luôn thích làm mọi thứ một mình. Đơn cử là Hàn Quốc, cứ 10 người Hàn Quốc lại có một người chọn lối sống “độc thân vui tính”. Điều này xuất phát từ khái niệm “nền kinh tế độc thân” đang trở thành một trào lưu nổi cộm ở Hàn Quốc.
"Nền kinh tế độc thân" – một thuật ngữ mới toanh tại Hàn Quốc – đã được dấy lên bởi những biển hiện khác thường của giới trẻ tại xứ sở kim chi. Xuất phát từ những điều nhỏ nhặt như thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng như giải trí, giới trẻ đều có xu hướng làm những điều đó một mình.
Trào lưu xuất hiện từ những thói quen nhỏ nhặt
Ví như trước kia, người Hàn Quốc quan niệm rằng những người đi ăn một mình thường là những kẻ lập dị, bất thường và đôi khi "được" nhận những cái liếc xéo. Thế nhưng trong những năm gần đây, làn sóng honpap (đi ăn một mình) và honsul (đi uống rượu một mình) đã trở thành điều hết sức hiển nhiên.
"Honpap" và "honsul", hai thuật ngữ mới xuất hiện trong những năm gần đây nói về việc giới trẻ thích đi ăn cơm và uống rượu một mình (Ánh minh họa)
Anh nhân viên ngân hàng Park Da-som 25 tuổi bộc bạch rằng "trước kia, mỗi khi tôi đi ăn một mình, người ta ném cho tôi những cái liếc xéo. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ xã hội không còn coi đó là hành động kỳ quặc nữa. Dường như, nó đã trở thành một trào lưu mới ở Hàn Quốc mất rồi”.
Không chỉ dừng lại ở việc ăn uống, nhu cầu giải trí của giới trẻ cũng từ đó mà có những biến đổi bất thường. Những quán karaoke một-mình mọc lên như nấm sau mưa. Điển hình là quán "Coin Noraebang" – quán karaoke 24/7 trả tiền tự động rất phổ biến ở đất nước này. Thường mỗi bài hát chỉ vào khoảng 250 won, chưa đến 5.000 đồng (theo báo Today).
Những quán karaoke một-mình mọc lên như nấm sau mưa. Điển hình là quán "Coin Noraebang" – quán karaoke 24/7 trả tiền tự động rất phổ biến ở đất nước này. (Ánh minh họa)
Cô sinh viên ngành kinh doanh tại trường Đại học Yonsei thẳng thắn chia sẻ rằng, cô thường đến đây với bạn bè, nhưng có những khoảng thời gian cô chỉ muốn ở một mình và ca hát thỏa thích một mình để không ai có thể quấy rầy, và hơn cả là không cần phải đợi đến lượt hát của mình.
Nắm bắt xu hướng thích-độc-thân, hãng điện tử và đồ gia dụng Dongbu Daewoo Electronics đã nghiên cứu và cho ra mắt những mặt hàng đồ gia dụng cỡ nhỏ chỉ dành cho một người như tủ lạnh, máy giặt và lò vi sóng. Ông Gwon Dae-hoon – Giám đốc truyền thông của Dongbu Daewoo Electronics hào hứng cho biết: "Hãng chúng tôi đang đẩy mạnh các dòng sản phẩm nhỏ gọn không chỉ phù hợp với không gian nhỏ hẹp mà còn có kiểu dáng hiện đại, bắt mắt dành riêng cho những người trẻ tuổi thích sống một mình".
Vì đâu "nền kinh tế độc thân" trở thành trào lưu mạnh mẽ?
Tỷ lệ sinh giảm, số vụ ly dị tăng cao, nền kinh tế Hàn Quốc đang ngày càng hướng đến những khách hàng độc thân hiện đại. Tuy nhiên, việc hàng loạt các dịch vụ ra đời phục vụ cho những người độc thân lại như "con dao hai lưỡi" khiến nhiều giới trẻ nước này tiêu tốn thời gian sống một mình hơn là ra ngoài giao du xã hội.
Cũng như Nhật Bản, xu hướng sống độc thân do sở thích đang nở rộ ở Hàn Quốc. Anh chàng John Kim, một thanh niên 30 tuổi, đã sống độc thân ngay khi rời quê nhà lên Seoul theo học đại học. Anh tôn thờ chủ nghĩa độc thân bởi anh có thể sống thoải mái theo cách của mình và không bị ràng buộc bởi những mối quan hệ vợ chồng, con cái,…
Anh chàng John Kim, một thanh niên 30 tuổi, đã sống độc thân ngay khi rời quê nhà lên Seoul theo học đại học. Anh tôn thờ chủ nghĩa độc thân bởi anh có thể sống thoải mái theo cách của mình và không bị ràng buộc bởi những mối quan hệ vợ chồng, con cái,… (Ánh minh họa)
Theo anh, việc sống một mình giúp anh có đủ thời gian để chăm lo cho bản thân tốt hơn, vì khi đó "bạn sẽ không phải quan tâm đến một ai khác. Bạn có thể ngủ nướng hay đi tiêu khiển bất cứ lúc nào bạn muốn. Điều đấy không phải tuyệt vời sao?", Kim nói.
Số liệu của Tổng cục thống kê Hàn Quốc (NSO) cho thấy, số hộ gia đình độc thân ở nước này đã tăng mạnh từ 9% tổng dân số lên 25,3% năm 2013. Nói cách khác cứ 4 hộ gia đình thì có 1 hộ là người sống độc thân. Theo nhiều ước tính, con số này có thể tăng lên 32% vào năm 2030.
Một nguyên nhân có thể kể đến chính là những áp lực xã hội. Đối với nam giới Hàn Quốc, lấy vợ dần dà trở nên khó khăn khi họ chưa thể ổn định được tài chính. Thêm vào đó, văn hóa trọng nam khinh nữ khiến đàn ông nước này chịu nhiều áp lực khi có gia đình, qua đó khiến nam giới trẻ e ngại trước hôn nhân. Trong khi đó, ngày càng nhiều phụ nữ có học vấn muốn xây dựng sự nghiệp của mình thay vì phải ở nhà chăm con theo văn hóa truyền thống khi kết hôn, dẫn đến số tuổi lập gia đình ngày một tăng.
"Kinh tế độc thân" – liệu chỉ đơn thuần là một xu thế?
Tất nhiên người trẻ hoàn toàn có quyền làm chủ cuộc sống của mình. Nhưng đôi khi, những thói quen thường nhật này lại vô hình trung ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, cụ thể là nguy cơ già hóa dân số, diện tích đất đai bị thu hẹp nhanh chóng và nền kinh tế không còn hướng nhiều đến những hộ gia đình nhiều người sẽ ảnh hưởng đến nếp sống của người dân xứ sở kim chi.
Xu thế sống-một-mình còn ảnh hưởng đến tỉ lệ dân số của đất nước này. Nếu như với người làm kinh doanh, xu hướng sống độc thân gia tăng hứa hẹn nhiều cơ hội làm ăn mới thì các chuyên gia xã hội lại lo ngại xu hướng này sẽ làm giảm tỷ lệ sinh và làm trầm trọng thêm nguy cơ già hóa dân số.
Số hộ gia đình đơn thân và chi tiêu của họ được dự đoán sẽ tăng mạnh tại Hàn Quốc.
Lee Sang Lim, một chuyên gia xã hội đến từ Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cảnh báo:"Việc những người trẻ tuổi không mặn mà với hôn nhân đang khiến tỷ lệ sinh giảm đáng kể. Xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ gây áp lực lên an sinh xã hội vì Chính phủ sẽ phải chi trả nhiều hơn cho quỹ phúc lợi của người già".
"Nền kinh tế độc thân" là một câu chuyện dài mang đến nhiều hệ quả kể cả lợi và hại. Nhưng cần phải có những biện pháp để giúp những trào lưu, xu hướng đi vào ổn định và không ảnh hưởng xấu đến xã hội, kinh tế của đất nước.
Trên thực tế, người trẻ Việt Nam cũng đang dần có những lối sống như thế này trong cuộc sống hiện đại. Nhịp sống luôn nhanh và không bao giờ dừng lại, chính vì lẽ đó, người trẻ không còn quá nhiều thời gian để tụ họp bạn bè nhưng lại chọn cách đi ăn một mình, đi coi phim một mình và thậm chí đi uống trà sữa một mình để tiết kiệm thời gian. Đây dường như trở thành một xu hướng ở đất nước này và mang lại những hệ quả tích cực lẫn tiêu cực cho sự phát triển của xã hội. Bạn sẽ chọn cho mình lối sống như thế nào?
Theo Tri thức trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-nguoi-tre-thich-song-mot-minh-tai-han-quoc-tu-trao-luu-tro-thanh-mot-nen-cong-nghiep-a14402.html