Ta thường chỉ nghĩ có nhiều tiền hơn là cơ hội được mua nhiều món đồ mà mình thích hơn. Nhưng những xu hướng chi tiêu này lại không mua được hạnh phúc.
Nhiều người chúng ta luôn không hài lòng với số tiền mà mình đang có. Vì vậy, ta luôn mong được tăng lương, kết thân với những người giàu có hay mua vé số dù tỷ lệ trúng thấp đến đáng thương.
Vậy cần bao nhiêu tiền thì ta mới thấy hạnh phúc? Quan niệm "Tiền không mua được hạnh phúc" đã có từ lâu. Nhưng sự thật là mức thu nhập và hạnh phúc có một mối liên hệ đo lường được. Dĩ nhiên người có điều kiện sống thoải mái sẽ hạnh phúc hơn người sống trong nghèo khổ.
Vấn đề ở đây là một khi đã có được một cuộc sống thoải mái thì việc tăng thêm thu nhập không làm ta hạnh phúc hơn trong cuộc sống đời thường. Con số thần kì xác định mức sống thoải mái này tùy thuộc vào mỗi người và mỗi quốc gia. Ở Mỹ, con số này nằm ở mức thu nhập khoảng 75,000 USD/năm. Tuy nhiên, tác động tích cực của tiền bạc giảm hẳn khi thu nhập vượt qua ngưỡng 75,000USD.
Vậy vì sao nhiều người vẫn tiếp tục làm việc cật lực dù đã vượt xa mức thu nhập đủ để chúng ta hạnh phúc? Đó là vì ta có quan niệm sai lầm về mối quan hệ tiền bạc và hạnh phúc. Trong nghiên cứu ở Mỹ, người ta cho rằng kiếm được 55,000 USD sẽ làm họ hài lòng gấp đôi so với khi họ chỉ kiếm được 25.000USD. Chúng ta có thể hiểu rằng thu nhập nhân đôi thì hạnh phúc sẽ nhân đôi. Nhưng dữ liệu của chúng tôi lại cho thấy mức độ hài lòng về cuộc sống của những người kiếm được 55,000 USD cũng chỉ nhỉnh hơn 9% so với những người kiếm được 25,000 USD mà thôi.
Bao nhiêu tiền đủ để mua hạnh phúc: Thu nhập tăng gấp đôi có khiến bạn hạnh phúc gấp đôi - Ảnh 1.
Thật ra cách tiêu tiền quan trọng hơn nhiều so với số tiền ta kiếm được. Giả sử có 3 người, mỗi người đều trúng số 1 triệu USD. Người thứ nhất mua mọi món đồ mà mình hằng momg ước, người thứ hai gửi toàn bộ số tiền vào ngân hàng và chỉ dùng nó cho những dịp đặc biệt một cách tiết kiệm còn người thứ ba quyên toàn bộ tiền cho từ thiện. Nhiều người sẽ hành động như người đầu tiên, nhưng nhiều khả năng là 2 người còn lại sẽ hạnh phúc hơn.
Ta thường chỉ nghĩ có nhiều tiền hơn là cơ hội được mua nhiều món đồ mà mình thích hơn. Nhưng những xu hướng chi tiêu này lại không mua được hạnh phúc. Nếu chỉ muốn tiêu tiền cho bản thân thì ta chuyển từ mua hiện vật sang mua trải nghiệm. Nghiên cứu cho thấy ngoài mua trải nghiệm, bạn sẽ hạnh phúc hơn trong nhiều trường hợp bằng cách chi tiêu ít lại và chi tiêu cho người khác.
Việc nuông chiều bản thân thường dễ bị biến tướng thành sự bê tha. Tiết chế là cách quan trọng giúp bạn mua" được nhiều hạnh phúc hơn.
Trong một nghiên cứu gần đây, một nhóm người thích chocolate được ăn một miếng và sau đó họ hứa sẽ kiêng chocolate một tuần lễ. Một nhóm khác thì hứa sẽ ăn nhiều chocolate hết mức có thể và thậm chí được tặng một túi 1kg để hỗ trợ họ hoàn thành mục tiêu này.
Nếu thích chocolate, có lẽ bạn sẽ nghĩ nhóm thứ hai rất thoải mái và vui vẻ vì không cần kiêng khem gì cả. Nhưng họ đã phải trả một cái giá. Sau một tuần, họ trở lại và được ăn một miếng chocolate nữa. Nhưng lần này họ thấy ít ngon hơn nhiều so với lần trước. Trong khi nhóm đầu tiên, sau khi đã kiêng 1 tuần, lại thấy miếng chocolate vẫn ngon như lần trước. Miếng ngon là miếng đầu tiên, việc biết tiết chế có thể khơi lại trong ta niềm vui thích khi được thưởng thức điều mà ta yêu thích.
Sở hữu càng nhiều thứ không có nghĩa là ta càng hạnh phúc. Thay vì tập trung vào những gì đang có, bạn nên suy nghĩ cẩn thận hơn về việc tiết chế. thậm chí ta còn nên cho người khác cơ hội hưởng thụ thay mình.
Mộc Dương/Tri thức trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bao-nhieu-tien-du-de-mua-hanh-phuc-thu-nhap-tang-gap-doi-co-khien-ban-hanh-phuc-gap-doi-a14435.html