Trước đây, nhà đông con, gia cảnh nghèo hàn, cha mẹ bận rộn mưu sinh để nuôi các con, không có nhiều thời gian dành cho con trẻ, thế nhưng ai ai cũng nên người, cũng trưởng thành, tự lập có cuộc sống riêng, mái nhà riêng của chính mình. Giờ đây khi cuộc sống ngày càng được cải thiện tốt hơn, chẳng còn tình trạng bữa cơm cháy, bữa cơm trộn sắn, số lượng con cũng không đông như trước, nhưng nuôi nấng một đứa trẻ ăn học thành người dường như lại là cả một thách thức rất lớn?
"Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn, đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con". Nuôi một đứa trẻ thành người không phải là chuyện một sớm một chiều. Nhưng tại sao người Việt Nam bây giờ lại nuôi con vừa vất vả vừa cực nhọc như vậy?
1. Đặt vào con mình quá nhiều kì vọng
Trong phần lớn các gia đình Việt Nam có con nhỏ, đứa trẻ luôn luôn trở thành trung tâm của cả gia đình, bất kể việc gì cũng ưu tiên cho đứa nhỏ nhất. Dường như khi đứa trẻ sinh ra đã được lập trình sẵn một con đường cho riêng nó, cha mẹ đã dọn cơm ra sẵn, con chỉ cần cầm đũa lên là ăn.
Tất cả mọi việc từ lớn đến bé, từ lúc sinh ra, học mẫu giáo, đến tiểu học, cấp hai, cấp ba, rồi đại học, thậm chí đến lúc đứa trẻ đó kết hôn, sinh con, có lẽ đến lúc ấy các bậc phụ huynh mới bắt đầu có thể ngơi nghỉ.
Trong quãng thời gian đó, các bận cha mẹ dường như lúc nào cũng bận rộn, lựa chọn, đắn đo, suy nghĩ, làm thế nào để con mình có một cuộc sống sung túc nhất. Ngày ngày quay cuồng với những cảm xúc hi vọng, rồi lại thất vọng, lực bất tòng tâm, sớm biết thế này ngày trước đã... Đến khi con trẻ trưởng thành, bản thân đã bắt đầu già đi rồi, lại bắt đầu chờ đợi, hi vọng "trẻ cậy cha, già cậy con".
Hơn 10 năm quay vòng vòng như chong chóng đó, không lí nào lại không thể mệt?
Nguồn gốc của sự mệt mỏi đó bắt nguồn từ chính sự kì vọng quá lớn của phụ huynh đối với con trẻ, vừa hi vọng con trẻ lớn thành người, vừa hi vọng con trẻ sẽ đền đáp xứng đáng sự vất vả của mình dành cho con.
Kì vọng cao như vậy, áp lực đó không chỉ mỗi cha mẹ, mà vô hình chung trẻ nhỏ cũng phải gồng gánh nó.
Bởi vậy nếu các bậc phụ huynh có thể nghĩ thoáng hơn một chút, đừng đặt áp lực quá lớn lên cho trẻ, bỏ đi ý nghĩ kì vọng con mình sẽ trở thành ông nọ, bà kia, phải làm như thế này thế kia thì mới tốt, thì cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.
2. Ông bà hai bên tham gia quá nhiều vào việc nuôi dạy cháu
Chúng ta vẫn thường thấy, các bậc phụ huynh nước ngoài, tay trái một đứa, tay phải một đứa, trong nôi một đứa, thậm chí có thể nuôi một đội bóng.
Thế nhưng cảnh tượng điển hình của người Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại, cả một đoàn người theo chân một đứa nhỏ. Cha cầm quần áo, mẹ cầm bỉm sữa, rồi ông bà ngoại, ông bà nội trên tay mỗi người cầm một món đồ chơi để dỗ trẻ nhỏ. Đứa trẻ dường như trở thành "ông hoàng, bà hoàng trong gia đình".
Bởi vì đứa trẻ là ông hoàng nên có rất nhiều cận thần, nhiều ý kiến trái chiều trong việc nuôi nấng, dạy dỗ.
Chúng ta thử làm một phép so sánh, một gia đình nhỏ, giống như một công ty. Phụ huynh đáng nhẽ là cổ đông lớn nhất, cầm trong tay mọi quyền điều hành công ty. Nhưng công ty lại có thêm các cổ đông khác đầu tư vào là ông bà nội, ông bà ngoại… Vì vậy trước khi đưa ra một quyết sách giải quyết vấn đề phải thông qua ý kiến các cổ đông khác, chỉ cần một phiếu phủ quyết, quyết định đó hoàn toàn bị hủy bỏ.
Từ đó suy ra, nhiều lúc xuất hiện tình trạng, con mình nhưng mình không thể dạy theo cách của mình, mà còn phải xem ý kiến của ông bà nội, hoặc ông bà ngoại có đồng ý với cách dạy đó không?
Nuôi con như vậy, liệu có thảnh thơi?
3. Tâm lý luôn sợ con thiệt thòi hơn so với bạn đồng trang lứa
Con nhà người khác học đủ các lớp học thêm, con mình có nên học không, nếu không học, con mình liệu có theo kịp các bạn không?
Con nhà người ta uống hộp sữa mấy triệu một hộp, con mình không ăn, liệu nó có đủ dinh dưỡng không?
Con nhà người ta mặc quần áo hãng này hiệu nọ, nếu mình không mua được cho nó, có phải con mình sẽ phải chịu thiệt thòi trước đám bạn nó?
Trong mắt các bậc phụ huynh những đứa trẻ khác, con nhà người ta luôn luôn là hình mẫu lý tưởng để mình dựa vào đó làm kim chỉ nam phấn đấu cho con mình được bằng bạn bằng bè.
"Thua thầy một vạn, không bằng kém bạn một li", tuyệt đối không bao giờ để con mình thua kém bạn bè trên mọi phương diện, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, thử hỏi cuộc sống như vậy, các bậc phụ huynh thực sự cảm thấy thoải mái?
Thực ra, đôi lúc các bậc phụ huynh trẻ quên rằng, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà một cảnh, mỗi một gia đình có một cuộc sống riêng, điều kiện, hoàn cảnh riêng, vì sao lại phải chạy theo dấu chân của người khác?
4. Tham gia quá nhiều vào không gian tự lập của trẻ
Làm cha làm mẹ, chẳng ai lại không yêu con mình, sợ con vất vả, sợ con cực nhọc, luôn muốn làm mọi việc cho con, thế nhưng chính điều đó đã khiến trẻ sinh ra thói ỷ lại vào chính cha mẹ chúng.
Khi trẻ đi học, từ việc cầm cặp sách đến làm bài tập. Cha mẹ lúc nào cũng túc trực bên cạnh 24/24. Thầy cô giáo giao nhiệm vụ về nhà, trong khi trẻ chưa biết nên làm như thế nào, cha mẹ đã nhanh nhanh chóng chóng làm hết hộ con.
Cho đến những việc nhỏ nhất trong đời sống của trẻ như vệ sinh cá nhân, ăn cơm, mặc quần áo, tắm rửa cũng được cha mẹ chăm sóc một cách cẩn thận, đầy đủ.
Những đứa trẻ được "chăm sóc" như vậy, cuộc sống dường như chỉ biết học, và học. Cơ hội tự mình trải nghiệm tiếp xúc với thế giới bên ngoài sẽ tròn trịa như con số 0. Nếu tiếp tục như vậy liệu phát triển hết năng lực sáng tạo của mình, có thể phát triển những kĩ năng mềm, những kĩ năng cơ bản để sinh tồn trong cuộc sống này?Các bậc phụ huynh liệu có thể theo chân con để lo liệu đến suốt cuộc đời của chúng?
Như vậy sẽ giúp trẻ có một cuộc sống tốt hơn, hay trong một tương lai không xa chúng sẽ trở thành những cây tầm gửi chỉ biết sống dựa vào hơi của cha mẹ và người khác. Và bậc cha mẹ lại gánh thêm một trách nhiệm chăm sóc cần mẫn không ngừng nghỉ?
Do đó từ khi trẻ còn nhỏ nên dạy chúng cách tự lập, tự chủ cuộc sống của mình, tự giác học tập, tự giác hoàn thành mọi công việc của mình, việc nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Như vậy các bậc phụ huynh mới có thể an nhàn, thành thơi.
Điều đó không có nghĩa là bản thân mình lười đẩy việc cho con, mà là dạy trẻ cách tự đi trên chính đôi chân của mình, dùng bàn tay của mình để làm nên những việc phục vụ chính mình, tự do trưởng thành, hoàn thiện bản thân hơn.
5. Tiếp xúc quá nhiều thông tin, thiếu đi chính kiến
Cha mẹ nuôi con quá vất vả, ngoài những nguyên nhân trên, còn có một nguyên nhân cực kì rõ ràng và cực kì nghiêm trọng, đó là tiếp xúc với quá nhiều thông tin, nhưng đối với việc dạy dỗ trẻ lại thiếu đi chính kiến của riêng mình.
Ở tạp chí này đọc được con trẻ cần phải được giáo dục ngay từ trong bụng mẹ, ngay lập tức đi đăng kí đi học, chỗ khác xem được con trẻ cần phải được đi học sớm, về nhà lập tức đưa trẻ đi đến học các lớp học thêm trước khi vào lớp 1. Bất kể đọc được hay biết được thông tin gì liên quan tới con trẻ của mình liền lập tức chấp hành một cách nghiêm chỉnh.
Phần lớn thời gian và sức lực đều bỏ ra tìm kiếm những thông tin đó, sau đó áp dụng chúng vào cuộc sống của chính mình mà không hề suy nghĩ xem nó có phù hợp với con mình không?
Thực ra cuộc sống của trẻ em cần một quá trình để chúng học cách tiếp xúc với mọi thứ xung quanh và tự học cách thích nghi với hoàn cảnh. Các bậc phụ huynh thực ra không cần thu thập nhiều thông tin như vậy, chỉ cần thông qua những thứ mà mình học được, đọc được, hình thành ý kiến chủ quan của chính mình - bản thân biết được con mình dùng phương pháp nào, nên làm như thế nào, những phương pháp là tối ưu nhất, nhưng phương pháp nào cần điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của con mình.
Như vậy, không những lựa chọn được những giải phát tốt nhất, lại không bị xoay vòng quanh những thông tin, biện pháp vô ích, cuộc sống cũng vì thế trở nên dễ chịu hơn nhiều.
6. Sự tham gia của người cha quá ít
Việc người cha không tham gia vào việc dạy dỗ trẻ nhỏ, quan niệm dạy dỗ trẻ là việc của người mẹ đã trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội hôm nay, đó cũng là lí do vì sao người mẹ càng cảm thấy việc nuôi con càng trở nên cực nhọc, vất vả hơn.
Nếu cha mẹ có thể cùng nuôi dạy trẻ, không những có thể chia sẻ công việc cụ thể trong việc nuôi dạy trẻ, còn có thể cùng thảo luận phương pháp nuôi dạy trẻ, khi cả hai cùng có ý kiến thống nhất thì việc nuôi dạy trẻ sẽ trở nên nhẹ nhàng, và đạt hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, mối quan hệ trong gia đình sẽ trở nên mật thiết hơn, trẻ em nếu được cả cha mẹ cùng đồng hành trong sự phát triển thì nhân cách và tâm lý, sức khỏe cũng sẽ trở nên hoàn thiện hơn.
7. Chi tiêu không hợp lý, tạo thành áp lực kinh tế lớn
Nguyên nhân cuối cùng trong việc nuôi dạy trẻ cảm thấy cực kì vất vả, đồng thời cũng không thể tránh khỏi đó là áp lực kinh tế. Phần lớn, cha mẹ trên phương diện này luôn luôn quan niệm muốn dành cho con những thứ tốt nhất, dẫn đến chi tiêu không hợp lí, tạo thành gánh nặng về kinh tế cho chính mình.
Có một câu chuyện như sau: một người cha với mức lương phổ thông mua tặng cho con gái của mình chiếc váy 1 triệu đồng, đương nhiên cái gì cũng có cái giá của nó, chiếc váy từ thiết kế đến chất lượng đều rất tốt, đứa trẻ mặc vào cũng rất xinh.
Thế nhưng, cha mẹ không hề suy nghĩ đến khả năng kinh tế của mình, nếu cứ tiếp tục chi tiêu như vậy, có thể duy trì trong bao lâu, áp lực kinh tế về mặt tâm lí chẳng lẽ lại không tồn tại?
Tục ngữ có câu "một đứa trẻ bằng mười mảnh đất", nuôi một đứa trẻ từ lúc nằm nôi đến lúc thành người, nói không vất vả là điều không thể, nhưng vất vả không có nghĩa là áp lực. Chúng ta gặp rất nhiều gia đình nuôi con cực kì cực nhọc, nhưng cũng có những bậc cha mẹ nuôi con cực kì nhàn hạ, dễ dàng.
Bởi vậy, nuôi nhàn hạ hay vất vả chính là bản thân cách chúng ta lựa chọn.
Thu Minh/Tri thức trẻ