Chính FPT và Trương Gia Bình, với những điều bất ngờ và đặc biệt được tiết lộ trong cuộc trò chuyện này, là lý do khiến TS. Mai Liêm Trực xúc động và nói lời cảm ơn…
- Thông qua một bác sỹ, tôi được nghe những câu chuyện cảm động về GS. Mai Kỷ, người anh trai của ông, người mà cả cuộc đời luôn đau đáu “chạm đến cùng những sự giản dị, chân thật của cuộc sống”, một người “anh cả” của ngành Dân số. Và, ở xứ dừa Tam Quan, một miền quê nghèo, còn nổi tiếng vì có một "ông trùm viễn thông", người đưa điện thoại di động và internet về Việt Nam – TS. Mai Liêm Trực. Nhìn lại một hành trình rất dài ông đã đi qua, điều gì khiến ông nhớ và tự hào nhất?
TS. Mai Liêm Trực: Có lẽ, điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời công tác của tôi, đó chính là sự dấn thân để vượt qua những trở ngại. Sự dấn thân để bảo vệ những quan điểm, ý tưởng mình cho là đúng, để làm được những điều gì đó cho cộng đồng, xã hội và người dân.
- Năm 2002, trước khi bước vào nhiệm kỳ mới của Chính phủ, được biết, ông được cấp trên đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. Tại sao ông lại từ chối?
TS. Mai Liêm Trực: Cá nhân tôi, từ khi ra ngoài Bắc lúc 10 tuổi, đã được nhân dân, Nhà nước nuôi dạy cho tới lúc trưởng thành, nên thế hệ chúng tôi thường không dám từ chối bất cứ công việc gì mà Đảng, Nhà nước giao.
Năm 1968, sau khi sang Đức học ngành vô tuyến điện, trước khi về nước, tôi có ghi nguyện vọng công tác: "Đã ăn cơm của Đảng của dân mòn răng nên về nước nguyện làm bất cứ điều gì". Nhưng câu đó bị nhiều người phê bình, vì cho là mỉa mai chế độ phải ăn cơm độn ngô (cười). Nhưng đó là thực tế của tôi, vì xa nhà khi mới 10 tuổi, ăn cơm dân nuôi cho đến lúc trưởng thành, cho nên giao việc gì tôi nguyện làm hết lòng, không nề hà, kén chọn. Suy nghĩ này gắn với cả đời tôi.
Năm 2002, khi Chính phủ chuẩn bị nhiệm kỳ mới thì tôi đang là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, và Tổng cục Bưu điện khi ấy dự kiến được nâng cấp thành Bộ Bưu chính Viễn thông.
Ông Trần Đình Hoan, khi đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương có gọi tôi lên thông báo, Bộ Chính trị đã nhất trí đề cử tôi làm Bộ trưởng và yêu cầu tôi làm lý lịch ngắn gọn rồi gửi lên theo thủ tục. Tôi cũng hơi ngỡ ngàng và về viết lý lịch nộp đúng thời hạn, nhưng mà cứ trăn trở mãi, cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Thứ nhất, lúc đó tôi đã 58 tuổi, nhưng quan trọng hơn là khi Chính phủ lập hai bộ mới là Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Chính trị cũng đã đề cử em ruột tôi là Mai Ái Trực giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường. Tôi cảm thấy hai anh em cùng làm một nhiệm kỳ trong Chính phủ thì có điều gì đó không ổn. Và nói thật, suy nghĩ đơn giản của tôi là, đất nước còn bao nhiêu người tài, việc gì phải như vậy!
Tôi có báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải là xin rút chứ không dám từ chối.
- Và rồi, ông cũng cứ dần rời “sân cỏ” khi “khán giả” còn luyến tiếc. Sau này suy nghĩ lại, ông nghĩ quyết định của mình có hợp lý?
TS. Mai Liêm Trực: Rất hợp lý, rất đúng đắn. Kể cả sau này, nghỉ hưu đúng thời hạn, tôi cũng cảm thấy mình quyết định đúng. Sau đó, tôi còn từ chối nhiều việc khác nữa.
Ví dụ như, khi không làm Bộ trưởng thì làm Thứ trưởng thường trực và Chính phủ đề nghị tôi kiêm nhiệm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam để chống tiêu cực trong bóng đá và quan trọng là chuẩn bị cho SEA Games 22, tổ chức năm 2003.
Tôi chấp nhận nhưng khi làm hết nhiệm kỳ, mặc dù Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Ban Chấp hành Liên đoàn mong muốn tôi ở lại, nhưng tôi nghĩ đến tuổi, hết nhiệm kỳ thì rút và tôi nghĩ đó là những chuyện rất bình thường.
Sau này, khi nghỉ hưu được vài tháng, ông Trương Tấn Sang, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư, có gọi tôi lên đề nghị làm Trưởng ban Công nghệ thông tin các cơ quan Đảng thay GS. Đặng Hữu. Tôi cũng ái ngại.
Ông Sang kêu tôi về suy nghĩ vài hôm, tôi cũng không dám từ chối luôn nhưng trước khi bắt tay ra về, tôi có nói: “Chắc là khó đấy anh”. Tôi muốn nói trước để dễ cho lần sau lên báo cáo xin thôi và giới thiệu người khác. Cuối cùng cũng được chấp nhận.
Trong gia đình tôi, anh cả tôi ba lần được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề nghị làm Bộ trưởng thì lần thứ ba mới nhận và nhận một công việc nhẹ nhàng hơn, chứ khi được đề nghị làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, anh cả tôi bảo sức yếu rồi mà làm Văn phòng Chính phủ thì không đủ sức.
Đến năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại gọi ông lên vỗ vai bảo: "Cậu về phụ trách cho tôi công tác dân số. Giờ gay lắm, dân số tăng nhanh quá, kinh tế không phát triển được". Việc khó này anh tôi nhận, dù có dư luận: "Giáo sư luyện kim thì biết gì mà đi đặt vòng tránh thai, hay muốn kiếm chác chức Bộ trưởng?". Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tốc độ tăng dân số đã được kiềm chế. Năm 1995, khi công tác dân số đã ổn định, anh tôi đã viết đơn xin nghỉ hưu.
Mai Ái Trực - em trai tôi cũng được Trung ương giới thiệu ra Đại hội Đảng để làm tiếp nhưng cũng xin rút. Còn tôi, ở Đại hội Đảng lần thứ 9 cũng được đề cử vào danh sách để bầu cử, nhưng tại đại hội thì tôi cũng chính thức xin rút vì cảm thấy mình nhiều tuổi rồi. Và khi nghỉ cảm thấy rất thoải mái.
- Có vẻ sau khi nghỉ hưu, ông còn đóng góp được nhiều hơn cho các doanh nghiệp, doanh nhân và ngành công nghệ thông tin?
TS. Mai Liêm Trực: Không thể nói là đóng góp được nhiều hơn, nhưng khi nghỉ hưu, mình không bị ràng buộc về những công việc hành chính, không còn phải ngồi nghe hay dự những cuộc họp mà mình không muốn. Khi nghỉ hưu, mình có nhiều điều kiện để quan sát nhiều hơn. Mặc dù tôi từ chối không đảm đương bất cứ nhiệm vụ nào chính thức để không phải điều hành, nhưng khi tham gia các nhóm nghiên cứu, giảng dậy thì thấy các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn hỏi ý kiến, báo chí cũng muốn bình luận với tư cách là một chuyên gia độc lập, gần đây thì hạn chế bớt.
- Được biết, ông là người đã ký giấy phép để FPT có thể đưa dịch vụ Internet đến với người dân Việt Nam. Điều gì thôi thúc ông đấu tranh không ngừng nghỉ chống lại sự bảo thủ để những doanh nghiệp tư nhân có thể kinh doanh dịch vụ Internet?
TS. Mai Liêm Trực: Trước khi lên làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, tôi là Tổng Giám đốc của VNPT - doanh nghiệp Nhà nước truyền thống và duy nhất của Việt Nam lúc bấy giờ trong lĩnh vực viễn thông.
Và VNPT đã có những đóng góp rất lớn trong việc hiện đại hóa – tự động hóa viễn thông Việt Nam, đưa công nghệ mới vào và có nhiều thành tích trong thời kỳ đầu phục vụ đổi mới, mở cửa.
Tuy nhiên, là người trong cuộc nên tôi cũng biết, doanh nghiệp Nhà nước và nhất là doanh nghiệp độc quyền thì có nhiều hạn chế, có sự trì trệ, nên khi đưa Internet vào Việt Nam thì trong cùng một ngày tháng 11/1997, tôi ký bốn giấy phép cho bốn doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Internet, đó là FPT, VNPT, NetNam và Sài Gòn Net. Đó là đợt mở cửa cạnh tranh đầu tiên trong ngành bưu chính viễn thông ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp khác phát triển nho nhỏ như Sài Gòn Net và NetNam, còn VNPT thì mạnh hơn vì có nền tảng. Trong khi đó, FPT là năng động nhất, ngay từ năm đầu đã thể hiện sức cạnh tranh mạnh mẽ, thành công nhất và lần đầu tiên tạo được thế cạnh tranh trong ngành bưu chính viễn thông. Đó là lực lượng xung kích, đột phá tham gia và chiếm lĩnh 30% thị phần trong năm đầu tiền.
Trước đây, cạnh tranh trong viễn thông là rất nhạy cảm, trong nước sợ quản lý không được và ảnh tưởng tới an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước; khi đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ và sau là WTO thì viễn thông cũng là lĩnh vực nhạy cảm nhất cùng với ngân hàng. Thế nên, lãnh đạo Nhà nước, kể cả cấp cao nhất cũng rất dè dặt khi mở cửa thị trường. Và chính trong nội bộ ngành bưu điện cũng có ý kiến phải độc quyền, chứ nếu không thì không quản được. Nhưng cũng vì ở trong cuộc nên tôi hiểu, nhất định phải có sự cạnh tranh và khi FPT thành công, chúng tôi rất mừng. Bởi chủ trương chung của Tổng cục Bưu điện, của Nhà nước là phải mở cửa thị trường.
Từ bài học kinh nghiệm về mở cửa thị trường Internet, về sự thành công của FPT, chúng tôi cương quyết mở cửa toàn diện thị trường viễn thông của Việt Nam bằng cách cho Viettel làm điện thoại đường dài trong nước, quốc tế, đặc biệt sau này là thông tin di động. Điều đó tạo nên thế cạnh tranh, làm cho giá cước giảm mạnh, chất lượng dịch vụ tăng lên và cũng tăng nhanh số lượng người sử dụng viễn thông, Internet.
Điều khó nhất là mở cửa thị trường viễn thông điện thoại đường dài. Lúc đó, đã có sẵn doanh nghiệp Nhà nước chủ đạo đang làm độc quyền, nên khi muốn mở ra thì bao giờ cũng lo ngại mất vị thế độc quyền. Cho nên, khi họp nội bộ, có ý kiến trong Ban cán sự Đảng của Tổng cục Bưu điện cho rằng: Nếu làm như thế là mất chủ nghĩa xã hội. Lúc đó, tôi chỉ khẳng định rằng: Tôi chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Nhưng cũng có lúc cũng phải bày binh bố trận, chẳng hạn, khi chúng tôi trình bày chiến lược phát triển của mình, tôi biết sẽ rất “căng” và vị đó hay cắt ngang lời thuyết trình. Cho nên, tôi không trực tiếp trình bày mà để ông Phó Tổng cục trưởng đảm nhiệm, để khi có bị cắt ngang, mình còn có chỗ mà nói, chứ nếu mình trình bày mà bị ông cắt ngang thì lấy ai giải trình.
Quả nhiên, lúc ông đập bàn cắt ngang nói: Nếu làm thế này là mất chủ nghĩa xã hội, tôi phát biểu luôn: Năm 1945, cách mạng ngàn cân treo sợi tóc, Đảng chỉ có 5000 Đảng viên, mà chúng ta không sợ, bây giờ chúng ta có trên 2 triệu Đảng viên, có đầy đủ các lực lượng, tại sao ta lại sợ? Phải tin vào dân.
Mọi người đều nín thở, và chớp thời cơ, ông Phó Tổng cục trưởng lại tiếp tục trình bày. Lúc đó rất căng thẳng. Kể cả khi tôi ký giấy phép mở rộng thị trường, lãnh đạo cấp trên vẫn cứ gọi các Bộ trưởng hỏi: Tại sao lại thế này? Làm sao mà quản được?
Khi mở cửa Internet năm 1997 thì đến đầu năm 2000, tôi đã cấp luôn giấy phép cho Viettel làm viễn thông. Nhưng nó khó khăn tới mức, nếu không có nghị quyết của Đảng thì mình khó mà làm được. Sức ép dội lại rất mạnh.
Nhân chuyện ông Đặng Hữu, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương làm chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về phát triển công nghệ thông tin, tôi chính thức có văn bản đề nghị bổ sung vào Chỉ thị việc quản lý viễn thông và Internet phải tạo môi trường cạnh tranh, xoá bỏ độc quyền, đồng thời quản lý phải theo kịp sự phát triển, thay vì quản đến đâu mở đến đó. Khi trình lên, ông Lê Khả Phiêu đã chấp nhận, ủng hộ và Chỉ thị 58 được ban hành vào tháng 10/2000. Chỉ thị 58 là một mốc rất quan trọng cho sự phát triển viễn thông, Internet và công nghệ thông tin Việt Nam. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu không phải người xuất thân từ lĩnh vực công nghệ, nhưng rất tin vào lĩnh vực này, luôn khích lệ cái mới, cũng như tin vào thế hệ trẻ.
Lúc đó, với những lãnh đạo có tư duy đổi mới như Thủ tướng Võ Văn Kiệt - là người rất xông pha, ủng hộ đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng tôi thuyết phục được, mặc dù sự ủng hộ còn rất dè dặt.
Cuối cùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng sốt ruột cho việc đổi mới và ký Nghị định 21/NĐ-CP, nhưng chỉ quy định tạm thời về quản lý và sử dụng Internet (tháng 3/1997), để có gì sẽ tiếp tục điều chỉnh. Nhờ đó, chúng tôi mới có công cụ, hành lang pháp lý; và đồng thời thành lập Ủy ban Quốc gia về Internet, mặc dù còn nhiều quan điểm quản lý bây giờ nói ra thì nghe rất kỳ cục, như các cơ quan Đảng và lực lượng vũ trang không được kết nối Internet.
Trong Nghị định tạm thời đó cũng có quy định rất chặt chẽ, ví dụ như quản tới đâu thì mở tới đấy, tức là dịch vụ nào quản lý được thì mở, dịch vụ nào chưa quản lý được thì chưa mở. Nhưng chúng tôi cứ kiên trì thuyết phục, và cuối cùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ. Khi đó, chúng tôi phải chuẩn bị mấy tháng liền, rất kỹ về phương tiện kỹ thuật, tuyên truyền hướng dẫn, quy chế quản lý… phải làm kỹ càng.
Đến tháng 8/1997, chúng tôi lên báo cáo Thường vụ Bộ Chính trị, ông Lê Khả Phiêu đã hỏi rất cặn kẽ về vấn đề bí mật Nhà nước. Tôi cũng đứng lên phát biểu rõ ràng là dứt khoát không chặn được 100%, nhưng chúng ta sẽ có những giải pháp để hạn chế. Và cuối cùng mọi thứ cũng thuận lợi. Khuôn mặt ông Lê Khả Phiêu dãn ra và gật đầu: “Các cậu cố gắng làm cho cẩn thận các giải pháp đã nêu ra". Chúng tôi được yêu cầu báo cáo với Thủ tướng.
Chúng tôi sang nhà Thủ tướng Phan Văn Khải – người có tư duy đổi mới, hội nhập quốc tế nên ông đồng ý, ủng hộ, nhưng Thủ tướng vẫn rất trăn trở. Khi tiễn chúng tôi ra cổng, Thủ tướng vỗ vai tôi: “Trực, Trực, cố gắng quản lý Internet cho tốt nhé! Chứ mở ra mà phải đóng lại thì không biết ăn nói với thế giới thế nào”. Một lời dặn dò như vậy còn mạnh hơn các nghị quyết, các chỉ thị, cảm giác trên vai nặng trịch. Nhưng mấy anh em rất phấn khởi và hăng hái vào cuộc.
Ngày 19/11/1997, tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, chúng tôi hân hoan tổ chức Lễ khai trương Internet, công bố với thế giới: Việt Nam chính thức kết nối Internet toàn cầu. Hôm ấy, rất đông báo chí quốc tế tham dự, họ muốn bắt mạch về tư duy hội nhập quốc tế Việt Nam qua sự kiện này.
Có thể nói, đó là thời kỳ có sự hợp lực và thống nhất rất cao giữa các bộ, ngành. Tôi cũng may mắn là có được những đồng nghiệp có tư duy đổi mới, như Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, cùng ngồi bàn bạc, gỡ khó và triển khai. Chúng tôi rút ra được một điều rằng, khi mình có đủ lý lẽ để thuyết phục và dám chịu trách nhiệm thì cuối cùng cũng sẽ được ủng hộ.
Tuy nhiên, không phải như thế là đã hết trở ngại. Thời kỳ đầu, do tư duy “quản tới đâu mở tới đấy” nên khó khăn vẫn chồng khó khăn. Khi đầu tôi chấp nhận, nhưng về sau, tôi cương quyết đề xuất phương án quản lý theo nhu cầu phát triển, hay nói cách khác là “mở tới đâu thì quản lý tới đó”. Còn nếu cứ theo lối tư duy quản được mới cho mở, thì ai dám khẳng định là quản được, cho nên ông nào cũng rụt rè không dám cho “mở”.
Bám sát phương châm quản lý phải theo kịp nhu cầu phát triển, tôi đưa toàn bộ những tư duy ấy vào xây dựng luôn một Nghị định mới về quản lý Internet, gọi là Nghị định 55 đầu năm 2001. Từ đó, Internet bùng nổ, các cửa hàng café internet sôi động, kể cả người nước ngoài sang Việt Nam cũng có Internet dùng.
Cho nên có thể thấy: Chuyển đổi tư duy quản lý cũng là một động lực rất lớn để phát triển, chứ còn tư duy quản tới đâu, mở tới đó thì chỉ có tụt lùi.
Nhưng tôi nghiệm ra rằng, nhiều khi cũng có những người bảo thủ, không biết lắng nghe thật, nhưng cũng không thiếu những người có tư duy đổi mới, biết lắng nghe, nên mình cứ thuyết phục.
Quan trọng là mình có tự tin hay không, thuyết phục có lý hay không và có dám chịu trách nhiệm hay không. Cho nên, nhiều khi lãnh đạo nói thì hay thật nhưng quan trọng là ông có dám làm, dám chịu trách nhiệm hay không và ông làm như thế nào? Làm ẩu hay làm thật thì mọi người đều biết cả, dân người ta biết, anh em người ta biết. Chứ đâu phải mình nói thánh nói tướng là được.
- Thưa ông, nếu phải lựa chọn ra một cái tên - một doanh nhân và một doanh nghiệp, có những ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam, ông sẽ chọn ai?
TS. Mai Liêm Trực: Với ngành bưu chính viễn thông thì thời kỳ đầu, phải nhắc đến vai trò của ông Đặng Văn Thân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, sau đó là Tổng giám đốc của VNPT. Đó là con người gốc gác Nam Bộ, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới và say mê với đổi mới. Đó là tấm gương sáng của ngành bưu chính viễn thông thời kỳ số hóa, hiện đại hóa đầu tiên.
Còn về ngành công nghệ thông tin thì phải nói tới Trương Gia Bình. Trong suốt 25 - 30 năm qua, FPT là doanh nghiệp tiên phong, phát triển nhanh nhưng bền vững; từ tay trắng gây dựng nên doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam.
Cho đến nay, thành đạt nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam chính là Trương Gia Bình. Đó là người biết tập hợp và đã gây dựng nên thương hiệu FPT không chỉ có vị thế vững chắc trong nước, mà quốc tế đều thừa nhận.
Không những với FPT, mà với cương vị Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Trương Gia Bình đã thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Bên cạnh đó, ông còn đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam, như Nghị quyết về phát triển công nghệ phần mềm ở Việt Nam, Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị. Vài năm gần đây, Trương Gia Bình là một người tiên phong trong việc xây dựng các văn bản của Đảng và Chính phủ về việc Việt Nam chủ động tham gia vào cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
- Ông và ông Vũ Hoàng Liên, ông Trương Gia Bình được đánh giá là 3 nhân vật ảnh hưởng nhất đến Internet Việt Nam trong 20 năm qua. Nếu như để nhận xét về Trương Gia Bình, điều gì khiến ông ấn tượng nhất ở con người này?
TS. Mai Liêm Trực: Đó là con người có rất nhiều ý tưởng. Có những ý tưởng phải trăn trở nhiều năm, để đưa vào áp dụng cho doanh nghiệp của mình.
Từ văn hóa doanh nghiệp, cho đến chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, Trương Gia Bình luôn có rất nhiều ý tưởng. Tất nhiên, có nhiều ý tưởng lớn ông suy nghĩ trăn trở trong thời gian dài, nhưng cũng có rất nhiều ý tưởng bộc phát trong những tình huống cụ thể.
Không phải ý tưởng nào cũng đúng, cũng phù hợp, nhưng cái hay của Trương Gia Bình là cứ đưa ra để mọi người thảo luận, nếu thấy dở là rút ngay chứ không bảo thủ. Trong nhóm làm việc của chúng tôi, có những ý tưởng khi Trương Gia Bình đưa ra, chỉ cần có người phản biện một câu là dừng lại ngay, bởi ông nhận ra là không phù hợp.
Tôi cho rằng, thành công của FPT cũng là từ những ý tưởng ban đầu của Trương Gia Bình; tất nhiên, để thực hiện được ý tưởng là cả một đội ngũ, cả một tập đoàn. Và Trương Gia Bình có khả năng rất tốt về việc tập hợp đội ngũ tài năng.
- Người sáng lập FPT Trương Gia Bình từng nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong “thời chiến”, nơi mà “kỷ luật là sức mạnh”, vì vậy mà “kỷ luật và tính tuân thủ là điều phải bằng mọi cách đẩy mạnh hơn nữa”. Ông nghĩ sao về triết lý quản quân này của Trương Gia Bình?
TS. Mai Liêm Trực: Thực ra, tư tưởng kỷ luật là sức mạnh đã có trong cuộc sống từ xa xưa, không chỉ trong doanh nghiệp mà trong quản trị quốc gia, trong quân đội đều áp dụng.
Để kết tinh tư tưởng trong từng doanh nghiệp, trong từng điều kiện, từng môi trường, thì người đứng đầu cần có sự vận dụng phù hợp.
Tôi nghĩ rằng, đối với quốc gia đi lên từ nông nghiệp lạc hậu, bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tính kỷ luật rất quan trọng. Ở Việt Nam, thường “phép vua thua lệ làng”, kỷ luật lao động của ta trước khi hội nhập rất kém, các công ty nước ngoài kêu ca rất nhiều về kỷ luật lao động của người Việt Nam. Mà họ lại coi kỷ luật là sức mạnh.
Ở FPT, tôi thấy Trương Gia Bình đưa ra triết lý ấy rất đúng, nhưng mà thực hiện như thế nào mới là điều quan trọng. Ở FPT, tôi nghĩ tính kỷ luật được thiết lập và duy trì, nhưng không phải là thiết quân luật, không phải bằng mệnh lệnh, bằng trừng phạt mà chính là bằng thuyết phục, bằng cái đúng đắn của Trương Gia Bình để tạo sự đồng thuận trong FPT, rồi hình thành một nếp văn hóa. Tạo nên sự đồng thuận là tài nghệ của người lãnh đạo.
Tôi biết Trương Gia Bình và những người đầu tiên thành lập FPT là những trí thức, những người tài năng nổi trội, nhưng sống với nhau được gần 30 năm rồi mà vẫn rất tôn trọng nhau quả thật không dễ dàng. Thậm chí, có những lúc Trương Gia Bình đưa ra ý tưởng, nếu có một người trong 13 người đó có ai không nhất trí thì dừng lại.
Nghĩa là rất dân chủ - đó là sự thống nhất chứ không phải bằng lệnh, không phải bằng biểu quyết.
Tôi thấy FPT xây dựng được chất văn hóa rất khác biệt, tạo sự đồng thuận trong kỷ luật, và đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững.
Kỷ luật là một phần trong sự phát triển của doanh nghiệp cũng như quản trị quốc gia, quản lý cộng đồng. Nhưng người lãnh đạo biết sử dụng phương pháp gì để tạo nên sự đồng thuận bằng tự giác, bằng văn hóa là chủ yếu chứ không phải bằng lệnh, bằng cưỡng chế, mới là điều quan trọng.
- Trương Gia Bình cho rằng, có ba ý tưởng quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Ý tưởng thứ nhất: Đưa chiến tranh nhân dân vào thương trường. Ý tưởng thứ hai: Genetic và đặt ra khẩu hiệu "Xuất khẩu hay là chết", đồng thời cho vận hành genetic. Ý tưởng thứ ba: Thác số. Ý tưởng này về sau người ta viết thành những cuốn sách rất nổi tiếng như “Thế giới phẳng”, còn ông Bình gọi nó là thác số. Ông Bình đẩy tiếp một bước nữa là “tạo nước” bằng việc mở trường Đại học.
Ông đánh giá sao về những ý tưởng này của Trương Gia Bình?
TS. Mai Liêm Trực: Thực ra trong cuộc sống, rất nhiều khái niệm, tư tưởng, triết lý đã được hình thành từ xa xưa, và ý tưởng đưa “chiến tranh nhân dân” vào trong doanh nghiệp, cũng như quan niệm “thương trường là chiến trường” là những thứ “đã có sẵn”; nhưng cái hay của Trương Gia Bình là đặt những tư tưởng, triết lý đó trong điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, của thị trường, của sự phát triển khoa học công nghệ.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Trương Gia Bình đã khai thác tư tưởng đó để tạo nên ý tưởng của mình. Và từ việc liên tục nhận thức, trăn trở để nhìn ra con đường, từ ý tưởng đó tạo thành một chiến lược, tầm nhìn cho FPT.
Từ những tư tưởng lớn của nhân loại, từ những khái niệm tương đối phổ biến của cuộc sống như “chiến tranh nhân dân”, “thương trường là chiến trường”, Trương Gia Bình đã tìm ra ý tưởng của riêng mình để thực hiện trong điều kiện cụ thể.
Vậy thì, giá trị cốt lõi của FPT là gì, làm sao để FPT có thể phát triển bền vững? Trương Gia Bình đưa ra tư tưởng genetic cho FPT, tìm một bộ gen cho FPT, là giá trị cốt lõi của FPT, là gia pháp, gia phong của FPT.
Tôi nghĩ, đó là cái hay để xác định giá trị cốt lõi, ngấm sâu vào từng cá nhân của doanh nghiệp và đó là tư tưởng, giá trị nhân văn.
Với ý tưởng thác số, tôi thật sự không hiểu rõ. Nhưng tất cả chúng ta đều biết, từ khi có Internet thì những rào cản về thông tin, dòng vốn… trở thành không biên giới. Tức là đã có những dòng chảy không hạn chế về nguồn vốn, trí tuệ, giá trị lao động….
Tôi nghĩ, Trương Gia Bình nhận thức được trào lưu đó, thấy được dòng thác đấy là dữ dội, dòng chảy cuồn cuộn, chắc chắn phải bơi vào thì mình mới sống được. Để thấy được sức mạnh của thác nước thì phải lao vào thác, phải vượt qua hay thậm chí là phải tạo nên thác nước cho dòng chảy dữ dội hơn. Từ đó mới có thể tạo ra thác nước, đi đến thành công.
Tôi nghĩ, trong thế giới phẳng, Trương Gia Bình có cái hay là luôn nảy ra nhiều ý tưởng mới, lạ “không biên giới”.
Thời tôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, có những cộng sự rất thân thiết, gần gũi với tôi, nhưng cảm thấy lạ khi ông Trực đi ủng hộ Trương Gia Bình, vì tính cách của tôi và Trương Gia Bình rất khác nhau.
Lúc đó, tôi có nói với các đồng nghiệp của mình rằng, mình làm Nhà nước thì phải ăn nói chuẩn mực, còn doanh nghiệp người ta nói vống lên tý có sao đâu, miễn sao người ta làm được thì mình nên ủng hộ. Tính cách có thể khác nhau nhưng ý chí, tư tưởng vẫn có thể gặp nhau.
Cũng có những người rất thân tình, những cánh tay đắc lực của tôi thắc mắc tại sao tôi lại ủng hộ FPT thì tôi trả lời: Người ta không lấy tiền của Nhà nước, người ta bỏ tiền túi để thực hiện một cách táo bạo nên nếu doanh nghiệp càng “nổ”, tôi càng vỗ tay.
Lúc đầu, Trương Gia Bình có nhiều ý tưởng tạo cảm giác là “nổ”, nhưng thực chất đó là sự trăn trở với đất nước, với thời cuộc, còn khi mà đưa ra mà cảm thấy không ổn, có thể rút. Và như tôi đã nói, Trương Gia Bình cũng rút các ý tưởng không hợp lý của mình rất dễ dàng, thoải mái.
Chính vì lý do đó mà Trương Gia Bình gắn bó được với những người gọi là sừng sỏ trong giới trí thức và kinh doanh, và họ luôn tôn trọng Trương Gia Bình. Có những ý tưởng không phải Trương Gia Bình đưa ra là đúng ngay, nhưng luôn nhận được sự tôn trọng, tin cậy.
- “Một trong bí quyết kinh doanh của FPT là ‘đem cho’. Muốn đất nước hùng mạnh thì phải có người đóng góp. Trương Gia Bình cho rằng, trong Thiền cũng vậy, khi mình cho đi, khi mình ‘empty’ tức là rỗng thì mới có thể thu nạp cái mới”. Ông có quan điểm thế nào về triết lý này?
TS. Mai Liêm Trực: Thực ra như tôi hiểu, triết lý về đem cho với triết lý rỗng (empty) không giống nhau. Trong thiền, “empty” tức là lúc đấy phải rất thiện tâm, từ bi, không còn sân si nữa. Khi đó, sự vận chuyển, chuyển động các tri thức, trí tuệ thông qua thiền sẽ tự động xâm nhập. Tức là cái tâm phải tịnh. Và nó hoàn toàn rỗng để tiếp nhận trí tuệ và năng lực.
Triết lý “empty” đúng trong doanh nghiệp, thậm chí đúng cho cả quốc gia, đó là không nên bị những gánh nặng của quá khứ, không nên lúc nào cũng “ăn mày dĩ vãng”, ca ngợi và say mê với thành tích của mình, điều đó rất nguy hiểm. Nghĩa là phải “restart” lại, chứ cứ ôm mãi thành tích của mình, e ngại đi vào cái mới, chắc chắn sẽ thất bại.
Về khái niệm “empty”, chiếu vào FPT cũng dễ nhận thấy. Người FPT luôn biết cách quên đi những thành tích đã qua. Bây giờ là thời đại cá nhanh ăn cá chậm, chứ không phải cá lớn nuốt cá bé. Nghĩa là sáng tạo quan trọng hơn kinh nghiệm; tốc độ quan trọng hơn quy mô (độ lớn). Thực tế đã chứng minh, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ không kịp chuyển đổi, thậm chí một nền công nghiệp điện tử hàng đầu nhiều năm của một quốc gia nếu chậm chuyển đổi cũng sẽ thất bại. Nếu cứ say sưa trong ánh hào quang sẽ không thể tồn tại.
Cho nên, phải “empty” để quên đi, phải rỗng, bỏ qua chiến thắng để sáng tạo, tư duy cái mới.
FPT và Trương Gia Bình rất giỏi “restart”, để cho doanh nghiệp của mình lúc nào cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp, như thế mới tồn tại được!
Vậy còn triết lý “đem cho”, theo nghĩa của Trương Gia Bình, là một khái niệm hoàn toàn khác, nhưng lại là một giá trị cốt lõi của FPT. Điều đó giống với triết lý của Phật giáo – cho là nhận. “Đem cho” nghĩa là thể hiện giá trị nhân văn của doanh nghiệp.
Chỉ khi “đem cho” mới có thể phát triển bền vững. Thực ra “đem cho” bằng từ thiện, bằng tri ân khách hàng, bằng đóng góp chung cho xã hội, nghĩa là đã nhận lại. Không có khách hàng làm sao doanh nghiệp sống được?
“Đem cho” của Trương Gia Bình, chính là sự nhân văn, phải đạo và như thế mới tạo ra sự gắn bó với khách hàng. “Đem cho” không những là trách nhiệm, mà là quyền lợi của FPT, làm được như thế để cho doanh nghiệp trường tồn, phát triển. Đó là tư duy chứa đựng những ý nghĩa lớn lao, và suy cho cùng, cho chính là nhận, chứ không phải cho là bố thí.
- Ngày 14/11/1997, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực đã ký giấy ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) cho FPT. Tôi muốn biết cảm xúc của ông khi đặt bút ký giấy phép để FPT có thể đưa dịch vụ Internet đến với người dân Việt Nam?
TS. Mai Liêm Trực: Cảm giác của cá nhân ư? Thực ra có nhiều yếu tố thúc đẩy tôi làm điều đó. Tôi đã chọn lựa, theo dõi chứ không phải ngẫu nhiên hay bỗng dung quyết định. Bởi trước khi Internet vào Việt Nam, đã có nhiều cơ sở thí nghiệm làm Internet nội bộ chưa kết nối quốc tế.
Lúc bấy giờ, quan điểm của tôi là chọn lựa doanh nghiệp nào không những có khả năng tham gia thị trường, mà còn phải tạo ra sự cạnh tranh rõ nét cho thị trường. FPT là cái tên tôi đặt niềm tin, và quả thật, chỉ sau một năm, FPT vươn lên chiếm thị phần rất lớn. Tôi thực ra không quan tâm đến doanh thu của họ, nhưng trong giao ban hằng tuần của Tổng cục Bưu điện, tôi yêu cầu từng doanh nghiệp báo cáo về việc phát triển được bao nhiêu thuê bao Internet, và cần theo dõi sát.
Tôi rất mừng là FPT thành công. Tôi cấp phép cho FPT không phải ưu tiên gì, cũng không có quan hệ cá nhân gì, mà tôi nhận thấy rằng, họ là lực lượng để giúp mình thực hiện chính sách mở cửa thị trường, tạo sự cạnh tranh. Thành ra, tôi phải cảm ơn họ. Cũng như sau này, khi Viettel tham gia thị trường viễn thông di động, tôi cũng là người cấp phép cho họ về băng tần và giấy phép kinh doanh. Trước đó là mở cửa điện thoại đường dài trong nước quốc tế (Voip). Mình phải cảm ơn họ, vì nhờ có họ mà mình mới thực hiện được chính sách, nếu không mình thất bại. Đơn giản là như vậy thôi.
Gắn bó là ở chỗ, mỗi người một việc, nhưng cùng nhau thành công trong tư tưởng, khát vọng.
GS. TS. Vũ Đình Cự là người đã dành trọn cuộc đời mình cho Khoa học và Công nghệ nước nhà. Là người ký quyết định thành lập FPT vào ngày 13/9/198. Ngay từ ngày đầu, Giáo sư đã giao FPT nhiệm vụ chế tạo Siêu máy tính (Super Computer). Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Trương Gia Bình, do nhiều điều kiện, FPT chưa hoàn thành nhiệm vụ mà Giáo sư giao phó. Câu chuyện này gợi cho tôi hai dòng suy nghĩ.
Một là, người FPT rất trân trọng những “ân nhân” của mình như GS. Nguyễn Văn Đạo, GS. Vũ Đình Cự, GS. Đặng Hữu, TS. Mai Liêm Trực…
Hai là, phải chăng điều đó chứng tỏ rằng, ngay từ sớm, những người anh cả, người cha đỡ đầu FPT luôn rất tin tưởng đội ngũ cán bộ trẻ của FPT, mà có lẽ trước hết đặt niềm tin vững chắc vào quyết tâm, ý chí cũng như trí tuệ của các Trương Gia Bình, Lê Vũ Kỳ...?
TS. Mai Liêm Trực: Trương Gia Bình luôn luôn "ôn cố tri tân”. Thực ra đó là văn hóa của dân tộc. Người Á Đông, nhất là người Việt Nam, khi ai làm điều gì đó cho mình, giúp đỡ mình, đều biết ơn, không quên. Người Việt Nam ơn nghĩa, nặng tình.
Nhiều lần tôi cũng phải tự thốt lên: Ủa, người Việt mình lạ thật.
Và người FPT nói chung, Trương Gia Bình nói riêng rất sâu nặng về ơn nghĩa, trước hết là trong nội bộ gia đình FPT. Họ luôn trân trọng những người sáng lập, những người giúp đỡ, và trân trọng những giá trị chung, tôn trọng lẫn nhau.
Ngay cả những người “khai quốc” của FPT, trong nhiều năm làm việc với nhau, thái độ vẫn rất tôn trọng nhau và tôn trọng Trương Gia Bình.
Trong khi làm việc thì họ tranh cãi, thậm chí là dữ dội, quyết liệt. Tôi đã từng chứng kiến, có lần Trương Gia Bình đang nói trước tập thể, bị một cán bộ bình thường cướp micro, chất vấn luôn tại chỗ, chứ không phải là sếp muốn làm gì thì làm đâu (cười).
Đấy chính là cái hay của Trương Gia Bình – bằng sự dân chủ đã tập hợp được trí tuệ và sức mạnh của nhiều người tài. Mặc dù kỷ luật là sức mạnh nhưng trong làm việc, Trương Gia Bình rất dân chủ và cởi mở. Thậm chí đến độ tuổi nghỉ hưu, cả hội trường còn đồng thanh hát: Bình ơi nghỉ đi, Bình ơi nghỉ đi. Vô tư, thoải mái, không bao giờ để bụng là những nét đẹp trong văn hóa của Trương Gia Bình.
Đó chính là tấm gương cho cán bộ, nhân viên của FPT, đó cũng chính là sức bền tạo nên sự trường tồn cho FPT.
- Nhưng bản thân ông Trương Gia Bình, mỗi khi nói tới các viện sỹ đó, lại như nói tới những người anh cả, người cha đỡ đầu của FPT với đầy sự kính trọng và biết ơn…
TS. Mai Liêm Trực: Thực ra, tôi nghĩ là không phải chỉ với những người đỡ đầu, những người đã giúp đỡ FPT, mà đó là nét đẹp và cách cư xử chung với mọi người của Trương Gia Bình.
Ngoài ra, cũng phải khẳng định rằng, những người ngày trước hỗ trợ FPT, xuất phát từ sự hết mình trong công việc và vô tư, không vụ lợi. Đương nhiên, mỗi người một vị trí, một hoàn cảnh, một cương vị, nhưng điều quan trọng là FPT tôn trọng nhân cách của những con người ấy. Những lúc khó khăn, người FPT chưa trình bày họ đã biết rồi. Họ giúp đỡ một cách chân tình, với sự vô tư, không có mưu cầu, không ban ơn và cũng không mong trả ơn. Đó là nhân cách.
- Tư tưởng hưng thịnh quốc gia bằng khoa học - công nghệ phải chăng chính là khát vọng đã truyền được cảm hứng cho Trương Gia Bình, thưa ông?
TS. Mai Liêm Trực: Có hai điều may mắn của Trương Gia Bình. Trước hết, đó là hoàn cảnh trưởng thành của Trương Gia Bình, môi trường sống của Trương Gia Bình, từ hồi thiếu niên, học Đại học, cho đến khi đi làm, được tiếp xúc với những người có trí tuệ và tầm cỡ, những nhân cách lớn.
Tiếp đó, sau này, khi đi vào lĩnh vực công nghệ thông tin và thực tiễn thương trường đã giúp Trương Gia Bình nhận thức ra con đường phát triển. Chỉ những người đã đi sâu vào lĩnh vực đó mới có cơ hội nhận thức ra điều đó. Bởi, tất cả các cuộc cách mạng xã hội, cách mạng công nghiệp, đều xuất phát từ những thành tựu của khoa học kỹ thuật (lần 1 là máy hơi nước; lần 2 là điện; lần 3 là máy tính, điện tử; lần 4 là trí tuệ nhân tạo). Tức là, phải xuất phát từ những dấu mốc đó để thay đổi xã hội, thay đổi nền công nghệ.
Tôi cho rằng, Trương Gia Bình đã có điều kiện để hấp thụ những tư tưởng, nắm được những quy luật, qua thực tiễn và những giá trị nhận thức được trên thương trường, để thực hiện khát vọng hưng thịnh quốc gia bằng khoa học - công nghệ.
Tôi cho rằng, đó là sự may mắn, nhưng đồng thời cũng là năng lực rất tốt của Trương Gia Bình.
- Dù FPT như ngọn cờ đầu về công nghệ, sáng tạo, nhưng cũng có thời gian trầm lắng. Đã có những lúc tưởng như lâm vào đường cùng khi VNPT triển khai ADSL và không cho nhà mạng khác thuê hạ tầng. Trước bờ vực, FPT Telecom phải “phá rào”, đưa người chưa có kinh nghiệm dắt cả nhân viên nữ đi kéo cáp chui. Lúc bị cơ quan chức năng “tuýt còi” tưởng như FPT Telecom đã sụp đổ…
TS. Mai Liêm Trực: Đó chính là một trong những thời điểm ảnh hưởng đến sự sống còn của FPT khi tham gia Internet và viễn thông.
Những người làm quản lý Nhà nước của Tổng cục Bưu điện tâm huyết với đất nước và cá nhân tôi lúc đó cũng thấy rằng, nếu không tiếp tục mở cửa thị trường sẽ không thể phát triển lành mạnh. Bởi động lực cấp phép cho FPT làm dịch vụ Internet ngay từ đầu đã có mục tiêu là mở cửa thị trường để có sự cạnh tranh. FPT bị bóp chết là mất cạnh tranh, là mất động lực phát triển của đất nước. Quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước thường chậm đổi mới, không theo kịp yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Vì vậy, khi thấy các doanh nghiệp làm chui, phá rào hoặc phản ứng, các cơ quan quản lý Nhà nước phải xem lại các quy định hiện hành. Chúng tôi làm theo hướng đó, nên luôn tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp. Và vì vậy, chúng tôi đã tạo điều kiện cho FPT chuyển đổi mô hình, để có thể tiếp tục xây dựng và kinh doanh hạ tầng Internet ở Việt Nam. Trong tư tưởng quản lý phải nhất quán, tức là mở cửa thị trường có cạnh tranh. Từ tư duy nhất quán đó, phải tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Quay trở lại câu chuyện của FPT, sau khi gặp khó, Trương Gia Bình đã quyết định thay đổi mô hình công ty để có được giấy phép hạ tầng năm 2005. Và chỉ trong vòng 5 năm, FPT Telecom đã gần phủ kín toàn Việt Nam và vươn ra Campuchia…, có những bước phát triển như vũ bão.
- Cách mạng 4.0 là xu thế, là cơ hội để dân tộc cường thịnh. Có một thực tế là, với cách mạng công nghiệp 1.0, chúng ta đi sau hàng trăm năm. Cách mạng công nghiệp 2.0 ta cũng đi sau gần 100 năm. Đến cách mạng công nghiệp 3.0 ta tụt hậu gần 40 năm, trừ một số lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng, hàng không. Lần này, cách mạng công nghiệp 4.0 – cuộc cách mạng của trí tuệ, sáng tạo, kết nối - đang tiến đến mạnh mẽ và tạo ra những cơ hội ngày càng rõ ràng hơn.
Thưa chuyên gia, những doanh nhân như Trương Gia Bình hay rộng hơn, là những doanh nghiệp tư nhân như FPT có vai trò như thế nào trong việc chớp lấy cơ hội ngàn năm có một - cơ hội được cho là cuối cùng để Việt Nam theo kịp, đi cùng và vượt lên các quốc gia khác?
TS. Mai Liêm Trực: Đúng là đất nước Việt Nam do hoàn cảnh về địa lý, xã hội, môi trường nên trong cuộc cách mạng công nghiệp 1.0, người Việt Nam không biết gì (cười); Cách mạng công nghiệp 2.0 cũng gần như không biết gì (cười), chúng ta là nước yếu kém và lạc hậu. Cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 thì đất nước chìm trong chiến tranh triền miên, cho nên không tham gia được nhiều, tới giai đoạn cuối khi đất nước hòa bình, từng bước mở cửa mới có điều kiện để hội nhập một số lĩnh vực, như viễn thông và Internet.
Chúng ta không nên trách quá khứ, đất nước mất cơ hội bởi có yếu tố lịch sử như thế. Nhưng bây giờ, để mất cơ hội là có tội với dân tộc, bởi vì cơ hội lần này quá lớn. Chúng ta có quá nhiều cơ hội để tận dụng và phát huy thế mạnh của Việt Nam.
Bây giờ, vốn không phải là vấn đề lớn, mà quan trọng nhất là con người, là hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm. Ví dụ như một chiếc điện thoại thông minh có giá hàng chục triệu đồng nhưng khi hỏng chỉ bán được vài chục ngàn đồng.
Đi vào cách mạng công nghiệp 4.0, về trí tuệ, Việt Nam không thua kém, không có khoảng cách lớn với các nước khác, và cũng có thể coi đây là một lợi thế của Việt Nam.
Nếu không dám chớp thời cơ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân thì đất nước lại mất cơ hội một lần nữa.
Từ bốn năm trước, Trương Gia Bình là một trong những người đầu tiên quảng bá mạnh mẽ và truyền cảm hứng về việc tiếp cận với cuộc Cách mạng 4.0, và đưa ra những ý tưởng mà nhiều người chưa hiểu được.
Tại Hội nghị cấp cao ICT Summit 2016 mà Trương Gia Bình là người chủ trì, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – người đứng đầu Chính phủ đầu tiên ở Đông Nam Á, phát biểu về cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Nhưng sau đó, theo quan sát của tôi, mọi thứ dần chững lại. Nguyên nhân do đâu?
Thứ nhất, trong xã hội, nhất là các cơ quan Nhà nước nói nhiều nhưng hành động chưa được bao nhiêu.
Thứ hai, lo ngại về chuyện công nghệ mới vào sẽ mất việc làm. Các chuyên gia trong nước và thế giới dự báo nhân lực thất nghiệp một số ngành như dệt may có thể lên đến 70%, nhiều dây chuyền sản xuất sẽ bị thay thế... Cho nên, những nhà quản trị quốc gia, những nhà hoạch định chính sách cũng lừng khừng khi đưa ra chính sách để đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0.
Riêng cá nhân tôi không lo thất nghiệp mà lo chúng ta lại mất cơ hội một lần nữa, do sự lừng khừng của các nhà quản trị, do chưa có cách tiếp cận toàn xã hội và tiếp cận thời đại về những cơ hội, thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Thậm chí, có những phát biểu của các vị lãnh đạo lại phủ định việc tạo ra cơ hội.
Từ kinh nghiệm thực tiễn 20 - 25 năm trước cho thấy, khi chúng tôi quyết định tự động hóa và số hóa ngành thông tin - viễn thông của Việt Nam, cũng có nhiều người lo ngại nhân lực của bưu cục sẽ mất việc làm. Và đúng là họ mất việc làm, nhưng chúng tôi không để ai thất nghiệp. Thậm chí sau này, khi những dịch vụ mới ra đời, số lượng nhân lực còn phải tăng lên. Chúng ta cần dũng cảm và tận dụng những cơ hội để tạo nên những cơ hội mới có thể bứt phá.
Tôi cho rằng, trong thời đại này, Chính phủ cần quan tâm hơn đến thế hệ trẻ và doanh nghiệp tư nhân - là lực lượng nòng cốt, lực lượng chủ lực, lực lượng xung kích cho Việt Nam tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ có họ mới đủ sức sáng tạo, nhiệt huyết, đam mê và đặc biệt là sự nhạy cảm với thị trường. Còn nếu cứ ưu tiên và đặt sự quan tâm quá mức vào khối doanh nghiệp Nhà nước, thì rất khó bắt kịp trong cuộc đua này. Tất nhiên, chuyện này còn phải tranh luận, nhưng dần dần sẽ như thế.
Dù trong tư tưởng còn muốn hạn chế, cản trở hay còn lo ngại sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, nhưng đó là quy luật. Tôi có một niềm tin chắc chắn là như vậy, nếu không đất nước sẽ mãi tụt hậu. Các doanh nghiệp tư nhân như FPT của Trương Gia Bình, Vingroup của Phạm Nhật Vượng, Trường Hải (THACO) của Trần Bá Dương... phải là lực lượng nòng cốt, chủ đạo, tiên phong và thậm chí là đội quân hùng mạnh nhất để thay đổi đất nước.
- Việc vươn ra biển lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn. Và theo ông, khó khăn nào là lớn nhất đang chờ đợi một doanh nghiệp tư nhân như FPT?
TS. Mai Liêm Trực: Đương nhiên là khi hội nhập quốc tế thì các doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn, FPT cũng không phải là ngoại lệ. Nhất là khi, hiện nay FPT là doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, nhưng so với các công ty đa quốc gia trên thế giới thì vẫn là nhỏ. Trương Gia Bình có khát vọng muốn vươn lên ngang ngửa với các tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ gặp phải khó khăn rất lớn.
Tôi cho rằng, FPT không gặp phải những khó khăn nội bộ, bởi đã có một thương hiệu tốt, bước đầu vươn ra thế giới, có được những sức mạnh tài chính nhất định. FPT cũng không gặp khó khăn về mặt nhân lực. Có một băn khoăn duy nhất là việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo kế cận Trương Gia Bình. Nhưng anh ấy vẫn còn trẻ và khỏe lắm (cười).
Theo quan sát của tôi, khó khăn lớn nhất của FPT cũng chính là khó khăn chung của các doanh nghiệp Việt Nam, đó là những rào cản trong nước. Họ không sợ bên ngoài mà chính là những trói buộc thể chế ở trong nước. Tôi thấy một số doanh nghiệp Việt Nam khi đi ra nước ngoài khá là đơn độc, chưa có sức lan tỏa, lôi kéo và phối hợp giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính chưa được như kỳ vọng. Không phải là vấn đề vốn mà là tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân và FDI.
Lãnh đạo các nước khi đi ra nước ngoài thường vận động ký kết hợp tác cho doanh nghiệp tư nhân và rất vui mừng khi doanh nghiệp ký được hợp đồng lớn. Tôi cứ nghĩ, họ làm việc đấy không phải chỉ để làm đẹp cho một cuộc viếng thăm, không phải đóng góp vào thành công của chuyến đi mà chính là hành động chứng minh Nhà nước bảo vệ, ủng hộ doanh nghiệp và có những trăn trở tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân.
Cần phải có chính sách khuyến khích, dũng cảm chứ không thể nhát gan, không dám quyết, không dám làm. Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng khẳng định, “nếu làm việc mà cứ cúi xuống nhìn vào “chân ghế” thì chẳng làm được việc gì cả”.
Quay ngược lại khoảng thời gian gần 20 năm trước, chuyện một người vốn xuất thân từ VNPT, lại mới giữ cương vị Tổng Cục trưởng, ký một quyết định có phần “ủng hộ ngầm” cho doanh nghiệp mới bước chân vào ngành viễn thông chưa đầy 1 năm như Viettel là điều khá lạ. Để bảo vệ cho quyết định của mình, tôi còn phải đối mặt với hàng loạt nghi ngờ, từ khả năng thành công của Viettel đến lợi ích cá nhân phía sau… Thậm chí cả tương lai chính trị của bản thân cũng được đem ra chất vấn.
Tôi từng thấy mình may mắn bởi vì mình từng liều, có gan, chứ nếu không sẽ thành tội đồ của dân tộc. Nếu cứ nghĩ mở cửa viễn thông là mất chủ quyền quốc gia thì giờ làm sao mà phát triển được.
- Có lẽ chúng ta tạm thời không bàn đến câu chuyện kinh tế, kinh doanh nữa. Tôi đang rất tò mò và muốn được cùng ông chia sẻ về một phạm trù khác. Nhà văn Pháp Georgette Leblanc từng viết về triết lý hạnh phúc: “Rốt cuộc, con chim xanh cũng vỗ cánh bay đi. Nhưng các bạn trẻ của chúng ta đã hiểu rằng, hạnh phúc chỉ nằm trong tầm tay với nếu chúng ta biết trân quý những điều giản dị trong cuộc sống". Anh hùng giải phóng dân tộc Che Guevara cũng từng phát biểu: “Hạnh phúc là một cuộc hành trình chứ không phải đích đến”.
Trương Gia Bình đồng tình với các quan niệm hạnh phúc trên, ông cho biết: “Với tôi, hạnh phúc cũng giống như câu chuyện của nữ nhà văn Pháp nọ, nó không hẳn là “con chim xanh”, mà là những trải nghiệm trên con đường tìm kiếm”. Còn với ông, ông quan niệm như thế nào về hạnh phúc?
TS. Mai Liêm Trực: Tôi tôn trọng quan niệm về hạnh phúc của hàng chục, hàng trăm nhà hiền triết, các nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Có nhiều người quan niệm về hạnh phúc là một sự dấn thân với đam mê và khát vọng của mình để thực hiện ước mơ.
Người phụ nữ Việt Nam trước đây quan niệm hạnh phúc là gia đình êm ấm, con cái trưởng thành; Các nhà khoa học thì hạnh phúc là quá trình tìm tòi các sáng chế; Văn nghệ sỹ thì hạnh phúc trước cái đẹp, trước những tràng vỗ tay của khán giả; Doanh nhân thì khát khao chinh phục thị trường, không phải chỉ kiếm tiền mà là thực hiện khát vọng, đam mê kinh doanh của mình, khẳng định bản thân.
Tôi thì do hoàn cảnh của mình nên quan niệm hạnh phúc là một sự nỗ lực để làm được những cái gì đó cho người thân, cộng đồng và cả xã hội. Mỗi ngày khi mở cửa, tôi thấy những người chạy xe ôm, chị buôn đồng nát, cô bán rau cầm điện thoại alo hay bấm điện thoại tách tách thì tôi cảm thấy cực kỳ hạnh phúc.
Trường Harvard có nghiên cứu trên 721 người từ lúc ra trường đến lúc trưởng thành về thế nào là hạnh phúc. Và họ tổng kết lại: Hạnh phúc là tạo được các mối quan hệ tốt đẹp từ trong gia đình, xã hội, cộng đồng. Tất nhiên, để có mối quan hệ đó cần quá trình tạo dựng và người ta tạo dựng trong suốt cuộc đời.
Cách đây 15 năm, tôi có chia sẻ, người lao động cần phải được trả giá đúng và được đánh giá đúng. Người lao động bình thường thì được trả giá đúng bằng lương bổng là quan trọng nhất, nhưng đối với giới trí thức thì đánh giá đúng quan trọng hơn là trả giá đúng, vấn đề không phải là tiền bạc, cấp nhà cửa hay lương bổng. Vậy nên, các nhà khoa học có mấy ai giàu đâu. Những thầy giáo giỏi nhất mà tôi học ở nước ngoài là những thầy giáo rất giản dị.
Tôi cũng tâm đắc với quan niệm hạnh phúc của Trương Gia Bình và Trương Gia Bình cũng vẫn đang khao khát tạo ra những trải nghiệm trên con đường tìm kiếm.
- Ông có thấy Trương Gia Bình không hẳn là một doanh nhân mà còn là một nhà khoa học?
TS. Mai Liêm Trực: Đúng vậy. Tôi quan sát con người của Trương Gia Bình, từ xưa vốn là nhà trí thức, là nhà khoa học. Làm kinh doanh cũng cần những tư tưởng, tầm nhìn khoa học. Ở Trương Gia Bình, kinh doanh là sự đam mê, không phải vì tiền mà là khát vọng cống hiến cho đất nước, xã hội.
Khát vọng thoát nghèo chính là động lực dẫn dắt Trương Gia Bình làm giàu. Ông bắt đầu kinh doanh với cái nhục khi ra nước ngoài bị người ta khinh bỉ.
Thế hệ của những người như Trương Gia Bình được hưởng thụ sự giáo dục về niềm tự hào dân tộc. Khát vọng làm giàu cũng chính là khát vọng được tôn trọng.
Nhờ có khát vọng nên Trương Gia Bình cũng luôn thích những thách thức mới. Và chính thách thức đã đẩy Trương Gia Bình và FPT lên một trạng thái mới, gọi là sáng tạo.
Và khi giàu, ông cũng thường xuyên chia sẻ với thế hệ trẻ những kinh nghiệm để sải bước đến con đường thành công, thậm chí là thông qua các quỹ đầu tư để thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp. Đó là những điều rất đáng quý.
Những người có giá trị của trí tuệ, khoa học như Trương Gia Bình thì càng giản dị và hành xử càng văn minh.
Có thể khái quát Trương Gia Bình là sự hội tụ của khát vọng, trí tuệ và khả năng tập hợp người tài.
- Trong quá trình “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đã xuất hiện một tư duy mới: Công nghiệp phần mềm là lối thoát duy nhất của Việt Nam. Và có vẻ như nhìn vào cách phát triển của FPT, họ đã nhìn ra lối thoát đó?
TS. Mai Liêm Trực: Đúng là công nghiệp phần mềm là lối thoát của FPT. Khi mới thành lập, FPT cũng tìm đủ mọi cách để kiếm sống và phát triển.
Khi công nghệ thông tin trên thế giới bắt đầu phát triển, FPT cũng tìm ra những phần mềm, giải pháp để ứng dụng trong nước, có những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Nhưng dù muốn hay không thì trong thị trường công nghệ thông tin lúc đó, các doanh nghiệp lớn, các cơ quan Nhà nước như ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông khi sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin, thường là nhập từ nước ngoài, vì FPT chưa có thương hiệu, năng lực có hạn. Nhất là với các cơ quan Nhà nước thường ngại trách nhiệm, muốn sự an toàn cho nên không dám mạo hiểm sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chưa có mấy tên tuổi.
Sau đó, Trương Gia Bình nhận ra rằng, chỉ làm như thế thì khó sống, cho nên mới đưa ra chiến lược xuất khẩu phần mềm, coi đó là lối thoát và đi tìm thử một vài thị trường của Mỹ, Ấn Độ nhưng chưa thực sự thành công.
Năm 2004, tôi dẫn đầu đoàn Hiệp hội các doanh nghiệp công nghệ thông tin sang thăm Nhật Bản, xúc tiến kết nối các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này và Nhật Bản trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT.
Sự khởi đầu của thời kỳ đó đã cổ vũ các doanh nghiệp khác của Việt Nam cùng làm. Và Hà Nội, TP.HCM trong top đầu của thị trường gia công phần mềm thế giới. Đó cũng là tiềm năng của con người, của dân tộc Việt Nam. Những người đi đầu đã tạo động lực và thành công, và FPT có một sứ mệnh rất lớn.
Tất nhiên, gia công phần mềm là một thế mạnh, lối ra và bây giờ vẫn là hoạt động cần thiết để tạo vốn, việc làm và đào tạo cán bộ. Nhưng nếu như hiện nay, không tập trung chuyển hướng mạnh hơn, để làm các sản phẩm lớn, giải pháp lớn, phần mềm lớn, toàn diện hơn thì khó mà cạnh tranh toàn cầu. Vì dù sao đi nữa, gia công phần mềm cũng có những hạn chế nhất định, ví dụ như giá trị gia tăng thấp.
Tôi cũng có cảm giác, FPT có lúc duy trì hơi dài và chú trọng gia công phần mềm, chưa để ý tới những khát vọng lớn hơn. Nhưng vài năm gần đây, FPT đã chuyển mạnh sang sản xuất những phần mềm ứng dụng lớn, và hiện nay FPT cũng đã có hàng trăm khách hàng nước ngoài lớn, tham gia đấu thầu cạnh tranh được cả ở thị trường Nhật Bản, Mỹ.
Đó mới là lối thoát thực sự, là sự chuyển hướng thông minh và nhanh nhậy, bởi hiện nay đã bước vào thời kỳ của những giải pháp phần mềm. Một chiếc xe tự lái thì tới 80% giá trị nằm ở phần mềm, chứ còn vật liệu thì giá trị không đáng bao nhiêu.
Thời xưa, vật liệu, năng lượng, tiền bạc là quan trọng; nhưng thời đại này, chất xám, trí tuệ mới là thứ quan trọng nhất. Cho nên, tập trung theo hướng đó mới tạo ra sức mạnh thực sự. Đây cũng chính là thế mạnh của Việt Nam, bởi chúng ta không có công nghiệp phụ trợ lớn, cơ khí không đủ mạnh, nguyên vật liệu hạn chế. Nhưng công nghiệp phần mềm chủ yếu phụ thuộc vào sức mạnh trí tuệ. Kỹ sư Việt Nam thông minh ngang ngửa kỹ sư Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Đó là đặc điểm hứa hẹn sự hấp dẫn về mặt thị trường. Đó là sức mạnh của Việt Nam khi ta mở cửa và bước vào thời kỳ phát triển mạnh của cách mạng Công nghiệp 4.0, của kinh tế số.
Tôi muốn các bạn biết rằng, trong quá trình vươn ra biển lớn, FPT đã phải "trả giá" khi là người tiên phong. Nhưng nhờ việc liều lĩnh cọ xát, FPT đã bắt đầu có được những hợp đồng quốc tế với các đối tác lớn, như IBM, Microsoft để nuôi dưỡng và hiện thực hóa tham vọng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về xuất khẩu phần mềm.
Trước những xoay chuyển của thời đại mới, Trương Gia Bình muốn đưa FPT chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành doanh nghiệp số cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện, với tham vọng hiện thực hóa mục tiêu đứng trong Top các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới.
- Ở giữa cuộc trò chuyện này, ông có nói Trương Gia Bình có nhiều ý tưởng tạo cảm giác là “nổ”. Ông có thể lý giải cụ thể hơn, vì sao người ta lại nhìn Trương Gia Bình là một người hay “nổ”…
TS. Mai Liêm Trực: Nhiều lĩnh vực, đứng về văn minh ứng xử của người Việt còn khoảng cách rất xa so với thế giới. Các nước phát triển đi cách xa mình hàng thế kỷ. Văn minh ứng xử của người Việt, nói gì thì nói, vẫn nặng về “gato”, kèn cựa. Mình nặng về háo danh, háo bằng cấp. Chiến tranh xảy ra, người dân sẵn sàng cống hiến mọi thứ để phục vụ cho cách mạng, nhưng trong cuộc sống hằng ngày cũng vẫn tị nạnh nhau từng tí một. Ngay cả trong văn hóa ứng xử, cũng còn coi thường những người không lành lặn, gọi là “thằng què”, “thằng béo”, “thằng điên”. Ở các nước văn minh, không có những chuyện chê bai người khác để làm trò cười.
Chê bai người khác cũng là cách để “nâng” mình lên. Những chuyện đó cần phải vượt qua. Những tầng lớp tinh hoa trong xã hội phải làm sao để khắc phục nhanh vấn đề này và phải định hướng được chứ cứ theo trào lưu thì văn văn minh ứng xử sẽ phát triển chậm.
- Khi ông bày tỏ những sự ủng hộ, thậm chí là giúp đỡ FPT thì mọi người xung quanh ông cảm thấy thế nào?
TS. Mai Liêm Trực: Thực ra, người ta chỉ hơi lạ thôi. Khi đó, tôi phải phát biểu rõ ràng rằng, họ có lấy tiền Nhà nước đâu, họ bỏ tiền đầu tư, kinh doanh, tạo việc làm, đóng thuế cho Nhà nước, rủi ro họ chịu.
Việt Nam cần phải thay đổi, phải tôn trọng doanh nghiệp tư nhân, nhất là khi họ không lấy của ai, họ bỏ sức ra để làm những điều táo bạo, mà phải có những người táo bạo thì mới ra được việc lớn. Thậm chí, cần những người có ý tưởng khùng khùng một tí, mới làm nên chuyện.
- Người FPT có một câu rất hay: “Lối đi ở dưới chân mình, đường là do khai mở mà có”. Và đây là câu hỏi cuối cùng: Nhân dịp FPT tròn 32 tuổi, ông muốn nói gì với người FPT và cá nhân ông Trương Gia Bình?
TS. Mai Liêm Trực: Tất nhiên xã hội đã có những đánh giá, và mỗi người có một cảm nhận. Riêng cá nhân tôi rất trân trọng và vui mừng trước những thành công của FPT. Dù một số người có thể có định kiến, nhưng tôi vẫn thấy rằng, Trương Gia Bình là con người có tài năng, có trí tuệ, và quan trọng hơn là có tấm lòng với đất nước. Họ có thể phát biểu những ngôn từ lạ tai, họ có thể làm những điều cảm thấy như cực đoan, nhưng họ là những người có khát vọng muốn cống hiến thật sự cho đất nước.
Cho đến nay, Trương Gia Bình hay những doanh nhân khác, là những người có khao khát được đóng góp cho đất nước - đó mới là điều quan trọng, chứ không phải chỉ để làm giàu. Xã hội nên lắng nghe, trân trọng, đừng vội phê phán, trỉ trích mà phải nhìn họ đã làm được gì cho cộng đồng, cho xã hội.
Trong chặng đường 32 năm, nhờ tinh thần mở lối tiên phong, FPT đã đưa các giải pháp công nghệ khai phá hàng loạt những lĩnh vực quan trọng, từ kết nối Internet và viễn thông, tin học hóa các ngành xương sống quốc gia, phổ cập thiết bị số cá nhân, đến xuất khẩu phần mềm, báo chí điện tử, giáo dục mang tính ứng dụng cao và chuyển đổi số, đặc biệt là toàn cầu hoá tiến ra biển lớn. FPT đã tiên phong trở thành đối tác dịch vụ mang tầm thế giới, đồng hành với các tên tuổi lớn để triển khai các nền tảng thông minh tiên tiến nhất của ngành công nghệ thông tin, của cuộc cách mạng số và trí tuệ nhân tạo.
Và giờ đây, sứ mệnh tiếp theo đang đặt lên vai Trương Gia Bình và FPT - tiên phong chuyển đổi số để chuyển đổi nền kinh tế - xã hội Việt Nam.
Và phía trước, những cơ hội mới và trải nghiệm mới đang mở ra cho FPT và Trương Gia Bình. Tôi chúc họ thành công!
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Và với riêng cá nhân tôi, cũng xin được gửi lời cảm ơn tới ông và những người đã góp phần đưa Internet vào Việt Nam – những con người có tầm nhìn xa, tử tế, kỷ cương, liêm trực, mạnh mẽ, thẳng thắn, dám dấn thân và dám chịu trách nhiệm!
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/truong-gia-binh-trong-mat-nguoi-mo-duong-dua-internet-vao-viet-nam-a144548.html