Thiệt và hơn khi mua bảo hiểm nhân thọ

Khi nói đến bảo hiểm nhân thọ, đa số mọi người đều nghĩ rằng đây là một kênh đầu tư để sinh lợi nhuận, điều này hoàn toàn sai lầm.

Đánh giá về những mặt hạn chế khi tham gia bảo hiểm nhận thọ, đặc biệt là so với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, độc giả Lâm chia sẻ:

"Tôi không đồng ý với quan điểm "Mua bảo hiểm nhân thọ có lợi chứ không có lời". Bảo hiểm nhân thọ là khoản tiền dùng để dưỡng già hoặc để cho con cái thừa kế nếu chẳng may bản thân qua đời vì bất kỳ lý do gì. Muốn có lợi như vậy, công ty bảo hiểm phải đảm bảo với khách hàng về giá trị của đồng tiền không bị mất giá theo thời gian do lạm phát.

Nên nhớ rằng, bảo hiểm là loại hình kinh doanh tài chính. Công ty bán dịch vụ bảo hiểm lấy tiền đầu tư kinh doanh các lĩnh vực kinh tế khác. Ở nước ngoài, công ty có thể đem hợp đồng bảo hiểm kỳ hạn dài mà khách hàng chi trả đúng hạn trong ba năm ra để thế chấp vay vốn ngân hàng. Lợi nhuận từ đầu tư kinh doanh luôn lớn hơn lãi suất tiết kiệm của ngân hàng. Mà lãi suất tiết kiệm của ngân hàng vốn chỉ đảm bảo cho tiền không bị mất giá vì lạm phát thôi chứ không làm cho người gửi tiền có lãi. Như vậy, công ty bảo hiểm kiếm được tiền bằng lợi nhuận đầu tư trừ lãi suất tiết kiệm. Quan hệ giữa người mua và bán bảo hiểm là quan hệ "win – win", hai bên cùng có lợi.

Ở ta, công ty bảo hiểm dường như không đảm bảo được điều này. Không đảm bảo được giá trị tiền mua bảo hiểm thì người mua có lợi ở chỗ nào? Ví dụ, tôi đóng một tỷ đồng mua gói bảo hiểm kỳ hạn 30 năm. Đến cuối kỳ, số tiền ấy có bằng giá trị của một tỷ ở 30 năm trước không? Nếu không bằng thì tôi gửi tiền vào ngân hàng còn có lợi hơn (30 năm sau khoản tiền ấy vẫn nguyên giá trị như 30 năm trước nếu tôi không rút tiền lãi ra mà để tiền lãi cộng dồn vào vốn). Khoản tiền gửi ấy vẫn được giao lại cho con tôi nếu tôi chẳng may gặp rủi ro nào đó.

Sẽ có người nói nếu bạn đang đóng bảo hiểm mà gặp rủi ro thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường cho bạn. Nhưng thực tế, ngoại trừ rủi ro vì bệnh tật ra, khả năng gặp rủi ro do tai nạn ngẫu nhiên không biết trước là rất thấp, chỉ những người phải thường xuyên di chuyển xa mới có nhu cầu mua. Với rủi ro do bệnh tật, công ty bảo hiểm cũng ra hàng loạt quy định về sức khỏe với người mua bảo hiểm rồi.

Trong khi đó, giải thích về nguyên tắc hoạt động cũng như những lợi ích mà bảo hiểm nhân thọ mang lại, bạn đọc Jack Huỳnh lại có một góc nhìn khác:

"Từ xưa tới nay, khi nói đến bảo hiểm nhân thọ, đa số mọi người đều nghĩ rằng, bảo hiểm là một trong những kênh đầu tư để sinh ra lợi nhuận. Điều này hoàn toàn sai lầm. Vì bản chất của bảo hiểm là không có lời, mà chỉ có lợi khi người được công ty bảo vệ trong hợp đồng (người được bảo hiểm) gặp sự cố, rủi ro. Khi đó, công ty bảo hiểm sẽ cam kết trả đúng và đủ cho người thừa kế hợp đồng (người thụ hưởng) một giá trị mà bên tham gia và công ty bảo hiểm cùng thống nhất khi ký kết hợp đồng (mệnh giá hợp đồng).

Khi khách hàng tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, họ sẽ phải đóng khoản tiền theo thỏa thuận dựa trên giá trị hợp đồng. Khoản tiền này dựa trên các yếu tố về tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính của người được bảo hiểm (phí bảo hiểm) và trị giá bảo vệ trong hợp đồng (mệnh giá) cho công ty theo định kỳ. Đổi lại, công ty sẽ cam kết chi trả toàn bộ hợp đồng (bồi thường) khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra cho người được bảo hiểm trong hợp đồng. Miễn là, các khoản phí bảo hiểm đến hạn đã được nộp đủ (có áp dụng 60 ngày gia hạn đóng phí khi tới kỳ phí mà khách hàng chưa kịp chuẩn bị tiền đóng).

Sự kiện bảo hiểm là một sự kiện xảy ra hoàn toàn bất ngờ, gây thiệt hại về tính mạng và sức khỏe của người được bảo hiểm trong đó cả bên mua và công ty bảo hiểm đều không thể lường trước được. Khi đó, công ty bảo hiểm vẫn phải thanh toán đủ quyền lợi cho khách hàng dựa trên mệnh giá hợp đồng, chứ không phải hoàn trả lại tất cả khoản phí mà khách hàng đã đóng cho công ty theo định kỳ cam kết tính tới lúc gặp rủi ro.

Như vậy, rất nhiều trường hợp, công ty bảo hiểm tuy chưa thu đủ số phí mà lẽ ra khách hàng phải có trách nhiệm nộp cho công ty để được bảo vệ, nhưng vẫn phải thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng của mình. Ở những năm đầu hợp đồng, số phí bảo hiểm mà khách hàng đóng cho công ty rất thấp nếu đem so với giá trị bảo hiểm mà công ty cam kết chi trả (mệnh giá) cho khách hàng. Vì vậy, số tiền bảo hiểm chịu rủi ro mà công ty phải gánh ở những năm đầu hợp đồng rất cao.

Khi có sự kiện bảo hiểm, nếu tổng số phí mà khách hàng đã nộp ít hơn mệnh giá, thì công ty bắt buộc phải trích một phần từ Quỹ dự phòng rủi ro dùng để bù đủ mệnh giá đã cam kết cho khách hàng của mình. Chính vì lẽ đó, khi tham gia bảo hiểm ở những năm đầu, nếu khách hàng đổi ý không tham gia nữa, thì chắc chắn, giá trị nhận lại từ hợp đồng của mình sẽ rất ít. Điều này được gọi là chia sẻ rủi ro".

Lê Phạm tổng hợp

Theo Vnexpress

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thiet-va-hon-khi-mua-bao-hiem-nhan-tho-a144818.html