Chuyện đời như phim Hàn Quốc của nhà sáng lập đế chế tỷ USD Hyundai: Nghèo đói, tai nạn, chiến tranh đều không khuất phục được ý chí khởi nghiệp

"Không có đường thì đi tìm đường, tìm không thấy thì tự làm đường mà đi"- Chung Ju Yung


"Không có đường thì đi tìm đường, tìm không thấy thì tự làm đường mà đi"- Chung Ju Yung

Trong giới xe hơi, cái tên Hyundai có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Thương hiệu ô tô này là một trong những niềm tự hào của người dân Hàn Quốc vươn lên sau chiến tranh, tự sản xuất ra xe hơi nội địa. Thế nhưng, ít ai biết rằng người sáng lập ra tập đoàn Hyundai, ông Chung Ju Yung đã phải nhiều lần bỏ nhà ra đi mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Trốn nhà lên thành phố

Chung Ju Yung sinh ngày 25/11/1915 tại Tongchon và là người con trưởng trong gia đình 6 anh em. Vốn nghèo khó nên cha của Chung Ju Yung chỉ mong muốn ông trở thành một anh nông dân giỏi để đỡ đần gia đình. Bởi vậy dù có ước mơ trở thành giáo viên nhưng Chung Ju Yung cũng phải gác lại để làm việc đồng áng.

Chuyện đời như phim Hàn Quốc của nhà sáng lập đế chế tỷ USD Hyundai: Nghèo đói, tai nạn, chiến tranh đều không khuất phục được ý chí khởi nghiệp - Ảnh 1.

Gia đình Chung Ju Yung

Thế nhưng cái nghèo chẳng chịu buông tha, gia đình Chung Ju Yung thường xuyên lục đục cãi nhau khi mùa màng thất bát, gia đình lại đói ăn vì chẳng thể lo được cho các con. Cậu bé Chung bắt đầu thấy tự hỏi chả liệu cuộc đời mình liệu có thoát được cái nghèo nếu vẫn tiếp tục chăm chỉ làm anh nông dân hay không.

Năm 16 tuổi, Chung Ju Yung cùng một người bạn quyết định lên thành phố Chongjin làm việc với khát vọng thoát khỏi cuộc sống khó khăn của nhà nông. Cả 2 xin vào làm công nhân xây dựng tại thị trấn Kowon và dù lương thấp, công việc nặng nhọc nhưng Chung Ju Yung khá thích thú khi được độc lập kiếm tiền. Dẫu vậy công việc này chỉ kéo dài được 2 tháng trước khi ông bị cha lên tìm lôi về.

Dù không ở lại được thành phố nhưng chuyến đi này giúp Chung Ju Yung phát hiện ra niềm đam mê đích thực của mình là công nghệ dân dụng. Bởi vậy ông lại lên kế hoạch trốn nhà đi Seoul. Thế nhưng ông cùng 2 người bạn đồng hạnh lại bị lừa hết tiền rồi bị cha lôi về lần nữa. Chuyến đi này chỉ vỏn vẹn 10 ngày nhưng sự phồn hoa của Seoul đã ăn sâu vào tâm trí Chung Ju Yung, khiến ông càng có quyết tâm thoát nghèo, rời quê hương khởi nghiệp.

Sau 1 năm chăm chỉ làm việc đồng áng, Chung Ju Yung lại quyết định thử cơ hội một lần nữa khi bán bò của cha để mua vé lên Seoul. Ông đăng ký một trường học nghề với hy vọng làm kế toán. Thế nhưng chủ 2 tháng sau đó cha ông lại lên lôi con về.

Năm 18 tuổi, Chung Ju Yung quyết tâm bỏ làng lên thành phố một lần nữa vì không chịu nổi cảnh đói nghèo, bần cùng tại quê hương. Ông lên Seoul và chấp nhận làm bất cứ công việc gì tìm được, từ lao công cho đến công nhân xây dựng.

Khi chuyển đến làm người giao hàng cho cửa hàng gạo Bokheung, Chung Ju Yung nhận ra mình có nhiều cơ hội tại đây và quyết định ở lại làm lâu dài. Thời kỳ đó, nhân viên giao hàng của Bokheung được ăn 3 bữa và nhận nửa bao gạo mỗi tháng thay cho tiền lương. Chính sự xa xỉ này đã giữ chân chàng trai nghèo Chung Ju Yung ở lại.

Thế nhưng chính bản thân Chung Ju Yung cũng không ngờ rằng cửa hàng gạo này lại là bước đầu tiên cho con đường xây dựng đế chế Hyundai hùng mạnh sau này.

Không khuất phục

Do làm việc chăm chỉ và nhận được nhiều lời khen từ các khách hàng quan trọng, Chung Ju Yung được nâng lên làm kế toán cho cửa hàng chỉ sau 6 tháng làm việc. Năm 1937, chủ cửa hàng gạo không muốn kinh doanh nữa vì cậu con trai ăn chơi trác táng, qua đó giao lại công việc cho Chung Ju Yung để trở về Trung Quốc.

Chuyện đời như phim Hàn Quốc của nhà sáng lập đế chế tỷ USD Hyundai: Nghèo đói, tai nạn, chiến tranh đều không khuất phục được ý chí khởi nghiệp - Ảnh 2.

Chung Ju Yung thời trẻ

Vậy là ở tuổi 22 từ một kẻ tay trắng, Chung Ju Yung thành ông chủ cửa hàng gạo và nhanh chóng phát đạt nhờ các mối làm ăn cũ. Thế nhưng khi chiến tranh xảy ra, chế độ phân phối gạo bị siết chặt vào năm 1939 và tất cả các cửa hàng gạo buộc phải đóng cửa.

Suốt 1 năm sau đó, Chung Ju Yung buộc phải ở lại quê tìm kiếm cơ hội mới và ông quyết định quay trở lại Seoul làm nghề sửa xe hơi vào năm 1940 sau khi xem xét những hạn chế mà quân đội Nhật Bản áp đặt lên vùng chiếm đóng.

Với số vốn vay 3.000 Won từ những mối làm ăn cũ, Chung Ju Yung đã mua lại xưởng sửa xe của một người bạn. Thế nhưng chỉ 25 ngày sau, một công nhân bất cẩn đã khiến xưởng sửa xe của ông bốc cháy, thiêu rụi mọi thứ. Không nản chí, ông lại tiếp tục đi vay để gây dựng sự nghiệp. Xưởng sửa xe của Chung Ju Yung khi này chỉ là một căn lều không được cấp phép và công văn yêu cầu dỡ bỏ căn lều trên đống đổ nát cũ đến mỗi ngày.

Không chịu khuất phục, Chung Ju Yung đã liên tục đến đồn cảnh sát khiếu nại mỗi ngày, bất chấp không được tiếp đón. Cuối cùng chính quyền phải chấp nhận cho túp lều sửa xe của ông tiếp tục hoạt động.

Chỉ trong 3 năm sau đó, ông đã kiếm lời lớn cũng như tăng số nhân công từ 20 lên 70 người. Thế nhưng quân đội Nhật lại ép buộc xưởng sửa xe này của ông phải sáp nhập với một nhà máy thép, buộc Chung Ju Yung trở về quê với số tiền 50.000 Won.

Tìm lấy đường mà đi

Vào năm 1946, Chung Ju Yung thành lập Hyundai để tận dụng cơ hội tái xây dựng và công nghiệp hóa sau chiến tranh. Ban đầu ông định tiếp tục mảng sửa xe, cơ khí nhưng nhanh chóng nhận thấy chúng không lợi nhuận bằng xây dựng công trình bất động sản.

Tại thời điểm đó, ngành xây dựng Hàn Quốc có sự khủng hoảng niềm tin khi các công ty trong nước yếu về kỹ thuật không được giao các dự án lớn. Để tìm kiếm hướng đột phá, Chung Ju Yung đã quyết định đấu thầu các dự án nước ngoài để lấy kinh nghiệm và xây dựng thương hiệu trước khi quay trở về thị trường nội địa.

Chuyện đời như phim Hàn Quốc của nhà sáng lập đế chế tỷ USD Hyundai: Nghèo đói, tai nạn, chiến tranh đều không khuất phục được ý chí khởi nghiệp - Ảnh 3.

Ban đầu, Hyundai đấu thầu thành công dự án đường cao tốc Pallani Narathiwat ở Thái Lan, tiếp đó là những công trình khó khăn ở Nhật Bản và các nước trong khu vực. Hyundai đã tự chế tạo những thiết bị xây dựng và đưa vào thương mại hóa như máy nén áp suất, xe bê tông xi măng… để tự tháo gỡ các khó khăn trong quá trình làm dự án.

Đi theo đúng tiêu chí "Không có đường thì đi tìm đường, tìm không thấy thì tự làm đường mà đi", Hyundai từ một hãng xây dựng thua lỗ do thiếu kinh nghiệm dần trở thành công ty có lãi và danh tiếng trên thị trường quốc tế.

Sau khi đã có kinh nghiệm và danh tiếng tại các dự án quốc tế, Hyundai quay trở lại Hàn Quốc và dễ dàng trúng thầu nhiều dự án lớn, thậm chí là những hợp đồng với quân đội Mỹ.

Tiếp trong những năm sau đó, Hyundai liên tục mở rộng sang các ngành đóng tàu, xe hơi, điện tử… Thập niên 1980, Huyndai trở thành tập đoàn gia đình trị (Chaebol) lớn nhất Hàn Quốc. Hãng đóng tàu của Hyundai vào thời đỉnh cao là một trong 3 hãng đóng tàu sừng sỏ trên thế giới và là người đi tiên phong cho mảng này tại Hàn Quốc. Công ty con sản xuất điện tử của Hyundai cũng nhanh chóng trở thành nhà sản xuất chip vi tính lớn thứ 2 thế giới trong thập niên 1990.

Trước khi cuộc khủng hoảng Châu Á 1997 diễn ra, doanh thu của Hyundai đã vượt 90 tỷ USD. Bản thân Chung Ju Yung với tổng tài sản hơn 6 tỷ USD đã trở thành người giàu nhất Hàn Quốc khi đó.

Chuyện đời như phim Hàn Quốc của nhà sáng lập đế chế tỷ USD Hyundai: Nghèo đói, tai nạn, chiến tranh đều không khuất phục được ý chí khởi nghiệp - Ảnh 4.

Niềm tự hào dân tộc

Mặc dù giàu có nhưng Chung Ju Yung sống rất tiết kiệm, ngay cả gia đình ông cũng chi tiêu hợp lý chứ không phung phí. Gia tộc Hyundai đến ngày nay vẫn có thói quen ghi lại các khoản chi tiêu hàng ngày, một điều hiếm trong số các Chaebol Hàn Quốc.

Bản thân Chung Ju Yung cũng chưa bao giờ trách cứ thân phận nông dân nghèo gian khó, thay vào đó ông cảm ơn số phận đã cho ông nghị lực để tiến về phía trước. Nhà sáng lập Hyundai cho rằng người thành công hay thất bại khác nhau ở quá trình nỗ lực và cách nhìn nhận kết quả chứ không phải do xuất phát điểm.

Năm 1998, Chung Ju Yung là công dân Hàn Quốc đầu tiên bước qua biên giới với Triều Tiên mà không có quân đội đi kèm. Trước khi mất vào ngày 21/3/2001, Chung Ju Yung đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị, chính phủ Trung Quốc tặng huy chương. Mặc dù không được học hành đầy đủ nhưng trước đó vào năm 1982, Chung Ju Yung là người đầu tiên không phải công dân Mỹ được nhận bằng tiến sỹ danh dự về quản trị của trường đại học George Washington.

Đối với người dân Hàn Quốc, Chung Ju Yung là huyền thoại khởi nghiệp và là niềm tự hào của dân tộc.


AB

Theo Tổ Quốc/Tổng hợp

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-doi-nhu-phim-han-quoc-cua-nha-sang-lap-de-che-ty-usd-hyundai-ngheo-doi-tai-nan-chien-tranh-deu-khong-khuat-phuc-duoc-y-chi-khoi-nghiep-a144833.html