Từ một hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, ông Vũ Mạnh Hùng đã kiên trì theo đuổi những mục tiêu lớn, từng bước xây dựng thành doanh nghiệp. Tập đoàn Hùng Nhơn trở thành "ông trùm" gà lạnh, một trong những "đại gia" của ngành chăn nuôi.
Trò chuyện cùng Dân Việt về những thành quả có được, ông Vũ Mạnh Hùng chỉ nói: "Thành công, hay hạnh phúc giản dị sẽ đến khi người ta đã trải qua quá nhiều cay đắng, thất bại đau đớn mà không gục ngã… Giờ là lúc chúng tôi hái quả ngọt mà thôi".
Ông thật khác với hình dung ban đầu của tôi. Nên gọi ông là nông dân nuôi gà, hay là "đại gia" đây?
- (Cười) Cũng có nhiều người hỏi tôi như vậy. Chính tôi, trước đây thường chỉ mặc quần áo lao động, hoạ hoằn đi công chuyện mới mặc chỉnh tề. Nhưng bây giờ tôi đã thay đổi suy nghĩ đó. Làm nông đâu phải lúc nào cũng chân lấm tay bùn. Thời đó qua rồi, vì chúng ta đang áp dụng công nghệ cao, đã là thời đại của công nghệ 4.0. Con người quản lí, vận hành trang trại bằng máy móc, phần mềm, không phải lao động chân tay nhiều nữa thì đương nhiên bạn có thể mặc đẹp, thơm tho như bất cứ ai.
Thứ hai là, khi tôi mở rộng sản xuất kinh doanh và lập công ty, rồi thành lập tập đoàn vào năm 2006, tôi thường xuyên tiếp đón đối tác. Qua đó mình có cơ hội nhìn nhận, học hỏi cách làm việc của đối tác. Tôi quyết định mọi thứ trong trang trại của mình phải thật chuyên nghiệp, sạch sẽ, từ đồng phục công nhân, đồ bảo hộ, đến nơi ăn chốn ở của người lao động… Toàn bộ trang trại đều được quản lý bằng phần mềm. Bạn thấy đó, vào trại nuôi gà, lợn hàng chục ngàn con nhưng không hề có mùi hôi thối, nhờ chúng tôi xử lí chất thải bằng công nghệ, biến phân gà, phân lợn thành phân bón hữu cơ.
Được biết mới đây anh đã bắt tay với một số doanh nghiệp lớn triển khai dự án nuôi lợn giống ở Đắk Lắk, Gia Lai, tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, lớn nhất ngành chăn nuôi lợn hiện nay?
Đúng vậy. Qua nhiều năm lăn lộn trong nghề nuôi gà, Hùng Nhơn Group đã trở thành thương hiệu có uy tín, với đàn gà đạt tiêu chuẩn chất lượng GlobalGAP. Nhưng tôi không muốn chỉ dừng lại ở con gà vì ngành chăn nuôi còn rất nhiều tiềm năng để khai phá.
Thực tế tôi đã nuôi lợn thịt từ nhiều năm nay, với các trang trại hàng nghìn con ở Bình Phước, Bình Dương. Kinh nghiệm quản lí tôi có thừa. Nhưng bất cứ doanh nghiệp nào muốn tồn tại lâu bền, cũng không thể đi bằng 1 chân, đứng 1 mình trên thường trường. Phải có sự liên kết, tương trợ lẫn nhau.
Hiện Tập đoàn De Heus (Hà Lan) là đối tác lớn và quan trọng nhất của Hùng Nhơn Group. Sở dĩ De Heus bắt tay cùng chúng tôi là bởi ở thời điểm đó, Hùng Nhơn là trang trại duy nhất ở Đông Nam Bộ đáp ứng được hàng trăm tiêu chí nuôi gà GlobalGAP vô cùng khắt khe.
Những ngày này, chúng tôi đang hoàn tất các khâu cuối cùng để khởi công dự án "Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk" tại huyện Cư M'Gar. Dự án này có quy mô sử dụng khoảng 200ha đất, gồm trang trại chăn nuôi lợn giống cụ kỵ, ông bà nhập khẩu từ Hà Lan khoảng 80ha; khu nuôi gà giống khoảng 30ha; nhà máy giết mổ lợn thịt và sản xuất phân bón hữu cơ 15ha; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20ha; khu trồng trọt, đất cây xanh 30ha…
Tổng vốn đầu tư dự kiến 66 triệu USD, tức khoảng 1.500 tỷ đồng thực hiện từ nay đến năm 2025. Sau khi dự án đi vào hoạt động, sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 24.000 con lợn bố mẹ và lợn hậu bị mỗi năm.
Hiện nay Tập đoàn Hùng Nhơn đang sở hữu 18 trại nuôi gà lạnh tại Bình Phước, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của Tập đoàn Big Dutchman (Đức). Tổng đàn gà khoảng 360.000 con/lứa, công suất 5.400 tấn gà thương phẩm/năm. Bên cạnh đó là trang trại gà đẻ trứng 7ha, tổng đầu tư gần 100 tỷ đồng, sản lượng bình quân 130 triệu quả trứng/năm.
Ngoài ra, "ông trùm" gà lạnh Vũ Mạnh Hùng còn có trại chăn nuôi lợn diện tích 100ha với gần 10.000 con lợn nái, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.
Với quy mô như thế, tại sao ông không tiếp tục chọn đầu tư chăn nuôi ở những nơi mình đang "làm mưa làm gió" như Bình Phước, Đồng Nai, vừa gần các thị trường tiêu thụ lớn, vừa là nơi có hạ tầng thuận lợi? Tây Nguyên phải chăng đang là miền đất hứa?
- Các tỉnh Đông Nam Bộ hiện nay gần như quá tải rồi, điển hình như tỉnh Đồng Nai đã không cấp phép cho các dự án chăn nuôi mới. Chúng tôi tìm mỏi mắt không ra khu đất nào rộng vài chục ha để đầu tư trang trại chăn nuôi công nghệ cao.
Vì sao chúng tôi chọn làm dự án ở huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk? Thứ nhất, ở đây đất đai rộng lớn, xa khu dân cư, đảm bảo các yếu tố về môi trường, an toàn dịch bệnh, lại gần đường giao thông. Chúng tôi sẽ cùng Tập đoàn De Heus xây dựng các chuỗi sản xuất lợn giống, hàng nông sản như trái cây, nuôi bò, nuôi lợn thịt… Chúng tôi chấp nhận chi phí ban đầu tăng gấp 2-3 lần để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong bán kính 5km.
Thứ hai, đây là dự án chăn nuôi lợn cụ kỵ, ông bà lớn nhất ở Tây Nguyên đến thời điểm này. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai dự án tương tự ở Gia Lai, trở thành nhà cung cấp lợn giống chất lượng cao hàng đầu cho 5 tỉnh Tây Nguyên.
Thứ ba, khi chúng tôi đặt vấn đề triển khai dự án tại Đắk Lắk, tỉnh đã mời các địa phương đến họp. Nhiều huyện cũng muốn mời chúng tôi đến đầu tư, nhưng hôm đó chỉ có huyện Cư M'Gar là cả Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện cùng dự họp. Điều đó cho thấy lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm đến dự án. Là doanh nghiệp, chúng tôi bỏ nhiều tiền ra nên xác định không chỉ chọn đất mà chọn cả con người, tổng hợp các yếu tố "thiên thời địa lợi nhân hoà".
Thực tế nơi nào chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thì doanh nghiệp phát triển thuận lợi, đóng góp nhiều cho địa phương.
Khu chăn nuôi ở Đắk Lắk sẽ được xây dựng trở thành khu an toàn dịch bệnh đầu tiên của Tây Nguyên và của De Heus ở Việt Nam. Chúng tôi rất kì vọng đây sẽ là dự án mang tính đột phá, có tầm nhìn chiến lược dài hạn của cả 2 tập đoàn ở Tây Nguyên.
Dự án này có quy mô rất lớn, trong khi làm nông nghiệp thì đầy rẫy rủi ro, đặc biệt là chăn nuôi. Nhiều người đã phá sản vì dịch bệnh, ông không sợ cảnh trắng tay sẽ lặp lại như đã từng gặp với con gà sao?
- Đúng là nông nghiệp quá nhiều rủi ro, có thể mất trắng sau 1 đêm. Nhưng như tôi đã nói, chúng tôi không làm một mình và không bỏ hết trứng vào một giỏ. Ở Việt Nam, cho đến bây giờ vẫn có ít doanh nghiệp sẵn sàng bắt tay hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài. Hầu như người ta chỉ làm 1 mình, giữ các bí quyết chiến lược kinh doanh cho riêng mình.
Còn chúng tôi đã thực hiện liên kết chuỗi với một số doanh nghiệp, với nhiều bà con nông dân, trong đó có tập đoàn hàng đầu của Hà Lan là De Heus để cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm; Tập đoàn Bel Gà (Bỉ) để có con giống sạch bệnh; kí kết hợp tác với Fresh Studio để làm quy trình quản lý chất lượng; hợp tác với Công ty C.P Việt Nam để tiêu thụ trứng, thịt gà… Ngoài ra còn kí kết với Tập đoàn FPT để thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng tem "nổ" thông minh cho các sản phẩm phân bón. Ưu điểm của loại tem này là khó làm giả, bóc tem sẽ "nổ" để tự huỷ.
Và khi đi cùng tập đoàn lớn, chúng tôi không chỉ học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay mà còn giảm rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
Chúng tôi được nhiều hơn mất. Đó là có cơ hội thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, đặc biệt là có cơ hội nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tiếp cận máy móc công nghệ hiện đại.
Ngược lại, chúng tôi biết có thể thất bại cay đắng nếu như chuỗi liên kết đó chệch choạc, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, chất lượng sản phẩm; không kiểm soát được quá trình vận hành, không tìm được tiếng nói chung.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hùng Nhơn Group và Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus kí biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất thịt, trứng gia cầm với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại Hà Lan năm 2018.
"Ông trùm" gà lạnh Hùng Nhơn khẳng định, nhờ chủ động bắt tay làm ăn, liên kết với các đối tác nước ngoài mà tập đoàn đã giảm được giá thành ngang bằng với các nước chăn nuôi tiên tiến trong khu vực như Thái Lan, và có thể tự tin khi bước ra thế giới.
Điểm yếu của các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam nói chung hiện nay là thiếu nhân lực trình độ cao, năng lực quản lí hạn chế. Hùng Nhơn sản xuất kinh doanh nhiều mảng như vậy, anh có lo lắng lúc nào đó mình sẽ mất kiểm soát?
- Tôi tự tin dự án sẽ thành công bởi được đầu tư bài bản, áp dụng các công nghệ, máy móc hiện đại nhất, hoàn toàn khép kín. Toàn bộ quá trình chăn nuôi và sinh sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kĩ thuật, vận hành và giám sát theo công nghệ 4.0. Điều này sẽ giúp kiểm soát tốt chất lượng, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm…
Hiện chúng tôi đã sử dụng các công nghệ, máy móc hiện đại nhất thế giới và quy trình GlobaGAP cho toàn bộ trang trại nuôi gà ở Bình Phước, Bình Dương, sử dụng hệ thống điện từ năng lượng mặt trời để giảm nhiệt cho các chuồng trại.
Cá nhân tôi nhận thấy lĩnh vực nào cũng thế chứ không riêng gì chăn nuôi. Hôm nay là tỷ phú, nhưng ngày mai có thể trắng tay nếu không kiểm soát được dịch bệnh, không đi tắt dón đầu liên kết chuỗi, không định hướng được sản phẩm tới tay người tiêu dùng một cách tốt nhất. Đặc biệt, nếu không thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật thì rất khó để tồn tại. Càng chăn nuôi lớn, lại càng phải nâng cao trình độ quản lý, học hỏi liên tục.
Có lần trò chuyện với Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, tôi đã chia sẻ rằng dịch tả lợn châu Phi không khác nào 1 cơn bão. Nếu chúng ta đi đúng vào tâm bão thì sẽ tồn tại, nhưng nếu đi theo các góc cạnh thì sẽ bị quét sạch. Tôi tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng và tôi chọn hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp.
Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đang đầu tư mạnh vào ngành chăn nuôi Việt Nam, cũng có ý kiến lo ngại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại sẽ bị đè bẹp. Liệu việc bắt tay làm ăn với De Heus của Hùng Nhơn có phải là một chiến lược nhìn xa trông rộng?
- Tôi cho rằng việc doanh nghiệp FDI vào đầu tư chăn nuôi là điều bình thường, đây là cơ hội cùng bắt tay nhau làm ăn, cùng phát triển chứ không có gì phải e ngại. Trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại chính là trình độ quản lý, trình độ ngoại ngữ. Những điều đó chúng ta đều có thể học.
Điều tôi tự hào, đó là trong khi hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi gà ở Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn VietGAP (12 tiêu chí) thì từ nhiều năm nay, chúng tôi đã chăn nuôi theo quy trình GlobalGAP, áp dụng 349 tiêu chí. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải học hỏi nhiều ở các doanh nghiệp nước ngoài, đó là sự kiên nhẫn. Bên cạnh đó là phải có chiến lược, tầm nhìn xa, đi trước đón đầu ít nhất là 10 năm, có vậy mới thành công.
Ngoài chăn nuôi gà, lợn, "ông trùm" gà lạnh sinh năm 1974 Vũ Mạnh Hùng còn có nhà máy phân bón hữu cơ Đồng Phú, kinh doanh ô tô; là ông chủ của hơn 1.000 người lao động với mức lương bình quân 9-10 triệu đồng/người/tháng. Nhưng ít ai biết ông Hùng chưa từng học qua về nông nghiệp. Trường học lớn nhất của ông, chính là lăn lộn với đời.
Ông có thể chia sẻ về chặng đường hơn 20 năm chăn nuôi gà, vươn lên thành Tập đoàn Hùng Nhơn hiện nay?
- Ngày đó sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi đi học tại Trường Việt - Xô của Thủy điện sông Đà. Học xong đi làm thợ mộc, rồi vào thủy điện sông Hinh làm công nhân. Thấy cuộc sống khó khăn quá, tôi khăn gói vào Bình Phước để tìm kiếm cơ hội mới. Việc gì có tiền tôi cũng làm, như bốc xếp, thợ mộc, thợ nề, rồi làm lái xe.
Sau khi lập gia đình, khoảng năm 1998 vợ chồng tôi đầu tư đàn gà 1.000 con. Lúc đó làm gì có tiền mà đi học chăn nuôi. Dựng tạm cái nhà lá, rồi nuôi thêm đàn lợn. Thắng được 1-2 lứa đầu tôi mở rộng quy mô lên 5.000 con, rồi 10.000 con.
Đang ngon nghẻ thì đùng một cái, dịch cúm gia cầm ập đến, chẳng khác nào cú sốc lớn trong đời tôi. Lúc đó, tôi không chỉ sợ phải nhìn thấy đà gà chết la liệt vì dịch, mà còn mất ăn mất ngủ vì virus cúm gà có thể lây bệnh qua người. Những chuồng gà khoẻ mạnh cũng không bán được, giá rẻ như cho. Toàn bộ đàn gà phải đem tiêu huỷ, cơ ngơi sự nghiệp đổ hết xuống sông xuống biển.
Hoang mang, nhụt chí lắm, nhưng tôi nghĩ mình vẫn còn trẻ khoẻ, chẳng lẽ chịu thua? Tôi để ý thấy một điều, hầu như các doanh nghiệp chăn nuôi gà của Việt Nam đều sống lay lắt hoặc phá sản vì dịch bệnh, song các doanh nghiệp FDI thì phục hồi rất nhanh. Điều đó thôi thúc tôi phải rà soát lại toàn bộ quy trình chăn nuôi, rồi sang Thái Lan thăm quan, học hỏi, tìm kiếm giải pháp mới. Chúng tôi rút ra một điều, do thân nhiệt con gà nóng, nguồn bệnh lây lan là từ con người mang tới nên đã quyết định phải thay đổi.
Tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống trang trại gà lạnh, tự động hoá 100%, gần như bàn tay con người không phải động vào để nhằm quản lí tốt hơn vấn đề dịch bệnh.
Sau đợt dịch cúm đó, ông có bị thiệt hại nữa không? Và ông có lời khuyên nào cho những người đang khởi nghiệp từ nông nghiệp?
- Trại gà lạnh đầu tiên của tôi tiêu tốn mất hơn 100 tỷ đồng. Đó là năm 2006, số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Nhưng bạn biết đó, nếu dám đột phá, đầu tư bài bản, áp dụng công nghiệ hiện đại thì tỷ lệ thành công rất cao.
Vừa làm vừa học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, dần dần tôi hình thành chuỗi khép kín, trồng ngô, khoai mì để làm thức ăn chăn nuôi, chất thải từ nuôi lợn, nuôi gà được đưa vào sản xuất phân bón hữu cơ, bón cho cây trồng và 800ha cao su.
Với người mới đầu tư vào nông nghiệp, phải hiểu rằng đây là lĩnh vực nhiều rủi ro nhất. Nuôi 5 lứa gà, lỗ mất 3 là chuyện bình thường.
Cho đến năm 2010, tổng vốn đầu tư cho các dự án nông nghiệp của tôi đã lên đến 500 tỷ đồng. Nhiều người nghĩ tôi quá mạo hiểm, liều lĩnh. Song quan điểm của tôi là chỉ làm những cái mình giỏi. Thế mạnh của tôi chính là nông nghiệp, ngoài sự đam mê, trăn trở, tôi luôn khát khao làm cho đàn gà, đàn lợn của mình lớn hơn nữa, vươn ra tầm khu vực…
Để có quy mô chăn nuôi lớn như hiện nay, các doanh nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn về vốn, đất đai. Vậy làm thế nào để Hùng Nhơn đi đến đâu cũng được ưu ái?
- Điều quan trọng là gì? Tôi cho rằng đó là thực lực. Chúng tôi nói được, làm được nên nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của chính quyền địa phương, cho thuê đất diện tích lớn, tạo điều kiện về thủ tục giấy phép, được các ngân hàng tin tưởng cho vay vốn.
Và một điều nữa, đó là phải liên kết, tạo thành chuỗi sản phẩm chất lượng. Nếu không có liên kết, hợp tác thì chắc chắn sẽ "chết". Liên kết sẽ tạo sức mạnh như một bó đũa, lên cùng lên…
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Khi đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, chúng tôi đã thể hiện quan điểm không muốn cạnh tranh trực tiếp với người chăn nuôi. Nghĩa là De Heus không trực tiếp chăn nuôi vì sẽ đi ngược lại lời hứa 100 năm của tập đoàn. Theo đó, chúng tôi muốn liên kết, cung cấp cho người dân con giống tốt nhất, thức ăn tốt nhất và bao tiêu đầu ra. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ giúp họ công nghệ mới để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Giai đoạn đầu thử nghiệm mô hình đó tại Việt Nam, chúng tôi mời 10 hộ nông dân đến tìm cơ hội hợp tác. Tuy nhiên sau khi trao đổi, chỉ có 3 hộ nông dân đáp ứng được các tiêu chí của De Heus. Chúng tôi tiếp tục khảo sát lần nữa tại trang trại, thì chỉ có trại gà lạnh của anh Vũ Mạnh Hùng là chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trại gà của anh quy mô lớn, không chỉ đáp ứng các tiêu chí VietGAP, mà còn đạt chuẩn GlobalGAP với 349 tiêu chí. Đó là lí do De Heus chọn Tập đoàn Hùng Nhơn làm đối tác triển khai một loạt các dự án ở Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng…
Từ năm 2019 đến nay, De Heus tiếp tục liên doanh cùng Hùng Nhơn thành lập 2 Công ty CP phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk và DHN Gia Lai. Tổng vốn đầu tư 2 dự án khoảng 2.500 tỷ đồng.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-trum-ga-lanh-hung-nhon-va-cu-bat-tay-nghin-ty-voi-tap-doan-de-heus-a144982.html